| Hotline: 0983.970.780

Máy chăm sóc cây đa năng

Thứ Năm 28/08/2008 , 08:00 (GMT+7)

Thật khó tin khi máy tiết kiệm được trên 90% chi phí sản xuất nông nghiệp mà năng suất, chất lượng sản phẩm lại tăng vọt!

Dùng máy đưa phân-thuốc xuyên đất xuống rễ tiêu

* Sáng chế độc đáo của một thanh niên trồng tiêu

Thật khó tin khi tiết kiệm được trên 90% chi phí sản xuất nông nghiệp mà năng suất, chất lượng sản phẩm lại tăng vọt! Bỏ công ty riêng đang “ăn nên làm ra” tại TPHCM, một chàng trai trở về… làm rẫy và công trình máy chăm sóc cây đa năng đã được ra đời ngoạn mục giữa núi rừng nắng xối mưa dầm…

Bỏ công ty về làm nông

Sinh năm 1972, lớn lên ở Phú Yên, Đào Hiền Nhân tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp 2-Huế năm 1993. Sau đó anh học tiếp Quản trị kinh doanh, rồi vào làm ở Điện lực TP Hồ Chí Minh và “cày” thêm việc kinh doanh bên ngoài để nuôi bầy em ăn học, sau khi mẹ mất sớm. Năm 2003, Nhân chính thức nghỉ làm Nhà nước để mở công ty riêng và làm ăn khá “trúng”; thế nhưng người cha đau yếu và vườn tiêu 6 ha của gia đình đã níu chân chàng trai giàu ý chí trở lại quê nhà vào cuối 2004. 6 ha tiêu ở Sơn Thành Tây (Tây Hòa, Phú Yên) là cả một gia tài nhưng hầu hết đều còi cọc, xuống cấp, thuộc diện phải nhổ bỏ, trồng lại; với một ít vốn giành dụm được, Nhân đổ cả vào nâng cấp trại tiêu.

Cây tiêu giá trị cao là thế nhưng “sống” với nó không hề đơn giản, loài cây này luôn bị hàng loạt sâu bệnh tấn công mà phổ biến nhất là rệp sáp, nấm, sâu đục thân… làm cho nhiều nhà vườn kỳ cựu ở đây dù chạy “đủ thầy, đủ thuốc” cũng phải bó tay, đành nhổ bỏ. Đã vậy, lượng tiền mua phân đổ vào cây tiêu mỗi mùa luôn làm cho các nhà vườn kiệt sức.

Cùng với việc tổ chức quy hoạch lại trang trại, Nhân biết rằng phải tìm một hướng đầu tư mới cho vùng tiêu này để nâng cao chất lượng nhưng phải giảm thiểu chi phí ở mức tuyệt đối. Phải làm thế nào để trị sâu bệnh hiệu quả và tiết kiệm triệt để phân bón, thuốc trừ sâu – là hai thứ chi phí lớn của các trang trại cây công nghiệp? Suy nghĩ và cải tiến liên tục từng khâu sản xuất, sau hai năm, Nhân đã trẻ hóa, phục hồi thành công vườn tiêu của gia đình.

Thế nhưng bài toán tiết kiệm và hiệu quả kinh doanh vẫn chưa tiến triển được bao nhiêu. Và rồi sau bao ngày trăn trở, một câu hỏi đã “gãi” đúng chỗ “ngứa”: tại sao không chữa bệnh thối rễ ngay từ… rễ, đưa phân-thuốc xuống tận rễ để tránh lãng phí? Qua lục lọi internet và sách chuyên ngành, cách trị bệnh thối rễ lâu nay chỉ phun thuốc trên thân và lá, có nơi dùng nước phun xối để lộ rễ lên rồi phun thuốc vào trị bệnh… Tất cả đều là những cách làm vừa lãng phí một lượng thuốc lớn, vừa khó trị bệnh hiệu quả trên những trang trại rộng lớn. “Mỗi mùa tiêu phải nhiều đợt bón phân và mỗi đợt như vậy, gia đình mình đều “bay” trên 100 triệu đồng. Nhiều bụi tiêu đã bị rệp sáp phá thối bộ rễ, đổ bao nhiêu phân cũng chẳng thấm tháp qua tầng đất dày! Chi phí đầu vào quá… chóng mặt!” – Nhân nhớ lại.

Chiếc máy đa năng ra đời

Giữa năm 2007, dù chưa học cơ khí ngày nào, Nhân vẫn quyết định bắt tay vào mày mò thiết kế máy đưa thuốc trực tiếp xuống rễ để trị bệnh tiêu. Đầu tiên, anh dùng các ống kim loại vát nhọn để xuyên xuống đất, rồi dùng bình bơm tay “tiêm” thuốc cho rễ tiêu. Ngặt nỗi “kim tiêm” toàn bị nghẽn do đất nhét vào. Nhân vắt óc suy nghĩ và thay đổi hàng loạt cách thức, tốn kém bộn tiền để mua vật liệu thử nghiệm nhiều lần, cuối cùng thì phương án dùng các ống kim loại nhỏ để đệm trong “mũi tiêm” tỏ ra hoàn hảo hơn cả!

Và hình thức “tiêm rễ” này còn được Nhân áp dụng luôn cho việc bón phân thẳng cho rễ, tiết kiệm đến hơn một nửa lượng phân bón gốc. Bởi cách bón phân cho gốc tiêu lâu nay là dùng cuốc đào hào quanh rễ, bỏ phân, lấp đất lại. Cách làm này thường bị đứt rễ, dễ bị sâu bệnh xâm nhập và lãng phí một lượng lớn phân bón cho… cỏ ăn, hơn thế sau khi bón một thời gian, đào lên xem thử thấy phân vẫn còn nguyên hạt! Nhân thay đổi bằng cách ngâm loãng phân trong các thùng kín nhiều ngày để “lên men" phân cho cây dễ tiêu, đồng thời phun-chích thuốc trị bệnh đúng lúc, đúng liều. Thành công này đã giúp vườn tiêu của Nhân nhanh chóng dứt điểm bệnh thối rễ và rệp sáp, tiết kiệm đến 70% lượng thuốc trị bệnh và phân bón mỗi vụ!

Như vậy vẫn chưa làm Nhân bằng lòng! Hết bình thuốc lại đến bình phân đeo vai, nhân công của trang trại cứ nghe đến “phân, thuốc” là… bỏ chạy, bởi vai và lưng ai nấy đều bị bỏng, bong từng mảng lớn sau mỗi đợt “phân, thuốc”! Đúng là dùng bơm tay “đút” phân, thuốc cho mấy hecta tiêu cùng lúc là chuyện quá… oải!

Vả lại, giá nhân công những năm này đã tăng vọt và lắm lúc có tiền cũng thuê không ra người, nhất là những lúc vào mùa cao điểm! Nhân lại tiếp tục lao vào nghiên cứu lắp các bình, ống phun thuốc-phân có phễu định hướng cho thân lá, ống “tiêm” phân-thuốc trực tiếp cho rễ… vào hệ thống áp lực của máy nổ, có bộ phận điều khiển cầm tay; tất cả đặt lên một chiếc xe gắn động cơ nhỏ để lái chạy “tung tăng” giữa bạt ngàn các dãy cọc tiêu… Những người làm công ở trại tiêu của Nhân lúc này tỏ ra rất phấn khích với việc chăm sóc tiêu: vừa lái xe vừa phun vừa “chích” phân-thuốc, thấy bụi tiêu nào bị bệnh thì bật ống thuốc chích liền, không bỏ sót gốc nào! Nhân cho biết: “Phải bám sát từng giai đoạn của cây tiêu, từng loại bệnh mà cho “ăn” phân-thuốc đúng lúc, vừa đủ liều lượng thì cây mới cho năng suất, chất lượng sản phẩm cao nhất! Chiếc máy này hỗ trợ tối ưu việc đó…”.

Máy chăm sóc cây đa năng chính thức được Nhân hoàn chỉnh vào cuối năm 2007. Rất nhiều nông dân và chuyên gia nông nghiệp đã tìm đến Sơn Thành Tây để tận mắt xem thao tác chiếc máy này và đều tỏ ra vô cùng tâm đắc. Chứng kiến một mùa vận hành của chiếc máy, ông Nguyễn Thành Tài, 63 tuổi, một người trồng tiêu thâm niên ở Tây Hòa-Phú Yên, nhận xét: “Nhân làm cái máy “vừa phun vừa chích” này rất độc chiêu. Không chỉ với cây tiêu mà còn có thể áp dụng rộng rãi cho việc trồng các cây công nghiệp khác như cà phê, cao su… hay cà chua, đu đủ, sắn, bắp, cây cảnh… đều hiệu quả tất!

Làm nông nghiệp mà tiết kiệm được trên 90% vật tư, nhân công như vầy thì… hết ý!”. Theo tính toán sơ bộ của một cán bộ Viện Nghiên cứu cây công nghiệp Tây Nguyên, nếu chiếc máy này được đưa ra ứng dụng rộng rãi thì nước ta có thể giảm nhập khẩu mỗi năm hàng triệu tấn phân bón, góp phần nâng cao lợi nhuận đáng kể cho ngành sản xuất nông nghiệp...

Còn Nhân thì vui vẻ cho biết đang tiến hành đăng ký sở hữu trí tuệ đối với Máy chăm sóc cây đa năng của anh và rất muốn chia sẻ sáng chế này với những ai quan tâm. Số điện thoại của Nhân là: 0913.823.252.

Xem thêm
Hơn 300 đại lý tham gia Hội nghị khách hàng Japfa Việt Nam

Ngày 28/3, Hội nghị khách hàng khu vực miền Bắc của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Japfa Việt Nam) được tổ chức tại Vĩnh Phúc với chủ đề 'Đồng kiến tạo giá trị'.

Đề xuất không xử phạt hành chính thuốc thú y chưa kịp công bố hợp quy

Bộ NN-PTNT đề xuất Chính phủ không xử phạt thuốc thú y đã được cấp chứng nhận lưu hành nhưng chưa thực hiện công bố hợp quy từ ngày 14/2/2024 đến ngày 31/5/2025.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất