| Hotline: 0983.970.780

Máy cấy xuống đồng, nông dân hồ hởi

Thứ Sáu 01/07/2022 , 09:15 (GMT+7)

QUẢNG BÌNH Lần đầu tiên nông dân nhiều nơi ở Quảng Bình được tận mắt thấy chiếc máy cấy lúa chạy trên cánh đồng và sau đó là những hàng lúa thẳng tắp, xanh non…

Cánh đồng ngoài của thôn Hoành Vinh (xã An Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) rộng trên 300 ha được quy hoạch với những tuyến đê, đập ngang dọc như những ô bàn cờ khổng lồ. Những tuyến đê, đập vững chãi, rộng rãi nên ô tô tải có thể chạy ngang dọc bất cứ trên tuyến nào.

Ông Võ Doãn Dực, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Hoành Vinh (HTX Hoành Vinh) cho hay: “Hơn 10 năm đầu tư kiến thiết ruộng đồng, đến nay chúng tôi đã có cánh đồng mẫu giữa vùng chiêm trũng đáp ứng được các yêu cầu về liên kết, cơ sở hạ tầng. Nhiệm vụ của chúng tôi bây giờ là tập trung đưa giống mới chất lượng cao về sản xuất và đưa cơ giới hóa về đồng ruộng”.

Mạ khay được vận chuyển ra đồng. Ảnh: Tâm Phùng.

Mạ khay được vận chuyển ra đồng. Ảnh: Tâm Phùng.

Nói đến cơ giới hóa, HTX Hoành Vinh cũng là đơn vị đi đầu ở Quảng Bình. Cách đây chừng 10 năm, khâu làm đất, cày, bừa cho đến gặt, vận chuyển thóc lúa, phân bón liên quan đến đồng ngoài đều đã sử dụng cơ giới. Vụ đông xuân năm ngoái, HTX Hoành Vinh đã thực hiện thuê thiết bị bay (drone) phun thuốc BVTV khi trên cánh đồng chớm bắt đầu có hiện tượng lúa bị bệnh đạo ôn cỏ bông. Nhiều nông dân thắc mắc với lãnh đạo HTX là sao không đưa máy cấy về trên đồng ruộng?

Năm trước, Công ty Cổ phần Thực phẩm xanh Đông Dương (có trụ sở tại TP Đồng Hới, Quảng Bình) thực hiện liên kết làm mô hình sản xuất lúa hữu cơ với bà con tại Hoành Vinh. Ban đầu, diện tích 5 ha được chọn là vùng gần sát đường rìa làng. Diện tích này thuộc đất vàn cao, bạc màu nên bà con định đào ao thả sen. Sau khi đi vào sản xuất, doanh nghiệp đã hỗ trợ giống, phân bón và hướng dẫn quy trình canh tác cho bà con.

Ông Nguyễn Lê Minh, Phó Giám đốc Công ty cho hay: “Chúng tôi đã làm mô hình lúa hữu cơ có hiệu quả cao ở một số địa phương trong huyện Quảng Ninh. Hi vọng bà con thấy lúa hữu cơ cho lợi ích cao, mang sức khỏe đến cho cộng đồng để hưởng ứng tích cực trong thời gian tới”.

Mạ khay được đưa lên xếp trên giàn máy cấy. Ảnh: Tâm Phùng.

Mạ khay được đưa lên xếp trên giàn máy cấy. Ảnh: Tâm Phùng.

Vụ hè thu năm nay, mô hình liên kết sản xuất hữu cơ được mở rộng lên 10 ha, với giống lúa DT18. Ông Nguyễn Lê Minh đã đầu tư mua 2 máy cấy do Nhật Bản sản xuất đưa về làm mô hình và phục vụ bà con trong giai đoạn cấy lúa. Theo ông Minh, 2 máy cấy này có giàn chia cấy lúa 4 và 5 hàng, máy chạy bằng động cơ xăng. Mạ được gieo trên sân lót bạt và được cuộn tròn đưa lên ô tô chở ra ruộng.

Anh Hoàng Văn Sơn (thợ điều khiển máy cấy) xếp từng cuộn mạ lên hai giỏ chứa phía trước máy cấy và trải  từng cuộn mạ lên khay chứa phía sau. Khi chất đầy, anh Sơn cho khay hạ xuống sát mặt ruộng và cho máy chạy. Trong tiếng máy nổ vang, từng hàng lúa thẳng tắp hiện ra như từ dưới nước chồi lên khiến mọi người đứng xem trên bờ tỏ ra thích thú.

Mỗi sào ruộng (500m2) nếu cấy tay thì mất 2 công. Trong khi đó, dùng máy cấy chỉ mất 1 giờ đồng hồ. Không chỉ giảm công mà còn giảm cả về lượng thóc giống. Theo anh Minh, khi sử dụng máy cấy, giống gieo mạ chỉ vào khoảng 2 kg/sào. Trong khi đó, nếu nông dân gieo sạ thì lượng giống phải từ 7 - 8 kg. “Nếu chúng tôi làm dịch vụ từ khâu giống, gieo mạ và cấy, tiền công chỉ 500 ngàn đồng/sào. Trong khi đó, bà con mua giống, ủ, gieo bằng tay chi phí lên cả triệu đồng/sào”, anh Minh cho biết.

Máy cấy trên đồng nước vừa lợi công vừa lợi giống. Ảnh: Tâm Phùng.

Máy cấy trên đồng nước vừa lợi công vừa lợi giống. Ảnh: Tâm Phùng.

Đối với diện tích dùng máy cấy, sau khi cày bừa xong, bà con cho nước vào ngâm khoảng 10 - 15 ngày. Thời gian này đủ để cỏ dại, mầm cỏ bị chết úng. Khi cấy, cây lúa lên nhanh. Ông Võ Doãn Dực so sánh: “Nếu gieo sạ, bà con phải tháo khô nước. Vì vậy, sau khi gieo phải tiến hành phun thuốc diệt cỏ ngay, nếu không cỏ lên phủ mầm lúa. Trong khi đó, dùng máy cấy, bà con không cần phun thuốc vì cỏ dại và mầm cỏ bị thối. Mặt khác, mầm sâu bệnh cũng bị tiêu trừ một phần lớn”.

Một máy cấy được bố trí tại xã An Ninh, một máy có công suất lớn hơn được ông Nguyễn Lê Minh đưa về sản xuất tại xã Hàm Ninh. Tại đây, anh Minh cho cấy thử nghiệm trên vùng đồng mà vụ nào cây lúa cũng bị đổ rạp. “Nếu vụ này cây lúa phát triển tốt, không bị đổ rạp như trước sẽ là thành công của việc đưa máy cấy về trên đồng ruộng. Vì cây lúa cấy máy sẽ phát triển rễ, thân chắc hơn”, anh Minh nói thêm.

Nhiều nông dân học hỏi để đầu tư mua máy cấy về sản xuất. Ảnh: Tâm Phùng.

Nhiều nông dân học hỏi để đầu tư mua máy cấy về sản xuất. Ảnh: Tâm Phùng.

Vụ hè thu này, nông dân xã Duy Ninh (huyện Quảng Ninh) cũng đưa máy cấy về phục vụ sản xuất trên cánh đồng lúa hữu cơ. Ông Trần Văn Hoàn, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Trung Quán hồ hởi: “Máy cấy của Nhật Bản lần đầu tiên được đưa về đồng làng chúng tôi. Bà con rất hồ hởi đón nhận. Chắc chắn hiệu quả vụ hè thu này sẽ khác biệt. Khi đó, bà con sẽ tin tưởng vào khoa học công nghệ mới trên đồng ruộng”, ông Hoàn nói thêm.

Cũng theo ông Hoàn, cách đây chưa lâu, khắp cả vùng chỉ có 1 - 2 máy gặt, sau đó phát triển đến hơn chục máy vì nông dân rất cần. Gặt máy lợi công, thu hoạch nhanh. “Nay máy cấy chắc cũng vậy. Ban đầu bà con còn xem xét, nhưng rồi thấy nhiều cái lợi sẽ đua nhau đưa vào sản xuất thôi”, ông Hoàn nói chắc chắn.

Xem thêm
Giải bài toán nguồn thức ăn cho ngành chăn nuôi

GIA LAI Thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi là chủ trương đang được tỉnh Gia Lai hướng đến.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Mời SunRice tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao

ĐỒNG THÁP Tập đoàn SunRice đang khuyến khích nông dân ĐBSCL các biện pháp canh tác lúa bền vững và đặt mục tiêu giảm lượng khí thải carbon bằng 0 trong chuỗi giá trị vào năm 2050.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm