| Hotline: 0983.970.780

Mặn 'gõ cửa'

Thứ Tư 05/08/2015 , 06:13 (GMT+7)

Diễn biến mưa lũ bất thường và tác động ngày càng phức tạp của dòng chảy làm ảnh hưởng lớn đến sông Hậu, sông Tiền; tình trạng múc cát lòng sông gây sạt lở nghiêm trọng vẫn diễn ra...

NNVN có cuộc trao đổi với ông Lưu Văn Ninh (ảnh), GĐ Đài Khí tượng thủy văn tỉnh An Giang về vấn đề này.

15-43-23_nh-1-ong-luu-vn-ninh-gd-di-khi-tuong-thuy-vn-tinh-n-ging

Nguy cơ thiếu nước ngọt

Từ giữa tháng 7/2015 đã xuất hiện nước đỏ đục phù sa trên sông Tiền, sông Hậu, ông có dự báo gì về mùa nước nổi năm nay?

Trong những ngày qua khu vực Trung Lào có mưa vừa đến mưa to trên diện rộng, mực nước các trạm trên sông Mekong từ Trung Lào về đến hạ lưu đang lên nhanh.

Ngày 2/8, mực nước lúc 7h tại Vientiane là 7,25m, cao hơn cùng kỳ năm 2014 là 0,85m và thấp hơn trung bình nhiều năm (TBNN) 0,61m;

Tại Kratie là 15,50m thấp hơn cùng kỳ năm 2014 là 5,88m và thấp hơn TBNN 0,86m;

Tại Pakse là 8,74m thấp hơn cùng kỳ năm 2014 là 2,95m và cao hơn TBNN 0.36m.

Khu vực đầu nguồn sông Cửu Long mực nước cao nhất ngày 1/8 trên sông Tiền tại Tân Châu là 1,97m, trên sông Hậu tại Châu Đốc là 1,89m thấp hơn cùng kỳ năm 2014 từ 0,4 - 0,9m. Như vậy, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long đang ở mức thấp.

Hiện tượng ElNino khởi phát từ cuối năm 2014 đang tiếp tục duy trì và có khả năng mạnh lên trong các tháng tiếp theo và có thể kéo dài đến cuối năm 2015.

Trong điều kiện ElNino, dự báo năm 2015 sẽ có khoảng 9 cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông (TBNN khoảng 12 cơn) và khoảng 3 - 4 cơn bão, áp thấp nhiệt đới sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta (TBNN là 5 - 6 cơn). Cần đề phòng những cơn bão mạnh, có hướng di chuyển phức tạp hoạt động vào các tháng cuối mùa (tháng 11, 12) ảnh hưởng đến các tỉnh Nam bộ.

Lượng mưa trên khu vực thượng nguồn Mekong sẽ tiếp tục nhỏ hơn so với TBNN, lượng dòng chảy sẽ thiếu hụt khoảng 30 - 40% so với TBNN. Đỉnh lũ cao nhất năm tại Tân Châu, Châu Đốc sẽ xuất hiện vào cuối tháng 9 đầu tháng 10, ở mức xấp xỉ và thấp hơn đỉnh lũ năm 2014 và thấp hơn TBNN.

nh-4-tinh-hinh-st-lo-bo-song-tien-song-hu-ngy-cng-phuc-tp-3-1142534667
Tình hình sạt lở bờ sông Tiền, sông Hậu ngày càng phức tạp

Do đỉnh lũ năm nay trên sông Mekong khả năng ở mức thấp, lượng nước từ thượng nguồn về giảm so với TBNN nên xâm nhập mặn vùng cửa sông Nam bộ sẽ xuất hiện sớm và sâu, đề phòng nguy cơ thiếu nước ngọt trong những tháng đầu mùa khô 2015-2016.

Khắc phục triệt để

Với đặc điểm và diễn biến dòng chảy ngày càng phức tạp, sạt lở tập trung vào 2 mùa mưa, nắng. Tỉnh An Giang đã có biện pháp gì để khắc phục?

Toàn tỉnh có khoảng 48 đoạn sông được đưa vào danh mục cảnh báo sạt lở, với tổng chiều dài đoạn bờ sông khoảng 157 km. Trong đó có 10 đoạn cảnh báo ở mức độ rất nguy hiểm, 31 đoạn ở mức nguy hiểm, 6 đoạn ở mức trung bình và 1 đoạn ở mức độ nhẹ.

Trước diễn biến xấu của tình trạng sạt lở ngày có chiều hướng gia tăng và phức tạp, trước mắt các cấp, ngành, địa phương cần đề xuất thực hiện các giải pháp nhằm hạn chế tốc độ và thiệt hại do sạt lở gây ra.

Trước tình trạng sạt lở nghiêm trọng ông có khuyến cáo gì?

An Giang là tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long với địa hình tương đối bằng phẳng, kênh rạch và sông ngòi chằng chịt, lại hứng chịu dòng chảy của lưu vực sông Mekong, chế độ thủy triều biển Tây, biển Đông...

Do bị tác động của dòng triều từ ba hướng bao quanh đã tạo ra một quá trình sông - biển rất phức tạp, là động lực chủ yếu nhất và quan trọng nhất đào xói tạo ra nhiều hố xoáy làm cho các sông chính bị phân dòng và chảy quanh co với độ uốn khúc lớn, dọc hai bên bờ sông bị sạt lở nhiều nơi.

Diễn biến lòng sông là một quy luật tự nhiên vốn có của sông ngòi. Bên cạnh những lợi ích mang lại trong phát triển KT-XH. Những hoạt động kinh tế của con người như khai thác vật liệu vỏ lòng sông và tài nguyên nước, các công trình xây dựng lấn chiếm lòng sông, hoạt động của các phương tiện có trọng tải lớn, có động cơ mạnh, nuôi trồng thủy sản bằng các làng bè... ít nhiều có ảnh hưởng đến dòng chảy, độ ổn định của bờ sông, lòng sông, gây sạt lở đất bờ sông.

Để phòng tránh tai họa này trước hết cần thực hiện theo ba hướng sau:

Thứ nhất tại các khu vực xảy ra diễn biến lòng sông dù mạnh hay yếu, nhưng không phải là các khu vực tập trung kinh tế lớn, thì chủ yếu là dự báo mức độ diễn biến lòng sông và sạt lở đất bờ sông hàng năm và cho nhiều năm, làm cơ sở khoa học cho các quyết định di dân và các cơ sở hạ tầng đến vị trí mới có thời gian an toàn trong một thời gian nhất định nào đó.

Thứ hai, diễn biến lòng sông và sạt lở đất bờ sông xảy ra tại các trung tâm KT-XH có quy mô tập trung lớn như các thành phố, các thị xã quan trọng thì không những phải làm tốt công tác dự báo, cảnh báo mà còn phải tiến hành nghiên cứu các biện pháp công trình và phi công trình thích hợp để bảo vệ bờ vững chắc và ổn định lâu dài.

Thứ ba, khai thác và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên cần có giải pháp và lịch trình khắc phục triệt để, góp phần tích cực vào sự nghiệp đô thị hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Quản lý quy hoạch

Hằng năm ẩn họa lũ lớn luôn đe dọa diện tích lúa vụ 3 ở khu vực đầu nguồn sông Cửu Long, vậy phía tỉnh có biện pháp nào?

Khu vực đầu nguồn sông Cửu Long bị ảnh hưởng lũ sớm nhất ở ĐBSCL. Để tránh thiệt hại trong SX nông nghiệp cũng như thiệt hại về người và tài sản, các ngành chức năng nên yêu cầu các huyện, thị thực hiện các phương án phòng chống lũ, tiến hành gia cố đê bao bảo vệ lúa vụ 3 (TĐ).

Tổ chức các lớp tập huấn về khả năng đối phó với bão, lũ cho cán bộ cấp huyện và xã; tuyên truyền cho người dân nhận thức và ứng phó khi bão lũ xảy ra. Đối với chính quyền địa phương, nhiệm vụ quan trọng là bảo vệ SX và đảm bảo an toàn tính mạng người dân vùng ngập lũ.

Triển khai kế hoạch phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn của các ngành và địa phương, trước mắt bảo vệ SX vụ 3 thu hoạch trọn vẹn, bảo vệ tài sản và tính mạng nhân dân.

Tăng cường công tác kiểm tra hệ thống đê bao, cống bọng và đẩy nhanh tiến độ thực hiện gia cố đê bao, duy tu cống bửng, đặt biệt trong vùng xung yếu.

Tổ chức lắp đặt các trạm bơm điện đề phòng các đợt mưa gây ngập úng cục bộ nhằm chủ động bơm tiêu chống úng bảo vệ SX vụ 3 và có phương án bảo vệ SX trong mùa lũ với phương châm "4 tại chỗ" (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư – phương tiện và kinh phí tại chỗ; hậu cần tại chỗ), "3 sẵn sàng" (chủ động phòng tránh; đối phó kịp thời; khắc phục khẩn trương và có hiệu quả).

Theo ông bố trí cơ cấu mùa vụ cho cây trồng như thế nào sẽ phù hợp, an toàn trong mùa lũ?

Trước đây mỗi khi lũ về người dân lo toan chạy lũ. Những năm gần đây bà con cũng tăng cường SX ngay trong mùa lũ nhờ tỉnh đầu tư xây dựng hệ thống đê bao kiên cố.

Để bố trí cơ cấu mùa vụ cho cây trồng phù hợp, an toàn trong mùa lũ. Đối với vùng đê bao vững chắc, nông dân chỉ được phép xuống giống ở những vùng đảm bảo ăn chắc.

Đề xuất không SX đối với những vùng đê bao xung yếu hoặc đê bao thực hiện chưa hoàn thành, không đảm bảo an toàn và không có giải pháp tốt bảo vệ SX, các tuyến đê, đập thấp hơn đỉnh lũ năm 2000, 2011.

Ngoài việc SX lúa vụ 3 và rau màu các loại, người dân phải biết tiên lượng và chủ động nhiều hơn trong các mô hình SX mùa lũ có hiệu quả như nuôi tôm, nuôi cá, đan lờ lọp, lưới... để tăng thu nhập.

Vấn đề tiên quyết đối với ngành chức năng chính là thực hiện tốt khâu quy hoạch và quản lý quy hoạch về nông nghiệp, không để người dân làm ăn tự phát.

Quy hoạch phải phù hợp với điều kiện canh tác, thổ nhưỡng của từng vùng để trên cơ sở đó địa phương quy hoạch chi tiết cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Hơn 300 đại lý tham gia Hội nghị khách hàng Japfa Việt Nam

Ngày 28/3, Hội nghị khách hàng khu vực miền Bắc của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Japfa Việt Nam) được tổ chức tại Vĩnh Phúc với chủ đề 'Đồng kiến tạo giá trị'.

Đề xuất không xử phạt hành chính thuốc thú y chưa kịp công bố hợp quy

Bộ NN-PTNT đề xuất Chính phủ không xử phạt thuốc thú y đã được cấp chứng nhận lưu hành nhưng chưa thực hiện công bố hợp quy từ ngày 14/2/2024 đến ngày 31/5/2025.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất