| Hotline: 0983.970.780

Mặt sau của báo cáo đẹp kỳ thi THPT Quốc gia 2017

Thứ Hai 26/06/2017 , 07:19 (GMT+7)

Bộ GD&ĐT đã tổ chức họp báo sau kì thi THPT Quốc gia năm 2017 có nhiều đổi mới. Đặc biệt, lần đầu tiên kì thi được giao về cho các địa phương chủ động tổ chức, phối hợp với các trường ĐH trên cả nước.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga khẳng định kỳ thi năm 2017 đã thành công và an toàn. Theo kế hoạch, ngày 7/7, các Sở GD&ĐT sẽ công bố kết quả thi THPT quốc gia cho thí sinh. Tuy nhiên, mặt sau của báo cáo đẹp này còn nhiều điều phải bàn tới.

17-14-12_gd_25-6_bui_vn_g
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga: Kỳ thi năm 2017 đã thành công và an toàn


Đề thi Ngữ văn: Khuyến khích thí sinh phát triển những kỹ năng tinh vặt?

Đầu tiên phải nhắc tới là đề thi môn Ngữ văn gây tranh cãi. Tại buổi họp báo, PV Báo NNVN đặt câu hỏi về tính chính xác của đề Ngữ văn. Cụ thể ở câu 2 hỏi: “Theo tác giả, thấu cảm là gì?”. Vậy đây có phải là câu hỏi sai, ngô nghê, dễ gây nhầm lẫn.

Trao đổi về ý kiến này, ông Sái Công Hồng (Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng) khẳng định đề thi Ngữ văn chính xác, không có sai sót. Tuy nhiên, việc chọn ngữ liệu này ở đâu, vì sao chọn, thuộc về quy trình bí mật làm đề thi không thể trao đổi cụ thể được.

“Đề thi môn văn có 2 phần (I và II). Chúng ta ở đây chỉ bàn về phần I đọc hiểu. Mục đích của phần này là đọc hiểu. Còn đọc hiểu cái gì, lấy ngữ liệu ở đâu, tiêu chí ngữ liệu thế nào thì đã có quy trình làm đề thi, ma trận đề thi chắc là tôi không nói được”, ông Hồng cho biết.

Về câu 2 của đề thi “Theo tác giả, thấu cảm là gì?” thì ông Sái Công Hồng giải thích yêu cầu là: Đọc đoạn trích và trả lời câu hỏi sau, nên lời dẫn hỏi theo tác giả tức là đọc đoạn trích và thực hiện các yêu cầu.

Nếu theo cách giải thích của ông Sái Công Hồng cho rằng đề thi đúng, câu hỏi số 2 là một phần nằm trong nội dung của đề thi. Vậy thì, thí sinh làm bài chỉ cần chép lại ngữ liệu trong đề thi là được điểm? Cụ thể, phần Đọc hiểu, câu 2: Theo tác giả, thấu cảm là gì? Thì thí sinh chỉ việc chép lại: "Thấu cảm là khả năng nhìn thế giới bằng con mắt của người khác, đặt mình vào cuộc đời của họ"... Như vậy, theo PV Báo NNVN, đề thi đã không cần tư duy của thí sinh mà đang khuyến khích thí sinh phát triển những kỹ năng tinh vặt.

Theo phân trần của ông Sái Công Hồng thì câu hỏi thứ 2 là một thành tố trong 4 yêu cầu cho học sinh là nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Như thế, yêu cầu của đề bài ra là câu nhận biết. Ông Hồng cho rằng: “Phần bố trí đáp án thì phần mềm tự trộn và tự tạo ra đáp án. Mỗi mã đề có số lượng đáp án rơi vào vị trí khác nhau. Chúng tôi sẽ kiểm tra lại”.

17-14-12_gd_25-6_si_cong_hong
Ông Sái Công Hồng: Đính chính thể hiện sự nghiêm túc


Đề Vật lý sai sót: “Đính chính thể hiện sự nghiêm túc”

Liên quan đến câu hỏi của PV Báo NNVN việc phải đính chính ở 7 mã đề Vật lý, ông Sái Công Hồng trả lời: “Ở môn Vật lý, chúng tôi chỉ có 8 ngày để chuyển đề chính thức đi rồi rà soát đề chính thức và sau khi chuyển đề chính thức thì làm đề dự bị. Trong quá trình rà soát thì phát hiện có lỗi ký tự. Chúng tôi xin ý kiến chỉ đạo một số Sở đã bắt đầu in sao, bắt dừng đề Vật lý và cũng không vấn đề gì.

Tuy nhiên, lúc đó đã là ngày 13 - 14/6, khi đó nhiều Sở đã bắt in sao đề. Và chúng tôi quyết định gắn đính chính, việc này cho thấy chúng tôi đã làm việc nghiêm túc. Đính chính không phải đọc mà gắn vào đề thi cho các em. Nó nằm ở phần cuối cùng của đề thi 36-39. Chúng tôi cũng ghi rõ đính chính là một phần của mã này, gửi đến tay của từng thí sinh chứ không phải đọc hay viết lên bảng”.

Theo ông Sái Công Hồng, Bộ GD&ĐT đã phát hiện có sai sót và bổ sung đính chính, gắn vào các mã đề để thể hiện sự minh bạch, chặt chẽ và nghiêm túc trong các khâu của quá trình ra đề.

Số lượng thí sinh vi phạm ít, liệu có đáng tin cậy?

Thống kê của Bộ GD&ĐT, kỳ thi THPT Quốc gia 2017 có 72 thí sinh bị đình chỉ thi (năm 2016 có 328 thí sinh bị đình chỉ thi). Cả đợt thi chỉ có 2 cán bộ coi thi vi phạm kỷ luật.

Số lượng thí sinh vi phạm trong kỳ thi THPT Quốc gia giảm mạnh, khiến nhiều PV các cơ quan báo chí đã đặt câu hỏi về độ tin cậy của con số này. Số thí sinh vi phạm quy chế giảm mạnh có phải do thí sinh thực sự nghiêm túc hay không? Nhiều PV nêu rõ các trường hợp vi phạm quy chế thi tại các điểm thi trên toàn quốc không phải do giám thị tại điểm thi phát hiện mà do Đoàn thanh tra của Bộ GD&ĐT phát hiện. Đồng thời, tại nhiều điểm thi, khi phát hiện thí sinh vi phạm quy chế thi, giám thị cũng chỉ coi đó là chuyện bình thường. Vì thế, nhiều PV nhắc lại với Bộ GD&ĐT lo ngại của dư luận khi kỳ thi được giao về các địa phương nên có sự nới lỏng trong quá trình coi thi.

Trả lời thắc mắc này, ông Mai Văn Trinh (Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng) cho rằng, việc giao kỳ thi cho Sở Giáo dục các tỉnh chủ trì là đúng “vai” vì đây là kỳ thi THPT Quốc gia chứ không phải kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ, hơn nữa các Sở đã có nhiều năm kinh nghiệm chủ trì thi cử.

Ông Trinh khẳng định: “Số lượng năm nay ít vi phạm có tin cậy không? Tôi khẳng định có, rõ ràng qua các cụm thi, trật tự và nhẹ nhàng, an toàn, không có vi phạm có tổ chức. Chúng ta có cơ sở kì thi đủ sự tin cậy này”.

Việc thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan đã triệt tiêu tư tưởng mang tài liệu vào phòng thi. Từ cơ sở này có thể khẳng định số lượng thí sinh vi phạm giảm mạnh là phù hợp với thực tiễn. Cho nên, ông Mai Văn Trinh nói: “Điều quan trọng nữa là khi sau khi có kết quả thi, phổ điểm từng môn thi sẽ được phân tích, công bố và đó sẽ là câu trả lời khách quan nhất”.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cũng khẳng định: “Kỷ cương trường thi được tăng cường, kỷ luật phòng thi được duy trì. Một vài hiện tượng tiêu cực gian lận trong thi cử được phát hiện và xử lý kịp thời đảm bảo tính nghiêm minh của kỳ thi. Cho đến thời điểm này, chưa ghi nhận thấy hiện tượng tiêu cực, gian lận có tổ chức".

Năm 2018, điểm sàn do các trường đại học quyết định

Cũng tại buổi họp báo chiều 24/6, bà Nguyễn Thị Kim Phụng (Vụ trưởng Vụ giáo dục Đại học) cho biết, từ năm 2018 trở đi Bộ GD&ĐT sẽ không quyết định điểm sàn vào các trường ĐH mà trao quyền cho từng trường ĐH. Đó cũng là quá trình đảm bảo quyền tự chủ của trường ĐH, vừa cung cấp đầy đủ thông tin cho xã hội để thí sinh tự lựa chọn ngôi trường phù hợp với bản thân.

Cụ thể, từ năm 2018, các trường ĐH sẽ phải xây dựng đề án tuyển sinh đầy đủ, hoàn chỉnh. Trong đó, đặc biệt là những quy định về công khai các điều kiện đảm bảo chất lượng của trường, công khai tỷ lệ việc làm của sinh viên theo từng ngành đào tạo trong 2 năm gần nhất và công khai tỷ suất đầu tư đào tạo từng sinh viên trong năm học…

 

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.