| Hotline: 0983.970.780

“Mẩu bánh” nông nghiệp trong đầu tư ngân sách

Thứ Sáu 29/07/2011 , 11:49 (GMT+7)

Nếu tách bạch ra thì vốn đầu tư cho nông nghiệp chỉ là một mẩu bánh nhỏ trong cơ cấu đầu tư công.

Báo cáo của nhiều cơ quan chức năng gần đây tuyên bố, đầu tư công cho lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn hiện chiếm tới 50%, thậm chí 70% tổng đầu tư Ngân sách nhà nước (NSNN) của cả nước. Tuy nhiên, nếu tách bạch ra thì vốn đầu tư cho nông nghiệp chỉ là một mẩu bánh nhỏ trong cơ cấu đầu tư công.  

Ôm hết thành đầu tư nông nghiệp 

Nghị quyết TƯ 7 Khóa 10 về vấn đề “tam nông” đã chỉ rõ, ngay từ năm 2009, cần phải điều chỉnh cơ cấu đầu tư ngân sách theo hướng tăng đầu tư phát triển cho lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn (NN-NT), đảm bảo 5 năm sau cao hơn 5 năm trước. Việc tăng cường vốn phải nhằm mục đích hỗ trợ trợ cho nông dân SX hàng hóa... Tháng 11/2010, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch – Đầu tư (KH – ĐT) phối hợp với Bộ NN-PTNT, Bộ Tài chính rà soát về tình hình đầu tư cho lĩnh vực NN-NT trong 5 năm 2005 – 2010 và dự kiến đầu tư trong 5 năm 2011 – 2015 báo cáo Thường trực Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ.

Chính phủ cũng đã giao các Bộ thống nhất xác định các nội dung đầu tư cho NN-NT. Theo đó, hàng loạt các nội dung mới đã được liệt vào danh mục đầu tư thuộc lĩnh vực này như: Kinh phí cấp bù thủy lợi phí, kinh phí bố trí cho dự án tăng cường năng lực dạy nghề giai đoạn 2006-2010; vốn tín dụng ưu đãi thực hiện kiên cố hóa kênh mương và giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng làng nghề; vốn tín dụng của Ngân hàng Phát triển Việt Nam đầu tư cho NN-NT cùng hàng loạt các ưu đãi về thuế, lệ phí, chính sách đất đai cho khu vực NN-NT. Liên Bộ cũng đã thống nhất tiêu chí xác định nguồn vốn đầu tư công cho NN-NT bao gồm: nguồn vốn từ NSNN và vốn trái phiếu chính phủ (TPCP).

Một cuộc rà soát mới đây của Vụ Kinh tế nông nghiệp (Bộ KH – ĐT) công bố, tổng số vốn đầu tư cho NN-NT giai đoạn 2006-2010 lên tới 331.334 tỉ đồng, chiếm tới hơn 49% tổng đầu tư NSNN và TPCP trên cả nước. Nhiều báo cáo của Bộ Tài chính gần đây còn tuyên bố rằng, đầu tư cho NN-NT hiện nay thậm chí còn lên tới 70%! Tuy nhiên, một vị lãnh đạo Vụ này đã thẳng  thắn đánh giá, đó chỉ là con số “ôm” tất cả những nội dung đầu tư có liên quan đến NN-NT mà thôi. Chẳng hạn như làm đường giao thông qua một địa phương nào đó hiện nay cũng được xếp vào đầu tư cho NN-NT. Nhưng công bằng mà nói thì những công trình đó đâu phải chỉ dành cho NN-NT, mà có khi phải thuộc đầu tư của ngành giao thông thì đúng hơn. Còn nếu nếu nói tách bạch về đầu tư cho nông nghiệp, cứ xem như con số 49% đầu tư cho NN-NT của Bộ KH – ĐT mới đây là chính xác, thì thực tế tỉ trọng vốn đầu tư cho nông nghiệp thực chất là vô cùng nhỏ bé.

Cụ thể thì trong 5 năm 2006 – 2010, tổng số vốn đầu tư cho nông nghiệp một cách đích thực (nông – lâm – ngư nghiệp) chỉ đạt 10.977 tỉ đồng – chỉ chiếm khoảng 35% trong tổng đầu tư cho NN-NT. Đáng buồn là tỉ trọng này thậm chí đã từng có xu hướng giảm đều dần qua các năm, từ 36,7% năm 2005 xuống chỉ còn 31,3 % năm 2008. PV NNVN đã đem số vốn đầu tư cho nông nghiệp so sánh với tổng đầu tư NSNN và TPCP cho tất cả các lĩnh vực trên cả nước và cho kết quả: giai đoạn 2005 - 2010, tỉ trọng vốn đầu tư cho nông nghiệp chỉ chiếm trung bình khoảng 16,5% trong tổng vốn NSNN và TPCP đầu tư phát triển cho các lĩnh vực trong cả nước. Đáng buồn hơn, nguồn vốn này lại hầu hết được rót vào các chường trình, dự án phi SX, hoặc được cho là ít hoặc chậm phát huy giá trị gia tăng.  

“Miếng bánh thủy lợi” phình to 

Đáng chú ý là trong gói đầu tư công cho nông nghiệp, thủy lợi vốn là lĩnh vực hạ tầng có tính chất phi sản xuất hoặc chậm sinh lời lại đang chiếm một tỉ trọng vốn đầu tư rất lớn, và đang ngày càng áp đảo so với nông – lâm – ngư nghiệp, đặc biệt là từ khi việc cấp bù thủy lợi phí (TLP) được áp dụng và được xếp vào tiêu chí đầu tư cho nông nghiệp.

Cụ thể thì năm 2005, vốn TPCP đầu tư cho thủy lợi được phân bổ cho các Bộ, ngành TƯ và các địa phương đã lên tới 2.474 tỉ đồng – tương đương với vốn TPCP đầu tư cho tất cả các lĩnh vực nông – lâm – ngư nghiệp cộng lại, và bằng 30% so với tổng vốn NSNN đầu tư cho nông nghiệp. Đến năm 2008, vốn TPCP dành cho thủy lợi đã tăng lên gấp đôi. Đồng thời, NSNN cũng bắt đầu phải gánh cho việc cấp bù TLP lên tới 1.642 tỉ đồng. Tổng cộng, đầu tư cho thủy lợi năm 2008 đã lên tới 6.242 tỉ đồng - chiếm hơn 32% tổng vốn đầu tư của NSNN và TPCP cho vực nông nghiệp. Chỉ 2 năm sau khi áp dụng miễn TLP, năm 2010, kinh phí đầu tư cho thủy lợi đã tăng lên tới gần 17.200 tỉ đồng – chiếm tới hơn 48% tổng số vốn NSNN và TPCP đầu tư cho nông nghiệp (cụ thể: vốn TPCP tăng lên 3 lần, NSNN cấp bù TLP tăng lên hơn 2 lần so với năm 2008). Nhìn vào diễn biến trên, dễ thấy từ năm 2005 đến năm 2010, trong khi vốn đầu tư cho thủy lợi tăng tới hơn 7 lần, thì vốn đầu tư trực tiếp cho các ngành là nông – lâm – ngư nghiệp và các chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ phát triển nông nghiệp có tính chất sản xuất và sinh lợi lại chỉ tăng hơn 2 lần. Rõ ràng, việc phân bổ nguồn vốn đầu tư công cho lĩnh vực nông nghiệp đang có vấn đề, theo xu hướng “cứng hóa” việc đầu tư, khi mà dòng chảy của vốn NSNN và TPCP đang đổ dồn vào các lĩnh vực hạ tầng cơ bản.

Xung quanh thực trạng này, chúng tôi đã thử tham khảo việc sử dụng vốn đầu tư NSNN do địa phương quản lí tại một tỉnh cụ thể là tỉnh Hải Dương. Trong giai đoạn 2009 – 2010, tỉnh này đã có 21 dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, với tổng số vốn NSNN dự toán đã được phê duyệt gần 220 tỉ đồng. Tuy nhiên trong số này, chỉ có 3 dự án đầu tư trực tiếp vào nông nghiệp có tính chất SX, (chủ yếu về phát triển giống vật nuôi), với tổng số vốn được phê duyệt chỉ hơn 29 tỉ đồng. Nghĩa là cả số lượng dự án, và số vốn đầu tư trực tiếp vào nông nghiệp một cách “đúng nghĩa” chỉ chiếm khoảng 13-14%. Còn lại, đều là các dự án xây dựng, nạo vét, nâng cấp tu bổ... các công trình thủy lợi (chiếm hơn 85% số dự án và tổng số vốn đầu tư).

Đánh giá về tình hình đầu tư công cho lĩnh vực nông nghiệp, Tiến sỹ Nguyễn Đỗ Anh Tuấn – GĐ TT Tư vấn chính sách nông nghiệp (Viện Chính sách và Chiến lược PTNN-NT) nhận xét: Đầu tư công những năm qua đã tập trung quá nhiều cho thủy lợi, với mục đích để phòng chống lũ lụt và phục vụ cho phát triển cây lúa là chính. Mục đích này cốt yếu chỉ để dân đủ ăn hay phục vụ an sinh xã hội, chứ chưa bao giờ chúng ta nghĩ một cách triệt để để đầu tư sinh lãi.

Ông Đào Quang Thu – Vụ trưởng Vụ Kinh tế nông nghiệp (Bộ KH-ĐT):

“Chúng ta chủ trương rút dần tỉ trọng của nông nghiệp trong nền kinh tế, điều đó không đồng nghĩa với việc giảm tỉ trọng đầu tư cho nông nghiệp. Về quy mô, kể từ khi Nghị quyết TƯ 7 về tam nông ra đời, vốn đầu tư cho khu vực nông nghiệp – nông thôn năm sau đã tăng rất nhanh so với năm trước. Tôi cho như vậy cơ bản là tương xứng. Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là việc sử dụng vốn đầu tư vẫn dàn trải, phân tán. Nhiều chương trình, dự án kéo dài lê thê, không phát huy hiệu quả. Bên cạnh đó, kể từ khi có TPCP, đang có tình trạng Nhà nước “bao cấp” trở lại, khi mà các địa phương ỷ vào nguồn vốn TPCP, không huy động nguồn vốn tại chỗ...

Theo tôi, vốn NSNN đầu tư cho nông nghiệp cần dần dần phải xã hội hóa, theo hướng Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần vào các dự án xây dựng hay nghiên cứu cơ bản. Chứ như đầu tư cho thủy lợi hiện nay, Nhà nước bao cấp tiền của quá lớn, nhưng lại không phải là lĩnh vực sinh lợi nhuận. Thế là không ổn.”

Xem thêm
Gạo ST24, ST25 chưa được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu sang châu Âu

Vừa qua, xuất hiện thông tin về việc giống gạo ST24 và ST25 đã được ưu đãi thuế xuất khẩu sang thị trường EU. Tuy nhiên, đây là các thông tin chưa chính xác.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm