| Hotline: 0983.970.780

Mạnh dạn bước đi để khám phá

Chủ Nhật 16/08/2015 , 15:39 (GMT+7)

Dường như niềm đam mê cháy bỏng và nhiệt huyết khám phá những vùng đất mới đã biến định mệnh thành hiện thực. 

Tôi còn nhớ năm mình 6 tuổi, cha chở tôi trên chiếc xe đạp Peugeot màu xanh đã cũ. Ông đến đường Yên Phụ gặp bạn bè trong giới nhiếp ảnh như thường lệ. Tôi ngồi trên yên sau. Từ phố Đại Cồ Việt đi vượt quá Hồ Tây dễ đâu chừng cả tiếng. Tôi chưa bao giờ đi xa như thế.

Những người bạn của cha tôi đã chờ sẵn bên một quán nước vỉa hè. Họ chuyện trò rôm rả còn tôi ngồi một mình trên chiếc ghế đẩu con, mắt nhìn người qua lại.

Đường Yên Phụ là một con phố hẹp rất dài và xa lạ. Những ngôi nhà lụp xụp buồn tẻ. Tôi cho rằng đây đã là nơi tận cùng rồi, tận cùng trong không gian sống của tôi. Tuy nhiên, khi dõi về phía cuối con đường hút dài trong những hàng cây rậm rạp, tôi tự hỏi rằng nó sẽ dẫn đến đâu, cái con đường ấy? Ý nghĩ về con đường này, dòng sông này sẽ kết thúc ở đâu, đâu là sẽ điểm tận cùng luôn ám ảnh tôi cho đến tận bây giờ.

Khi dạo bước qua những góc phố hiện đại của Frankfurt, Seoul; những tòa thành Stockholm, Lyon cổ kính; những nơi hoang dã của cánh rừng Luang Prabang, Bali; tôi luôn bị ám ảnh bởi ý nghĩ khám phá đến điểm tận cùng. Và điều đó khiến tôi sục sạo khắp thành phố với một niềm đam mê khát khao tìm kiếm.

Suốt thời thơ ấu cho đến khi trưởng thành, tôi không được đi đâu nhiều. Đến năm 17 tuổi tôi mới lần đầu tiên nhìn thấy biển, tận năm 19 tuổi mới đặt chân đến Sài Gòn, là nơi xa nhất tôi từng đi. Trước đó, cả thế giới tôi thu gọn trong những trang sách và màn ảnh của vô tuyến truyền hình.

Còn nhớ hồi đầu thập niên 80, gia đình tôi có một chiếc ti vi đen trắng bắt được cả kênh truyền hình Liên Xô. Lúc đó lòng tôi tự hỏi “Họ đang nói thứ tiếng gì vậy? Họ sống ở đâu vậy? Sao họ không giống mình?”. Và khát khao học được tiếng nói của người khác cũng trở thành một nỗi ám ảnh không kém. Tôi muốn hiểu được người ta nói điều gì. Tôi muốn biết nơi người ta sống có gì khác nơi tôi đang sống.

Sau này, tôi lần lượt học qua 5 ngôn ngữ với một sự đam mê cuồng nhiệt cũng vì lòng nhiệt thành muốn khám phá ấy. Lần đầu tiên ra khỏi biên giới cũng là lúc tôi đặt chân đến sân bay Charles de Gaule. Cái ngôi nhà rộng lớn dẫn ra đường băng cứ 1 phút lại một chiếc máy bay cất cánh ấy chẳng mang lại cảm giác cụ thể nào.

Chỉ tới khi bước ra khỏi sân bay, chạm chân mình vào vỉa hè không một hạt bụi, hít thở không khí trong lành lạ lùng của buổi ban mai ở xứ sở ôn đới, tiếng bánh xe ô tô lướt trên mặt đường nhựa (điều mà chẳng thế nào nghe thấy ở những thành phố ồn  ã như nơi tôi đang sống), tôi mới cảm thấy một niềm vui sướng điên cuồng dâng lên nghẹt cổ họng.

Trước mặt tôi là Paris, Paris sẽ nằm ở cuối con đường này, nơi mà xa lộ nối liền sân bay với nội thành mang hình xoắn trôn ốc.

Paris – Kinh đô của ánh sáng, thành phố của những đại văn hào đã đưa tôi gần hơn đến sông Seine, Nhà thờ Đức Bà và những vách tường xám một màu trên con phố hẹp qua từng trang sách. Tôi ngồi hàng ghế đầu trên chiếc xe coach (xe buýt đường dài) đang lăn bánh vào nội đô. Đó là điểm khởi đầu cho những chuyến đi dài bất tận của tôi sau này.

Tôi nhớ lại khoảnh khắc ngồi trên vỉa hè đường Yên Phụ, lúc ngồi trước màn hình vô tuyến nhìn Richard Max đang vẫy chào fan hâm mộ trong tour lưu diễn châu Âu, trên khẩu ngữ hiện ra dòng chữ “Welcome to Stockholm”, tôi không biết rằng sẽ có ngày mình cũng đứng trên địa danh ấy. Dường như niềm đam mê cháy bỏng và nhiệt huyết khám phá những vùng đất mới đã biến định mệnh thành hiện thực.

Rồi một ngày tôi cưỡi voi ở Luang Prabang, ngắm mưa rơi lâm thâm trên những mái đền Angcor Wat, lướt ván ở Bali, thăm chuồng nuôi ngựa của đức vua Brunei, ăn một ly kem trong con phố cổ Macau, lật những bản nhạc Bethoven trong ngôi nhà nằm trên đường Bonngasse, nhìn những cánh hải âu trắng phau bám lấy mạn tàu đang vượt qua eo biển Baltic, nhặt ngọn nến thiêng trong âm u nhà thờ trên đỉnh đồi thành Lyon và lồng vào tay chiếc nhẫn nạm hổ phách bày bán bên bờ sông Neva.

Có đôi khi, tôi ngồi lại trên vỉa hè một thành phố lạ, nhìn những người lạ đi qua, lúc ấy thời gian như ngưng lại, còn con đường trước mặt thì nối dài bất tận.

Người quen tôi, đều biết niềm đam mê kỳ lạ của tôi.

Họ hy vọng rằng những chuyến đi liên tiếp sẽ làm tôi thấy nhàm mà dịu bớt ngọn lửa ở trong lòng. Nhưng hình như họ đã nhầm rồi, cả tôi cũng đã nhầm.

Càng đi, tôi càng thấy những con đường trở nên không có điểm kết thúc. Tình yêu dịch chuyển tạo thành một phần cuộc sống của tôi. Trên bàn làm việc ngay trước mặt tôi có quả địa cầu. Những khi xoay tròn nó trong tay, những lục địa đủ sắc màu nối liền các đại dương loáng qua như một ống kính vạn hoa kỳ ảo. Khi ấy tôi thấy Trái đất này thật nhỏ bé.

Thế kỷ 21, các quốc gia đã xích lại gần nhau, chỉ một giây thông tin đã dội đến toàn cầu, người ta bay đến nhau nơi xa nhất cũng chỉ bằng thời gian hơn nửa vòng quay Trái đất. Tôi sẽ không phải khổ như Đường Tăng đi từ Tây An mất hai năm mới sang tới Ấn Độ, không phải lênh đênh trên biển hơn hai tháng như Christopher Columbus mới tìm ra châu Mỹ, không phải ròng rã nhiều năm trời như Marco Polo mới đi được từ châu Âu đến Trung Quốc theo con đường tơ lụa.

Thậm chí như những lưu học sinh cách đây nửa thế kỷ, muốn đi từ Hà Nội sang Mátxcơva cũng cả tuần trời trên tàu hỏa mới qua được Bắc Kinh, Mông Cổ, rồi Siberia.

Muốn đi đâu, tôi search mạng, đặt vé máy bay, đặt phòng khách sạn qua mạng, tìm travel tips (mẹo du lịch) trên mạng. Và cầm hộ chiếu, chỉ vài giờ sau đã hạ cánh ở một trung tâm văn hóa hoàn toàn xa lạ.

Đôi khi tình cờ gặp một người quen giữa sân bay Kuala Lumpur ngồn ngộn người, ngay công viên rộng lớn trong thành Quế Lâm, rồi trong cả quán ăn Singapore tấp nập khách vào ra mới càng thấy thế giới này bé nhỏ biết bao nhiêu.

Nhưng rồi có lần, trước chuyến du lịch bụi đi Bali, bao gồm những người có niềm đam mê dịch chuyển giống như tôi, cuộc họp đoàn đã diễn ra rôm rả. Thành viên này từng kinh hoàng chứng kiến cuộc đọ súng trên ô tô ở Phnompenh qua ô cửa kính tầng cao khách sạn, rồi những thây người chết thiêu hàng loạt trên bờ sông Nepal theo tục lệ bị bốc mùi cháy khét; thành viên kia đã có dịp ngắm bức tượng Jesus Christ giang cánh tay khổng lồ trên bầu trời Rio de Janeiro và đền thờ thần Zeous ở thành Athen; rồi lại người khác đã lướt sóng ở Hawai (mà tôi chỉ mới nhìn thấy trong phim Trân Châu Cảng), đã đi xe Jeep qua sa mạc Tây Tạng đến Nepal; người khác nữa có cơ may ngắm những dòng hải lưu sôi lục bục ở xứ sở của băng tuyết và núi lửa Iceland.

Một cậu trong đoàn có mẹ là bác sĩ đang làm việc ở Angola. Cậu kể lại lời của mẹ rằng dân Angola đói nghèo nhưng lúc nào cũng nhảy múa đến quên đời. Họ nhảy múa đến bụi mù đường phố, và một lần có cô gái mang con đến cho mẹ cậu cứu chữa. Đứa bé được địu sau lưng đã chết từ bao giờ vì mẹ nó mải nhảy múa hăng say quá.

Họ tranh nhau kể chuyện, không màng tới bữa trưa đã quá từ hai tiếng. Lúc ấy, tôi lại thấy sao Trái đất này thật rộng lớn, và những con đường sẽ còn kéo dài mãi không có điểm tận cùng. Tôi lại ước gì mình được như họ, và khi lắng nghe họ nói, tôi cố tưởng tượng ra phần còn lại của thế giới bằng cách nhìn những vùng đất mới qua con mắt của người kể chuyện.

Tôi biết rằng, ngay cả khi đã đứng trên những mũi đất mà họ từng đến, rồi lòng tôi sẽ lại còn dõi theo những cánh rừng rậm rì bên dòng Amazon hay những dòng sông băng quanh bờ Nam Cực. Cuộc sống có thể là những chuyến đi dài, nhưng cũng có thể chỉ dừng tại một điểm duy nhất khi Trái đất vẫn còn xoay nếu như ta không cần đến niềm đam mê để bay theo những chân trời dù chỉ là trong những hình dung và tưởng tượng.

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Lúa đông xuân sớm được mùa, nông dân lãi 20 triệu đồng/ha

QUẢNG BÌNH Các diện tích lúa đông xuân sớm tại Quảng Bình hiện đã thu hoạch, năng suất bình quân khoảng 65 tạ/ha, nông dân lãi hơn 20 triệu đồng/ha…

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm