| Hotline: 0983.970.780

Mất chồng

Thứ Năm 29/12/2011 , 13:28 (GMT+7)

Khi chồng cháu chấm dứt cuộc sống buôn bán bất hợp pháp thì anh cũng kịp có một người bạn gái. Và rồi anh và người đó cũng công khai tình cảm...

Ảnh minh họa
Cô Dạ Hương thân mến!

Cháu năm nay chưa già nhưng cũng không còn trẻ để phải xin tư vấn về những chuyện rắc rối một cách đơn giản. Nhưng thực sự cháu muốn nghe một ý kiến khách quan của một người có kinh nghiệm.

Chúng cháu gặp nhau ở một nước Đông Âu, trong làn sóng xuất khẩu vì sinh kế. Yêu nhau như nhiều đôi xa xứ, cay đắng ngọt bùi đủ cả. Chồng cháu có sự tháo vát đặc biệt của người Nghệ, còn cháu là người của sông Hồng. Cá tính có ngược nhau, nhưng rồi cũng dần ổn thỏa. Khi Liên Xô sụp đổ, chúng cháu bị ảnh hưởng một thời gian dài, làm ăn khó khăn, nhiều lúc muốn đưa nhau về nước. Thế nhưng con trai đầu của chúng cháu ra đời, chỉ còn nước bám lại và nhảy ra buôn bán hẳn.

Ban đầu nhóm bạn của chồng cháu buôn thuốc lá lậu, như nhiều người. Chuyến được chuyến mất. Cháu ôm con nhỏ ở nhà. Có lẽ anh ấy thay đổi trong thời gian tranh tối tranh sáng này. Ngoài những đợt buôn thì họ ngồi đánh bạc và uống rượu. Nhưng phải nói là thời ấy làm ra tiền cũng dễ. Chúng cháu nghĩ thôi có nhiều vốn rồi sẽ đến sứ quán xin đăng ký kết hôn. Đứa thứ hai ra đời cách đứa lớn 3 tuổi, cả hai đều con trai cô ạ. Cháu vẫn tiếp tục là người ở nhà nội trợ, trông con.

Khi chồng cháu chấm dứt cuộc sống buôn bán bất hợp pháp thì anh cũng kịp có một người bạn gái hay chung lưng làm ăn với anh. Họ hùn vốn mở một gian hàng bánh kẹo trong khu chợ của người Việt. Cháu không có nhiều quan hệ xã hội như cô bạn ấy nên cháu cứ nơm nớp mình sẽ mất chồng có ngày. Tin họ cũng không xong mà không tin cũng không làm gì được. Càng ngày cháu càng thấy bất an và dư luận cũng đến tai cháu nhiều. Lẳng lặng, cháu mua vé cho ba mẹ con về nước, nguyện với lòng là sẽ không trở lại.

Thu xếp được cho các con sống với bà ngoại, mỗi năm cháu sang bên ấy một lần. Việc học của hai đứa nhỏ đã ổn định. Khi cháu có mặt bên ấy thì chồng cháu rất lịch sự, chu đáo nhưng như cháu là khách chứ không là vợ. Chúng cháu gặp nhau ngập ngừng, kỳ cục. Rất nhanh là cháu về, không thiết anh ấy nữa. Rồi chuyện cũng vỡ ra, anh và người ta công khai sống với nhau bên đó.

Anh ấy cũng đã chuyển về cho mẹ con cháu một số tiền để mua bất động sản có thể làm ăn và nuôi con được. Điều cháu buồn nhất là chúng cháu không có giấy đăng ký kết hôn, gia sản chồng chia cho bao nhiêu thì biết bấy nhiêu trong khi con đều là con trai, vừa khó dạy vừa tốn kém cho nó rất lâu dài.

Xin cô cho biết cháu làm sao, khởi động như thế nào để con cháu không bị thiệt thòi.

Mong cô giữ kín email giúp.

Cháu thân mến!

Năm 2010, cô sang Đông Âu và sang cả Pháp, Đức và Áo. Đúng là có hai thế giới người Việt ở hai khu vực đó. Cô nhìn thấy nhiều người gốc nông thôn vẫn tiếp tục sang Đông Âu lao động tay chân hay giúp người nhà buôn bán. Cô cũng nhìn thấy nhiều người thành đạt ở các nước Tây Âu nhờ họ du học rồi ở lại. Một dòng chảy theo con đường lao động, một dòng chảy theo con đường học hành, số phận họ khác nhau cũng phải.

Những người Việt nhảy ra buôn bán ở Đông Âu đâu có khác gì những người bán ở chợ Đồng Xuân hay Ngã Tư Sở của Hà Nội đâu. Ngày nào cũng như ngày nào, thỉnh thoảng tụ tập ăn uống trên nền chiếu, y như Hà Nội thời bao cấp. Buồn, túm tụm làm vui và nhặt nhạnh để cho con cái sau này thành người của nước họ. Đúng là “hy sinh đời bố củng cố đời con”.

Khi cha mẹ không có đăng ký kết hôn là không chính danh nên chuyện phân chia tài sản ở tòa không có. Tóm lại, các cháu sẽ đưa nhau ra tòa nào? Chắc là không thể có tòa nào. Nhưng giấy khai sinh hai đứa con có không, ở đâu cấp và có mang tên cha không? Cô thực sự không biết cháu có hộ khẩu ở Việt Nam không và chắc phải có khai sinh thì hai đứa con mới học hành mấy năm nay được, đúng không?

Chuyện tài sản thật vô cùng, mình thấy đủ là đủ. Nhưng đường dài gánh nặng, cháu và chồng cần có một tờ giấy cam đoan về tự do của nhau, về trách nhiệm và chu cấp với con. Nếu cậu ấy là người biết nghĩ thì con cháu sẽ được hỗ trợ dài dài, nếu cha chúng nó vẫn làm ăn được.

Một người mẹ trẻ với hai con trai, nặng gánh, nhiều nỗi niềm và chắc gì sẽ “ở vậy” nổi. Nhưng mà “ngu” đâu mà ở vậy để mãi nhớ về ngày cũ. Cô nhắc cháu cẩn trọng với các con trai đang trưởng thành của mình. Và tin rằng nó sẽ là chỗ dựa tâm tình của mẹ, có buồn rồi có vui, con nó lớn lên rồi sẽ luôn như vậy đấy.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm