| Hotline: 0983.970.780

Mất ruộng sau lũ...

Thứ Năm 04/09/2008 , 09:00 (GMT+7)

Những cánh đồng bờ xôi ruộng mật của làng tôi chỉ sau một trận lũ đã biến thành bãi cát trắng dài vô tận, bỏng rát. Người dân bàng hoàng trước thảm hoạ thiên nhiên chưa từng thấy, nay lại đối mặt với cái đói đang cận kề.

Những cánh đồng bờ xôi ruộng mật của làng tôi chỉ sau một trận lũ đã biến thành bãi cát trắng dài vô tận, bỏng rát. Người dân bàng hoàng trước thảm hoạ thiên nhiên chưa từng thấy, nay lại đối mặt với cái đói đang cận kề. Nhưng chẳng còn cách nào khác, họ phải gượng dậy tìm lại miếng ăn dưới 3 lớp cát…

>> Chùm ảnh: Chung tay giúp đỡ học sinh vùng lũ
>> Những trang vở ngấm bùn

Xã Y Can nằm đối diện thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên (Yên Bái). Xã có 124 ha ruộng và 60 ha soi bãi, tất cả đều là những chân ruộng 3 vụ được sông Hồng bồi đắp và tạo dựng. Có được diện tích đó Y Can đã nhiều lần “vén dân” lên đồi để lấy đất trồng lúa. Sau hàng chục năm cần mẫn những mảnh đất thùng vũng, gòi đồi được người dân Y Can san tạo đã trở thành những bờ xôi ruộng mật. Nhưng người ta không thể tin nổi chỉ sau một trận lũ cánh đồng Y Can gần như bị san phẳng bởi sỏi cát.

Ông Nguyễn Bá Tích năm nay đã ngoài sáu mươi tuổi vốn là dân chèo đò, do tuổi cao ông trao con đò lại cho con nhưng vẫn ở ngôi nhà ngay cạnh bờ sông, ông lắc đầu chua chát: Cả đời tôi chưa thấy trận lũ nào có sức tàn phá khủng khiếp như trận lũ năm nay. Lũ năm 1968 to, nhưng nước lên chậm, đồng đất được phù sa bồi đắp, còn năm nay nước chảy băng băng, khi nước rút chỉ còn lại toàn sỏi đá. Cả cơ nghiệp nhà tôi đây: Nhà cửa, chuồng trại, vườn cây…đều bị lũ làm sập đổ, cuốn sạch. Không biết mai ngày lấy gì mà ăn?

Ông thở dài ngao ngán nhìn ra vườn, cây cối nằm ngổn ngang khắp nơi. Đã gần một tháng sau trận lũ đi qua cả gia đình ông ra sức dọn dẹp, chống lại những cây ăn quả còn sót lại nhưng vẫn không xuể, sức người có hạn dường như đã cạn kiệt sau lũ. Cánh đồng đỏ ủng mà tôi vừa lội qua chân không lấm bùn bởi dưới đó toàn cát sỏi. Ruộng vườn của mấy đứa em tôi gần như mất trắng, tính ra vụ này mỗi nhà mất từ 8-10 triệu. Ở nhà quê, số tiền ấy là lớn lắm. Số tiền ấy nếu còn ruộng vườn sau vài năm có thể kiếm lại được, nhưng khổ nỗi ruộng vườn, soi bãi bị cát sỏi lấp sạch. Nguyễn Khắc Dần dẫn tôi đi thăm đồng bảo: Cát sỏi bồi lên cánh đồng làng mình chỗ ít 20-30cm, chỗ nhiều cả mét. Toàn bộ đất bãi màu ven sông suốt từ Qui Mông tới tận Âu Lâu, Văn Phú, Minh Quân đều bị cát sỏi bồi đắp không riêng gì xã mình đâu anh ạ…

Theo thống kê của Sở NN- PTNT Yên Bái trận lũ đêm 8/8 vừa qua đã làm ngập, cuốn trôi và bồi lấp 5.437,4 ha lúa và hoa màu, trong đó 241 ha ruộng chưa kể soi bãi bị cát sỏi vùi lấp từ 1,5- 2,5m không thể khắc phục được, phải chuyển đổi mục đích sử dụng. Dần hỏi tôi: Nếu chuyển đổi mục đích sử dụng, đất sỏi cát này thì trồng cây gì được? Tôi lắc đầu chưa biết trả lời thế nào thì Dần dẫn tôi tới chỗ vợ chồng Thuỷ - Vui đang dùng trâu kéo cát ra khỏi bãi màu. Chị Vui bảo: Chẳng còn cách nào khác, phải hót cát đi may ra mới có thể trồng được cây gì mà ăn, chứ còn để cát thể này chẳng cây gì sống nổi đâu, đói là chắc. Tới đây khi nước cạn còn hót cát ở ruộng nữa, mỗi ngày làm một ít, còn để cát thì không thể trồng cấy gì được…

Bãi dâu nhà Nguyễn Tiến Liệu rộng 4 sào, hai năm trồng dâu nuôi tằm thu được gần 8 triệu, vợ chồng anh vay mượn cóp nhặt thêm mua được chiếc xe máy để chở kén đi bán. Vụ dâu tới hy vọng sẽ trả hết nợ, trận lũ xoá sạch cả vườn dâu tốt ngập đầu mà mỗi lứa tằm nuôi được 5-6 vòng trứng. Liệu hỏi tôi: Bác bảo bọn em trồng cây gì để ăn được? Khó quá, bọn em cũng chẳng biết làm thế nào, có lẽ chỉ còn cách là hót cát đi thôi, 4 sào soi của gia đình em với độ sâu cát vùi lấp chỗ nhiều 80cm, chỗ ít 50cm, tính ra có khoảng gần 1.000 khối cát, mỗi năm hót 250 khối thì phải 4 năm mới hoàn thổ, của sông lại đổ ra sông thôi chứ biết làm sao được? Mỗi ngày một ít, mỗi năm một ít, chứ nông dân chúng em không trồng cấy là chết…

Trở về làng sau trận lũ, nhìn gương mặt người nào cũng bợt bạt lo âu, chị Nguyễn Thị Lan cùng mấy người bà con đi cấy trên những chân ruộng nước vừa rút, chị bảo tôi: Cấy chẳng biết có được ăn hay không, khi lúa trỗ dễ gặp rét lắm, nhưng biết làm sao được, chờ đến bao giờ nước mới cạn để trồng ngô? Thôi đành cấy, may được gặt thì tốt, không thì cắt về cho trâu bò ăn cũng được…Còn chị Thắm ở thôn 6 xã Minh Tiến đang cày đám ruộng vốn trồng ngô cát bồi gần nửa mét, đất còn ướt nhèn nhẹt, chị bảo: Lần thứ hai em cày cho khô đất để trồng ngô, nhưng sau một trận mưa là đất lại bằng lỳ chả biết gieo cấy cây gì sống đây. Cứ phải làm thôi, chứ biết làm sao được?

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

10 năm lực lượng kiểm ngư cùng ngư dân bám biển

Trong 10 năm qua, lực lượng kiểm ngư ngày đêm bám biển, điều động hơn 1.500 lượt tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên các vùng biển Việt Nam.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Thêm 4 điểm du lịch tiêu biểu ở ĐBSCL

Cần Thơ Hiệp hội Du lịch ĐBSCL vừa công nhận 4 điểm du lịch tiêu biểu của vùng, các đơn vị tiếp tục đầu tư, nâng chất, làm mới những sản phẩm du lịch hiện có.

Bình luận mới nhất