| Hotline: 0983.970.780

Mẹ nuôi

Thứ Hai 20/04/2015 , 09:57 (GMT+7)

Quan hệ giữa ông Mài và bà Mậu là thế này: Vợ ông Mài là chị ruột bà Mậu. Bởi thế, Thạch, con trai ông Mài, phải gọi bà Mậu bằng dì. 

Thạch năm nay đã hai mươi bảy tuổi, có bằng kỹ sư cơ điện, hiện đang là trưởng phòng cơ điện của một công ty xây dựng, làm ăn khá phát đạt. Mới làm việc có hai năm, Thạch đã mua được xe ô-tô trả góp.

Bà Mậu khi còn trẻ cũng khá mặn mà. Nhưng về đường chồng con lại lận đận. Lấy chồng được bốn năm, chồng chết. Đã vậy, lại không có con. 

Tuy nhiên, trời chẳng lấy đi của ai tất cả. Sau ngày chồng chết được một năm, bỗng có đứa bé gái đến ở với bà. Đây là con của một người bạn cũ.

Chưa sinh con, thì chồng bị tai nạn chết. Sinh con ra được hơn một năm, bà ta lại mắc bệnh hiểm nghèo. Gia đình họ hàng không có ai để nương tựa, nên bà phải nhờ cậy bà Mậu, là người bạn thân từ thuở nhỏ, để bà bạn nuôi hộ con mình.

Thế là cái Tèo được bà Mậu nuôi từ đó.

Hiểu rõ thân phận mình, con Tèo coi bà Mậu như mẹ đẻ, ăn uống chả có gì mà lớn nhanh, khỏe mạnh. Mới năm tuổi đã giúp được cho mẹ nuôi nhiều việc. Bà Mậu cũng cảm thấy được an ủi. Ấy chính là sự bù đắp của tạo hóa, để một đứa trẻ không nơi nương tựa, lại nương tựa vào một người đàn bà cô đơn.

Đến năm bảy tuổi, bà Mậu cũng cố gắng cho cô con gái nuôi cắp sách đến trường. Học được bốn năm, thì bà mắc chứng thấp khớp, đi lại khó khăn, gia cảnh lại túng bấn, nên con Tèo phải nghỉ học. Cũng xin nói thêm, là khi đi học, Tèo mới được làm giấy khai sinh, lấy họ Nguyễn của bà Mậu, có tên là Thắm. Nguyễn Thị Thắm.

Nghỉ học, Thắm phải giúp mẹ công việc đồng áng và việc nhà. Một buổi chiều cuối năm, bà Mậu bỗng có khách đến chơi. Đó chính là Thạch, con trai ông Mài.

Anh đến để mời bà Mậu chủ nhật tới sang ăn giỗ. Ngồi chơi được một lúc, thì Thắm đi làm đồng về. Lúc này, cô thôn nữ đã bước sang tuổi mười bảy, người phổng phao, xinh xắn. Cô lí nhí chào Thạch, rồi vội vã ra ao rửa ráy.

Chỉ mới thoáng gặp, ai ngờ Thạch thấy bàng hoàng trước sắc đẹp chân quê của cô con gái bà dì. Thạch sửng sốt là phải, khi mà quanh năm suốt tháng, anh toàn tiếp xúc với những cô gái mắt xanh mỏ đỏ, váy ngắn váy dài, tóc mi uốn nhuộm đủ kiểu đủ màu.

Bây giờ bất chợt thấy một cô gái chân quê, với cái đẹp mộc mạc, tự nhiên, nó khác hẳn với vẻ đẹp “nhân tạo” ở thành phố. Nhất là cái bẽn lẽn của cô gái khi bất chợt thấy khách lạ, càng tôn thêm vẻ đẹp tự nhiên của một cô gái quê, chưa hề vướng gợn thú chơi thị thành.

Thế là đang định ra về, Thạch bỗng không sao rời khỏi nhà bà dì. Dường như bà dì cũng đã nhận ra sự thay đổi của cháu, từ lúc cô con gái bước vào nhà. Bà bèn nhướn người, gọi to: “Tèo ơi! Vào u bảo”.

Có lẽ chỉ người ngoài, mới gọi tên Thắm. Với bà Mậu, vẫn chỉ là con Tèo bé bỏng của bà. Nghe tiếng gọi, Thắm vội vàng: “U gọi gì con ạ?”. Bà Mậu gắt yêu: “Đã bảo vào thì cứ vào. Vào u nhờ”.

Cô gái gọn gàng với mái tóc vừa cặp lại. Bộ quần áo thì vẫn còn sót vài vết bùn khô. Bất chợt Thạch sửng sốt lần nữa. Biết bao nhiêu mốt áo quần, màu mè…, vậy mà sao cái áo vải phin nhuộm nâu, đích thị là nhuộm bằng củ nâu, lại nền nã, ưa nhìn đến thế?

Cái áo nâu mỏng, như càng tôn lên vẻ hấp dẫn của bộ ngực tròn căng dưới áo. Cô gái khép nép ngồi núp sau bà Mậu.

“Con này! Đây là anh Thạch, con bác Mài. Anh Thạch mời u con mình chủ nhật này sang ăn giỗ". Cô gái bỗng hơi vùng vằng: “Ấy chết! Mình u đi thôi chứ. Con thì…Với lại con phải ở nhà. Còn gà, còn lợn. Còn…”.

Bà Mậu mắng át đi: “Cứ chuẩn bị trước. Rồi bà Dạm sang hộ một buổi. Có sao? Ngày xưa u trái nắng giở giời, bà ấy vẫn sang trông nom u hàng mấy ngày, nữa là”. “Thôi! Mình u đi. Con chả đi đâu”. Nói xong, cô gái vùng vằng chạy xuống bếp. “Ơ hay! Cái con này. Cãi giả u từ bao giờ thế?”. Bà Mậu cao giọng, nhưng vẫn chỉ là cái giọng mắng yêu thôi.

“Dì à! Dì cứ để cháu thuyết phục em ấy. Đến chiều thứ bảy, cháu lại sang”. Ấy là lời của Thạch. Bà Mậu cũng ngầm hiểu ý, Thạch đã bị cô con gái nuôi của bà hút hồn rồi.

Thấm thoắt đã gần đến Tết Nguyên đán, cuộc tình của hai người càng ngày càng nồng. Có lẽ cũng là nỗi mong mỏi của bà Mậu. Với Thạch thì không có điều gì phải băn khoăn. Va vấp với con gái thành thị đã nhiều, khi gặp Thắm, thì Thạch chợt như người đã quá ngán với những sơn hào hải vị, nay được thưởng thức món hương đồng gió nội.

Vả lại, người cần nhất với Thạch lúc này không phải một người vợ có tài, có bằng cấp, có địa vị, mà là một người vợ cần cù, nết na, chiều chồng, chăm con. Cái tiêu chí ấy, thì không ai thích hợp hơn là Thắm.

Bây giờ thì thứ bảy, chủ nhật nào, Thạch cũng về quê. Mỗi lần Thạch về, Thắm lại có một món quà nho nhỏ. Rồi có lần, Thắm được đi dự hội cấy của huyện, Thạch về không gặp, đã viết một lá thư dài, phong lại cẩn thận, gửi bà Mậu đưa cho Thắm.

Có một hiệu ứng xảy ra, mà ngay cả Thắm và Thạch không lường hết được. Từ lúc đầu ra sức vun vén cho đôi trẻ, nay thấy Thạch có vẻ yêu chiều hơi thái quá với Thắm, bà Mậu bỗng thấy chạnh lòng. Bức thư của Thạch, khiến bà cảm thấy một nỗi hậm hực vô cớ. “Nó lại viết cái gì cho con bé đây? Biết đâu chẳng là…”. Không kìm được, bà đã lén mở ra…

Thấy những lời lẽ “có cánh” của Thạch, nào là “Anh sẽ đưa em ra thành phố, thoát khỏi cảnh chân lấm tay bùn…Em sẽ được tiếp xúc với nền văn minh đô thị…Em sẽ…Em sẽ…”

“Ôi chà! Cái ngữ này mà ra thành phố, mà ăn trắng mặc trơn, rồi lại thành cái loại người mắt xanh mỏ đỏ, có về thăm quê, chắc nó không dám ngồi vào cái ghế cái giường cái chõng của u nó. Ối chà! Rồi thì hỏng hết! Hỏng hết. Biết thế, bà đã chẳng vun vào, bà cứ để cho chết già ở quê. Ối giời!”

Bà Mậu cứ rên rỉ vậy cho đến khi Thắm đi dự hội cấy về. Rồi bà giấu biệt lá thư, và cũng giấu biệt chuyện Thạch đã đến…

Xem thêm
Di căn gan chiếm 25% trường hợp ung thư đại trực tràng

TP.HCM Di căn gan là di căn xa thường gặp nhất, chiếm 25% các trường hợp ung thư đại trực tràng. Mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 16.000 ca ung thư đại trực tràng mới.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Kháu Vài Lèng bị giả mạo, Lương y Mạc Văn Minh kêu cứu

Kháu Vài Lèng, bài thuốc điều trị sinh lý nam giới của Lương y Mạc Văn Minh đang bị các đối tượng xấu làm giả, bán trục lợi, ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm