| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 08/04/2019 , 08:58 (GMT+7)

08:58 - 08/04/2019

Mạng người ngày càng rẻ?

Vào trưa ngày 3/4, thấy một thiếu niên 16 tuổi chở bạn gái trên xe đạp điện lạng lách, vượt đèn đỏ trên đường Hùng Vương ở TP Đông Hà (Quảng Trị), người đàn ông 32 tuổi đã lên tiếng nhắc nhở. Lập tức anh bị thiếu niên rút dao bấm trong người đâm thẳng vào ngực, tử vong.

Lê Văn Hoài, thiếu niên dùng dao bấm đâm chết người nhắc nhở mình vượt đèn đỏ. Ảnh: Công an Quảng Trị

Một mẩu tin ngắn gọn, nằm khiêm tốn trên các báo về vụ việc đó, tưởng chìm nghỉm giữa những thông tin đang gây bão trên báo chí như nguyên viện phó VKSND TP Đà Nẵng dâm ô bé gái trong tháng máy; 5 nữ sinh lột quần đánh hội đồng bạn cùng lớp, hay “giang hồ mạng” Khá “Bảnh” bị bắt về hành vi đánh bạc... Nhưng cũng khiến dư luận xôn xao, khi một câu hỏi được đặt ra nhân vụ án đó: Mạng người sao ngày càng rẻ?

Thật vậy, càng ngày càng nhiều cái chết được gây ra bởi những lí do đơn giản đến không ngờ, khiến mới nghe không ai có thể tin được: Một va quệt giao thông rất nhỏ, không gây hỏng phương tiện, không gây thương tích cho người bị va quệt, mất mạng. Được mời một chén rượu mà không uống, mất mạng. Chê một bài hát dở, mất mạng. Một câu nhắc nhở nhà hàng xóm vì mở đài to, mất mạng. Liếc mắt một cái khiến người bị nhìn không vừa lòng, mất mạng. Chồng đi uống rượu về muộn, vợ cằn nhằn vài câu, mất mạng...

Và không biết bao nhiêu lí do chẳng lấy gì làm to tát, chẳng lấy gì làm căng thẳng, cũng khiến một vài mạng người bị tước đoạt.

Để đưa được một kẻ phạm tội có khung hình phạt tử hình đến giường tiêm thuốc độc, phải qua không biết bao nhiêu khâu, từ điều tra đến truy tố, xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm, thi hành án. Xã hội tốn kém không biết bao nhiêu là tiền bạc. Chỉ riêng một liều thuốc độc để tiêm vào kẻ tử tội đã phải nhập từ nước ngoài, tốn đến 300 triệu rồi. Thế mà với không biết bao nhiêu kẻ, việc tước đoạt mạng sống của đồng loại chỉ nhẹ như cái bấc, và “nhỏ như con thỏ”, khiến mỗi năm các cơ quan tố tụng phải đưa hàng ngàn vụ án giết người có nguyên nhân từ những việc, những va chạm rất vụn vặt như thế ra xét xử. Vì sao như vậy?

Phải chăng một bộ phận không nhỏ trong xã hội, trong đó nhiều nhất là thanh thiếu niên, do không chịu rèn luyện, không chịu tu dưỡng, chạy theo những cám dỗ vật chất và đắm chìm trong những trào lưu bạo lực, dâm ô, nên càng ngày càng trở nên mù lòa với pháp luật và vô cảm trước đạo đức, từ đó giẫm đạp lên luật pháp, coi thường mạng sống của đồng loại?

Làm sao để ngăn chặn, hay ít ra cũng khiến những vụ án như thế giảm thiểu đến mức tối thiểu? Câu trả lời chỉ có thể có được, một khi cả xã hội vào cuộc, khiến cho ý thức thượng tôn pháp luật và đạo đức xã hội được nâng cao, khi “người yêu người, sống để yêu nhau”.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm