| Hotline: 0983.970.780

Mảnh đất và "cuộc chiến" giữa 2 chú cháu

Thứ Năm 02/08/2012 , 13:52 (GMT+7)

UBND xã Minh Đức, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội sẽ kiên quyết tổ chức cắm mốc giới, phân định rõ mốc giới diện tích đất giữa 2 nhà, chấm dứt một vụ tranh chấp đã kéo dài quá lâu.

Khu đất đang tranh chấp
Theo xác nhận của ông Nguyễn Khắc Dum (hiện là trưởng thôn Cầu, xã Minh Đức, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội), thì trước năm 1990, ông có lấn chiếm 1 mảnh đất tại máng A210, có chiều dài bám theo mặt tỉnh lộ 428 là 22m, tại thôn Cầu, nhưng sau đó ông đã cho em họ là Nguyễn Khắc Goỏng (ở cùng thôn) thửa đất ấy.

Ông Goỏng là “bị hại”?

Theo “Đơn kêu cứu” của ông Goỏng, thì sau khi được ông Dum cho đất, vợ chồng ông đã đổ đất vượt thành thổ làm nhà. Trong suốt quá trình đổ đất, gia đình ông không bị bất cứ sự ngăn cản nào của chính quyền. Khi địa phương tiến hành xử lý các trường hợp lấn chiếm đất theo Quyết định số 135/QD/UB ngày 22/5/1987 của UBND tỉnh Hà - Sơn - Bình (khi đó Hà Tây và Hòa Bình chưa tách riêng thành 2 tỉnh). Theo quy định tại quyết định trên, gia đình ông phải nộp một số thóc thì mới được hợp thức hóa thửa đất đó, và ngày 30/12/1992 là hạn nộp thóc (quy thành tiền) cuối cùng, nếu không nộp thì sẽ không được giao đất canh tác theo Nghị định 64/CP của Chính phủ.

Do không có tiền, nên ông đã làm giấy nhượng cho chú là ông Nguyễn Khắc Thấu một phần diện tích có chiều dài bám mặt tỉnh lộ 428 là 10m. Ông Thấu đã nộp vào ngân sách xã số tiền 300 ngàn đồng, tương đương 900 kg thóc. Nhưng ngay sau đó ông Goỏng đổi ý không bán nữa, đã vay mượn trả lại cho ông Thấu 300 ngàn đồng, ông Thấu cũng trả lại ông Goỏng tờ phiếu thu tiền, còn tờ giấy chuyển nhượng (do chính tay ông Goỏng viết) thì ông Thấu xin giữ lại. Ông Goỏng đồng ý để ông Thấu giữ tờ giấy đó, nhưng ghi thêm vào góc trái tờ giấy mấy chữ “tôi cam kết quyết tâm để lại không bán cho ai, nếu sai tôi sẽ chịu trách nhiệm về gia đình”.

Cũng theo đơn trên của ông Goỏng, thì từ hơn 10 năm nay “dựa vào tờ giấy chuyển nhượng đó, ông Thấu đã thông đồng với những người có chức quyền ở địa phương, âm mưu cướp phần đất có chiều dài bám mặt đường 10m” của ông. Năm 2002, vợ chồng ông đã xây nhà mái bằng, bể chứa nước mưa, bể chứa nước lọc giếng khoan trên diện tích đất có chiều dài bám mặt đường 428 là 14,6m, còn phần diện tích đất có chiều dài bám mặt đường 7,4m thì ông đã đổ bê tông và xây móng bằng gạch xỉ để làm bếp. Trong suốt quá trình xây dựng đó ông Thấu không có ý kiến gì, ông rất mừng, tưởng “ông Thấu đã từ bỏ ý định chiếm đất của gia đình tôi”, nhưng rồi mâu thuẫn lại bùng ra.

Trong một “Giấy xác nhận”, ông Dum có xác nhận: “Theo quan điểm của tôi, đất một ba lăm (ý nói đất lấn chiếm đã được xử lý, hợp thức theo Quyết định số 135 của UBND tỉnh Hà - Sơn- Bình), ai lấn chiếm được (thì) người đó sử dụng với điều kiện thuế đất phải đóng đủ. Vậy anh Thấu chiếm của em tôi khu đấy là không đúng”.

Đâu là sự thực?

Làm việc với chúng tôi, câu khẳng định đầu tiên của ông Nguyễn Đình Đề, Chủ tịch UBND xã Minh Đức là:

- Đơn của ông Goỏng là hoàn toàn bịa đặt. Chính ông Goỏng chiếm đất của ông Thấu chứ không phải ông Thấu chiếm đất của Goỏng.

Phải chờ hơn một tiếng đồng hồ, cán bộ địa chính xã Minh Đức mới phô tô xong hồ sơ vụ tranh chấp cho chúng tôi vì quá nhiều. Ông Nguyễn Đình Đề cho biết:

- Năm 1990-1991, địa phương tiến hành xác minh đất lấn chiếm của các hộ dân. Các thôn đều thành lập đoàn kiểm tra. Tôi lúc đó làm trưởng đoàn của thôn Cầu. Ai lấn chiếm vị trí nào, phải kê khai để đoàn kiểm tra tổng hợp, trình lên cấp có thẩm quyền xem xét xử lý. Lúc đó ông Thấu kê khai có đất lấn chiếm chiều dài bám mặt đường 428 là 10m. Ông Goỏng cũng kê khai lấn chiếm chiều dài bám mặt đường 428 là 10m. Hai thửa đất lấn chiếm của ông Thấu và ông Goỏng nằm sát nhau. Ông Goỏng ở giữa, phía Tây là đất của ông Đãng, phía Đông là đất lấn chiếm của ông Thấu.

Xem “Sổ tổng hợp” của thôn Cầu năm 1990 còn lưu lại, ghi rõ “Danh sách đất vượt dọc đường 75 (tức tỉnh lộ 428)”, chúng tôi thấy đúng như lời ông Đề nói. Trong hồ sơ xử lý vụ tranh chấp đất giữa ông Goỏng và ông Thấu có rất nhiều biên bản của địa chính và tư pháp xã ghi lời khai của nhiều người biết sự việc lấn chiếm đó. Tất cả đều khẳng định tại thời điểm đoàn kiểm tra xác minh đất lấn chiếm của thôn Cầu đi kiểm tra, ông Goỏng và ông Thấu mỗi người lấn chiếm một thửa đất bám mặt tỉnh lộ 428 có chiều dài 10m. Trong hồ sơ cũng có nhiều biên bản đình chỉ việc xây dựng trái phép của ông Goỏng trên thửa đất đang có sự tranh chấp giữa ông Goỏng và ông Thấu.

Tài liệu quan trọng nhất là tờ thỏa thuận giữa ông Goỏng và ông Thấu, về việc ông Goỏng chuyển nhượng cho ông Thấu một phần diện tích đất lấn chiếm có chiều dài bám mặt tỉnh lộ 428 là 10m như đơn của ông Goỏng mà chúng tôi đã nêu ở trên, khi làm việc với ông Thấu, chúng tôi đã được ông Thấu cung cấp. Trong tờ “Biên bản nhượng đất” do chính tay mình viết đề ngày 2/1/1993 đó, ông Goỏng mô tả thửa đất ông nhượng lại cho ông Thấu “Phía Tây giáp ông Đãng, phía Đông giáp ông Thấu, tổng chiều ngang là 10 m”.

Như vậy là tuy ông Nguyễn Khắc Dum xác nhận rằng trước năm 1990 ông đã lấn chiếm một thửa đất có chiều dài bám mặt tỉnh lộ 428 là 22m, sau đó ông cho ông Goỏng, thì các tài liệu xác minh của đoàn kiểm tra và tờ “Biên bản nhượng đất” do chính tay ông Goỏng viết, lại thể hiện ông Goỏng chỉ có một thửa đất với chiều dài bám mặt đường là 10m, và nguồn gốc thửa đất đó là do lấn chiếm mà có, đã được hợp thức hóa bằng việc nộp 900 kg thóc theo quy định tại Quyết định 135 của UBND tỉnh Hà- Sơn- Bình. Thửa đất đó hiện tại ông Goỏng đang ở, còn thửa đất về phía Đông sát nhà ông Goỏng là của ông Thấu, như chính ông Goỏng đã xác nhận trong “Biên bản chuyển nhượng đất” ngày 2/1/1993. Các biên bản đình chỉ việc xây dựng trái phép còn lưu trong hồ sơ giải quyết vụ tranh chấp đều thể hiện người vi phạm là ông Goỏng.

Ngày 27/4/2009, UBND huyện Ứng Hòa đã có Quyết định số 264 giải quyết tranh chấp đất đai giữa ông Goỏng với ông Thấu. UBND huyện đã khẳng định rõ “Đơn của ông Nguyễn Khắc Goỏng đề nghị giải quyết việc ông Nguyễn Khắc Thấu chiếm đất của gia đình ông là không có cơ sở pháp lý”. Cũng trong quyết định trên, UBND huyện đã yêu cầu giữ nguyên hiện trạng đất đang sử dụng của gia đình ông Goỏng và “Giao cho UBND xã Minh Đức xác định mốc giới, diện tích đất đang sử dụng của 2 gia đình ông Goỏng và ông Thấu, lập hồ sơ xử lý vi phạm theo Nghị định 84/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 của Chính phủ”. Không đồng ý với quyết định giải quyết trên của UBND huyện Ứng Hòa, ông Goỏng đã gửi đơn khiếu nại quyết định của UBND huyện Ứng Hòa lên UBND TP Hà Nội. Ngày 20/10/2010, UBND TP Hà Nội đã có quyết định giải quyết cuối cùng theo quy định tại điểm a, khoản 2, điều 136 Luật Đất đai năm 2003 “Giữ nguyên quyết định số 264 của UBND huyện Ứng Hòa”.

Tuy vậy, ông Goỏng vẫn gửi đơn “kêu cứu” khắp nơi. Ông Nguyễn Đình Đề, Chủ tịch UBND xã Minh Đức, cho biết: Tới đây, UBND xã sẽ kiên quyết tổ chức cắm mốc giới, phân định rõ mốc giới diện tích đất giữa 2 nhà, chấm dứt một vụ tranh chấp đã kéo dài quá lâu.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất