| Hotline: 0983.970.780

Mẹ nước - Mùa xuân

Thứ Bảy 17/02/2018 , 09:30 (GMT+7)

Đêm cuối năm, thời gian dần đi hết những bước chân cuối cùng của năm cũ. Cả nhà sau bữa cơm tất niên, mỗi người mỗi việc cùng hướng về thời khắc giao thừa. Trên ban thờ, khói hương nghi ngút, mùi thơm của nồi nước lá bưởi, lá bjoóc cà lan toả trong căn nhà thoáng rộng.

Mẹ ngồi bên bàn gói bánh khảo những khuôn bánh đóng từ chiều. Chị gái đem bộ quần áo mới ra thử vẻ thích thú, ưng ý, mấy anh em trai đem những phong pháo hiệu con gà ra buộc vào đầu gậy để đốt vào lúc giao thừa…

18-09-06_untitled-4
Phụ nữ "đi lấy nước ở phía ruộng trời"

Chừng hơn mười một giờ đêm, chị gái chạy sang nhà hàng xóm rồi về đi vào bếp gánh đôi vò gánh nước có rọ đan bên ngoài đi ra cửa sau, nhập với tốp người đi gánh nước đêm. Một việc làm, một phong tục đã có từ rất lâu. Không thể quên. Không thể bỏ. Thời điểm ấy nhắc chúng tôi năm mới đã đến rất gần.

Các mẹ, các chị đi lấy nước đêm giao thừa với một tinh thần phấn khởi, sùng kính. Cái mỏ nước cách bản chừng nửa cây số gọi là Rằng Nặm Phia Khao. Một vực nước sâu, xung quanh um tùm cây lá. Khung cảnh tịch mịch, thâm u, thần bí. Bọn trẻ chăn trâu chúng tôi được dạy rằng đó là nơi ở của thần nước, có nhiều con Ngưởc. Cứ đến giao thừa có tiếng choóng nào (thanh la, não bạt) vọng về từ Rằng Nặm nghĩa là những con Ngưởc đã trở về.

Con đường từ bản ra Rằng Nặm vào mùa đông đi qua những đám ruộng khô trơ gốc rạ, chứ không men theo những con đường bờ ruộng, bờ rẫy khấp khểnh, nhỏ bé vào mùa nước nên người đi gánh nước có được cảm giác thoải mái, vung vẩy, thậm chí là chạy.

Thì kìa! Tốp người đầu tiên từ Rằng Nặm đã trở về. Các chị, các mẹ đi như chạy, ganh đua. Tôi chạy vụt ra khỏi nhà đón chị gái. Khi hai tay tôi chạm vào vò nước thì tiếng pháo trong bản bắt đầu nổ. Bầu trời như cao lên, rộng ra, trong sáng lạ thường và hình như tiếng choóng nào cũng kịp vọng về từ Rằng Nặm, phóng lên trời. Thời khắc đất trời giao hoà thật linh thiêng và tươi mới. Chị tôi vừa kịp đổ nước từ trong vò vào chiếc vại nước để ở góc bếp vẻ phấn khởi, mãn nguyện vì đã hoàn thành một công việc quan trọng đúng vào thời khắc giao thừa. Tôi cũng nhanh chân chạy ra trước cửa châm lửa cho tiếng pháo nổ vang, hoà vào tiếng pháo của cả bản đón chào một năm mới.

… Sáu mươi năm rồi mà cảnh tượng của đêm giao thừa chị gái tôi cùng các mẹ, các chị đi lấy nước Rằng Nặm năm ấy vẫn không thể nào phai mờ. Một phong tục, một nếp sống đẹp vùng quê miền núi của xã hội thuần nông mà quan niệm về mẫu hệ vẫn còn được nhắc nhớ. Người Tày, người Nùng tôn kính gọi nguồn nước là Mẻ Nặm (Mẹ nước) cũng như gọi Mẻ Phạ (Mẹ trời), Mẻ Đin (Mẹ đất).

Tục đi lấy nước đêm giao thừa là sự lưu giữ lòng tôn kính với Mẹ Nước, là sự cầu mong mưa thuận, gió hoà, là niềm ước ao một mùa sinh sôi từ Mẹ Nước. Ai kính trọng Mẹ Nước, yêu quí Mẹ Nước, bảo vệ Mẹ Nước, Mẹ Nước sẽ phù hộ, độ trì, tưới tắm, phì nhiêu.

Cần Đông Kin rèo phày

Cần Tày Kin rèo nặm

(Người trên núi (Mông, Dao) ăn theo lửa (đốt rẫy, làm nương)

Người Tày ăn theo nước).

Đã có một nền văn minh lúa nước của người Tày, người Nùng miền núi. Một nền văn minh phát triển với những công trình thuỷ lợi, những mương phai, cọn nước… Lòng tôn kính Mẹ nước luôn được giữ gìn, truyền từ đời này sang đời khác mà tục đi gánh nước đêm giao thừa là một biểu hiện đẹp.

Miền núi nhiều vùng thiếu nước, hiếm nước nên người dân càng quí nước, sản xuất nông nghiệp chủ yếu nhờ vào nước trời (mưa). Mùa khô người dân đi xa bản hàng mấy cây số mới gánh được một gánh nước về nhà mất cả một buổi việc. Cái cực của khô hạn vùng cao tôi đã gặp nhiều trong những chuyến đi.

Nhớ lần theo nhà thơ Nông Quốc Chấn lên vùng Thượng Thôn, Hạ Thôn (Nà Giàng - Hà Quảng, Cao Bằng), lên giữa lưng chừng đèo, chúng tôi gặp mấy chị người Nùng từ Thượng Thôn sang gánh nước tận Hạ Thôn. Các chị rất vui. Nhà thơ Nông Quốc Chấn “chia sẻ” nỗi cực nhọc của việc đi gánh nước xa, các chị cười vui coi như chuyện bình thường. Sau này đọc lại thơ Nông Quốc Chấn, tôi thấy nhà thơ ghi lại buổi gặp các chị đi gánh nước thật vui và sinh động:

Bại ché pây hâư, phét liển quang

Nọng pây háp nặm pạng Nà Giàng

(Các chị đi đâu, vò liền quang?

Chúng em đi lấy nước ở phía ruộng trời).

Nhớ mùa Xuân Tân Tỵ, năm 1941 “Trắng rừng biên giới nở hoa mơ” - lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, sau ba mươi năm bôn ba hải ngoại tìm đường cứu nước, trở về, đặt chân lên đất mẹ tại cột mốc 108 (Pác Bó - Hà Quảng - Cao Bằng). Người đến ở nhà ông Lý Quốc Súng, nơi đầu nguồn Cốc Bó. Người con gái của ông tên là Máy Nì, lúc đó 14 tuổi đã xuống lấy nước từ đầu nguồn Cốc Bó về đun nước hoa bjoóc cà cho người già rửa mặt, ngâm chân giữa đêm đông lạnh thấu xương nơi miền rừng biên giới… Mẻ Nặm Cốc Bó đã nuôi Người, bảo vệ Người. Tưới tắm và sinh sôi.

Tục lấy nước đêm giao thừa có ở nhiều vùng miền người Tày, người Nùng (ở làng Pác Bó vẫn giữ được phong tục đẹp đó). Nhưng nay phong tục đẹp đó mờ dần, mất dần theo sự phát triển của xã hội với những nếp nghĩ mới, hoàn cảnh mới, điều kiện mới nhưng niềm kính trọng, niềm yêu thì mãi còn với Mẹ Nước - Mùa Xuân.

Cao Bằng, Xuân Mậu Tuất (2018)

(Kiến thức gia đình số tết)

Xem thêm
Công tử Bạc Liêu trên màn ảnh mờ nhạt cá tính

Công tử Bạc Liêu là nhân vật để lại nhiều giai thoại trong đời sống cộng đồng, nhưng khi được tái hiện thành một tác phẩm điện ảnh lại không mấy ấn tượng.

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.