| Hotline: 0983.970.780

Mẹ và người yêu mâu thuẫn

Thứ Tư 17/07/2013 , 10:17 (GMT+7)

Nếu tiếp tục quen M thì con nên làm thế nào để vừa lòng mẹ, vừa giữ được anh?

Cô kính mến!

Con đã tìm đến cô trong lá thư được in báo mấy tháng trước. Nghe theo lời khuyên của cô, con quay lại với M, nhưng chuyện lần này liên quan đến sự nghiệp nhiều hơn.

Cô còn nhớ, mẹ con tỏ ra không hài lòng kể từ sau lần M nhắn tin cho mẹ con kể chuyện con với T, cảm tình của mẹ về anh không còn như lúc đầu. Một lý do quan trọng nữa là công việc của M lận đận, làm ở nơi nào cũng khoảng vài tháng hoặc nửa năm, có thể do tính của anh thích nghi kém. Mẹ con và gia tộc có lẽ thấy thế nên chưa ủng hộ chuyện cưới của hai đứa. Con và M dự định hai ba năm nữa mới tính.

Hiện tại anh đã xin được việc mới, lương khá, nghe bạn kể anh hay ngủ lại qua đêm ở công ty luôn để không trễ việc. Nếu có gia đình mà như vậy là không ổn và con thấy hầu như lãnh lương tháng nào là hết tháng đó. Tính ra thì anh cũng đã đi làm được vài năm ở nhiều công ty, nhưng sau khi nghỉ việc thì M lại là người vô sản, chưa hề có một khoản dành dụm nào. Hình như con trai miền Nam thường như thế, đúng không cô?

Vấn đề khiến con mệt mỏi là mẹ cứ ép con về quê lập nghiệp chứ không muốn con ở Sài Gòn nữa. Con đã nghỉ việc 2 tháng nay vì lương thấp và để thời gian tập trung cho đồ án tốt nghiệp, cuối tháng 7 con kết thúc khóa học rồi. Con dự định sau khi tốt nghiệp vẫn sẽ ở SG và xin việc làm mới nhưng mẹ thì làm đủ cách để con xoay chuyển: Khuyên bảo, nhờ một người chị nói chuyện với con, và mới đây thì mẹ đã ra mặt giận con luôn. Mẹ nói sẽ xin cho con một công việc gần nhà để đỡ khoản tiền trọ, dễ dành dụm tiền hơn ở SG, sau đó sẽ tìm cách xin cho con vào làm cơ quan Nhà nước.

Thật sự thì ngành của con ở SG sẽ phát triển hơn, ngành này trẻ, năng động, sáng tạo (nhưng cũng thiếu tính ổn định). Con nói “Nếu giờ con về quê làm, vài năm nữa nếu cưới chồng ở SG (ngụ ý nói M) thì sẽ phải nghỉ việc, lên đó sống phải làm lại từ đầu, sẽ khó xin việc hơn”. Mẹ lại giận và nói rằng “sự nghiệp chưa lo xong mà cứ lo cưới chồng, cứ làm ở quê, nếu có cưới thì tới đó tính, hoặc là chồng sẽ về đó sống chung rồi đón xe lên SG làm, hoặc là con chuyển công tác từ quê lên chi nhánh ở SG, mà chắc gì đã cưới nhau, nếu hai đứa thực sự duyên nợ thì sẽ không trốn đâu được cả”. Nhưng duyên nợ một phần là còn do con người tạo ra nữa, phải không cô?

M nói, nếu con về quê thì anh nghĩ sẽ không quen nhau được lâu vì hướng đi của hai đứa khác nhau quá... Anh luôn nói cuộc sống ở SG mới tốt cho con cái sau này. Cô có nghĩ rằng yêu xa cũng là một thử thách cho tình yêu không? (Quê con cách SG 2 giờ xe máy). Chắc cô cũng sẽ nói là thời nay làm gì có chàng trai nào ở SG lại chịu về quê vợ sống đúng không? Và thường thì làm ở SG mà chuyển về quê sẽ dễ hơn là từ quê xin lên. Con thấy cách tính của mẹ chưa hợp lý, ai cũng nói mẹ thương con quá nên muốn con ở bên cạnh, con cũng hiểu thế nên phân vân mãi. Nhưng con gái là phải chấp nhận con mình một ngày nào đó lấy chồng sẽ xa nhà thôi.

Nhà M sắp xây lại, anh nói ba mẹ xây nhà cho anh cưới vợ, như vậy là con sẽ phải làm dâu, đó cũng là điều mà mẹ con và đứa bạn của con lo lắng. (M còn đứa em trai đang học lớp 12). Con cũng như mọi người, thích sống riêng để khỏi va chạm người lớn dù con thấy ba mẹ anh cũng hiền và tốt bụng. Con không hy vọng M sẽ mua nhà riêng vì ở SG nhà đắt đỏ khó mà mua được. Nếu con nghĩ vậy thì có thực dụng quá không ạ? Con thỉnh thoảng cũng qua nhà M ăn cơm cùng gia đình anh, mẹ con rất không hài lòng, nói rằng làm vậy người ta sẽ bảo mình dễ dãi và xem thường. Theo cô, con gái nên xử sự như thế nào về vấn đề này, qua ăn cơm cùng gia đình bạn trai như thế có sao không? Và nếu tiếp tục quen M thì con nên làm thế nào để vừa lòng mẹ, vừa giữ được anh?

Cô tiếp tục giữ kín email cho con nhé.

Cháu thân mến!

Thư lưu cho thấy một cô gái trẻ ở tỉnh học liên thông ở SG, từng được hai chàng cùng lớp theo đuổi, cô gái gắn bó với M và cô khuyên dừng lại với người này vì người kia đã lên đường du học 3 năm.

Về tính cách và việc làm của M. Là vì M học liên thông nên bằng cấp thế trong thời buổi này cũng không có gì ghê gớm. Vả lại chuyện nhảy việc bây giờ cũng thường, quan niệm chết sống với một chỗ, hoặc làm ở Nhà nước mới yên ổn nay đã xưa rồi. Càng nhảy việc càng giàu kinh nghiệm, đó là thế mạnh của SG, cũng là “căn bệnh” của những người trẻ ở đất này. Và, đàn ông Nam bộ có khác đàn ông miền ngoài ở chỗ không phải có 1 xài đến 2 mà họ luôn luôn làm và xài, thua keo này bày keo khác ngay. Ít ai khi chưa có vợ mà để dành được, bởi vậy vợ mới là tay hòm chìa khóa. Việc cậu ấy ở lại cơ quan để không bị trễ giờ mỗi sáng cũng là cách của người độc thân, khi có vợ thì sẽ khác, gì mà cháu đã thấy là cách ấy không ổn?

Cô cũng nghĩ như cháu, SG là đất của cơ hội. Cháu ở tỉnh và bằng liên thông, cháu mới là người lo khó có việc. Nhưng rồi SG nó vơ vào được hết, ai cũng kiếm sống được miễn mình phải chấp nhận mấy năm đầu sẽ cực kỳ khó khăn. Con cái và cơ hội chỉ hai nơi luôn ưu thế, là HN và SG. Không có chuyện một cậu chàng SG về tỉnh lẻ vì vợ, kiếm sống và nhờ vào nhà vợ. Vì mẹ cháu không ưng ý M nên mới có ý định đó thôi. Tùy vào tình yêu của mình mà cháu quyết định.

Nếu không làm dâu thì ngay từ đầu, hai đứa phải thuê nhà, khi nào có tiền, sẽ tính tiếp. Có gan làm việc ấy thì em trai sẽ ở được lâu dài với bố mẹ M, cháu sẽ mãi mãi không ở cùng để chịu cảnh làm dâu. Nhưng ngay từ đầu phải nhất trí với M như vậy. Tình yêu mà quá nhiều toan tính như không ở nhà chồng, anh ấy bao giờ mới mua được nhà thì tình yêu nó nhuốm màu thực dụng chứ còn gì nữa, nhất là trước đây cháu cứ T và M, loay hoay mãi.

Đã đến lúc tình yêu không cần khoảng cách để thử thách nữa. Dù chưa cưới năm tới thì cả hai cũng xác định đi. Khi cháu đã chắc mình và M sẽ đi hết con đường thì việc qua lại nhà M cũng phải chừng mực, phận con gái là vậy, ngừa trước vẫn hơn.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm