| Hotline: 0983.970.780

Mắc ca đang cuốn hút người dân Tây Nguyên

Thứ Hai 25/07/2016 , 13:30 (GMT+7)

Những năm gần đây, ngoài các cây trồng chủ lực như cà phê, tiêu, điều…, sự xuất hiện cây mới mắc ca được ví là “nữ hoàng các loại hạt khô” đang lôi cuốn người dân Tây Nguyên lựa chọn đầu tư.

Thời gian qua, ở một số nơi, nông dân chặt bỏ cao su để thay thế cây trồng khác. Trước sự việc này, nhiều người lo lắng, nhất là nhà quản lý. Nhưng chưa ai quả quyết rằng, việc đó sai hay đúng, chỉ biết với người dân Tây Nguyên, việc chặt bỏ một giống cây để thay thế cây mới có hiệu quả kinh tế hơn thì họ sẵn sàng làm.

Năm 1995, anh Nguyễn Hữu Việt ở Đông Anh (Hà Nội) vào thôn Phúc Thọ 2, xã Tân Hà, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng, lập nghiệp.

Rời quê hương, mỗi người một lý do nhưng ở họ có một khát khao rất rõ là làm giàu bằng chính sức mình để mỗi lần có về thăm quê không có điều gì ái ngại! Đất lành chim đậu, người vợ của anh quê Hà Tây đã cùng anh gắn bó vùng đất này hơn 20 năm và có với nhau 2 cậu con trai.

Vùng đất màu mỡ, đất đỏ ba zan rất thuận lợi cho cây cà phê phát triển. Hai bàn tay trắng, vợ chồng anh và nhiều người khác trong thôn gây dựng lên vùng đất thêm phần trù phú. Những vựa cà phê mang về hàng trăm triệu đồng đem lại cuộc sống khá giả. Nhà cửa xây dựng khang trang, con cái học hành tử tế.

Những năm gần đây, thời tiết Tây Nguyên có phần khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài, nhiệt độ tăng, việc đầu tư hệ thống tưới cho vườn cây có phần tốn kém nhưng không thế mà anh và nhiều người dân nơi đây chùn bước. Bằng nhiều giải pháp khắc phục nhưng thực tế, cà phê đã có phần chững lại cả về năng suất và giá cả. Tuy vậy, anh Việt vẫn không chặt bỏ cây cà phê...

Cách anh Việt làm là kiếm tìm một giải pháp thích hợp nhất để giữ cà phê mà vẫn tăng thu nhập. “Tôi thích một chương trình trên tivi vào mỗi buổi sáng có ông Nguyễn Lân Hùng giới thiệu các giống cây trồng, vật nuôi mới. Mặc dù theo dõi nhiều nhưng việc lựa chọn giống cây nào lúc bấy giờ là rất khó khăn”, anh Việt kể.

Chuyện thật thú vị, cách đây 7 năm, trong một buổi sáng, anh Việt đang sửa chiếc máy bơm thì con trai gọi “bố ơi ông Hùng, ông Hùng nói trên ti vi”. Hóa ra anh từng dặn vợ, con nếu thấy ông Nguyễn Lân Hùng nói về cây trồng, vật nuôi thì gọi bố ngay để xem.

Hôm đó, khi chạy ngoài vườn vào, anh Việt chỉ xem được đoạn sau nhưng rất ấn tượng về giống cây mới có tên gọi mắc ca. Buổi tối, qua nhà hàng xóm uống nước, đưa chuyện này ra thì có 3 – 4 người xúm vào kể, sáng đó họ cũng xem được. Một cuộc “bàn tính” trong chớp nhoáng, 6 người đàn ông quyết định “cắt cơm” ít ngày để ra Bắc tìm cây mắc ca.

Hỏi anh Việt, bà xã có can ngăn không? Anh bảo, không bà vợ nào can ngăn cả. Thế rồi, họ đã cùng nhau lên xe đò về Ba Vì (Hà Nội) nơi có Trung tâm giống cây rừng (một đơn vị thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp VN). Tại đây, họ đã được cán bộ kỹ thuật giới thiệu về kỹ thuật trồng, chăm sóc đồng thời phát cho một cuốn tài liệu trồng mắc ca của nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn biên soạn.

Khi chuyến xe chở 6 người đàn ông và mấy trăm gốc mắc ca về đỗ ngay đầu ngõ, có người hỏi đó là cây gì, anh Việt nói là cây rừng vì rất khó giải thích để mọi người hiểu. Toàn bộ số cây giống này, các gia đình trồng xen với vườn cà phê.

Ba năm trôi qua, vườn cà phê vẫn phát triển bình thường, xen lẫn trong các hàng cây có mắc ca tỏa bóng mát. Vụ quả bói có ít, cây nhiều chỉ được 50 quả. Đến vụ thứ hai thì quả sai hơn. Và năm 2015, 200 gốc mắc ca trồng xen trên diện tích 2,7ha cà phê cho anh Việt thu hoạch 2 tấn hạt tươi.

Hỏi anh Việt, trồng xen có ảnh hưởng đến phát triển cà phê cũng như phát sinh chi phí sản xuất không? Anh Việt thật thà rằng, chẳng tốn kém.

“Làm giả ăn thật đấy. Năng suất, sản lượng cà phê không bị sụt giảm. Năm ngoái được 10 tấn, năm nay cà phê được 11 tấn. Cái chính là cây mắc ca góp phần điều hòa không khí vườn cây. Mùa nắng này, nếu không có mắc ca thì sẽ phải tưới cà phê 2 lần nhưng nay chỉ cần tưới một lần thôi”, anh Việt chia sẻ.

17-22-25_duoc-vi-l-nu-hong-ht-kho-nen-viec-thu-hoch-mc-c-co-gp-troi-mu-cung-chng-co-gi-lo-ngi
Được ví là “nữ hoàng các loại hạt khô” mắc ca có thu hoạch vào thời điểm có mưa cũng chẳng lo ngại

 

Chính từ lợi ích đầu tư này đã góp phần làm tăng giá trị thu nhập cho gia đình. Năm ngoái, 10 tấn cà phê, anh Việt bán được 380 triệu đồng; 2 tấn mắc ca bán được 400 triệu đồng. “Tính ra, có phải đầu tư mấy đâu, tận dụng đất đai, hỗ trợ ít phân bón mà thu nhập kép thế này thì tốt quá. Năm nay, đặt mục tiêu phải được 750 triệu từ thu nhập mắc ca”, anh Việt phấn khởi.

Chia tay anh Việt, từ Lâm Đồng, chúng tôi vượt hơn 300km đường rừng đến vùng đất Krông Năng (Đăk Lăk). Theo lời giới thiệu, điểm dừng chân của chúng tôi là hộ ông Nguyễn Văn Cúc ở thôn Lộc Xuân, xã Phú Lộc. Câu chuyện ông Cúc bén duyên với cây mắc ca cũng thật thú vị.

Ông Cúc có người bạn làm Trưởng phòng Nông nghiệp huyện (hiện là Phó Giám đốc Sở KHCN tỉnh Đăk Lăk) hồi năm 2004 khi người bạn đi học cao học ở Hà Nội được thầy giáo giới thiệu về giống cây mắc ca.

Biết gia đình ông Cúc có nhiều diện tích nên người bạn đã giới thiệu để ông Cúc trồng thử giống cây này xen với vườn tiêu. Mặc dù nhà có nhiều đất nhưng ông Cúc chỉ trồng thử 216 gốc mắc ca trên 1ha tiêu.

Năm 2008, vườn mắc ca bắt đầu cho quả bói và thu được 35kg. Một năm sau, số hạt thu được 3,8 tạ, gia đình chỉ để lại khoảng 10kg, phần còn lại bán cho Trung tâm giống Ba Vì. Năm 2010, số hạt thu được tăng lên 7 tạ, gia đình quyết để lại làm giống. Nhìn thấy lợi nhuận khá rõ với hướng đầu tư tích cực, năm 2011, ông Cúc trồng thêm 1ha và kêu gọi người thân mở rộng 4ha mắc ca xen với tiêu và cà phê.

Tại thời điểm này, quanh vùng ông Cúc có khoảng 50ha mắc ca, riêng tổng diện tích của gia đình và người thân lên đến 37ha. Từ 2011 đến nay, ngoài việc tự trồng, ông Cúc còn đứng ra bao tiêu sản phẩm cho các gia đình khác với giá mua 100 ngàn đồng/kg.

17-22-25_don-hiep-hoi-mc-c-vn-thm-vuon-giong-cu-ong-nguyen-vn-cuc-o-dk-lk
Đoàn Hiệp hội Mắc ca VN thăm vườn giống của ông Nguyễn Văn Cúc ở Đăk Lăk

 

Qua sơ chế, sấy, cưa vỏ ra đóng gói, sản phẩm mắc ca ở đây được ông Cúc đem bán tại Hà Nội, TP.HCM với giá 250 ngàn/kg. Năm 2015, gia đình ông thu hoạch được 3 tấn mắc ca và thu mua thêm 6 tạ nữa.

Những năm gần đây, ông Cúc còn ươm giống, ghép cành tạo ra hàng vạn cây giống mắc ca cung ứng trên thị trường và thu hút được nhiều hộ dân trồng xen trong các vườn cà phê, tiêu…

Nhớ lại những năm đầu rời xa quê hương Bắc Giang vào Đăk Lăk lập nghiệp trong muôn vàn khó khăn, đến nay nhìn cơ ngơi của gia đình, ông Cúc thấy hạnh phúc. Hồi cuối năm ngoái, ông làm mới căn nhà gỗ trị giá hơn 3 tỷ đồng, ai thấy cũng tấm tắc ngợi khen.

Ông chia sẻ, thu nhập từ tiêu, cà phê thừa sức trang trải cho cuộc sống nhưng chính nguồn thu từ mắc ca mới làm nên sự giàu có và tên tuổi của mình nơi miền đất Tây Nguyên lộng gió này!

Xem thêm
Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ gánh thêm thuế chống trợ cấp

Tôm Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể bị buộc trả thuế chống trợ cấp sơ bộ với mức dao động từ dưới 2% đến tối đa 196%.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Tháp cao tầng là biểu tượng của các thành phố lớn trên thế giới

Cùng chiêm ngưỡng những tòa cao ốc đã và đang góp phần quảng bá hình ảnh của các thành phố và quốc gia lớn trên thế giới.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất