| Hotline: 0983.970.780

Màu xanh no ấm

Thứ Ba 09/08/2011 , 10:51 (GMT+7)

Nhờ tinh thần vượt khó, dám nghĩ, dám làm đồng thời được các chính sách của Nhà nước khuyến khích, nhiều hộ dân ở huyện Lục Nam – Bắc Giang đã khai thác lợi thế đất đai để trồng rừng, mở ra triển vọng phát triển kinh tế lâm nghiệp.

Theo chân anh Đoàn Văn Vũ , thôn Khuân Liêng, xã Trường Sơn (Lục Nam - Bắc Giang) đi thăm mô hình trồng rừng của gia đình anh, từ xa chúng tôi đã thấy màu xanh ngút ngàn của bạch đàn và keo lai đang kỳ khép tán. Đứng bên rừng cây của mình anh Vũ kể: Cách đây 5 năm, tôi xem tivi thấy ở nhiều nơi người ta nhờ trồng rừng mà giàu lên, lại đúng lúc có chính sách hỗ trợ của huyện nên tôi quyết định đầu tư trồng rừng. Trước đây mấy quả đồi kia chỉ có cỏ tranh và cây bụi um tùm. Tôi đã đầu tư trồng 20.000 cây giống. Đất ở đây tốt, cây bén rễ nhanh nên chẳng mấy chốc đã xanh tốt phủ kín hơn 10ha đất rừng. Anh Nguyễn Văn Thanh, cán bộ Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Mai Sơn nói: Ai đến rừng của anh Vũ cũng phải tấm tắc vì cây ở đây được trồng rất đúng kỹ thuật và xanh tốt, nhìn rất mát mắt.

Trồng bạch đàn và keo lai không tốn nhiều công, chỉ tốn khoảng 3 năm đầu chăm sóc, sau khoảng 7-8 năm sẽ cho thu hoạch. Anh Vũ rất hào hứng nhìn những quả đồi xanh ngát của mình khoe: Dự tính trong 3 năm tới rừng nhà anh sẽ được khai thác. Khai thác đến đâu, anh sẽ tiếp tục trồng lại đến đó. Sản lượng trung bình khoảng 50 – 60m³/ha, cho thu nhập ít nhất 50 triệu/ha. Ngoài bạch đàn và keo lai thì gia đình anh Vũ cũng trồng thêm 2 ha gỗ mỡ. Mặc dù cây chưa đến tuổi thu hoạch, nhưng đã có nhiều người đến "đòi" mua, trả giá 500 nghìn/cây, nhưng anh chưa muốn bán vì nếu đợi được đến kỳ khai thác, lợi nhuận sẽ cao hơn.

Suy đi tính lại thì ở vùng quê toàn đồi núi như ở đây, thì trồng rừng vẫn là lợi nhất. Cùng với gia đình anh Vũ là gia đình anh Nguyễn Văn Thắng, anh Tô Văn Phương (thôn Khuân Liêng – xã Trường Sơn) cũng đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng từ việc phát triển lâm nghiệp. Người dân trong thôn thấy được hiệu quả lâu dài từ việc trồng rừng cũng mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực này. Người ít cũng có vài hecta, người nhiều thì cũng có hàng chục hecta. Thế là những quả đồi toàn cây dại đã được phủ kín bằng những cây gỗ đưa lại thu nhập cao cho người dân miền núi còn nhiều khó khăn này.

Không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao, mà những rừng cây ở đây còn mang lại nhiều giá trị to lớn khác như giúp cho cho công tác bảo vệ, quản lý rừng của các cơ quan chức năng thuận lợi hơn. Các loài động vật và môi trường được bảo vệ. Theo những người dân trong vùng, từ khi có rừng cây thì môi trường sinh thái được cải thiện rất nhiều. Trước đây vào mùa khô thường hay thiếu nước, có nhà đào giếng đến hơn 20m cũng không có đủ nước sinh hoạt, nhưng mấy năm gần đây thì nguồn nước ngầm dồi dào nên nước nhiều và trong hơn. Có rừng cây ngăn nước nên vào mùa mưa những mảnh ruộng dưới khe núi cũng không bị đất đá phủ kín, lại có nước thường xuyên cho trồng cấy. Không khí cũng mát mẻ, trong lành hơn. Những loài động vật tưởng như đã “không còn bóng dáng” thì giờ đây đang sinh sôi nảy nở trở lại dưới những tán rừng như: sóc đầu đỏ, gà rừng, chim quàng quạc, chim vàng anh…

Những tấm gương điển hình và lợi ích thiết thực từ việc trồng rừng đã lôi cuốn đông đảo người dân học tập làm theo, từ đó góp phần bảo vệ và phát triển rừng, xoá đói giảm nghèo ở khu vực miền núi. Màu xanh cây rừng đang vươn rộng trên những triền đồi, ngọn núi, mang lại nguồn lợi to lớn, hứa hẹn làm thay da đổi thịt cả một vùng đất vốn nhiều khốn khó này.

Xem thêm
Trại cầy vòi mốc lớn nhất miền Bắc thu hàng chục tỷ mỗi năm

Gần 20 năm gắn bó với cầy vòi mốc, anh Phạm Văn Hùng ở huyện Lục Nam, Bắc Giang đang thu được hàng chục tỷ đồng mỗi năm nhờ tâm huyết với loài vật này.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Hồi sinh giống lúa đặc sản nếp cái hoa vàng Kinh Môn

Hải Dương Giống lúa nếp cái hoa vàng Kinh Môn sau phục tráng cho năng suất và giá trị kinh tế cao hơn so với nếp cái hoa vàng thông thường.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất