| Hotline: 0983.970.780

Mẹ chồng - nàng dâu, đến khi nào thì hòa hợp?

Thứ Bảy 24/10/2020 , 08:10 (GMT+7)

Mẹ chồng - nàng dâu là mối quan hệ rất nhạy cảm. Làm thế nào để mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu được hòa hợp, đem lại hạnh phúc gia đình?

Dưới thời phong kiến, nàng dâu thường về nhà chồng với tư cách được “gả bán”để làm vợ, làm người gánh vác những công việc chính vì vậy nhà chồng có quyền uy tuyệt đối với họ.

Vì thế trong xã hội phong kiến, vị thế người phụ nữ trong gia đình nhà chồng không cao. Nếu làm trái ý nhà chồng, mẹ chồng có thể đuổi nàng dâu ra khỏi cửa hoặc cưới vợ khác cho con.

Ngày nay khi xã hội hiện đại hơn, văn minh hơn, vị thế con dâu trong gia đình nhà chồng đã được nâng cao hơn. Hầu hết người con gái bước lên xe hoa khi đã trưởng thành, nhiều người có học vấn, có việc làm, có tài sản riêng.

Họ về làm dâu cũng không phải do “gả bán” mà xuất phát từ tình yêu tự nguyện với chồng, về chung sống với nhau, chứ không phải cốt bám vào gia đình nhà chồng mới tồn tại được.

Cảnh đi làm dâu thời nay đã khác xa so với thời phong kiến xưa. Các cô gái trẻ may mắn và hạnh phúc hơn nhiều so với các thế hệ phụ nữ trước đây khi bước vào hôn nhân.

Mối quan hệ giữa mẹ chồng và nàng dâu cũng được cải thiện một cách rõ rệt: mẹ chồng coi con dâu như con ruột và ngược lại con dâu chăm sóc cho mẹ chồng và gia đình bên chồng một cách tận tụy, chu đáo, mẹ chồng, con dâu làm tròn bổn phận và vai trò của mình trong gia đình.

Mặc dù có sự khác biệt đáng kể nhưng trong mối quan hệ với các thành viên trong gia đình nhà chồng, đặc biệt là mẹ chồng vẫn tồn tại nhiều vấn đề cần bàn luận và tìm ra những kiến giải góp phần xây dựng mối quan hệ này ngày càng tích cực hơn. Người con dâu có tìm được hạnh phúc hay không một phần cũng dựa trên mối quan hệ tốt đẹp với gia đình nhà chồng.

Trên thực tế, một tỷ lệ gia đình vẫn còn tồn tại một số mâu thuẫn, xung đột giữa mẹ chồng và nàng dâu. Các nàng dâu hiện đại đã thoát khỏi phận “ăn nhờ ở đậu”, “người làm mướn không công”, "người giúp việc gia đình" như thủa ngày xưa, nhưng họ lại gặp phải những khó khăn mới mà không phải ai cũng vượt qua được.

Đó là những mâu thuẫn, xung đột giữa mẹ chồng – nàng dâu trong sinh hoạt hàng ngày; trong ứng xử với các thành viên trong gia đình; trong đối nội, đối ngoại với họ hàng, người thân; trong lĩnh vực kinh tế .v.v... Những mâu thuẫn này làm mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình luôn căng thẳng, ảnh hưởng đến hạnh phúc và sự bền vững của gia đình.

Mẹ chồng – nàng dâu, đến khi nào thì hòa hợp?

Số vụ ly hôn gần đây có nguyên nhân do nàng dâu mâu thuẫn với mẹ chồng hoặc cả gia đình chồng ngày một gia tăng. Vợ chồng ly hôn do con dâu mâu thuẫn với mẹ chồng xuất phát từ muôn vàn lý do khác nhau, từ áp lực tiền bạc khi ở chung, cho đến nâu thuẫn từ thói quen sinh hoạt hằng ngày, việc chung sống trong cùng mái nhà với mẹ chồng xảy ra mâu thuẫn mà dân gian có câu “không ưa thì dưa có dòi„ vẫn diễn ra thường ngày.

Bà Ninh 62 tuổi ở Nam Định: “Nó (con dâu) không gần gũi đâu, nó vẫn quý mình nhưng mà nó vẫn có khoảng cách với mình. Mẹ chồng mà không nói chuyện với con dâu và con không nói chuyện với mẹ chồng thì càng ngày tạo nên khoảng cách”.

Sự quan tâm, chăm sóc mỗi khi ốm đau có ý nghĩa hết sức quan trọng trong mối quan hệ giữa hai người. Tuy nhiên, trong mắt mẹ chồng, con dâu vẫn luôn giành nhiều tình cảm và sự chăm sóc cho cha mẹ đẻ, khó mà hết lòng hết dạ với mình.

Bà Thanh 68 tuổi ở Thái Bình: “Mẹ đẻ mà ốm đi viện cái là nó chạy luôn. Nhưng mà mẹ chồng mà ốm thì nó còn phải từ từ, mình cứ nhìn động tác của chúng nó là biết ngay thôi nó vẫn có khoảng cách đấy”.

Ông Khiển 72 tuổi ở Thái Bình: “Nhiều khi nó (con dâu) có ấm ức lắm đấy nhưng nó không dám nói, ít sự tin tưởng giữa mẹ chồng và nàng dâu nó sẽ không được thân thiết như con gái tâm sự với người mẹ của mình. Có cái mình nói được nhưng có những cái mình không thể nói được nên nó cũng có cái khó của nó. Đứa nó có ý thức thì nó sẽ thực hiện được còn đứa nó không có ý thức thì cũng khó lắm. Mâu thuẫn gia đình thường xảy ra ở những kiểu gia đình như thế”.

Làm thế nào để mẹ chồng – nàng dâu hòa hợp?

Các cô con dâu được khuyên là tuyệt đối đừng bao giờ đối đầu, đừng "tranh giành" chồng với mẹ chồng, đừng chiếm hữu chồng quá chặt, không thể hiện mâu thuẫn với chồng trước mặt mẹ chồng, tuyệt đối không kể xấu, than thở. Khi giao tiếp với mẹ chồng phải nhớ theo nguyên tắc “ba nhiều" (Nghe nhiều hơn, hỏi nhiều hơn và nói nhiều hơn), ngoài ra phải ghi nhớ những điều nhỏ nhặt về mẹ chồng để bà cảm thấy mình luôn được quan tâm.

Nhiều người cho rằng, đừng đòi hỏi mẹ chồng phải hoàn mỹ, mẹ chồng không phải kẻ thù, cũng không phải người hầu,  mẹ chồng cũng cần có quyền được quyết định. Tốt hơn hết thay vì đối phó, đối đầu, con dâu cần tìm ra điểm chung với mẹ chồng và cố gắng yêu thương mẹ chồng như mẹ đẻ.

Mẹ chồng - nàng dâu hòa hợp phải xuất phát từ hai phía

Mặc dù ai cũng biết, để tạo nên không khí vui vẻ, gia đình hạnh phúc, cần phải có sự hòa hợp giữa mẹ chồng và nàng dâu. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể làm theo những lời khuyên đó. Mối quan hệ mẹ chồng –nàng dâu là mối quan hệ phức tạp, đa chiều, đặt trong từng hoàn cảnh gia đình với tình huống cụ thể.

Gia đình luôn tồn tại mối quan hệ tương tác qua lại giữa các thành viên; tình cảm và sự yêu thương, chia sẻ giữa mẹ chồng và nàng dâu phải xuất phát từ hai phía, tùy thuộc vào ý thức vun đắp và “xích lại gần nhau” thì mọi chuyện mới ổn thỏa không dẫn đến mâu thuẫn, xung đột gia đình.

(Kiến thức gia đình số 43)

Xem thêm
Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?

Bình luận mới nhất