| Hotline: 0983.970.780

Ma túy thiêu đốt nhiều mái nhà vùng cao

Thứ Ba 15/10/2019 , 08:57 (GMT+7)

Sơn La không chỉ là điểm nóng về vận chuyển ma túy mà còn là nơi hứng chịu biết bao hệ lụy khủng khiếp khi tệ nạn này đang len lỏi vào từng gia đình.

Tại nhiều xã biên giới, trường hợp cả gia đình vướng vào cái chết trắng là không hiếm.
 

Cả nhà cùng nghiện ma túy

Mỗi căn buồng điều trị đối tượng nghiện ở cơ sở điều trị nghiện ma túy Sơn La có khoảng gần 50 người với đủ các độ tuổi khác nhau. Trong số hàng trăm căn buồng ở trung tâm cai nghiện có hai cặp mẹ con có hoàn cảnh khá đặc biệt. Họ đều bị chính người chồng, người cha của mình dẫn dắt vào con đường chết chóc.

nh-913561142
Cơ sở điều trị nghiện ma túy Sơn La.

Sùng Y Thắng năm nay vừa tròn 18 tuổi. Thắng mới vào trại cai nghiện được một tuần và vẫn trong giai đoạn điều trị cắt cơn. Cha, mẹ, anh trai Thắng đều dính vào ma túy.

“Em bị đau lưng, đi bệnh viện không khỏi thế là cha mẹ cho hút thử ma túy cho đỡ. Khi thử em cũng không biết là hút cái này sẽ nghiện đâu. Sau em bị vật mới biết thì nghiện mất rồi”, Thắng kể lại

Thắng học đến lớp tám ở Mai Châu – Hòa Bình thì bỏ học để kiếm tiền mưu sinh và lo cho cha mẹ nghiện ngập. Cha và anh trai Thắng bị bắt vì tham gia vận chuyển ma túy. Không chỗ bấu víu, hai mẹ con Thắng bị bắt vào trung tâm cai nghiện sau chuỗi ngày lang thang, trôi dạt làm thuê kiếm tiền mua ma túy ở Vân Hồ, Sơn La.

Thắng cho biết: “Em muốn đi học lắm! Ngày xưa em là học sinh giỏi cơ mà. Em không hiểu sao cha em biết nghiện cái này hại mà còn cho em hút. Em hận cha mẹ lắm! Không hiểu sao số em lại sinh ra trong hoàn cảnh cha mẹ như vậy. Giờ bỏ thì cũng khó mà không bỏ thì càng hại cho mình”.

Thắng vừa kể chuyện vừa chỉ tay sang người phụ nữ nằm ở giường bên cạnh: “Mẹ em không nói được tiếng Kinh. Mẹ nghiện lâu lắm rồi. Giờ bà lẩn thẩn và không nhớ là nghiện từ năm nào. Em không thích về nhà, em thích ở đây hơn. Em sợ hai năm nữa hết hạn ở đây, khi về quê nhìn thấy thuốc em sẽ nghiện lại mất”.

Cùng buồng với Sùng Y Thắng, hai mẹ con Vàng Thị Dở cũng bị chính người cha, người chồng của mình dẫn dắt vào con đường nghiện ma túy với lý do rất đơn giản.

“Mẹ cháu bị ốm nằm viện chữa mãi không khỏi. Bố bảo mẹ hút mấy bi cho khỏe. Mẹ hút vào khỏe hơn nên bố cũng cho cháu hút luôn để lấy sức chăm mẹ. Lúc mẹ khỏi bệnh thì cả  hai mẹ con cháu cũng nghiện mất rồi”, Dở cho hay.

Nhà Dở ở cách bản Tà Dê, xã Lóng Luông không xa (nơi từng là boongke của trùm ma túy Nguyễn Thanh Tuân). Hầu hết cha, mẹ và nhiều người trong gia đình, hàng xóm của Dở đều nghiện ma túy. Vì vậy, con đường cai nghiện của những người như mẹ con Dở đều rất khó khăn.

“Về quê lại nghiện thôi! Ở quê đi làm họ không trả tiền mà toàn trả thuốc thôi. Làm nhiều thì cũng hút thôi mà. Sợ lắm! Tôi vẫn muốn cho con Dở ở trong này chứ không muốn về đâu. Quy định không được ở lại quá hai năm. Về quê thì cả hai mẹ con lại nghiện mất thôi”, bà Tráng Thị May, mẹ đẻ của Dở cho biết thêm.

nh-2135609998
Mẹ con Vàng Thị Dở tại Cơ sở điều trị nghiện ma túy Sơn La.

Nỗi sợ hãi của mẹ con Thắng, Dở là hoàn toàn có cơ sở bởi ở Trung tâm cai nghiện này có những người đã quay trở lại đây nhiều lần. Ông Vàng A Sùng ở Vân Hồ, Sơn La chính là đối tượng như vậy.

“Tôi lên trên này ba tăng rồi. Nhiều thuốc lắm! Chúng bạn ở bản nhiều thuốc nên không cai được. Mỗi khi làng cúng làng ma ấy, bạn nó rủ rê thế là lại hút. Nó cứ ném ma túy trước mặt lại không nhịn được. Nghiện có bao nhiêu tiền cũng hết. Không biết tiếc tiền. Giờ chắc chắn không cai được rồi. Khổ lắm!”, ông Sùng nói.
 

Cuộc chiến không hồi kết

Ở một căn buồng khác của Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Sơn La, Thầu Thị Sâu năm nay tròn 20 tuổi. Lấy chồng sớm, Sâu đã làm mẹ từ năm 18 tuổi. Cùng nghiện ma túy, hai vợ chồng Sâu “ném” con cho một người họ hàng nuôi và đi tìm thuốc. Sau những trận cãi vã vì vật thuốc, không có tiền mua ma túy, hai vợ chồng Sâu bỏ nhau. Sâu bị bắt đi cai nghiện không lâu thì chồng cũng bị đưa đi trại.

“Chồng nó hút bảo ngon nên em cũng thèm. Lúc nó cho thì hút. Hút nhiều đến lúc không bỏ được. Khi lên cơn thèm thuốc thì tìm mọi cách có tiền mua thuốc thôi. Ai bảo làm gì rồi cho tiền mua thuốc em cũng nghe. Vào đây được điều trị tỉnh táo mới mới biết thương con thì muộn rồi. Giờ mỗi lần nghĩ đến con đau lòng lắm! Chồng bị bắt đi tù rồi. Giờ cho về cũng chả biết làm gì nuôi con. Với lại, về sợ nghiện lại mất”, Sâu cho hay.

Hiện cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh Sơn La có gần 1.800 đối tượng cai nghiện bắt buộc. Trong đó, nữ giới chiếm tỷ lệ khá cao. Ma túy đã biến nhiều cô gái trẻ vùng biên thành tội phạm, gái mại dâm và thậm chí là những cái xác không hồn sau nhiều năm chìm đắm trong “làn khói trắng”.

Trong những căn buồng cai nghiện, nhiều người đã quên mất mình bao nhiêu tuổi, sinh ngày tháng năm nào. Họ chỉ nhớ mình nghiện từ khi tóc còn đen nhưng sau nhiều lần cai nghiện tóc đã bạc, mắt mờ, răng rụng…Họ có thể quên gia đình, bạn bè và chính bản thân mình nhưng vẫn chẳng thể quên được cảm giác phê pha trong làn khói trắng.

Ông Đoàn Văn Tứ, Giám đốc Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh Sơn La cho rằng: “Theo quy định của Bộ Y tế, người nghiện là người bệnh. Bệnh phá hủy hệ thần kinh nên nguy cơ họ tái nghiện rất cao. Thực tế, người nghiện trở lại tái hòa nhập cộng đồng rất khó. Đặc biệt, ở các tỉnh vùng cao, nơi điểm nóng ma túy như Sơn La thì các đối tượng sẽ dễ tái nghiện hơn. Hàng năm, có khoảng 20 đến 30% học viên phải bắt buộc quay lại trung tâm điều trị”.

Số liệu thống kê của Bộ LĐTB&XH cho biết: “Hiện nước ta có khoảng hơn 200.000 người nghiện ma tuý có hồ sơ quản lý. Tính đến tháng 4/2019, cả nước có 105 cơ sở cai nghiện công lập, hiện đang điều trị, cai nghiện cho hơn 38.000 người nghiện. Trên thực tế con số này còn lớn hơn nhiều, nhưng mới có khoảng 10% số người nghiện ma tuý được đưa vào các cơ sở cai nghiện ma tuý tập trung. Trong đó, hơn 80% người nghiện ma túy có nguy cơ tái nghiện khi trở về với cộng đồng”. Bởi vậy, con số ông Giám đốc Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh Sơn La đưa ra chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.

Theo Đại tá Đỗ Ngọc Toàn, Chỉ huy trưởng, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Sơn La: “Hoạt động của một số địa bàn rất khó tiếp cận, không vào được do địa hình hiểm trở, vùng sâu vùng xa. Thậm chí, ma túy còn vô hiệu hóa cả chính quyền cấp bản, tức là con cháu của họ làm ăn rồi buôn bán ma túy”.

nh-8135610813
Đại tá Đỗ Ngọc Toàn, Chỉ huy trưởng, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Sơn La.

“Tội phạm ma túy thường lợi dụng sườn đồi, cánh gà cửa khẩu để vận chuyển hàng về các lối mòn. Sau đó, những tên trùm ma túy dùng chính người dân bản có họ hàng với nhau vận chuyển hàng từ bên kia biên giới về để không bị tố giác. Chúng sẽ tìm mọi cách lôi kéo người dân bản nghiện ngập để gây khó khăn cho lực lượng chức năng”.

Không chỉ Sơn La, tội phạm ma túy trên cả nước có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây. Việc vận chuyển, mua bán ma túy thời gian bây giờ không còn tính bằng gram hay kilogram mà tính bằng tấn. Tính riêng 6 tháng đầu năm, lực lượng chức năng đã phát hiện hơn 13.000 vụ phạm tội về ma túy, bắt giữ hơn 20.000 đối tượng, thu giữ khoảng 5 tấn ma túy tổng hợp.

Những năm gần đây, chính quyền địa phương đã kết hợp với lực lượng chức năng như công an, quân đội… tuyên truyền, vận động người dân không tham gia vào việc buôn bán, vận chuyển và sử dụng ma túy. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là các đối tượng thường không muốn tiếp xúc với lực lượng trực tiếp đấu tranh với loại tội phạm này. Khi tiếp xúc, các đối tượng thường không nói chuyện nhiều, thậm chí lảng tránh lực lượng chức năng. Ma túy vẫn như những bóng ma ám ảnh và chực chờ thiêu đốt những mái nhà vùng biên cương.

    Tags:
Xem thêm
Siết chặt quản lý gây nuôi động vật rừng, hoang dã

Sóc Trăng Việc kiểm tra định kỳ và đột xuất tại các cơ sở gây nuôi động vật rừng, hoang dã góp phần nâng cao ý thức tuân thủ quy định pháp luật cho các hộ nuôi.

Hơn 61.000 người được hưởng lợi từ dự án VFBC

Dự án đã huy động và ghi nhận đầu tư hơn 33 triệu USD từ các doanh nghiệp thân thiện bảo tồn, giúp hơn 61.000 người được hưởng lợi từ dự án.

Du khách người Pháp chụp được hình mang Trường Sơn trên đỉnh Bạch Mã

THỪA THIÊN - HUẾ Những du khách người nước ngoài trong khi tham quan Vườn quốc gia Bạch Mã đã tình cờ gặp 2 cá thể mang Trường Sơn quý hiếm và đã ghi hình lại.

Bình luận mới nhất