| Hotline: 0983.970.780

Mật ngọt thiên di

Thứ Sáu 07/10/2011 , 10:49 (GMT+7)

Một điểm chung khi tiếp xúc với các chủ trại ong và thợ nuôi nhiều nơi là hiếm nghe ai kêu nghèo, van khó.

Ở đâu có hoa ở đó có thợ ong di động
Bỗng một ngày, những cánh rừng quanh năm hát reo theo gió dọc tỉnh lộ 14 và QL49A lên miền núi phía tây TT- Huế chợt rộn vang tiếng ong. Hàng triệu cánh ong lạ không biết từ đâu bay về lượn kín các tầng cây, vút vào tận nhà dân và làm xôn xao những đồng lúa mới trổ. Hoảng, dân cấp báo cho chính quyền địa phương thì mới tỏ, đó là hàng chục ngàn tổ ong kiếm mật thiên di.

Tìm đến những mùa hoa

Không còn buổi "tháng Ba mùa con ong đi lấy mật" như trong khúc hát hoài vọng xứ rừng một thuở, nhưng trên những đồi núi trập trùng phía tây TT- Huế, từ Phú Lộc qua Hương Thủy, Nam Đông, Hương Trà, A Lưới…, vẫn có triệu triệu cánh ong thiên di hối hả rủ nhau đi tìm hoa luyện mật.  Đó cũng chính là lý do người nuôi ong tứ xứ đổ xô về vùng bán sơn địa phía tây TT- Huế để dựng lều đánh mật, đông chưa từng thấy, như một cuộc hẹn tình cờ.

Nhớ một lần nghe ông Võ Công Nhơn, Chủ tịch UBND xã Lộc Sơn (Phú Lộc) kể, buổi đầu thình lình gặp hàng chục ngàn đàn ong thiên di đông nghịt, với chủng loài lạ hoắc, dân xã từng một phen lao xao hoảng hốt. Nghe dân sợ ong đốt, lo ong phá hoại mùa màng cây cối, đích thân chủ tịch xã gọi điện cho cơ quan chức năng nhờ tư vấn và nhận được phản hồi: Đó là những chú ong vô hại.

Tính sơ sơ ở địa bàn 2 xã Lộc Sơn, Xuân Lộc (huyện Phú Lộc) hiện có gần 50 trại ong mật của dân tứ xứ như Thanh Hóa, Nghệ An, Lâm Đồng, Tiền Giang, Sóc Trăng, Bình Phước... Mỗi trại có từ 150 đến 500 tổ ong. Vùng Bến Ván (xã Lộc Bổn) có những trại ong lên đến cả vạn tổ. Ong “du mục” còn có mặt tại vùng núi Bình Điền, Bình Thành, Hương Bình, Hồng Tiến, Hồng Hạ, Hương Nguyên dọc QL 49A. Những trại ong lớn thuộc “vương quốc mật ong” Tây Nguyên cũng đổ bộ xuống đây. Trong mắt người nuôi ong tứ xứ, vùng rừng núi ngút ngát phía tây TT- Huế giờ như một “mỏ” mật ong khổng lồ...

Như nhiều thợ chăn ong tinh tường khác, sau mấy dạo tới lui tiền trạm, Nguyễn Thanh Toàn (quê Hòa Hưng, Cái Bè, Tiền Giang) chọn vùng rừng TT- Huế đánh mật nhiều ngày nay và đây cũng là lần đầu. Tính ra, để có một giọt mật ong tinh nguyên hương rừng xứ Huế, “đội quân” ong của Toàn cũng như nhiều chủ nuôi khác đã vượt chặng đường hơn 1.000 cây số, từ miền Tây xa xôi đến đây.

Tuy mới 19 tuổi đời, nhưng tay thợ đánh mật này có gần 6 năm tuổi nghề. Toàn kể, mới 13 tuổi đã cùng người lớn rong ruổi như dân du mục đi đón những mùa hoa vần xoay quanh năm khắp cả nước. Trước khi dừng chân với mùa hoa keo, hoa tràm ở TT- Huế, Toàn có một đợt bội thu mật ong ở vùng hoa vải Lục Ngạn (Bắc Giang). Cứ nơi nào có hoa nở rộ là cánh thợ nuôi ong di động như Toàn lại tìm đến. “Xong vụ mật này tại Huế, ít tháng sau tụi em sẽ đưa ong về đánh mật hoa nhãn ở miền Nam”, Toàn tiết lộ.

Vệ sinh xong mớ khay cầu ong trong chiếc tổ vuông vức bằng gỗ, Toàn chùi tay vào áo khoác rồi sôi nổi kể thêm về những mùa hoa, mùa mật mọi miền. Mùa hoa cà phê đầu xuân thì lập trại đánh mật ở Tây Nguyên. Tiếp đến là mùa hoa nhãn, hoa vải vùng Hưng Yên, Bắc Giang. Rồi mùa hoa rừng ngập mặn ở ven biển Bắc Bộ. Bước sang tháng 9 là mùa hoa trinh nữ ở Bình Thuận, rồi đến mùa hoa điều trên đất đỏ miền Đông... Cứ thế, mùa nào hoa nấy. Nhịp mùa của những thợ chăn ong như Toàn luôn gắn với hương hoa, không ngơi nghỉ.

Cố hỏi các nhóm thợ ong tứ xứ nơi xuất phát nghề du sơn ngoạn thuỷ này, nhưng không ai biết đích xác. Họ chỉ nghe loáng thoáng đâu đó nghề đưa ong đi tìm mật như là ở Thanh Hoá, hay vùng vải Hưng Yên. Có người nói “ông tổ” nghề nuôi ong di dộng là người miền Nam. Các tay thợ ong lão luyện giờ đây không chỉ biết “phát minh” ra cách xoay vòng thời vụ “ăn” mật gắn với từng mùa hoa khác nhau, mà còn phát hiện thêm thứ mật ngọt được tích tụ dưới chồi non, kẽ lá có chất lượng không thua kém mật hoa. 

Nghề hốt bạc

Một điểm chung khi tiếp xúc với các chủ trại ong và thợ nuôi nhiều nơi là hiếm nghe ai kêu nghèo, van khó. Út Phương, một tay chăn ong người Tiền Giang cho biết, với một trại nuôi khoảng 300 thùng (đàn), cứ 5 đến 7 ngày quay mật một lần, thu khoảng 1 tấn mật, trừ các khoản chi phí thức ăn, công chăm sóc, chủ trại cũng kiếm lãi cả chục triệu đồng. Sản phẩm làm ra không lo bí nơi tiêu thụ.

Say sưa chuyện nghề, chén mật rừng tinh nguyên rót mời khách nếm thử của anh thợ chăn ong tràn tay từ lúc nào. Rừng chiều nghiêng gió, hương mật ngọt ngào thoảng len vào một miền sơn cước. Ngày mai, lại có một mùa hoa đang chờ những bước chân du mục và triệu triệu cánh ong thiên di không mỏi.

Từ một thanh niên nông thôn nghèo khó, giờ Phương và người bạn cùng trại có trong tay số vốn chung hàng trăm triệu đồng. Tại trại ong của tay thợ trẻ Nguyễn Thanh Toàn, trước thời điểm chúng tôi ghé chân, hơn 1 tấn mật thô vừa được một chủ nậu miền Nam đưa xe tải đến tận rừng để đánh hàng. Toàn cho biết, phần lớn sản phẩm thu được là đem xuất khẩu ra nước ngoài để đổi mật lấy “đô”. Mật xuất khẩu phải là mật “sạch” không nhiễm kháng sinh, không pha trộn mật dỏm. Với mức lãi cao, đầu ra ổn định trong thời gian gần đây, số trại ong du mục trên cả nước hiện lên đến con số nghìn. Đa số ong nuôi di dộng có nguồn gốc nhập ngoại từ Italia và Úc.

“Làm nghề ong di dộng không lo nghèo, không sợ nặng nhọc, nhưng phải tận tụy, có đủ vốn kiến thức, chấp nhận xa gia đình vợ con quanh năm suốt tháng và sống đơn độc giữa núi rừng. Nghề này cũng cần sự cần mẫn bốn mùa như con ong vậy”, Hoàng Hữu, một tay thợ chăn ong đất Tây Nguyên tâm sự.

Cũng như Hữu, nhiều thợ ong khác lắm lúc phải chấp nhận sự hên xui với thứ nghề “du mục” này. “Nuôi ong mấy năm, em sợ nhất là ong ngộ độc thuốc sâu, bị nhiễm dịch rầy, gặp khu rừng có nhiều ong vò vẽ, bị vướng bão, mưa rét kéo dài và bị chủ rừng, chủ vườn xua đuổi”. Hữu kể, ong đi lấy mật mà gặp phải đồng lúa, ruộng hoa bị xịt thuốc sâu coi như là mất sạch cả hàng chục đàn.

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh

Hội Soóng cọ là ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ (tỉnh Quảng Ninh), thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia hưởng ứng.