| Hotline: 0983.970.780

Mai rừng khoe sắc vùng biên

Thứ Sáu 25/01/2013 , 10:26 (GMT+7)

Bất chấp thời tiết, chẳng cần bàn tay con người, những cây mai rừng “tự sinh, tự dưỡng”, cứ vươn lên, khoe sắc, tỏa hương, làm đẹp cho vùng quê biên giới.

Cứ mỗi độ xuân về, ở các xã vùng biên giới Tây Ninh lại ngập tràn sắc vàng hoa mai. Bất chấp thời tiết, chẳng cần bàn tay con người, những cây mai rừng “tự sinh, tự dưỡng”, cứ vươn lên, khoe sắc, tỏa hương, làm đẹp cho vùng quê biên giới.

NGHỀ TAY TRÁI…

Chúng tôi về xã Long Thành Nam, huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh một chiều cuối năm giữa lúc mọi người đang tất bật ngoài vườn mai. Càng gần đến tết, Long Yên càng trở nên đông vui nhộn nhịp khác thường. Nhịp sống chầm chậm của xóm mai rừng bỗng bị phá vỡ bởi những rộn rã, náo nức cùng khách tấp nập tìm đến mua mai.

Ông Nguyễn Hồng Quang, Phó chủ tịch xã Long Thành Nam, vừa nghe chúng tôi trình bày lý do, đã sốt sắng: “Người dân ở đây chủ yếu sống bằng nghề nông, cây trồng chính là lúa. Nhưng hầu như nhà nào có vườn, ít hay nhiều, cũng trồng mai rừng. Ở ấp Long Yên, 100% số hộ có vườn mai”.

Gia đình ông Nguyễn Văn Chiện, một trong số ít những “cao thủ” trồng mai rừng ở ấp Long Yên, có khuôn viên rộng chừng 5 - 6 sào, xung quanh căn nhà không có cây gì khác ngoài mai rừng. Năm nay đã ngoài 80 tuổi, nhưng dáng vẻ còn rất nhanh nhẹn, ông Chiện nói: “Vườn tui có 500 gốc mai lớn nhỏ. Tui già rồi, bầu bạn với mai cho vui thôi. Mai rừng dễ trồng, dễ chăm, lại ít phụ lòng người, năm nào cũng trổ dày bông. Trồng mai cảnh mất nhiều công sức, đòi hỏi kỹ thuật cao, làm chuyên nghiệp kiểu đó tui không làm được. Mà mai rừng cũng đông khách mua lắm, giá rẻ một chút nhưng thị trường của mình là bình dân mà”.

Tôi hỏi: “Tết năm nay kiếm đủ trăm triệu chưa chú?”, ông Chiện cười: “Cũng… cỡ cỡ đó”. Anh bạn đồng nghiệp của tôi nghe vậy nói nhỏ với tôi: “Người ta không nói thật đâu, nhưng ở đây trung bình mỗi năm cũng kiếm cỡ đó chứ không ít. Còn những người trồng mai giỏi như ông Chiện thì hơn nhiều”.


Mai rừng 6 cánh ở Hòa Thành, Tây Ninh

Cách nhà ông Chiện không xa là nhà bà Phạm Thị Lợi. Với diện tích 2 công đất vườn, hơn 10 năm nay bà Lợi dành hết cho mai. “Hồi xưa có nghĩ trồng mai để bán đâu, sẵn có giống mai rừng thì trồng cho đẹp thôi. Sau này người ta mua nhiều mới bán đó chớ. Ở đây ai cũng có việc khác để làm, rảnh mới trồng mai, chơi mai thôi. Vậy mà mai giúp người lắm. Tui bán được hơn chục năm nay rồi. Năm nào trúng cũng được 1 -2 trăm đồng, còn làm chơi cũng được 5-7 chục triệu đồng”.

Nói về mai rừng, ông Cao Quân Bội, một lão nông đã gần trọn đời gắn bó với mai, nói: Hoa mai thường mọc ra từ nách lá, mới đầu là một hoa to, gọi là hoa cái, có vỏ lụa (vỏ trấu bọc bên ngoài). Khi vỏ lụa bung ra thì xuất hiện một chùm hoa con, có từ một đến mười nụ, tăng trưởng rất nhanh, khoảng bảy ngày sau là nở. Trong chùm hoa này hoa to nở trước, hoa nhỏ nở sau, đến vài ba ngày mới hết nở. Mỗi hoa bên ngoài có 5 đài màu xanh, bên trong có 5 cánh màu vàng, ở giữa là một chùm nhụy mang phấn màu vàng đậm hơn.

Hoa nở ba ngày thì tàn: Ngày thứ nhất, năm cánh và chùm nhụy xòe thẳng ra rất đẹp! Ngày thứ hai, năm cánh vểnh lên và chùm nhụy dúm lại. Qua đến ngày thứ ba, năm cánh bắt đầu rơi xuống, hoa tàn. Hoa nào đậu thì bầu noãn phình to lên và kết hạt, hạt non màu xanh, hạt già màu đen, hạt chín rụng xuống đất mọc lên cây con. Cây con vài ba năm sau mới ra hoa bói lần đầu tiên và cứ thế tiếp tục, mỗi năm mỗi ra hoa đúng vào mùa xuân. Đó là chu trình của cây mai vàng vùng biên giới này.

...HÁI TIỀN TRIỆU

 Ông Lê Văn Phấn, ở ấp Bến Kéo (một ấp mới tách ra từ ấp Long Yên) cho biết: Giờ nghề trồng mai cũng được lắm. Mỗi năm chẳng phải đầu tư bao nhiêu, chỉ mua cây con bên Ninh Điền về trồng, chăm sóc đơn giản. Cuối năm thu dăm chục như chơi. Mấy năm nay, mỗi năm tui làm thêm gần trăm gốc mai ghép cho ai có nhu cầu, nhưng gốc mai rừng của tui gấp ba, bốn lần số mai ghép. Giá mai rừng rẻ hơn, nhưng nhiều người đến đây chuộng mai rừng, nên chủ yếu mai trong vườn tui vẫn là mai rừng. Cây mai rừng ở đây trước khi có cái xóm này. Ở đây không ai bỏ mai rừng được đâu.


Vườn mai của ông Lê Văn Phấn đã sẵn sàng làm đẹp cho mùa xuân

Rồi, như cao hứng, ông Phấn say sưa nói về mai: Cây mai vàng (hoàng mai) 5 cánh, đây là cây mai vàng truyền thống. Mai sẻ, loại hoa mai 5 cánh nhỏ, hoa chùm và rất sai hoa. Mai châu, còn gọi nôm na là mai trâu, vì hoa rất to, nhưng không sai hoa như mai sẻ. Mai liễu như cây mai vàng 5 cánh nhưng cành mềm mại, quằn quại, rủ xuống như cây liễu, hoa nở đầy cành phất phơ theo gió trông rất nên thơ.

Mai chùm gởi là cây mai thân cứng, ở đầu cành nổi lên những khối u to, giống như chùm gởi, ở chung quanh khối u mọc lên chi chít những tược non, đầy nụ hoa, khi nở giống như một bó hoa to lớn trông rất đẹp, có người còn gọi là "mai vương" hoặc “mai tỳ bà”. Mai thơm, mai hương, mai ngự, cũng là mai 5 cánh nhưng hoa có mùi thơm nhẹ nhàng, phảng phất lâng lâng, làm cho tâm hồn người thưởng thức càng thêm thích thú vui xuân!

“Ở đây 95% dân làm ruộng, trồng mai là phụ thôi, nhưng cũng có hộ thu nhập tới trên dưới trăm triệu/vụ tết. Nhiều nhà ăn tết sung túc, no đủ nhờ mai. Ở đây người ta có tập quán bán mai tại vườn nên không đầu tư gì nhiều, tới gần tết mới phải lo chăm sóc. Tết ở đây đầm ấm và có không khí lắm”, ông Nguyễn Văn Gẩm, Trưởng ấp Bến Kéo, xã Long Thành Nam.

Ấp Long Yên, xã Long Thành Nam có 3.200 hộ dân, hầu như nhà nào cũng trồng mai. Người dân và mai rừng đã gắn bó với nhau khắng khít từ khi thành lập xóm cách đây hơn nửa thế kỷ. “Ngày xưa, khu vực này là rừng, chủ yếu là mai. Lúc đó, chính quyền địa phương thành lập xóm mới, người dân đến đây lập nghiệp, thấy mai nở vàng rực, đẹp quá nên chỉ phát dọn đất sản xuất, còn lại vẫn để nguyên. Tôi nhớ hồi nhỏ, cứ mỗi năm tết đến, ở vùng Tây Ninh này, đi đâu cũng thấy mai rừng nở vàng rực. Chẳng ai chăm sóc gì, nhưng nó cứ ra hoa rất nhiều, rất đẹp nữa.

Sau này, ngày càng ít những cây to, cổ thụ, vì người ta mua, mang đi đâu không biết. Bây giờ, cũng còn những cây mai cổ thụ như ở thị xã có một cây trên đường Nguyễn Thái Học, ở Tân Châu còn vài cây có tuổi thọ từ 5 – 7 chục năm đến cả trăm tuổi. Tết đến, mấy cây này nở hoa vàng rực một góc, cánh hoa rụng xuống cả lớp, bay tứ tán, xa hàng trăm mét”, ông Cao Quân Bội nhớ lại.

Ngày xuân, đi qua nhà ai trong Xóm Mới cũng thấy thấp thoáng dáng mai. Nhà ai cũng trồng mai rừng, hoặc ít hoặc nhiều. Mai đã rộn ràng khoe sắc từ những ngõ nhỏ, những góc sân, đến những khu vườn ngợp ngời mênh mang sắc vàng nụ biếc.

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh

Hội Soóng cọ là ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ (tỉnh Quảng Ninh), thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia hưởng ứng.