| Hotline: 0983.970.780

Mất một mạng người vì cảnh sát giao thông nhờ giang hồ... giúp đỡ

Thứ Sáu 04/11/2016 , 06:50 (GMT+7)

Kiểm tra cho thấy, trong hơi thở của ông này có nồng độ cồn vượt mức cho phép. Nhưng khi lập biên bản thì ông Chín không chịu ký và lớn tiếng cự cãi. Thấy vậy, Phạm Sỹ Hoài Như đã điện cho Nguyễn Minh Chung, một người bạn của mình, vừa mới ra tù...

Ngày 23/9/2016, TAND Thành phố Hồ Chí Minh đã đưa vụ án “cố ý gây thương tích” xảy ra tại giao lộ Trường Chinh- Tân Kỳ Tân Quý, thuộc quận Tân Bình, ra xét xử.

Các bị cáo là Phạm Sỹ Hoài Như, nguyên thượng úy CSGT thuộc phòng CSGT công an TP Hồ Chí Minh, Nguyễn Minh Chung, Ngô Thành Vương, Trần Đức Vững và Phạm Thanh Kim Hạnh, đều bị Viện KSND thành phố truy tố về tội danh trên.

Theo hồ sơ vụ án, thì ngày 25/6/2014, Như được cử làm tổ trưởng tổ tuần tra, chốt tại địa điểm trên. Khoảng 22 giờ cùng ngày, tổ tuần tra phát hiện ông Nguyễn Văn Chín (44 tuổi, trú tại quận Gò Vấp) lái xe mô tô nhưng có biểu hiện say xỉn, nên đã ra lệnh dừng xe để kiểm tra.

Kết quả kiểm tra cho thấy, trong hơi thở của ông này có nồng độ cồn vượt mức cho phép. Nhưng khi lập biên bản thì ông Chín không chịu ký và lớn tiếng cự cãi. Thấy vậy, Phạm Sỹ Hoài Như đã điện cho Nguyễn Minh Chung, một người bạn của mình, vừa mới ra tù, yêu cầu Chung đến “giúp đỡ”.

Nhận được điện của Như, Chung gọi cho Phạm Thanh Kim Hạnh và Trần Đức Vững. Sau đó Hạnh và Vững gọi thêm Ngô Thành Vương. Tất cả kéo đến chỗ Như và tổ CSGT đang làm nhiệm vụ tại giao lộ trên. Tại đây, Chung đã lôi ông Chín vào một hẻm vắng rồi cùng cả bọn lao vào đánh đập ông. Đến khi người dân nhìn thấy xúm vào can ngăn thì cả bọn mới bỏ đi.

Khoảng 0 giờ ngày 26/6/2014, một thành viên của tổ CSGT công an quận Tân Bình phát hiện ông Chín nằm gục bên lề đường nên gọi taxi đưa ông về nhà.

Trên đường đi, do thấy đau bụng dữ dội nên ông Chín bảo lái xe đưa mình vào Bệnh viện Thống Nhất. Tại đây, ông Chín được cấp cứu nhưng không qua khỏi, đến 4 giờ ngày 27/6 thì ông tử vong. Tại tòa, bị cáo Phạm Sỹ Hoài Như Khai:

- Thưa quý Tòa, bị cáo không nhờ anh Nguyễn Minh Chung đánh dằn mặt anh Chín, mà chỉ nhờ anh Chung giúp đỡ để anh Chín khỏi gây ồn ào.

Chủ tọa phiên tòa hỏi:

- Để ông Chín khỏi gây ồn ào, thì thiếu gì cách, có thể giải thích cho ông Chín biết ông đã phạm lỗi gì, và theo quy định của pháp luật thì hành vi của ông sẽ bị xử lý như thế nào. Tại sao lại phải gọi những người ở ngoài ngành đến giúp đỡ. Bị cáo cho Tòa biết, khi Cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ, thì người ngoài ngành có được phép tham gia không?

- Thưa quý Tòa, không ạ.

- Biết rõ như vậy, tại sao bị cáo còn gọi Chung đến tham gia giải quyết?

Trước câu hỏi này, bị cáo Phạm Sỹ Hoài Như cúi đầu, im lặng.

- Tòa hỏi bị cáo Chung. Bị cáo Như khai rằng không nhờ bị cáo đánh dằn mặt nạn nhân, mà chỉ nhờ bị cáo giúp đỡ để nạn nhân khỏi gây ồn ào. Bị cáo thấy có đúng không?

- Thưa quý Tòa, không đúng ạ. Khi bị cáo đến nơi, anh Như chỉ anh Chín và nói: "Thằng này láo lắm, anh không tiện ra tay vì sợ người đi đường trông thấy lại quay phim, chụp ảnh thì rất phiền, chúng mày dằn mặt nó hộ anh". Vì thế bị cáo mới...

Phần luận tội, đại diện Viện KSND giữ quyền công tố tại tòa cho rằng hành vi của các bị cáo đã cấu thành tội “cố ý gây thương tích...” được quy định tại điều 104 Bộ luật Hình sự. Nhưng việc bị hại chết là ngoài ý muốn của các bị cáo.

 Còn luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại cho rằng cáo trạng đã bỏ qua một số tình tiết quan trọng như các vết thương, vết phù nề trên não của nạn nhân. Vì vậy đề nghị Hội đồng xét xử trả hồ sơ để điều tra lại.

Đại diện cho bị hại Nguyễn Văn Chín đòi phải truy tố và xét xử các bị cáo về tội “giết người”, trong đó Phạm Sỹ Hoài Như có vai trò chủ mưu, các bị cáo còn lại là đồng phạm, trực tiếp ra tay sát hại nạn nhân. Nhưng đại diện Viện KSND vẫn giữ nguyên quan điểm của mình.

Phần tuyên án, Hội đồng xét xử nhận định rằng hành vi của các bị cáo là rất nguy hiểm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh trật tự. Vì vậy, phải có hình phạt nghiêm khắc, tương xứng với hành vi mà các bị cáo đã gây ra.

Tòa tuyên: Các bị cáo Phạm Sỹ Hoài Như, Nguyễn Minh Chung, Phạm Thanh Kim Hạnh, Trần Đức Vững và Ngô Thành Vương đã phạm tội “cố ý gây thương tích” được quy định tại khoản 3 điều 104 BLHS. Tuyên phạt Như 12 năm tù; Chung 12 năm tù; Vững 11 năm tù; Vương 9 năm tù và Hạnh 5 năm tù.

Ngoài ra, các bị cáo còn phải bồi thường cho bị hại 141 triệu đồng và chu cấp cho các con của bị hại mỗi cháu 2 triệu đồng/tháng cho đến lúc trưởng thành.

Là một cán bộ Cảnh sát giao thông, nhưng Phạm Sỹ Hoài Như lại thân thiết với một kẻ giang hồ vừa mới ra tù là Nguyễn Minh Chung, đó là một điều lạ. Biết rõ quy định của ngành là khi đang làm nhiệm vụ, thì người ngoài ngành tuyệt đối không được can thiệp vào công việc của Cảnh sát giao thông, nhưng vẫn gọi giang hồ đến giúp đỡ “dằn mặt” người vi phạm, là hai điều lạ.

Hậu quả của vụ việc này là một người chỉ mắc một lỗi rất nhỏ khi tham gia giao thông nhưng lại bị uổng mạng, một người vợ mất chồng, mấy đứa con mất bố. Thật là một bài học đau xót.

Xem thêm
Khởi tố doanh nghiệp đầu độc vườn ao chuồng

Bộ Công an ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự Gây ô nhiễm môi trường với Công ty TNHH Xây dựng sản xuất và Thương mại Phú Lâm địa chỉ tại Bắc Ninh.

Bắt tạm giam 3 nguyên Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo ở Quảng Nam

Các bị can đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thỏa thuận và nhận hối lộ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong đấu thầu thiết bị giáo dục.