| Hotline: 0983.970.780

Mẹ liệt sỹ 90 tuổi: 42 năm chưa được nhận Bằng Tổ quốc ghi công

Thứ Tư 19/05/2021 , 15:27 (GMT+7)

Đó là mong mỏi của cụ Nguyễn Thị Mùi (sinh 1931), là mẹ liệt sỹ Trần Đình Thi, hy sinh trong Chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979.

Gần 40 năm sống trong tủi nhục vì tiếng oan con đảo ngũ

Quân nhân Trần Đình Thi (sinh năm 1959) nhập ngũ vào tháng 5/1978, cấp bậc: Binh nhất; chức vụ: Chiến sỹ; đơn vị: Đại đội 4, Tiểu đoàn 2, Ban Chỉ huy quân sự huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.

Đến cuối năm 1979, gia đình nhận được một Giấy báo tin và Chứng nhận Tử sỹ ghi ngày 30/10/1979. Nội dung: Đồng chí Trần Đình Thi đã chết vào ngày 17/2/1979 tại Bằng Khẩu, Ngân Sơn, Cao Bằng trong trường hợp “Tự ý bỏ nhiệm vụ về phía sau địch bắn chết”. Được xác nhận là Tử sỹ, đơn vị mai táng tại Bằng Khẩu, Ngân Sơn, Cao Bằng (huyện Ngân Sơn đã nhập vào tỉnh Bắc Kạn từ năm 1997).

Những thông tin nói trên căn cứ theo Biên bản tự thuật sự việc của cá nhân một người có tên Nông Quốc Thái (không rõ chức vụ và nhiệm vụ), có xác nhận của Thủ trưởng đơn vị Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Cao Bằng ghi ngày 20/10/1979.

Sau khi nhận được Giấy báo tin và Chứng nhận Tử sỹ, cả gia đình quân nhân Trần Đình Thi, nhất là cụ ông Trần Đình Ban là bố và cụ bà Nguyễn Thị Mùi đã phải sống trong tủi nhục vì có con đảo ngũ nhưng vẫn bị địch bắn chết.

Cụ Nguyễn Thị Mùi, mẹ Liệt sỹ Trần Đình Thi năm nay đã 90 tuổi. Ảnh: Toán Nguyễn.

Cụ Nguyễn Thị Mùi, mẹ Liệt sỹ Trần Đình Thi năm nay đã 90 tuổi. Ảnh: Toán Nguyễn.

Sự thật được sáng tỏ sau gần 40 năm

Có rất nhiều điểm đáng nghi vấn về cái chết của liệt sỹ Trần Đình Thi, với việc chỉ căn cứ vào một biên bản tự thuật nói rằng bị địch bắn ở Bằng Khẩu, huyện Ngân Sơn, tỉnh Cao Bằng và được an táng ở đây. Sau này gia đình có điều kiện đã đi tìm khắp khu vực Bằng Khẩu nhưng không có nên có niềm tin rất lớn là quân nhân Thi không phải là một người đảo ngũ.

Sau nhiều năm, gia đình đã liên lạc được với những người đồng đội đã chiến đấu cùng với quân nhân Thi. Có người đã khẳng định, quân nhân Thi chiến đấu anh dũng với kẻ địch, sau đó hy sinh tại chiến trường Hà Quảng và được các đồng đội an táng tại đây luôn.

Gia đình cùng với 2 đồng đội của quân nhân Thi là ông Triệu Quang Vinh và ông Phạm Kiên Cường đã làm đơn gửi lên Bộ Quốc phòng và Quân khu 1 để minh oan cho cái chết của ông (quân nhân Thi).

Cụ Mùi, mẹ Liệt sỹ Trần Đình Thi cầm trên tay cầm tầm ảnh bia mộ của con đang yên nghỉ tại Nghĩa trang huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Ảnh: Toán Nguyễn.

Cụ Mùi, mẹ Liệt sỹ Trần Đình Thi cầm trên tay cầm tầm ảnh bia mộ của con đang yên nghỉ tại Nghĩa trang huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Ảnh: Toán Nguyễn.

Đến ngày 15/5/2018, Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh Cao Bằng đã tổ chức đối thoại làm rõ trường hợp từ trần của quân nhân Trần Đình Thi, với sự có mặt của đại diện Cục Chính trị (Quân khu 1), Bộ CHQS tỉnh Cao Bằng, cùng với 10 đồng đội của liệt sỹ Thi và đại diện của gia đình.

Kết luận buổi đối thoại đã khẳng định quân nhân Trần Đình Thi hy sinh ngày 17/2/1979 tại xã Trường Hà, Hà Quảng, Cao Bằng và đã được quy tập vào nghĩa trang liệt sỹ huyện Hà Quảng. Bản tự thuật của đồng chí Nông Quốc Thái một mình kết luận như vậy không có giá trị pháp lý.

Đến ngày 30/5, Bộ CHQS tỉnh Cao Bằng thu hồi giấy báo tử tử sỹ ký ngày 30/10/1979.

Ngày 01/8/2018, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Cao Bằng đã ban hành văn bản xác nhận quân nhân Trần Đình Thi là Liệt sỹ.

Ngày 5/11/2018, Bộ CHQS tỉnh Thái Nguyên cũng đã có Giấy báo tử đối với liệt sỹ Trần Đinh Thi gửi cho thân nhân và cơ quan chức năng.

Cụ Mùi năm nay đã già yếu, tai đã điếc, lưng đã còng và đi lại cần con trai (là ông Trần Văn Sắc) dìu hoặc cõng đi. Ảnh: Toán Nguyễn.

Cụ Mùi năm nay đã già yếu, tai đã điếc, lưng đã còng và đi lại cần con trai (là ông Trần Văn Sắc) dìu hoặc cõng đi. Ảnh: Toán Nguyễn.

Mẹ già 90 tuổi mong được nhận Bằng “Tổ quốc ghi công”

Bố của liệt sỹ Trần Đình Thi là ông Trần Đình Ban đã chết do tuổi cao, giờ chỉ còn mẹ là cụ Nguyễn Thị Mùi (sinh năm 1931), nhưng cũng đã 90 tuổi, tai đã bị điếc lửng, lưng đã bị còng và sức khỏe đã yếu, đi lại thì cần phải có người dìu hoặc cõng đi.

Mẹ liệt sỹ Nguyễn Thị Mùi đã không còn mạnh khỏe, trí tuệ không còn minh mẫn, nên những lời tâm sự của cụ rất mộc mạc: Con đã được rửa oan, là Liệt sỹ rồi, chẳng biết sống được bao lâu nữa, mong trước khi chết thì nhận được chế độ của Nhà nước, được Nhà nước công nhận và thưởng giống như người ta.

Ông Trần Văn Sắc, là em trai của Liệt sỹ Trần Đình Thi và hiện đang chăm sóc cụ Mùi cho biết, gia đình đã làm đủ các thủ tục như hướng dẫn của Cục Chính trị Quân khu 1, cùng các cơ quan chức năng của tỉnh Cao Bằng và tỉnh Thái Nguyên, nhưng từ năm 2018 đến nay gia đình vẫn chưa nhận được Bằng “Tổ quốc ghi công” và chế độ chính sách đối với gia đình liệt sỹ.

Công văn của Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị gửi gia đình cụ Mùi thể hiện hồ sơ của Liệt sỹ Trần Đình Thi đã gửi sang Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội từ ngày 23/11/2020. Ảnh: Toán Nguyễn.

Công văn của Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị gửi gia đình cụ Mùi thể hiện hồ sơ của Liệt sỹ Trần Đình Thi đã gửi sang Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội từ ngày 23/11/2020. Ảnh: Toán Nguyễn.

Ông Sắc cũng thông tin, ngày 17/2/2021 gia đình đã có đơn gửi Tổng cục Chính trị hỏi về vấn đề trên. Đến ngày 28/04/2021, Cục Chính Sách, Tổng cục Chính trị gửi cho gia đình và thông tin là trường hợp Liệt sỹ Trần Đình Thi đã được Bộ Quốc phòng gửi công văn số 4386/BQP-CT sang Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội từ ngày 23/11/2020 đề nghị truy tặng Bằng “Tổ quốc ghi công” đối với trường hợp hy sinh, trình Thủ tướng Chính phủ cấp Bằng “Tổ quốc ghi công”.

Hiện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang xem xét, thẩm định hồ sơ và đề nghị gia đình liên hệ với Cục Người có công (thuộc Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội) để được xem xét, trả lời theo thẩm quyền.

Nhắn gửi qua Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Sắc dưng dưng nước mắt nói: Mong mỏi lớn nhất của mọi người trong gia đình không phải là được hưởng tiền chế độ chính sách, mà đã 42 năm qua ngày ngày mong ngóng nhận được tấm Bằng “Tổ quốc ghi công” cho anh trai tôi. Điều này là để an ủi tuổi già cho mẹ tôi, vì giờ sức khỏe đã quá yếu và cũng là để mọi người trong nhà được “mở mày mở mặt” xã hội.

Xem thêm
Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.