| Hotline: 0983.970.780

Mặn đã xâm nhập sâu hơn 2015 - 2016

Thứ Hai 06/01/2020 , 09:41 (GMT+7)

Ngay từ đầu mùa khô 2019 - 2020, mặn đã xuất hiện sớm và xâm nhập sâu trên hệ thống sông, kênh vùng ven biển ĐBSCL.

15-48-55_trnh_thu_tich_tru
Khô hạn ở ĐBSCL. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Theo Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam, lượng nước tích trữ trong Biển Hồ đến ngày 27/12/2019, ước tính khoảng 6 tỷ m3, thấp hơn gần 16 tỷ m3 so với cùng kỳ trung bình nhiều năm (TBNN), thấp hơn 8 tỷ m3 so với năm 2018 và đang ở mức tương đương so với cùng thời kỳ năm 2015.

Do đó có thể dự đoán dòng chảy từ Biển Hồ về đồng bằng trong mùa khô 2019 - 2020 rất hạn chế.

Mực nước bình quân tại trạm Chiang Sean (gần với Trung Quốc, cách trạm Tân Châu - Việt Nam khoảng 2.209km) từ đầu mùa khô đến ngày 27/12/2019 đang ở mức thấp (lịch sử). So với cùng thời kỳ năm 2018, mực nước thấp hơn 1,0m; thấp hơn 0,7m so với TBNN (1980 - 2018); và cũng chỉ đang ở mức tương đương 2015.

Tại trạm Kratie (thuộc Campuchia, trạm đầu châu thổ Mekong), mực nước bình quân từ đầu mùa khô đến ngày 27/12/2019 so với cùng thời kỳ năm 2018 thấp hơn gần 1,7m; thấp hơn 2,5m so với TBNN 1980 - 2018 và so với cùng kỳ năm 2015 vẫn thấp hơn gần 0,8m.

Ngay từ đầu mùa khô 2019 - 2020, mặn đã xuất hiện sớm và xâm nhập sâu trên hệ thống sông, kênh vùng ven biển ĐBSCL. Đặc biệt, mặn đã vào sâu hơn so với mùa khô năm 2015 - 2016.

Cụ thể (so sánh mặn xâm nhập từ đầu mùa khô đến ngày 27/12/2019 với cùng kỳ năm 2015): Khu vực sông Vàm Cỏ, ranh mặn 4g/l có phạm vi ảnh hưởng 60km (sâu hơn khoảng 15km); khu vực các cửa sông thuộc sông Tiền, ranh mặn 4g/l có phạm vi ảnh hưởng khoảng 45 - 57km (sâu hơn khoảng 8 - 22km); khu vực cửa sông thuộc sông Hậu, ranh mặn 4g/l khoảng 48km (sâu hơn khoảng 8km); khu vực ven biển Tây (trên sông Cái Lớn) ranh mặn 4g/l khoảng 41km (sâu hơn khoảng 16km).
 

Dự báo những tháng tới

Theo dự báo của Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam, trong các ngày đầu tháng 1, các cửa sông Cửu Long độ mặn thấp, nước ngọt dồi dào, nước ngọt có khả năng xuất hiện cách biển 25 - 30km trở vào lúc triều thấp, cần triệt để lợi dụng cơ hội để lấy nước tối đa, vì sau đó độ mặn có khả năng tăng cao. Trong các ngày đầu tháng 2/2020, các cửa sông Cửu Long độ mặn giảm so với cuối tháng 1, nước ngọt có khả năng xuất hiện cách biển 35 - 40km trở vào lúc triều thấp, cần triệt để lợi dụng cơ hội để lấy nước tối đa. Sau đó độ mặn có khả năng tăng cao đến giữa 2 rồi giảm dần đến cuối tháng.

Cuối tháng 2, đầu tháng 3, mặn giảm dần trên các sông Cửu Long, phạm vi cách biển từ 30 - 45km trở vào có ngọt khi triều thấp, chân triều. Sau đó mặn sẽ tăng đến giữa tháng 3/2020. Từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 4, mặn giảm dần.

Vùng Biển Tây (trên sông Cái Lớn, Cái Bé và ven biển), tháng 1 và tháng 2, nước ngọt dồi dào. Nước ngọt có khả năng xuất hiện cách biển 25 - 30km trở vào lúc triều thấp, cần triệt để lợi dụng cơ hội để lấy nước tối đa. Từ tháng 3 đến tháng 5, mặn biến động phức tạp trên sông Cái Lớn, Cái Bé và ven biển Tây. Từ Ngã Ba Nước Trong đến Vị Thanh đều có khả năng bị ảnh hưởng mặn trên 4g/l.

Vùng ranh Bạc Liêu - Sóc Trăng Độ mặn trên kênh Quản lộ - Phụng Hiệp biến đổi phức tạp. Từ cuối tháng 3 đến tháng 5, ranh mặn 4g/l có thể vượt qua Ngã Năm (Sóc Trăng).
 

Tranh thủ tích nước ngọt đầu tháng 1

Theo PGS.TS Trần Bá Hoằng, Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam, dòng chảy mùa khô năm 2019 - 2020 từ thượng lưu sông Mekong về ĐBSCL có khả năng ở mức thấp kỷ lục, nên xâm nhập mặn mùa khô trên ĐBSCL là rất nghiêm trọng (đến sớm, xâm nhập sâu trên diện rộng và kéo dài), ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt. Đặc biệt, vụ đông xuân trên sẽ bị ảnh hưởng lớn do thiếu nguồn nước và chi phí sản xuất cũng rất cao.

Vì vậy, các địa phương cần phải tích trữ nguồn nước ngọt tối đa bất kỳ thời điểm nào xuất hiện nguồn nước ngọt trên sông, kênh. Thực thi quyết liệt hành động chống hạn, mặn. Đặc biệt, thời kỳ đầu tháng 1, nguồn nước còn dồi dào, cần tích trữ tối đa.

    Tags:
Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 1] 10 năm chinh phục chim yến

Hơn 10 năm dấn thân vào ngành yến, anh Trần Tuấn Anh đã xây dựng được công ty và thương hiệu yến quy mô tại Bình Phước.

Huấn luyện kỹ năng phòng, chống bệnh dại

CẦN THƠ Ngày 16/4, Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP. Cần Thơ phối hợp với Sở Y tế, Trường Nông nghiệp (Đại học Cần Thơ) tập huấn phòng, chống bệnh dại trên động vật.

1 ha hồi cho thu nhập 400 triệu đồng/năm

BẮC KẠN Giá bán khoảng 30.000đ/kg, có những năm đỉnh điểm lên tới 70.000đ/kg, cây hồi đem lại thu nhập cao, trở thành cây giảm nghèo, làm giàu của nhiều nông hộ ở tỉnh Bắc Kạn.