| Hotline: 0983.970.780

Mảnh đất 49 hồi sinh

Thứ Năm 07/11/2013 , 10:04 (GMT+7)

Cty TNHH MTV Cà phê 49 (huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk) nguyên là đơn vị quân đội chuyển sang làm kinh tế từ tháng 4/1977; đến tháng 10/1982, Bộ Quốc phòng bàn giao cho Bộ Nông nghiệp nay là Bộ NN-PTNT quản lý.

Cty TNHH MTV Cà phê 49 (huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk) nguyên là đơn vị quân đội chuyển sang làm kinh tế từ tháng 4/1977; đến tháng 10/1982, Bộ Quốc phòng bàn giao cho Bộ Nông nghiệp nay là Bộ NN-PTNT quản lý.

Nhớ lại cái thuở ban đầu, những người lính chuyển sang làm kinh tế đã gặp bao nhiêu khó khăn thử thách tưởng chừng không vượt qua nổi ở một vùng đất đầy cỏ tranh lau lách. Khí hậu khắc nghiệt, bệnh sốt rét luôn thường trực, chỉ trong vòng 1 tháng của năm 1985 đã cướp đi trên 30 sinh mạng.

Vượt qua những khó khăn thử thách đó, những người lính đã phát huy bản chất anh bộ đội Cụ Hồ, xây dựng Cty Cà phê 49 ngày một đi lên.


Thu hoạch cà phê

Ông Trần Nho An, Chủ tịch HĐTV Cty TNHH MTV Cà phê 49, cho biết: Từ cây cà phê được trồng ban đầu năm 1979, đến nay Cty có 1.119 ha cà phê. Vào thời điểm năm 1999-2003, là thời kỳ suy thoái của ngành cà phê Việt Nam do giá bán quá thấp, một cân cà phê không bằng một cân cà pháo.

Cùng với việc đầu tư cơ sở hạ tầng bằng nguồn vốn vay của ngân hàng trung và ngắn hạn với giá trị là 54 tỷ đồng, trong đó Cty nợ 36 tỷ đồng, người lao động nợ 18 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, nội bộ Cty mất đoàn kết, khiếu kiện tập thể kéo dài, các cơ quan của tỉnh Đắk Lắk và Tổng Cty Cà phê Việt Nam xác định Cty là điểm nóng. Sau khi ổn định lại tổ chức, giá cà phê phục hồi và được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách mới ưu tiên, hỗ trợ cho ngành cà phê; đồng thời có sự quan tâm lãnh đạo chỉ đạo trực tiếp của Tổng Cty và các cấp chính quyền địa phương, Cty có phương án khoán phù hợp tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động có thu nhập ổn định.

Đến nay, Cty TNHH MTV Cà phê 49 đã có bước phát triển vượt bậc trở thành doanh nghiệp hạng nhất. Nguồn vốn không chỉ được giữ vững mà còn phát triển tăng gấp nhiều lần. Làm ăn năng động nhạy bén với thị trường, ăn nên làm ra.

Trong giai đoạn từ năm (2006-2012), tổng doanh thu trên 129 tỷ đồng, lợi nhuận gần 42 tỷ đồng. Đời sống của công nhân và nhân dân trong vùng đã có của ăn của để. Nhiều hộ gia đình đã xây nhà kiên cố và mua sắm những tiện nghi đắt tiền như xe máy, ô tô.

Từ kết quả sản xuất, kinh doanh và cơ chế chính sách huy động đóng góp từ người lao động được 7 tỷ đồng, Cty đã đầu tư xây dựng hơn 3 km đường bê tông, 3 trụ sở đội sản xuất. Đồng thời còn phối hợp với chính quyền địa phương và ban quản lý dự án huyện Krông Năng đầu tư từ vốn ngân sách 2 dự án giao thông thủy lợi.

Ông Nguyễn Xuân Kiền, Giám đốc Cty, cho hay: Năm 2013, trong bối cảnh điều kiện thời tiết đầu năm diễn biến rất phức tạp, nắng nóng kéo dài, tác động lớn đến sinh trưởng và phát triển của cây cà phê; đơn vị chúng tôi cố gắng phấn đấu doanh thu 110 tỷ đồng, lợi nhuận 6,5 tỷ đồng và nộp ngân sách Nhà nước 5 tỷ đồng.

 Đầu năm đã triển khai thực hiện kế hoạch sản xuất, chỉ đạo, giám sát thực hiện để áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng. Người lao động đã quan tâm tăng cường đầu tư phân hữu cơ, phân vi sinh và đặc biệt Cty đã tạo nhiều cơ chế thông thoáng trong đầu tư phân bón cho các hộ nhận khoán.

Bên cạnh đó, căn cứ vào Nghị định 135/NĐ/CP ngày 08/11/2005 của Chính phủ và văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành, Tổng Cty Cà phê Việt Nam, Cty đã nghiên cứu, phổ biến quán triệt đến người lao động. Đồng thời xây dựng dự thảo phương án giao khoán, chuyển đến các đội sản xuất đóng góp ý kiến, thông qua đại hội đại biểu công nhân viên chức và thống nhất trình Tổng Cty phê duyệt.

Quá trình xây dựng phương án khoán được đảm bảo theo đúng quy trình của Nhà nước và Tổng Cty, đảm bảo tính minh bạch, công khai dân chủ và có sự thống nhất cao trong tập thể.

Đến nay, 100% người nhận khoán đã được thực hiện ký kết hợp đồng giao nhận khoán với Cty. Với phương thức khoán đi đôi với quản, đã thực hiện đúng vai trò giám sát chỉ đạo tới tận người lao động trong công tác điều hành kế hoạch sản xuất, từ đó tạo niềm tin với những hộ nhận khoán vườn cây.

Theo dự án tái canh cà phê của Cty giai đoạn 2013-2018 là 450 ha, với nguồn vốn trên 106 tỷ đồng. Hiện tại, bằng nguồn vốn tự có đơn vị đã chuyển đổi được 91 ha cà phê già cỗi, năng suất thấp sang trồng tái canh. Theo tính toán thì tái canh 1ha cà phê thì cần đến 236 triệu đồng/ha, với thời gian là 6 năm.

Trên bước đường đi tới Cty còn gặp nhiều khó khăn trở ngại nhưng với những thành tích đã đạt được và sự nhanh nhạy dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của lãnh đạo, tin rằng Cty sẽ vượt qua khó khăn, ngày càng lớn mạnh.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.