| Hotline: 0983.970.780

Mạnh tay xử lý kinh doanh giống kém chất lượng

Thứ Ba 27/02/2018 , 14:20 (GMT+7)

Để ngăn chặn thực trạng giống cây trồng (lúa, lạc, rau, ngô) “dởm” hoặc chưa được công nhận, đang trong giai đoạn sản xuất thử tuồn về các địa phương, thời gian qua Sở NN-PTNT Hà Tĩnh phối hợp các huyện, thị xã, thành phố rốt ráo kiểm tra, phát hiện, xử lý hàng loạt cơ sở kinh doanh vi phạm.

Báo động giống lạc “dởm”

Câu chuyện nông dân ngậm “quả đắng” vì mua phải giống lạc L14 “dởm” nổi lên từ vụ xuân 2017. Lúc bấy giờ, trên địa bàn các xã Xuân Viên, Xuân Mỹ, Tiên Điền, Xuân Yên... (huyện Nghi Xuân) gieo hàng trăm ha lạc chỉ nảy mầm chỉ đạt 40 - 60%.

20-49-29_1
Nhiều nông dân “ngậm quả đắng” vì mua phải giống lạc “dởm”

Điều đáng nói là nguồn giống người dân gieo trỉa đều mua từ thương lái bán hàng rong hoặc tại các đại lý kinh doanh giống trên địa bàn nhưng không rõ nguồn gốc xuất xứ, bao bì nhãn mác ghi không đúng so với quy định (không có dấu hợp quy sản phẩm, không có mã hiệu lô giống), không có hồ sơ quản lý chất lượng giống lạc, không đủ tiêu chuẩn để làm giống.

Tưởng rằng “tai nạn” vụ xuân 2017 sẽ là bài học đắt giá cho nông dân khi “tham bát bỏ mâm” nhưng thực tế vụ xuân 2018 lại tiếp tục nổi lên tình trạng kinh doanh giống lạc L14 bất hợp pháp. Nếu cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh không kịp thời “cắt” đường đi của các lô giống “dởm” này thì không biết bao nhiêu nông dân nữa tiếp tục chịu cảnh thất bát vì mua phải giống kém chất lượng.

Ông Phan Văn Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Sở NN-PTNT Hà Tĩnh) cho hay, thực trạng kinh doanh giống lạc kém chất lượng xảy ra ở hầu hết các địa phương trong toàn tỉnh, tuy nhiên nổi cộm nhất vẫn ở huyện Nghi Xuân.

Để đảm bảo nông dân được tiếp cận bộ giống chất lượng nhất, trước vụ lạc xuân 2018, Sở NN-PTNT phối hợp các huyện, thị xã, thành phố tổ chức kiểm tra định kỳ và đột xuất tất cả các cơ sở kinh doanh giống cây trồng trên địa bàn toàn tỉnh.

Kết quả cho thấy, hành vi, thủ đoạn kinh doanh lạc L14 bất hợp pháp của các thương lái tự do và một số cơ sở hết sức phức tạp. Lạc giống cất giữ tại các cơ sở hầu hết đóng trong bao bì không in nhãn mác, mã lô giống, tên công ty sản xuất. Khi được hỏi về giấy tờ, nguồn gốc xuất xứ chủ các cơ sở kinh doanh đều không xuất trình được và chỉ khai báo giống có nguồn gốc từ Bắc Giang, Nghệ An, miền Nam, thậm chí là nhập từ Trung Quốc với giá 30.000đ/kg...
 

Xử phạt hơn 200 triệu đồng

Ngoài xử lý các cơ sở kinh doanh giống lạc “dởm”, vụ xuân 2018 Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Tĩnh còn phát hiện, xử phạt gần 10 cơ sở kinh doanh giống lúa không có tên trong danh mục được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam; giống chưa được công nhận chính thức; cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi quá hạn sử dụng... với tổng số tiền hơn 200 triệu đồng.

20-49-29_2
Cơ quan chức năng đã phát hiện, xử phạt hành chính hơn 200 triệu đồng với những cơ sở kinh doanh giống cây trồng “dởm”, giống đang trong giai đoạn sản xuất thử

Đơn cử, xử phạt đại lý kinh doanh giống cây trồng Hoàn Lợi (huyện Đức Thọ) 6 triệu đồng; Cty TNHH MTV Nam Hương (huyện Hương Sơn) 12 triệu đồng; xử phạt 4 cơ sở kinh doanh giống lạc vi phạm nguồn gốc xuất xứ và hợp quy sản phẩm với số tiền 57 triệu đồng...

Theo ông Phan Văn Dũng, để “mạnh tay” xử lý được các hành vi vi phạm hoạt động kinh doanh giống cây trồng thời gian qua, Chi cục phải huy động toàn bộ lực lượng xuống cơ sở nắm bắt thông tin, bắt quả tang. Những nỗ lực này tuy có bước khởi sắc nhưng cũng mới là “phần nổi trong tảng băng chìm”.

Muốn đảm bảo nguồn giống đưa đến tay người nông dân đảm bảo chất lượng cần sự chủ động vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa từ chính quyền cấp huyện, xã, còn nếu địa phương đứng ngoài cuộc, xem trách nhiệm đó là của ngành nông nghiệp thì khó có thể quản lý triệt để được.

Từ câu chuyện xử phạt cơ sở kinh doanh giống bất hợp pháp, nhìn lại sản xuất vụ lúa xuân vừa qua, do khan giống chất lượng nhiều địa phương đưa cả giống không có tên trong danh mục được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam; giống chưa được công nhận chính thức vào sản xuất diện rộng, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra rủi ro.

Ví dụ cụ thể là xã Thạch Thanh, huyện Thạch Hà đưa vào sản xuất 50ha giống J02, TL6 (đều là những giống chưa được công nhận) theo hình thức liên kết, bao tiêu sản phẩm với Cty TNHH MTV KC Hà Tĩnh. Sau khi đoàn liên ngành Sở NN-PTNT phát hiện đã kịp thời lập biên bản, đề nghị UBND huyện, xã điều chỉnh thay đổi bộ giống tuân thủ theo đúng cơ cấu của tỉnh.

“Thực tế có “cung” mới có “cầu”. Nông dân thì ưa hàng rẻ nhưng lại quên mất rằng, việc mua phải giống kém chất lượng, không có nguồn gốc xuất xứ tiềm ẩn nguy cơ “mất cả chì lẫn chài”. Qua truyền thông chúng tôi khuyến cáo bà con cần lựa chọn những đơn vị cung ứng giống có uy tín để mua hàng, phòng trường hợp rủi ro được bảo hộ từ nhà sản xuất và nhà nước”, ông Dũng nhấn mạnh.

 

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 3] Thời cơ cho vùng nắng gió

UBND tỉnh Tây Ninh vừa ban hành chiến lược phát triển chăn nuôi nói chung, yến nói riêng đến 2030 tầm nhìn 2045, mở ra cơ hội phát triển nghề yến vùng nắng gió này.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Giảm hơn 70% lượng nước nhờ tưới phun tận gốc

Tại các tỉnh Tây Nguyên, rất nhiều diện tích cà phê áp dụng công nghệ tưới phun mưa tận gốc giúp giảm được hơn 70% lượng nước tưới và chi phí nhân công.