| Hotline: 0983.970.780

Mê muội “vườn trời”

Thứ Năm 06/09/2012 , 10:19 (GMT+7)

Chẳng có bác sĩ nhưng bệnh nhân đông nghẹt, chen chúc nhau trong những mảnh chiếu đặt rải rác trong khu vườn...

Cuối 2004, rộ lên chuyện chữa bệnh thần bí của “khí và nước” tại khu vườn của bà Võ Thị Ngoan, ấp Tân Hội, xã Đức Lập Thượng, Đức Hòa, Long An. Đã có hẳn một báo cáo của cơ quan chức năng gửi tới Chính phủ khẳng định khu vườn không có khả năng chữa bệnh, thế nhưng khu “vườn lạ” xưa đã được gọi với cái tên mới là “vườn trời”, vẫn tấp nập người bệnh và có những diễn biến rất phức tạp.

"NỔ" CHỮA CẢ UNG THƯ

Chị Cúc, giúp việc theo giờ cho nhà tôi, đã lớn tuổi nên thường hay đau lưng nhức mỏi. Đầu tháng chị xin nghỉ việc 4 ngày để đi đến “vườn trời” ở Long An trị bệnh. Khi trở về, chị vui phơi phới, khen “khu vườn linh lắm” và kè kè bên mình một chai “nước trời” để uống.

Ảnh có hào quang?

Xóm chị Cúc thuê chung một chuyến xe 25 chỗ đi từ 4 giờ sáng. Để chuẩn bị cho những ngày ở lại trị bệnh, mọi người đi xem các quán trọ quanh đó. Quanh khu “vườn trời” có 9 nhà trọ. Xóm trọ có khoảng 90 phòng và hơn 100 giường cho thuê. Khách thuê phần ở các tỉnh xa như: Hà Nội, Nam Định, Hải Dương, Quy Nhơn, Bình Định… Nhiều tiền thì thuê phòng, ít tiền thì thuê giường, ai nhà gần thì đi về trong ngày. Tuy nhiên, theo mọi người để có thể “dứt bệnh” thì phải ở lại, ít thì 1-2 tuần, lâu cũng vài tháng. Hầu hết những người trong chuyến xe của chị Cúc đều thuê giường. Giường phần lớn bằng tre, bày dọc hành lang hoặc sân có mái che, còn giường thì 50.000 đồng/đêm, sang hơn thì thuê loại phòng 200-400.000 đồng/đêm.

Chị Cúc cho biết, bước vào vườn phải đến nhà nguyện cầu xin được trị bệnh. Chẳng có bác sĩ nhưng bệnh nhân đông nghẹt, chen chúc nhau trong những mảnh chiếu đặt rải rác trong khu vườn. Phương thức trị bệnh chủ yếu là cầu nguyện, thiền và uống nước thiêng từ giếng bơm lên. Nước chỉ linh nghiệm khi lấy vào các giờ quy định là từ 6h - 6 giờ 30 sáng, 11h30 - 12h30 trưa và 16h30 - 17h. Những bệnh nhân cũ chỉ bảo lại cho người mới về sự linh thiêng của “vườn trời” là muốn hết bệnh thì phải có… đức tin.

Chị Cúc kể: Có lẽ vì không thành tâm hay sao mà có vài người trong đoàn của chị chẳng những không hết bệnh mà còn bị đau bụng sau khi uống nước.

Nhấn mạnh về sự linh thiêng của khu vườn, chị Cúc giơ ra khoe tôi tấm ảnh chị chụp có ánh hào quang chói lóa. Chị bảo, không phải ai cũng có thể chụp hình có hào quang, phải sống lâu ở đây hoặc người dễ tiếp nhận từ trường thì máy ảnh, máy điện thoại mới hấp thu sóng từ trường để cho những tấm hình có vầng sáng chớp lóe. Và những điểm chụp hình cũng phải tùy theo giờ mới có từ trường. Hầu hết ai đã đến vườn đều muốn có tấm hình có tí hào quang nên phải nhờ các thợ chụp hình ở đây.


Bệnh nhân la liệt trong vườn với can nước giếng linh thiêng

Hoàng, người dẫn đoàn chị Cúc xuống, sẵn sàng phục vụ chụp ảnh với giá rẻ là 2.000 đồng/tấm.

"Ung thư gì đến vườn cũng hết"

Trước khi đến "vườn trời", tôi đã có cuộc nói chuyện với Hoàng. Bởi theo chị Cúc, tôi phải xin phép Hoàng, lý do là dạo này chính quyền kiểm soát gắt gao người lạ đến địa phương.

Qua điện thoại của chị Cúc, tôi nói chuyện với Hoàng:

- Anh ơi, nghe chị Cúc đi đến vườn hết bệnh em cũng muốn đưa người nhà xuống đó quá. Chị em bị đau nhức tùm lum, còn bố chồng bị ung thư. Nghe chị Cúc kể chị hết bệnh, nhưng đó là bệnh nhẹ, còn bệnh nặng như bố chồng em và bà chị chồng thì liệu vườn có khả năng trị bệnh hay không?

- Ung thư thì cứ đưa đến vườn là khỏi. Bao nhiêu người đã hết bệnh rồi đấy. Có ông đại tá, vợ bị ung thư vú, đến vườn nửa tiếng là hết. Bản thân ông ấy bị ung thư trực tràng, vào vườn có một buổi cũng lành. Rồi đủ thứ bác sĩ, giáo sư… bị các loại bệnh mà bệnh viện “bó tay”, nhờ đến “vườn trời” mà khỏi cả.

- Thật à? Anh có hồ sơ bệnh án cho em xin để làm bằng chứng cho bố em tin?

- Bệnh án gì? Có băng video quay chính bệnh nhân kể lại đấy, bằng chứng sống đấy, cần gì hơn nữa mà không tin? Huyện Đức Hòa đề nghị kết hợp làm khu sinh thái nhưng chủ vườn người ta không đồng ý. Người ta muốn để vườn làm phúc cho dân bị bệnh chứ làm khu sinh thái thì dân chả tới được.

- Thật à?

- Không thì thứ Bảy này có các giáo sư hết bệnh nhờ đến vườn lạ họ đến giao lưu đấy, xuống mà nghe. Linh thiêng lắm. Bao nhiêu người khỏi bệnh rồi. Toàn những người bệnh nặng

Sau khi nói chuyện với Hoàng, tôi chở chị Cúc đến "vườn trời". Đúng 6 giờ sáng, mọi người, kể các các con bệnh cũ đều nhốn nháo.

Một chị lớn tuổi đang đút cho một cháu bé khoảng 2 tuổi ăn cháo. Tôi đến hỏi thăm, chị cho biết, chị và con gái từ Hà Nội vào đây trị bệnh đã 1 tháng. Đây là lần thứ 3 chị và gia đình đến khu vườn này. Bệnh của chị chủ yếu là cao huyết áp, tiểu đường. Bình thường mỗi ngày phải uống thuốc nhưng khi vào ở trong khu vườn này thì cả tháng chị không phải uống thuốc. Quay về nhà ở Hà Nội thì sau khoảng một tuần lại phải dùng thuốc nếu không thì huyết áp tăng, đường huyết giảm… Khi nghe tôi đi tìm hiểu để đưa bố chồng đến, chị cho biết: “Không phải ai cũng hết bệnh đâu! Hình như có người hợp người không. Hay nói như một số người là phải có đức tin thì mới hết bệnh”.

Tuyên truyền bằng... thơ

Khu vườn rộng, rợp mát bóng cây. Sát chân hàng rào quanh khu vườn một con hào sâu chừng gần 1m được xây trát xi măng sạch sẽ. Cách khoảng đều đặn 2m là các đường ống thoát nước khu vườn chĩa vào mương.

Khi tôi và chị Cúc bước vào khu vườn thì phần lớn mọi người đang tập trung trong sảnh nhà, chỉ lác đác đó đây những người già đang ngồi khoanh chân chăm chú thiền.

Chị Cúc huých tôi ra hiệu phải đến trước nhà nguyện để khấn vái. Nhà nguyện chỉ là một căn phòng trống với cái bản thờ nhang đèn phía trong. Mặc dù đứng xa, chả rõ bên trong nhà nguyện có gì nhưng tôi cũng phải chắp tay, vừa lẩm nhẩm miệng vừa đảo mắt theo dõi. Có vài cặp mắt từ phía trong hành lang đang theo dõi chúng tôi.

Cúc chỉ tay cho tôi những gốc cây mà nếu chụp hình thì sẽ có ánh hào quang phát sáng, gọi là những điểm thiêng. Một người đàn ông trung niên gần đó xua tay: “Giờ này hết rồi, phải đúng giờ thì trời mới hiển linh, lúc đó chụp hình mới có từ trường tạo hào quang phát sáng”.

Sau khi khấn vái xong, chúng tôi đi vào phía trong sảnh nhà, vòng quanh bàn chủ tọa có khoảng 50-60 người đang ngồi. Chen chân đi vào giữa đám đông ngồi kín xung quanh bàn chủ tọa, tôi lắng nghe và quan sát. Bàn chủ tọa, ngoài bà Ba Ngoan còn có vài ông già ngồi điều khiển chương trình.

Ngay giữa sảnh là một máy quay phim để quay chương trình. Tôi vừa ngồi yên chỗ thì ống kính chiếu thẳng vào mặt mình, cùng với phía ngoài một ống kính khác cũng đang lướt qua tất cả các gương mặt bệnh nhân tham dự.

Bà Ba Ngoan là người phụ nữ "bắt ma" trong băng video mà chị Cúc cho tôi xem, hôm nay mặc bộ đồ màu đen. Bà đang nhắc nhở lại mọi người về nội quy khu vườn, giờ giấc ra vào, lấy nước cũng như cấm xả rác và... cấm biếu quà cho chủ vườn. Bà Ba Ngoan bật khóc kể lại sự khó xử khi có bệnh nhân cũ sau khi khỏi bệnh đến thăm lại vườn đã để lại 6 hộp yến sào. Bà nói: "Có 6 hộp yến, ai ăn ai nhịn. Tôi đâu cần mà làm vậy cho tôi khó xử. Bà con thương, muốn cho khu vườn tồn tại linh thiêng thì đừng làm vậy nữa...”.


Bà Ba đang bắt ma cho cô gái

Trong không khí cảm động một ông già bệ vệ bên cạnh đứng lên tuyên bố tặng 2 tập thơ ông viết về “vườn trời”. Được biết tổng số thơ ông sáng tác đã là… 5 cuốn. Ông xin phép đọc chùm thơ "Vườn trời" gồm 5 bài thơ nói lên nội dung của 2 tập thơ. Bài đầu tiên là “Cầu trời”:

Khi đau kêu cứu trời ơi/Lành bệnh phấn khởi, lạy trời cảm ơn/Xin trời phù hộ sớm hôm/Trời cao có mắt, trời luôn cứu mình/Vườn trời là chốn tâm linh/Nhất tâm cầu nguyện, bệnh tình khỏi ngay...

Trong lúc ông đọc thơ, tôi thì thào hỏi người bên cạnh về ông, được họ cho biết với vẻ mặt quan trọng: Ông ấy là giáo sư Tài, dạy đại học, theo trị bệnh ở "vườn trời" này đã được 5,7 năm nay.

Sau ông Tài là một ông đến từ Cần Thơ. Ông muốn thể hiện tấm lòng với cô Út Hồng, con gái bà Ba Ngoan bằng bài thơ "Vườn Hồng":

Bông Hồng vườn lạ Long An/Hàm oan đã trải, gian nan đã từng/Nào đâu sắc nước hoa khôi/Hoa vườn bình dị mọi người tin yêu/ Học hành chưa phải cao siêu/Út Hồng đã nói bao điều đáng tin...

Trong khi ông đọc thơ, một bà ngồi bên cạnh “dịch” nghĩa thơ cho tôi, rằng bài thơ ý nhắc lại những ngày cô Út Hồng vì bảo vệ bệnh nhân trong vườn khi chính quyền địa phương đến kiểm tra giấy tờ nên đã bị bắt một thời gian vì tội gây rối trật tự an ninh công cộng. (còn nữa)

Xem thêm
Bình Thuận có Tân Bí thư Tỉnh ủy

Ông Nguyễn Hoài Anh được Bộ Chính trị chuẩn y chức danh Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2020 - 2025.

10 năm lực lượng kiểm ngư cùng ngư dân bám biển

Trong 10 năm qua, lực lượng kiểm ngư ngày đêm bám biển, điều động hơn 1.500 lượt tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên các vùng biển Việt Nam.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Thêm 4 điểm du lịch tiêu biểu ở ĐBSCL

Cần Thơ Hiệp hội Du lịch ĐBSCL vừa công nhận 4 điểm du lịch tiêu biểu của vùng, các đơn vị tiếp tục đầu tư, nâng chất, làm mới những sản phẩm du lịch hiện có.

Bình luận mới nhất