| Hotline: 0983.970.780

Mâm cơm, tiếng hát tưởng nhớ Vua Hùng trên đất Tổ

Thứ Năm 02/04/2020 , 09:01 (GMT+7)

Giỗ tổ Hùng Vương năm nay có những điều chưa từng xuất hiện trong lịch sử. Nhưng, tấm lòng người dân đất Tổ với những bậc tiền nhân dựng nước thì vẫn vẹn nguyên.

Mâm cỗ tri ân công đức các Vua Hùng. Ảnh: CK.

Mâm cỗ tri ân công đức các Vua Hùng. Ảnh: CK.

I.

Trước lễ, những người bạn của tôi ở quê hương đất Tổ Phú Thọ thông tin, năm nay dịch Covid-19 nên giỗ tổ Hùng Vương chỉ có phần lễ được tinh giản tối thiểu, không có phần hội.

Ông Lê Trường Giang, Giám đốc Khu di tích lịch sử Đền Hùng chia sẻ:  Năm nay dịch dã như thế nên giỗ tổ Hùng Vương chỉ thực hiện nghi lễ dâng hương Giỗ Tổ thôi chứ không thực hiện nghi thức gì cả.

Những ngày trước  mùng tháng 3.Toàn bộ hàng quán khu vực dịch vụ dưới chân Đền Hùng đều đóng cửa. Lác đác một vài người dân bản địa vẫn lên ngọn núi Nghĩa Lĩnh dâng những nén hương tưởng nhớ công ơn tổ tiên lập quốc.

Tỉnh Phú Thọ cũng đã khuyến cáo nhân dân cả nước, mời nhân dân về thắp hương tưởng nhớ công lao những người dựng nước sau khi hết dịch Covid-19. Nhưng với người dân, cho dù trong bất cứ hoàn cảnh nào họ vẫn có các tưởng nhớ đến công đức những bậc tiền nhân có công lao to lớn đối với dân tộc này.

Bắt đầu từ năm ngoái, thông qua hệ thống chính trị, tỉnh Phú Thọ đã vận động tất cả các gia đình trên quê hương đất Tổ, mỗi gia đình hãy làm một mâm cỗ tri ân thắp hương Vua Hùng, tổ tiên vào đúng thời điểm lễ dâng hương diễn ra tại Đền Hùng (6h30 sáng 10/3).

Một hình thức vừa giản dị, vừa “nhường” vị trí cho những người con Lạc cháu Hồng ở khắp mọi miền Tổ quốc về Đền Hùng dâng hương.

Thống kê ở thời điểm đó, ngoài mâm cỗ trong lễ dâng hương giỗ tổ Hùng Vương tại Đền Hùng, còn có khoảng hơn 500.000 mâm cỗ của tất cả các hộ gia đình ở Phú Thọ đồng thời được cúng dâng lên Vua Hùng vào đúng ngày giỗ Tổ. Người Phú Thọ gọi đó là “mâm cỗ tri ân công đức các Vua Hùng”.

Năm nay, tình hình dịch bệnh khó khăn như thế, hầu hết các hoạt động bị ngưng trệ thì “mâm cỗ tri ân công đức các Vua Hùng” xem chừng lại là hình thức tưởng nhớ công đức tổ tiên phù hợp nhất. Như lời ông Lê Trường Giang, thực hiện lời kêu gọi của Bộ Chính trị, Chỉ thị của Thủ tướng về việc chống dịch Covid-19, người dân tích cực ở nhà nên hình thức “mỗi nhà một mâm cơm” vừa thiết thực vừa đảm bảo. “Chúng tôi tiếp tục kêu gọi, khuyến khích bà con nhân dân nên có một mâm cơm tri ân công đức tổ tiên, đó cũng là hình thức hướng về Đền Hùng”, ông Lê Trường Giang nói.

Những nhà nghiên cứu ở đất Tổ cho rằng, thờ cúng Hùng Vương cũng là một tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên nhưng được nâng lên một tầm cao đó là tổ tiên của dân tộc Việt Nam.

Mâm cơm dâng tổ thực chất là nghi lễ không thể thiếu trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của mỗi người dân tỉnh Phú Thọ. Tự xa xưa, theo phong tục truyền thống, mâm cơm cúng Vua tổ cần có những món cơ bản là: Bánh chưng, bánh giầy và cơm tẻ. 

Trong đó, món bánh chưng, bánh giày là 2 sản vật thời kỳ Hùng Vương tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở của muôn loài.

Cơm tẻ cũng do Vua Hùng dậy dân cấy lúa mà ra, là lương thực hàng ngày, nên trong mâm cỗ có nếp, có tẻ cũng như có âm có dương đầy đủ sẽ sinh sôi.

Bát nước chấm đặt giữa mâm hình tròn với 4 bát cơm đặt 4 góc mâm, tượng trưng cho trời đất vũ trụ, mà con người dù ở cõi âm hay dương đều có cuộc sống trong đó…

Sau một năm phát động quy củ, “mâm cỗ tri ân công đức các Vua Hùng” bây giờ đã lan tỏa lắm, tạo thành hiệu ứng xã hội nhằm tôn vinh di sản “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương”.

Ông Nguyễn Hải, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Phú Thọ nói rằng, năm nay, dù nhiều hoạt động giỗ tổ Hùng Vương bị ảnh hưởng nhưng riêng chương trình “mâm cỗ tri ân công đức các Vua Hùng” vẫn triển khai bình thường, rộng khắp trên quê hương đất Tổ. 

“Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Phú Thọ đã ban hành văn bản, phát động trong nhân dân để bà con có mâm cơm trong ngày 10 tháng 3 nhưng một cách thức kính cáo lên anh linh các Vua Hùng, tưởng nhớ công ơn các Vua Hùng.

Ngoài ra, đây cũng là hình thức nhằm phát huy đại đoàn kết toàn dân tộc và được đông đảo nhân dân hưởng ứng. Những ngày này, người dân đất Tổ đang chuẩn bị nguyên liệu cần thiết để làm “mâm cỗ tri ân công đức các Vua Hùng” vào đúng sáng mồng 10 tháng 3.

Đấy là cái tâm, cái lòng của nhân dân đối với bậc tiền nhân. Không bắt buộc hay áp đặt, hoàn toàn là hình thức tự nguyện, tự tâm, bởi từ lâu nhiều gia đình ở Phú Thọ đã có phong tục này rồi”.

Đúng như lời ông Nguyễn Hải, trước khi Phú Thọ phát động rộng khắp, tại nhiều nơi trên quê hương đất Tổ như Chu Hóa, Hy Cương… “mâm cỗ tri ân” từ lâu đã là phong tục không thể thiếu vào dịp giỗ Tổ.

Ở những nơi này, người dân không chỉ xem giỗ Tổ là dịp tưởng nhớ công ơn các Vua Hùng mà còn là cơ hội để các gia đình sum họp, đoàn viên, giáo dục con cháu về niềm tự hào là người dân đất Tổ, tự hào về cội nguồn dân tộc Việt Nam.

Vào những ngày này, các cụ cao niên ở xã Chu Hóa, thành phố Việt Trì đều chọn bộ quần áo mới nhất, lịch sự nhất, thành tâm khấn nguyện cho gia đình, dòng họ, làng xóm, cho Tổ quốc, quê hương luôn được bình an, kinh tế - xã hội phát triển, non sông đất nước đời đời bền vững.

Vào đúng thời khắc sáng mồng 10 tháng 3, bên “mâm cỗ tri ân”, trước ban thờ gia tộc, cả gia đình nghiêm trang lắng nghe người chủ gia đình khấn nguyện, thành kính các Vua Hùng. Đó chính là thời khắc khí thiêng sông núi giao hòa, hun đúc ngọn lửa tri ân truyền thống sáng mãi trong tim mỗi người.

Ông Nguyễn Trung Kiên, bậc cao niên ở xã Chu Hóa thường dặn dò con cháu: Con người có tổ có tông. Không quan trọng mâm cao cỗ đầy mà cốt lõi là tấm lòng thành kính, sự biết ơn đối với công lao trời bể của những bậc tiền nhân dựng nước.

II.

Những người trong Ban tổ chức Giỗ tổ Hùng Vương nói với tôi, năm nay dừng toàn bộ phần hội nên các phần trình diễn hát Xoan – Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại  đã không diễn ra.

Đó có thể là điều nuối tiếc, bởi sau những khó khăn, những biến cố thì hát Xoan bây giờ vừa là đặc sản, vừa là niềm tự hào của người dân đất Tổ. Một minh chứng rõ ràng nhất về tấm lòng người đất Tổ đối với bậc tiền nhân.

Đã từ lâu, hát Xoan là hình thức không thể thiếu trong đời sống văn hóa người dân đất Tổ, đặc biệt là trong những ngày giỗ tổ Hùng Vương.

Hát Xoan thể hiện những giá trị tình cảm dân tộc như tập quán, nghi lễ thờ cúng tổ tiên, tôn vinh các vị anh hùng dân tộc, ca ngợi đức hy sinh và đạo lý uống nước nhớ nguồn.

Là nghệ thuật trình diễn hát thờ vua Hùng, vị vua đầu tiên của người Việt, người dân Phú Thọ đã sáng tạo hát Xoan và trình diễn tại các đình, đền, miếu thờ vua Hùng vào dịp đầu Xuân.

Hát Xoan ngày càng trở thành nét văn hóa đặc sắc trên đất Tổ. Ảnh: CK.

Hát Xoan ngày càng trở thành nét văn hóa đặc sắc trên đất Tổ. Ảnh: CK.

Chuyện dân gian xã Cao Mại kể rằng Nguyệt Cư công chúa, Vua bà xã Cao Mại, con Vua Hùng, lúc lọt lòng mẹ cứ khóc hoài không ai dỗ được, chỉ khi nghe người làng An Thái hát em mới nín khóc, cứ như thế cho tới năm em lên ba tuổi. Các cụ còn kể rằng Nguyệt Cư qua làng An Thái được nghe hát rồi đau bụng đẻ, quân gia phải khiêng kiệu chạy thật nhanh về trang để bà kịp sinh nở. Cũng vì những tình tiết trên mà ở Cao Mại có lệ chạy kiệu Vua Bà và có hát Xoan trong các ngày đình đám tế lễ, đó là những trò diễn hội làng có ý nghĩa kỷ niệm…

Nguồn gốc của Hát Xoan có nhiều cách giải thích bằng huyền thoại được đặt vào thời các Vua Hùng dựng nước.

Có chuyện kể rằng Vua Hùng đi tìm đất đóng đô, một hôm nghỉ chân ở nơi này là quê Xoan Phù Đức - An Thái, thấy các trẻ chăn trâu hát múa, vua rất ưa thích và lại dạy thêm nhiều điệu khúc nữa, những điệu hát múa ấy của Vua Hùng và các em chăn trâu, đó cũng là những điệu Xoan tiên.

Lại có câu chuyện kể rằng vợ Vua Hùng đau bụng đã lâu ngày mà vẫn không sinh nở, một nàng hầu gái bàn nên đón nàng Quế Hoa múa đẹp hát hay đến múa hát.

Quế Hoa được gọi đến trước giường, uốn tay đưa chân, dáng như tiên, giọng như suối, sắc như hoa...

Vợ Vua Hùng xem múa nghe hát quả nhiên vui vẻ sinh ra được 3 người con trai tuấn tú khác thường.

Vua Hùng rất vui mừng, truyền cho các công chúa trong cung nữ đều học những điệu múa hát của Quế Hoa. Lúc đó vào mùa xuân nên vua đặt tên các điệu múa hát đó là Hát Xuân.

Dù là sự tích nào thì giá trị của hát Xoan từ lâu đã vượt khỏi đất Tổ, vượt khỏi lãnh thổ dân tộc Việt Nam.

Đã có lúc, loại hình nghệ thuật này đứng trước nguy cơ mai một, nhưng bằng tấm lòng, trách nhiệm của những người con đất Tổ đối với bậc tiền nhân, người Phú Thọ đã làm được những điều kỳ tích.

Cách đây gần 10 năm, tại Hội nghị lần thứ 6 của Ủy ban liên Chính phủ về Bảo tồn Di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO tổ chức tại Bali - Indonesia, hồ sơ Hát Xoan - Phú Thọ của Việt Nam vừa được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại.

Những người đứng đầu tỉnh Phú Thọ tham  dự lúc đó vẫn nhớ, hát Xoan Phú Thọ chỉ còn lại 7 người. Không có học trò, người kế cận bài bản, dễ thất thoát.

Không có công chúng và đã từ lâu chẳng còn không gian diễn xướng, quan hệ với các cộng đồng có liên quan để được giao lưu, trình diễn.

Hứa với UNESCO sẽ phục hồi loại hình nghệ thuật gắn liền với tổ tiên là các Vua Hùng, sau hơn 5 năm, cũng tại một cuộc gặp gỡ ở bên ngoài lãnh thổ (Paris, Pháp), lãnh đạo tỉnh Phú Thọ tự tin: “Hát Xoan của chúng tôi đã hết tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp.

Cộng đồng ủy nhiệm tôi báo cáo với UNESCO ghi nhận kết quả này và ghi danh vào danh sách mới như là một dấu mốc khẳng định”.

Bây giờ, vào những dịp lễ tết, những dịp giỗ tổ Hùng Vương, tại những phường Xoan cổ như An Thái, Phù Đức, Kim Đái và Thét thuộc 2 xã Kim Đức và Phượng Lâu của thành phố Việt Trì hay những điểm văn hóa tình diễn cho du khách thập phương, tiếng hát Xoan trở thành làn điệu không thể thiếu.

Ông Lê Trường Giang, Giám đốc Khu di tích lịch sử Đền Hùng nói với tôi: Mọi năm tại các trại văn hóa, tại các đình Xoan cổ, những tiết mục hát Xoan luôn hút du khách thập phương, là một trong những nét văn hóa đặc sắc nhất. Năm nay Giỗ tổ Hùng Vương năm nay dừng phần hội, có thể vắng tiếng hát Xoan ở những đình làng cổ Hùng Lô, những điểm công cộng, nhưng tôi tin rằng ở đâu đó trong những phường Xoan cổ, tiếng hát các nghệ nhân vẫn có thể cất lên tưởng nhớ công lao các Vua Hùng.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Thanh tra tỉnh Bạc Liêu chỉ ra sai phạm tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi

Thanh tra tỉnh Bạc Liêu chuyển hồ sơ sang Cơ quan Cảnh sát điều tra đối với dự án mua sắm trang thiết bị y tế Bệnh viện Lao và Bệnh phổi của tỉnh.