| Hotline: 0983.970.780

Mật ngọt từ rừng Mã Yên Sơn

Thứ Năm 29/10/2020 , 07:49 (GMT+7)

Đứng ở lưng chừng dốc nhìn lên đỉnh đèo Yên Ngựa chìm mờ trong sương trắng, dãy núi kéo dài như một chiến mã khổng lồ phi ngang trời xanh, hướng đầu về phương Bắc.

Ông Phạm Thanh Xuân (bên phải). Ảnh: nhandan.com.vn.

Ông Phạm Thanh Xuân (bên phải). Ảnh: nhandan.com.vn.

Nấn ná mãi thế rồi tôi cũng thu xếp được thời gian đến thăm cơ ngơi của người Cựu Chiến binh Thành Cổ năm xưa, người thương binh hạng 2/4 Phạm Thanh Xuân hiện đang là Tổng giám đốc Công ty TNHH Phát triển ong miền núi Thanh Xuân.

Ông còn được thiên hạ suy tôn là ông “vua” mật ong núi rừng Tây Bắc, tỷ phú ong mật Bảo Yên… Song những danh hiệu ấy đối với ông chỉ là mỹ từ vui tai. Một người nông dân chân chất hiền từ, khiêm tốn, chỉ nhận mình là người “chăn ong” như kiểu chăn dê, chăn bò, cần mẫn trên đỉnh Mã Yên Sơn.

Chiếc xe Ford Everest đời mới băng mình êm ru trên cung đường ngoằn ngoèo đưa chúng tôi lên đỉnh Mã Yên Sơn (Bảo Yên, Lào Cai). Lại nhớ ngày ấy cách đây khoảng chục năm tôi đã qua đây, cũng con đường này, dù cố níu chặt tay vào thành xe nhưng ai nấy đều xô nghiêng, xô ngửa mỗi khi xe sa “ổ voi” va các khúc cua tay áo, nghĩ lại mà ngao ngán. Người ta nói quốc lộ 279 lúc bấy giờ là “con đường xấu nhất Việt Nam”. Chả biết câu nói đó có đúng đến đâu. Nhưng hôm nay được cùng mấy người bạn mục sở thị trên hành trình tìm người “chăn ong” nổi tiếng trên đỉnh Mã Yên Sơn mới thấy thật khác xa xưa.

Cảm nhận cảnh quan nơi đây đã thay đổi quá nhiều. Rừng trên núi Mã Yên Sơn nay không còn chơ chọi, trọc lốc như những năm tám mươi của thế kỷ trước. Cái ngày ấy rừng còn vô chủ, rừng như cha chung không ai khóc, như phản thịt chung của làng chia năm xẻ bẩy, vô tư ai thích thì xẻo. Tệ nạn đó kéo dài khá lâu, đã làm cho rừng già thâm u Mã Yên Sơn vào loại giàu gỗ quý vào bậc nhất tỉnh Lào Cai trở lên hoang tàn, cả vùng đèo núi Mã Yên như bị lột da, trơ xương.

Song, rồi ai nấy giật mình mới ngộ ra chính con người làm hại con người. Bởi lũ lụt càn quét, bởi đất đá bạc màu xơ xác, đến con ong, con bướm cũng không còn nơi xông hoa hút nhụy. Cũng may các chính sách của Nhà nước kịp thời thay đổi, rừng đã có chủ, đã do chính người dân nơi đây làm rừng hồi sinh trở lại.

Đứng ở lưng chừng dốc nhìn lên đỉnh đèo Yên Ngựa chìm mờ trong sương trắng, dãy núi kéo dài nhìn xa như một chiến mã khổng lồ phi ngang trời xanh, hướng đầu về phương Bắc oai phong, dải mây trắng vắt dài như chiếc bờm quyến rũ. Quốc lộ 279 chạy từ Đông sang Tây, đoạn này con đường vượt đèo trườn qua giữa dãy núi hình yên ngựa cho nên người ta gọi là đèo Mã Yên Sơn.

 

Tôi nghểnh tai lên nghe tiếng chim hót ríu ran trong vòm rậm rì lá rừng, tiếng nước chảy róc rách, tiếng lao xao lá hát và rồi có tiếng vu vu, âm âm như bản hợp xướng ngân giữa đại ngàn của hàng ngàn, hàng vạn con ong thợ đang râm ran đi lấy phấn hoa làm mật dâng đời. Thì ra đây là bản doanh của vị Cựu chiến binh Phạm Thanh Xuân - người “chăn ong” nổi tiếng đất thiêng Bảo Hà, nơi có ngôi đền thờ ngài tướng quân Thần Vệ quốc Hoàng Bảy.

Nhìn ông Xuân ngồi trên mỏm núi đá, tôi mường tượng đến câu chuyện trong điển tích Tô Vũ đi xứ và bị giặc Nung Nô bắt đày lên núi chăn dê, sau này được vua cứu thoát, (chuyện thời Vũ Hán đế bên đất Trung Hoa). Đấy là mường tượng thôi, bởi ngữ cảnh, cái dáng ngồi không nhức nhích hàng giờ của ông trên đỉnh đèo này.

Con đường lập nghiệp, lập thân của ông cũng lắm gian truân và nhiều nước mắt. Người thương binh Phạm Thanh Xuân đã rời phố tìm đường lên núi và tìm ra cho mình con đường làm kinh tế, vươn lên làm giàu, bằng cách trồng rừng, nương tựa vào rừng, lấy rừng làm nguồn sống. Điều to tát hơn là ông khẳng định được rằng: Con người ta không thể sống rời xa thiên nhiên, ân nghĩa, hài hòa với rừng và biết tận dụng sinh thái từ rừng theo quy luật tự nhiên để nuôi cuộc sống. Con người biết chớp lấy và biết tận dụng và tạo ra cơ hội. Và cũng để minh chứng của câu nói Cụ Hồ đã dạy “thương binh tàn nhưng không phế”.

Năm 1970, người thanh niên hiền lành nhanh nhẹn Phạm Thanh Xuân cũng như bao trai làng khác tòng quân lên đường ra chiến trường đánh giặc. Sau ba tháng huấn luyện, Xuân được điều vào đơn vị thông tin. Đã bao lần đội mưa bom, bão đạn, người chiến sĩ thông tin đã không để đứt mạch máu liên lạc. Và một lần trong trận chiến ác liệt trên chiến trường Tây Nguyên, ông bị mảnh bom chém đứt một cánh tay. Sức ép của quả bom tấn đã làm ảnh hưởng nặng thị lực đôi mắt của ông và rất nhiều mảnh găm vào cơ thể.

Tưởng ông sẽ không thể qua được, nhưng ông được đồng đội cấp cứu kịp thời, ít ngày sau đơn vị đưa ông về tuyến sau điều trị. Vậy là thần chết chưa thể bắt ông. Sau trận ấy, do sức khỏe không thể tiếp tục phục vụ trong quân ngũ, ông được ra quân về địa phương, với thương tật hạng 2/4. Đôi mắt lờ mờ, hai cẳng chân tập tễnh, mảnh đạn còn găm trong mình nhưng may mắn là ông vẫn còn cái đầu tỉnh táo và một cánh tay khỏe mạnh.

Người thương binh Phạm Thanh Xuân khoác ba lô về quê, nhìn căn nhà tranh xiêu vẹo, người vợ hiền ốm yếu và đứa con nhỏ dại, không cầm được nước mắt. Song lại nghĩ qua bao bom đạn không đánh gục được mình, chẳng lẽ cam chịu chỉ ngồi nhà hưởng phụ cấp thương tật hay sao?… Phải làm gì? Làm gì để cứu lấy mình, cứu lấy gia đình thoát được cảnh cơ hàn, túng bấn…?

Sau bao đêm trăn trở, bao tháng năm xoay sở và đến năm 1993, người thương binh Phạm Thanh Xuân quyết định bốc vợ con gồng gánh rời quê mẹ Thanh Miện – Hải Dương lên vùng núi cao Lào Cai tìm kế mưu sinh. Giữa vùng núi trọc hoang vu do tệ phá rừng để lại, vợ con anh không đủ bản lĩnh, đã ngao ngán đòi hồi hương. Song Xuân không nản chí, anh thuyết phục vợ con và vạch những kế hoạch làm ăn, dần dần cái chí của ông đã được mọi người trong gia đình chấp thuận. Những ngày đầu sản xuất theo phương châm lấy ngắn nuôi dài, lấy công làm lãi, và sau này hướng đến một trang trại nông, lâm, nghiệp.

“Nói thế chứ lúc đầu vô cùng khó khăn, thiếu thốn đủ bề, động vào đâu cũng thấy khó…”. Ông nói về những ngày đó như nói với chính ông, có lẽ trong đầu ông những kỷ niệm, gian nan vất vả đã in sâu đậm trong tâm trí. Từ trồng rau màu, lương thực, đến chăn nuôi gà, lợn, đào ao thả cá… Nhưng cái đích của ông là nghĩ đến rừng, gây lại màu xanh của rừng. Công việc cứ thế chảy theo tháng ngày mà đi lên, dần dần cũng qua bao cơn bĩ cực. Có cái ăn cái để song con đường vạch ra ông không nản.

Nhìn những dãy đồi trọc cháy trong nắng, ông bắt đầu từ việc ươm cây giống để trồng rừng, để chờ đợi mười năm thu hoạch. Nhớ lời Bác dạy “Vì lợi ích mười năm phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm phải trồng người.” Nghĩ là làm, ông mầy mò tìm hiểu học hỏi từ các bạn bè gần xa, đến cả trung tâm giống cây trồng, khuyến lâm, khuyến nông để học hỏi tìm tài liệu, với kế hoạch sẽ mang màu xanh cho đồi trọc trên trang trại của mình và những quả đồi trọc trong vùng. Biết không cản được tính quyết tâm của chồng, vợ con ông đã đồng lòng ủng hộ cùng lập vườn ươm.

Ấy là lần đầu tiên thử nghiệm ươm gieo. Hơn mười vạn bầu cây keo, quế, mỡ ra đời xanh tốt. Ngoài số cây trồng khu đồi của nhà nhận, ông còn cung cấp cây giống bán cho các hộ các xã lân cận, trừ chi phí đi năm đó ông thu về khoản tiền kha khá. Thắng lợi đầu tiên đã khích lệ gia đình ông tiếp bước, mở rộng đầu tư ươm gieo mỗi năm bình quân từ 30- 50 vạn cây giống cung cấp ra thị trường. Cứ đà đó gia đình ông đã có của ăn của để, dư dật và dần khấm khá. Những đồi cây trong trang trại gia đình cứ theo năm tháng mà xanh tươi, hòa vào cái màu xanh dọc các triền đồi.

Ngày nay suốt dải ven sông Hồng và các xã dọc quốc lộ 279 mướt lên màu xanh qua từng mùa của mỡ, keo, quế, trẩu, trong đó có phần đóng góp không nhỏ từ bàn tay còn lại của người thương binh Phạm Thanh Xuân.

Và tình cờ hôm ngồi trên đỉnh Mã Yên Sơn cũng tại mỏm đá này, ông tâm sự: Nhìn rừng núi mùa hoa thơm ngát những con ong dập dìu bay lượn. Chính hình ảnh ấy mà ông nghĩ đến việc phát triển nuôi ong lấy mật từ những cánh rừng xanh tốt kia. Ngày ấy việc nuôi ong còn thô sơ, tức là bắt ong rừng về để nuôi, hoặc mua các đõ ong của đồng bào các dân tộc. Việc nuôi chưa có kỹ thuật, chỉ một thời gian, ong vỗ cánh bỏ chủ ra đi.

Ông cũng vấp những thất bại ê chề, nhưng không chịu thua, ông Phạm Thanh Xuân đã ra đi “tầm sư học đạo”, học bạn, học người dân bản địa, học trong sách vở. ông còn lần mò về tận trung tâm nuôi ong Trung ương học hỏi. Có kiến thức rồi, ông về tiếp tục lao vào trận chiến mới, nuôi ong lấy mật từ rừng.

Ông tâm đắc một điều then chốt là coi những đàn ong là những người bạn thân thiết. Có thế mới hiểu được nó muốn gì, nó ốm đau ra làm sao, cần loại thuốc gì? Am hiểu đời sống sinh trưởng, thời tiết nóng lạnh mà nuông triều. Đó là áp dụng nghiêm hệ thống phòng chống bệnh và sinh học trong nuôi ong. Vững vàng nghiệp vụ kỹ thuật nuôi ong, ông như một “thần ong” núi Mã. Từ lúc có 40 đàn ong nội vươn lên 100 đàn ong ngoại (Italia).

Rồi cơ sở nuôi ong Thanh Xuân đã thành Công ty TNHH phát triển Ong miền núi Thanh Xuân, thường xuyên duy trì trên dưới 500 đàn ong ngoại, có thời kỳ lên đến hàng nghìn đàn.

Sản phẩm lúc đầu bán quanh xóm, biếu người thân, rồi ra thị trường trong tỉnh. Đến nay Công ty đã cung cấp ra thị trường mỗi năm bình quân 20 - 25 tấn mật, hơn 5 tấn phấn hoa và vài trăm kg sữa ong chúa. Sản phẩm có bán tại các đại lý và các công ty dược trong toàn quốc. Đặc biệt sản phẩm của Thanh Xuân thường xuyên tham gia các đợt hội chợ thương mại trong nước và quốc tế.

Sản phẩm tại hội chợ Việt Nam BESTFOOD 2007 – 2009 mật ong Thanh Xuân đạt Cúp vàng chất lượng An toàn vì sức khỏe cộng đồng, giải thưởng Lương Đình Của năm 2012 và nhiều các giải thưởng khác.

Điều vinh dự nhất đối với gia đình ông là Công ty TNHH phát triển Ong mật Thanh Xuân được nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa, Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đến thăm. Bản thân thương binh hạng 2/4 Phạm Thanh Xuân đã được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, hạng Nhì, hạng Nhất, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và nhiều Bằng khen của các bộ ngành trung ương, địa phương.

Những thành quả đã đạt được là niềm động viên cổ vũ to lớn đối với ông và gia đình công ty. Có thể nói nghề nuôi ong của thương binh Phạm Thanh Xuân xã Bảo Hà đã mở ra hướng phát triển cho ngành nông, lâm nghiệp tỉnh Lào Cai. Địa chỉ và thương hiệu ong của Công ty đã trở thành sản phẩm đặc sản miền núi Tây Bắc.

Song điều tâm đắc nhất của Phạm Thanh Xuân và cũng là triết lý muôn đời rằng: Rừng là nguồn sống của muôn loài, việc trồng rừng, bảo vệ giữ gìn hệ sinh thái tự nhiên của rừng thì cuộc sống sẽ mãi trường tồn. Mái nhà chung đó sẽ che chở cuộc sống của con người.

Chiều đã dần buông, nhìn những đàn ong đang miệt mài chuyển phấn hoa, mật ngọt từ rừng hoa về tổ ríu ran. Trong tôi dâng lên lòng cảm phục nghị lực của người thương binh có bản lĩnh can trường. Những người ươm màu xanh cho rừng, biết làm giầu từ rừng. Hình ảnh người thương binh trên đỉnh Mã Yên Sơn cứ ám ảnh mãi trong tôi.

Xem thêm
Long trọng kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú

Ngày 17/4, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Bộ NN-PTNT đứng đầu về chỉ số cải cách công vụ

Với số điểm đạt 94,4%, Bộ NN-PTNT đứng đầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ về chỉ số cải cách chế độ công vụ trong bảng xếp hạng PAR Index 2023.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Tiếp nguồn cát thi công cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng

CẦN THƠ Những sà lan chở cát từ mỏ Bình Phước Xuân (An Giang) đã về đến Cần Thơ phục vụ thi công Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.