| Hotline: 0983.970.780

'Mắc màn' cho lợn

Thứ Hai 22/07/2019 , 17:05 (GMT+7)

Hơn 5 tháng, kể từ thời điểm dịch tả lợn châu phi xuất hiện tại Thanh Hóa, đàn lợn tại huyện Vĩnh Lộc vẫn bình yên vô sự. Cách làm của người chăn nuôi Vĩnh Lộc đã phần nào ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm này.

Ông Lê Văn Đức, Giám đốc HTX Chăn nuôi Phúc Long (xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc) hẹn trao đổi với chúng tôi câu chuyện xung quanh vấn đề đảm bảo an toàn sinh học, chống dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) tại 1 điểm cách xa trang trại.

Ông Đức cho biết, trang trại gia đình ông hiện có 100 nái và trên 1.000 lợn thịt, nếu sơ sểnh, dịch bệnh có thể khiến ông tán gia bại sản bất cứ lúc nào.

Trước cổng trang trại là hố sát trùng, hệ thống phun sát trùng tự động.

“Những người làm công trong trại chăn nuôi gần như nội bất xuất, ngoại bất nhập. Bên ngoài con đường dẫn vào trại được rải đầy vôi bột. Người, xe muốn vào trại sau khi đi qua vôi bột sẽ được hệ thống cảm ứng tự động phun tiêu độc khử trùng, đi qua vũng nước khử trùng.

Xe chở thức ăn bình thường có thể ra vào trại nhưng từ khi có dịch TLCP thì phải dừng bên ngoài, nhân viên của trại cõng thức ăn vào nhà kho. Thức ăn chăn nuôi đưa vào kho được hệ thống bóng đèn tia cực tím sát khuẩn 30 phút. Ngoài ra, trong khu vực trang trại chúng tôi phun tiêu độc khử trùng 2 lần/tuần; ngoài trại cứ 2 ngày lại phun tiêu độc khử trùng 1 lần”.

Cũng theo ông Đức, từ trước tới nay trại chăn nuôi của gia đình ông chủ yếu tự cung tự cấp, rất hạn chế mua và sử dụng nguồn thức ăn cho người từ các chợ để tránh nguy cơ lây lan các loại dịch bệnh. Ngoài việc tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin, ông Đức còn cho lợn ăn men vi sinh (thời gian lợn cai sữa, tập ăn), để giúp vật nuôi hấp thụ hết lượng thức ăn; cho uống nước điện giải thường xuyên để tăng khả năng chống chịu dịch bệnh.

Thức ăn sau khi đưa vào kho được sát khuẩn bằng bóng tia cực tím.

Thời điểm dịch TLCP xuất hiện tại Việt Nam, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, ông Đức học cách “mắc màn” cho đàn lợn. Các dãy chuồng được bịt kín bằng hệ thống lưới nhựa xanh methylen ngăn chặn muỗi và các loại côn trùng… (động vật trung gian gây bệnh) xâm nhập. Cách làm này cộng với việc áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi đã giúp người chăn nuôi Vĩnh Lộc tránh được nhiều nguy cơ dịch bệnh.

“Với dịch TLCP thì không thể nói trước được điều gì. Tuy nhiên chúng tôi đang làm hết sức để dịch bệnh nguy hiểm này không có cơ hội xâm nhập các trang trại. Hiện nay, hầu hết các trang trại, hộ chăn nuôi trong HTX Chăn nuôi Phúc Long đều áp dụng phương pháp này và hiện vẫn đang chống chọi tốt với DTLCP” – ông Đức cho hay.

Chuồng trại được chủ trại “mắc màn” tránh vật gây bệnh trung gian.

Theo thống kê UBND huyện Vĩnh Lộc, tính đến đầu tháng 6/2019, toàn huyện có 790 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và gia trại; 191 trang trại; 2 doanh nghiệp liên kết chăn nuôi lợn với tổng đàn lợn 42.331 con, trong đó trang trại và gia trại chiếm 80% tổng đàn.

Ông Tào Quang Thiệu, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Lộc cho hay, ngoài nỗ lực của cả hệ thống chính trị thì việc người dân áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học và tiêu độc khử trùng có vai trò rất lớn trong phòng chống DTLCP. Nhờ làm tốt công tác này, đến nay, Vĩnh Lộc là huyện duy nhất tại Thanh Hóa “miễn dịch” với DTLCP.

“Kể từ khi DTLCP xuất hiện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến nay Vĩnh Lộc đã thực hiện 4 đợt vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại và khu vực chăn nuôi ở các xã với tổng số hóa chất đã sử dụng 2.000 lít và 20 tấn vôi bột.

Ngoài ra, UBND các xã cấp thuốc và hướng dẫn người dân áp dụng biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi. Người chăn nuôi ở đây rất chủ động trong việc tiêu độc khử trùng, kiểm soát xe cám, người vận chuyển. Người lạ được các chủ trang trại hạn chế đến việc ra vào khu vực chăn nuôi; trước cổng khu vực chăn nuôi và ở mỗi dãy chuồng đều có hố sát trùng…”- ông Thiệu cho hay.

Đánh giá về công tác phòng chống DTLCP, ông Đặng Văn Hiệp, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Thanh Hóa cho rằng, Vĩnh Lộc là một trong những huyện triển khai rất tốt. Trong đó, người chăn nuôi, các chủ trang trại đóng vai trò rất quan trọng: “Bên cạnh việc chính quyền các cấp triển khai tốt công tác phòng chống dịch thì người chăn nuôi ở đây rất có ý thức quản lý và chăm sóc đàn lợn để nâng cao khả năng chống chịu dịch bệnh.

Sau khi có các thông tin về DTLCP xuất hiện trên địa bàn, người chăn nuôi Vĩnh Lộc đã áp dụng nhiều biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Việc dùng màn che cho chuồng trại ngăn tiếp xúc của ruồi, muỗi, ve, ... mang mầm bệnh vào khu chăn nuôi là một trong những sáng kiến cần được nhân rộng”.

Xem thêm
Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Mời SunRice tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao

ĐỒNG THÁP Tập đoàn SunRice đang khuyến khích nông dân ĐBSCL các biện pháp canh tác lúa bền vững và đặt mục tiêu giảm lượng khí thải carbon bằng 0 trong chuỗi giá trị vào năm 2050.

Cần trợ lực chính sách

Người dân còn e ngại khi lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm bởi chi phí đầu tư cao, trong khi việc bảo quản các trang thiết bị này gặp rất nhiều khó khăn.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm