| Hotline: 0983.970.780

Mặc cảm không dễ vượt qua

Thứ Hai 30/12/2013 , 10:33 (GMT+7)

Tôi vừa học xong đại học ở nước ngoài. Trước khi tiếp tục sang học cao học rồi tiến sỹ, tôi quyết định về Việt Nam thăm gia đình một tháng.

Về đến nhà, tôi không thể không nghĩ đến Thao là thằng bạn thân nhất cùng học 3 năm phổ thông trung học. Nó học không đến nỗi nào, nhưng trượt đại học để cuộc đời rẽ sang ngả khác. Nghe nói nó có cửa hàng kinh doanh gì đó khá to ở phố huyện.

Thao ở xã khác, cách nhà tôi khoảng hơn 10 km. Nó biết tôi về, chỉ sau hai hôm đã chủ động tìm đến nhà gặp tôi. Nhưng hôm ấy tôi có việc phải lên thành phố, về đọc thư nó để lại mà trỗi dậy biết bao kỷ niệm. Tôi quyết định đến gặp nó mà không a lô trước để đem đến cho nó một niềm vui bất ngờ.

Trước khi phóng đến nhà bạn, tôi ngồi nghỉ mấy phút tại một quán cà phê. Quán này lọt thỏm giữa mấy nhà hàng khá bắt mắt, có cả chục chiếc ô tô xịn đỗ phía trước. Tôi mơ màng nghĩ đến chỉ một lúc nữa, sẽ gặp lại thằng bạn thân 5 năm chưa gặp lại, không biết bây giờ thế nào? Đang miên man nghĩ thì tôi thấy từ bên trong nhà hàng bên cạnh, một cô gái dìu một người đàn ông chừng 60 tuổi, béo mập, bụng phệ, đầu hói.

Cô gái mặc áo đen hai dây, quần soóc bò rách gấu, ngắn cũn cỡn, có mái tóc vàng hoe, mắt xanh, mỏ đỏ, chừng ngoài 20 tuổi. Cô ta khá xinh nhưng có vẻ lọc lõi tuy tuổi chưa nhiều, vừa đi vừa ngả đầu vào người đàn ông đang loạng choạng vì say.

Trước khi bước lên xe, ông ta đã rút trong túi ra một xếp tiền, toàn tờ xanh 100 ngàn, dúi vào cái ngấn ngực trong chiếc áo hai dây của cô gái. Cô ta không quên cảm ơn rồi hôn chùn chụt lên chiếc má bóng nhẫy của người đàn ông. Cậu lái xe chẳng có biểu hiện gì, cứ như đã quá quen với cảnh tượng này. Cậu ta lên xe, nổ máy rồi vọt đi.

Khi cô ta trở vào, tôi có dịp nhìn kỹ hơn và giật mình nhận ra: Cô quá giống Loan - em gái thằng Thao đến thế. Nhưng 5 năm trước, Loan là cô bé 17 tuổi, học lớp 11, rất xinh, ngoan và trong sáng, thánh thiện lắm, lại học giỏi nữa. Làm sao có thể trở thành ca-ve lõi đời như thế kia? Thế là suốt chặng đường đến nhà Thao, tôi cứ quay cuồng ý nghĩ về Loan. Nhớ lại 5 năm trước, Thao có ý vun cho tôi với Loan và được các cụ quý, coi như con.

Hồi ấy, lúc đầu tôi chỉ xem Loan như em gái. Về sau, tôi cũng nảy sinh tình yêu, nhưng chỉ thầm kín mà chưa có dịp bộc lộ vì ngay sau đó đã phải ra nước ngoài học tập. Xa tổ quốc, tôi mới thấy nhớ cô bé có hai bím tóc rất duyên dáng. Định bụng khi về nước, nếu Loan chưa có ai, sẽ ngỏ lời cầu hôn. Vậy mà…

Giây phút gặp lại Thao, mọi người đón tôi như đón người ruột thịt đi xa mới về. Bữa cơm tối hôm đó thật vui. Khi tôi hỏi Loan đâu thì thấy không khí như trùng xuống trong vài giây. Cả nhà cho biết cô đi làm trên Hà Nội, chỉ thỉnh thoảng mới về. Rồi mọi người lái sang chuyện khác, không nhắc gì đến chuyện “se duyên” cho tôi 5 năm trước.

Đến phút này, tôi càng khẳng định cô ca-ve gặp ở ngoài thành phố chính là Loan. Tôi càng tò mò muốn biết vì sao, đầu đuôi thế nào mà cô có thể sa ngã như vậy. Nhưng không thể hỏi bất cứ ai trong gia đình Thao. Bữa ăn hôm ấy, tôi cố tạo ra sự vui vẻ nhưng trong lòng rất ngậm ngùi, triền miên nghĩ về Loan.

Sau một hồi đấu tranh tư tưởng, mấy ngày sau tôi quyết định gặp lại Thao để hỏi thẳng chuyện của Loan. Gặp nó, tôi khẳng định ngay là đã biết rõ Loan làm ca-ve và chứng kiến phục vụ khách như thế nào. Khi đó, Thao không thể giấu, đã kể cho tôi nghe số phận cô em gái.

…“Hết lớp 12, hai lần thi đại học đều trượt, nó rất buồn. Nó quyết định kiếm việc làm để không ăn bám bố mẹ. Có một thằng yêu nó, hứa giúp nó xin việc ở cơ quan Nhà nước rồi sẽ học đại học tại chức. Thằng này con nhà cũng tử tế. Nó tin và nhận lời yêu.

Nhưng sau đó, thằng cha phản bội, lấy đứa khác có bố làm to trên thành phố để tiến thân. Năm nay hắn mới 32 tuổi mà đã làm phó giám đốc một sở gì đó. Cái Loan sốc, trở nên bơ vơ, thất nghiệp nên đã dấn thân. Cả nhà khuyên nó không được. Tao hy vọng khi nó có được tình yêu thực sự sẽ tu tỉnh lại”.

Thao hỏi tôi còn tình cảm với Loan không. Tôi thú thực là trước đây thì có. Hôm gặp lại sau 5 năm, vẫn bồi hồi, tim đập mạnh. Nhưng bây giờ thì Loan làm sao có thể để ý đến một thằng nghèo, còn đang đi học như tôi. Thao cho tôi biết đi làm thì vậy nhưng về nhà Loan vẫn là cô bé ngoan, thảo hiền như trước. Và trong 5 năm qua vẫn luôn nhắc đến tôi. Rồi nó gợi ý tôi có thể nối lại và phát triển tình cảm với Loan.

Đúng lúc đó thì Loan về. Quả là cô khác hẳn hôm tôi gặp ở nhà hàng: Ăn mặc giản dị, kín đáo như mọi cô gái con nhà lành. Không một chút son phấn, cô vẫn xinh đẹp, đáng yêu như xưa. Loan khẽ gật đầu chào tôi rồi đi vào nhà trong. Nhưng tôi thấy mặt cô ửng đỏ và trong đôi mắt không giấu được sự bối rối. Tôi cảm nhận được cô có tình cảm với mình đúng như Thao nói.

Chỉ còn hơn hai tuần nữa là tôi phải trở ra nước ngoài tiếp tục việc học tập. Lòng tôi bề bộn, ngổn ngang. Gặp lại Loan, tôi trỗi dậy nhiều tình cảm. Nhưng thú thực, dẫu sao thì những ngày tháng cô làm ca-ve vẫn cứ ám ảnh tôi. Thêm nữa, tôi lại nghèo, dù sau này có là tiến sĩ cũng không thể có tiền bạc như các đại gia mà cô đã từng quan hệ. Tôi rất cần lời tư vấn của các anh, chị.

(Đặng Hoàng Nhân- Tiên Lãng, Hải Phòng)

Trao đổi của chuyên gia tâm lý Nguyễn Đình San:

Tốt nhất là bạn cần trược tiếp nói chuyện với Loan. Hai người cần cởi mở, chân thành, không ngần ngại mới có thể bàn chuyện nghiêm túc. Tuy nhiên, còn những 5 năm nữa, các bạn mới có thể cưới nhau (vì bạn còn học ở nước ngoài để đạt bằng tiến sĩ). Hai người cần vượt qua mặc cảm và có niềm tin ở chặng đường xa cách dài 5 năm mới có thể đến được đích.

Thường xuyên gặp nhau trên mạng, qua điện thoại, bạn có thể hiểu được diễn biến tình cảm của Loan ra sao. Chuyện tình cảm của bạn quả là phải vượt qua nhiều khó khăn. Nhưng bạn sẽ đạt được mong muốn nếu có bản lĩnh, biết chờ đợi, biết tin ở Loan và ở mình.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?