| Hotline: 0983.970.780

Mẹ kế

Thứ Hai 25/12/2017 , 08:59 (GMT+7)

Ngày mẹ mất, tôi không muốn ba đi bước nữa vì hồi con bé tôi đã từng nghe mẹ hát ru: “Bao đời bánh đúc có xương/ Bao giờ dì ghẻ mà thương con chồng”, nghĩ đến đó thôi là tôi đã sợ.

Kể từ ngày mẹ mất cho đến lúc mãn tang, ba lầm lũi đi, về, suốt ngày bận bịu với công việc. Năm học lớp 9 tôi bận học hành thi cử nên mọi việc trong nhà một mình ba làm hết. Thương ba nhưng tôi lại không muốn ba lấy vợ vì sợ dì ghẻ độc ác như trong chuyện cổ tích.

Minh họa: Trọng Toàn

Thường ngày tôi vẫn thấy mấy cô làm cùng cơ quan với ba đến chơi trong đó cô Ngọc là người quan tâm tới ba và tôi nhất. Một hôm ba gọi tôi đến và hỏi: “Con gái! Mẹ con mất nay cũng đã gần sáu năm rồi. Không phải ba không thương nhớ mẹ con và không thương con, nhưng ba mới hơn ba mươi tuổi. Con thì con gái sớm muộn gì con cũng phải học lên cao và lấy chồng. Ba là đàn ông cần phải có một người phụ nữ bên cạnh để phòng khi ôm đau bệnh tật có người chăm sóc. Con nghĩ thế nào?”.

Nghe ba nói vậy tôi nước mắt lưng tròng, nếu nói với ba là không đồng ý thì ba sẽ buồn và khổ tâm lắm. Nhưng nếu nói đồng ý thì liệu tôi có chịu nỗi sự tàn ác của dì ghẻ không? Tôi xin phép ba hai ngày nữa tôi sẽ trả lời ba. Cuối cùng tôi đồng ý. Ba ôm tôi vào lòng và nói: “Ba và dì hứa sẽ thương con, con đừng buồn”. Tôi nghĩ đó là ba nói, còn bụng dạ của người phụ nữ kia liệu có như vậy không? Vậy nên trong thâm tôi rất ghét người phụ nữ mà tôi gọi bằng dì.

Còn đối với dì Ngọc, đã gần một năm về sống với hai ba con tôi, dì vẫn yêu thương tôi như con ruột, nhưng sự ác cảm về hai tiếng dì ghẻ khó xóa nhòa trong tôi được. Để chọc tức dì Ngọc, đã không ít lần tôi vừa ngồi học bài vừa ngân nga: “Mấy đời bánh đúc có xương/ Mấy đời dì ghẻ mà thương con chồng”.

Những lúc như vậy tôi thấy dì buồn lắm. Nhưng rồi dì lại vui ngay. Dì lo cho tôi từ quần áo, đồ lót, dì dạy tôi những điều mà người con gái đến tuổi dậy thì cần phải làm và phòng tránh. Cũng nhờ dì mà tôi vượt qua được cái ngưỡng đó một cách dễ dàng và thoải mái. Ngày tôi học lên phổ thông trung học, đi ở trọ, dì lo cho tôi từ cái khăn quàng cổ đến bộ áo dài…

Điều mà tôi cảm nhận được đó là ba tôi trở nên vui vẻ hoạt bát và hay nói chuyện tiếu lâm. Ngôi nhà từ khi có dì cũng sạch sẽ và tươm tất hơn. Thế mới biết dì đóng một vai trò không nhỏ trong cuộc sống của gia đình tôi. Vậy nhưng dì không đòi hỏi gì cho riêng mình, dì vẫn sống vẫn làm việc chăm chút cho cuộc sống của hai ba con tôi một cách thầm lặng như tằm kéo kén vậy. Dần dần tôi càng hiểu dì hơn.

Ngày tôi đậu vào đại học đi nhập trường ở thành phố, dì nói với ba là để dì đưa tôi đi vì trường đại học đó gần với trường đại học trước đây dì đã học. Từ một tỉnh lẻ hai dì cháu bắt xe lên thành phố, tôi bị say xe dì chăm sóc tôi chu đáo từ ăn uống đến cả việc nhỏ nhất của người con gái. Đến nơi dì đưa tôi vào ký túc xá làm mọi thủ tục nhập học và ở xong xuôi dì mới chia tay tôi và không quên dặn: “Con nhớ giữ gìn sức khỏe có việc gì con hãy gọi gọi cho dì”. Tôi sà vào lòng dì nước mắt chảy thấm bờ vai dì tôi nói: “Con cảm ơn mẹ, mẹ chẳng khác nào người mẹ của con”. Dì ôm tôi chặt hơn và nói: “Con gái điều quan trọng không phải là cách gọi mà quan trọng nhất là tình cảm mẹ con mình sống với nhau như thế nào mà thôi. Mẹ cảm ơn con vì con đã hiểu ra. Con của ba mẹ đã lớn khôn thật sự rồi, mẹ rất mừng đấy con gái ạ!".

Các bạn ạ, trong cuộc sống sự mặc cảm về một ai đó khiến ta khó lòng mà tha thứ, đó là một sai lầm mà trong cuộc sống chúng ta thường mắc phải. Chúng ta hãy rộng lòng độ lượng khoan dung với tất cả mọi người thì cuộc sống mới trở nên tốt đẹp. Như câu chuyện của tôi là một minh chứng.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?

Bình luận mới nhất