| Hotline: 0983.970.780

Mắc nợ ruộng đồng

Thứ Sáu 04/06/2010 , 10:23 (GMT+7)

Trong 16 năm qua, lão nông Trần Hữu Hám (83 tuổi, thôn La Chữ, xã Hương Chữ, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên- Huế) vẫn lặng lẽ sưu tầm và chế tác các mô hình nông cụ...

Ông Hám cùng bảo tàng nông cụ
Trong 16 năm qua, lão nông Trần Hữu Hám (83 tuổi, thôn La Chữ, xã Hương Chữ, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên- Huế) vẫn lặng lẽ sưu tầm và chế tác các mô hình nông cụ một thời gắn với người nông dân và cây lúa nước.  

Hồi ức ruộng đồng 

Trong căn nhà nhỏ nằm đầu thôn La Chữ, ông Hám dành một góc trang trọng làm nơi đặt “bảo tàng” về mô hình các nông cụ, kỷ vật chiến tranh. Ông kể: “Tui từng là một nông dân chân lấm tay bùn, tần tảo bên cây lúa, cây khoai để nuôi 9 người con khôn lớn, học thành tài. Vào năm 1976, vô tình nhìn thấy bức ảnh về hai người con gái của tôi vừa đạp nước vào ruộng, vừa học bài được treo ở phòng tranh triển lãm ở đường Phan Đăng Lưu (TP. Huế), tui nghĩ mình phải làm cái gì đó để lưu giữ những nông cụ quen thuộc, gần gũi với người nông dân miền lúa La Chữ để mai này con cháu nhớ đến công ơn sinh thành của bố mẹ, nhớ đến nỗi khó khăn, “bát cơm chan đầy nước mắt” khi làm nên hạt lúa, củ khoai”.

Với những hoài niệm về ruộng đồng như vậy, trong những ngày đầu đất nước mới giải phóng, lão nông Trần Hữu Hám đã lặng lẽ đi về các miền quê, bỏ tiền túi ra để sưu tập hay tự tay làm lấy các hiện vật, mô hình nông cụ giá trị này.

Cầm mô hình máy đạp nước vào ruộng trên tay, ông dẫn chúng tôi về những ký ức của một người nông dân hơn nửa đời người gắn với ruộng đồng, cây lúa. Ông kể: Hồi mới giải phóng đời sống nông dân còn chật vật trăm bề, làm nên hạt lúa vốn đã đổ mồ hôi, sôi nước mắt bởi không có nhiều phân bón, máy móc như bây giờ. Hồi đó con đường liên thôn vào La Chữ nối đến các cánh đồng lúa như bây giờ vẫn chưa có. Vận chuyển lúa, vật tư đi lại rất khó khăn. Muốn có đời sống ổn định phải mở đường liên thôn cho dân làng yên tâm sản xuất.

 Thời đó, ý nghĩ của ông Hám chẳng được mấy người đón nhận thế là ông đành phải tự bắt tay làm đường. Hàng ngày ông san mặt bằng, cuốc, khuân đá, đất đổ làm nền đường. Thấy cha đã có tuổi, ngày đêm khuân đá làm đường cực nhọc, mấy đứa con ông can ngăn nhưng ông mặc kệ.

Ông tâm sự: “Con đường liên thôn hôm nay làm trên con đường cũ năm xưa. Sau khi làm xong đường, việc đi lại, trao đổi buôn bán cũng dễ dàng hơn. Ven con đường mới mở, những ruộng lúa, khoai xanh tốt chạy tít tắp vào làng cũng có từ đó”. 

Bảo tàng nông cụ 

Nhìn những hiện vật ở bảo tàng nông cụ của lão nông Trần Hữu Hám, tôi chợt nhớ đến “người vẽ trên đồng ruộng”- họa sỹ Võ Xuân Huy. Những hiện vật, nông cụ đã gợi tưởng đến hình ảnh tảo tần của người nông dân, về hình ảnh cây lúa bị chèn ép trong nếp sống xô bồ của các đô thị, về hình ảnh làng quê nông thôn Việt Nam thanh bình…ít nhiều những hình ảnh đó đã mai một theo thời gian.

16 năm trời lặng lẽ sưu tầm, chế tác, đến hôm nay, ông Hám đã có trong tay hàng trăm mô hình nông cụ. Ở một góc phòng được quét dọn sạch sẽ, có bóng đèn thắp sáng ngày đêm, trên bờ tường, trong tủ kính ông cho đặt trang trọng những mô hình nông cụ như: Máy tuốt lúa, máy đạp nước, ang đựng lúa, đôi quang gánh gồm hai chiếc lu đựng nước ngày xưa…

Ông cho biết, sưu tập hiện vật về nông cụ là niềm đam mê bất tận của ông. Công việc được bắt đầu khi ông về hưu, thôi làm việc làm ở trường cấp III Đặng Huy Trứ. Khi đã về hưu, rãnh rỗi vui vầy cùng con cháu, ông vẫn không uổng phí thời gian sống nốt cuộc đời còn lại bằng cách ngày đêm lặng lẽ đón những chuyến xe xuôi ngược vào nam ra bắc để sưu tầm, mua những mô hình nông cụ. Những đứa con được ông nuôi khôn lớn, học thành tài như hiểu được niềm đam mê của người cha về quá khứ ruộng đồng, vẫn đều đặn chu cấp mỗi tháng 1 triệu đồng cho ông có kinh phí đi lại.

Không những sưu tầm, những lúc rãnh rỗi, ông còn tự tay chế tác những nông cụ nhìn thì đơn sản nhưng hết sức công phu, làm giàu thêm cho bảo tàng nông cụ của mình.

 Bảo tàng nông cụ với những hiện vật, mô hình phong phú, trong nhiều năm qua, căn nhà nhỏ của ông Hám đã trở thành điểm du lịch, tham quan của nhiều du khách. Song với ông, thành lập bảo tàng nông cụ cũng chỉ với một ý nghĩ đơn giản là nơi góp phần thiết thực giáo dục cho thế hệ sau, đặc biệt là những người con của ông nhớ đến ơn sinh thành của bố mẹ, hồi ức về ruộng đồng với những người nông dân làm nên hạt lúa, củ khoai nuôi sống xã hội…

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Không tùy tiện tăng giá, ép khách du lịch dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

Ngành du lịch yêu cầu các cơ quan quản lý địa phương và doanh nghiệp công khai giá bán hàng hóa, dịch vụ và bán đúng giá niêm yết, không tùy tiện tăng giá.