| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 14/11/2011 , 10:15 (GMT+7)

10:15 - 14/11/2011

Mại dâm, không cấm được thì…?

“Cái gì không quản được thì… cấm”. Câu này chắc hẳn chúng ta ai cũng đã nghe, và nó bắt nguồn từ thực tế. Nhưng, nếu cấm rồi mà vẫn không hết, thậm chí càng cấm lại càng phát triển, như là chuyện mại dâm, thì sao?

“Cái gì không quản được thì… cấm”. Câu này chắc hẳn chúng ta ai cũng đã nghe, và nó bắt nguồn từ thực tế. Nhưng, nếu cấm rồi mà vẫn không hết, thậm chí càng cấm lại càng phát triển, như là chuyện mại dâm, thì sao? Đó chính là vấn đề được các đại biểu thảo luận sôi nổi trong buổi thảo luận ở tổ tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XII, về dự án Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Có lẽ trên thế giới này, chưa có một nước nào xóa được triệt để nạn mại dâm, bởi nó là một thực tế của xã hội hiện đại, và nó tồn tại theo quy luật cung- cầu của thị trường. Với một số nước, như Trung Quốc chẳng hạn, mại dâm có một lịch sử rất lâu đời, từ thời Xuân Thu- Chiến Quốc. Tại Việt Nam, mại dâm có từ thời Pháp thuộc. Miền Nam trước 1975 từng nhức nhối chuyện mại dâm. Từ sau năm 1975, mại dâm lan ra cả nước.

Với cách nhìn mại dâm là một tệ nạn, chúng ta đã cấm, nhưng càng cấm thì người ta lại càng che giấu, càng lén lút, càng liều lĩnh, càng táo tợn, càng “sáng tạo” ra nhiều hình thức che đậy…và hậu quả nhãn tiền là chúng ta đã bất lực với việc cấm mại dâm.

Cấm không nổi, thì đối phó thế nào? Trong rất nhiều ý kiến của các đại biểu trong buổi thảo luận, có một số ý kiến được cho là táo bạo. Đó là hãy đối mặt với hiện thực, tuyệt đối không khuyến khích mại dâm nhưng hãy thừa nhận nó, để rồi tìm cách quản lý nó một cách chặt chẽ, nghiêm ngặt hơn, nhằm hạn chế tối đa tác hại của nó.

Những ý kiến đó, thật ra không mới. Ngay từ thời Xuân Thu- Chiến Quốc, nhà chính trị kiêm nhà kinh tế Quản Trọng nước Tề đã “quản” mại dâm bằng cách lập ra những nhà “nữ lưu” (nhà thổ) để cho các thương khách có nhu cầu tìm đến, thu tiền cho công khố. Ở ta, thời Pháp, tại một số thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng…chính quyền thực dân cũng cho phép các “nhà thổ” hoạt động rồi đóng thuế rất cao cho nhà nước, với điều kiện là các nhà thổ đó buộc phải treo một ngọn đèn đỏ trước cửa (Phố Khâm Thiên, Hà Nội từng được gọi là “phố đèn đỏ”).

Thời đó, gái mại dâm chỉ được “hành nghề” ở nhà thổ nơi mình hoạt động, tuyệt đối không được “làm giá” ở nơi này rồi theo khách đến “bãi đáp” ở nơi khác, hàng tuần phải đi khám bác sỹ. Khách có nhu cầu, gái mại dâm bắt buộc phải xuất trình giấy khám bệnh mới nhất chứng minh là mình không mắc bệnh xã hội.

Tại một số nước khác, mại dâm cũng được thừa nhận và được hành nghề ở một khu riêng, được quản lý hết sức chặt chẽ. Làm như vậy, sẽ có mấy điều đáng lưu ý: Một là, những đấng mày râu nào muốn “tìm của lạ”, khi vào những khu đó, sẽ phải phơi mặt ra trước bàn dân thiên hạ dưới ánh sáng của những ngọn đèn đỏ, cũng đồng nghĩa với việc phơi cái bản mặt thiếu đạo đức của mình ra. Điều đó chắc chắn sẽ khiến không ít người ngại ngùng rồi từ bỏ, khác hẳn với việc lén lút vào khách sạn với gái mại dâm, chẳng một ai biết.

Hai là, gái mại dâm bị quản lý chặt chẽ, phải khám bệnh thường xuyên (ai có bệnh, chủ nhà chứa sẽ bắt buộc phải đi chữa bệnh), sẽ không có điều kiện gieo rắc bệnh xã hội. Và ba là, nhà nước thu được một khoản thuế không nhỏ.

Ngoài những nơi được phép hành nghề đó ra, bất cứ kẻ nào hành nghề không phép sẽ bị phạt nặng, bị bắt buộc đưa vào trại phục hồi nhân phẩm. Và cùng với việc xử lý gái mại dâm là việc xử lý kẻ mua dâm bằng nhiều hình thức như phạt tiền, thông báo về cơ quan, gia đình, treo ảnh ở nơi công cộng…

Tuy nhiên, đây mới chỉ là đề xuất. Còn từ đề xuất đến việc có được chấp nhận hay không, còn phải qua một quá trình xem xét, cân nhắc vô cùng thận trọng.