| Hotline: 0983.970.780

Mẹ van nài cháu cầm tiền để... đẻ

Thứ Ba 29/10/2019 , 10:46 (GMT+7)

Mẹ cháu cứ giục mua nhà và đẻ con. Giục hoài khiến cháu phát chán luôn, hết muốn về bên nhà thăm chơi luôn. Ba không nói gì nhưng mẹ cứ bứt rứt, mẹ có tiền mẹ có tiền...

Cô kính mến!

Cháu đây cô, con bé đã từng thư xin cô về chuyện tình cảm. Nay cháu đã du học ở nước ngoài, đã cưới và đã dần ổn định rồi cô. Cháu viết thư này để nói lên nỗi lòng của một người ray rứt với văn hóa người Việt của mình. Hy vọng sẽ nhiều bậc làm cha làm mẹ đọc được.

Nhà cháu không giàu nhưng nếu nói không có tiền cũng không đúng. Cháu đi du học tự túc chứ không diện học bổng, cháu học bình thường. Năm đầu tiên ba mẹ phải chu cấp, ăn ở và học, khá tốn kém, rất tốn kém. Sáu tháng sau khi sang cháu đã đi làm thêm, ở một cửa hàng hoa quả, để trải nghiệm và để luyện tiếng.

Năm thứ hai, cháu đã có thể tự túc tiền ăn và đi lại, nhờ làm thêm. Đến năm thứ ba thì cháu lo được tiền ở, ba mẹ chỉ mất tiền học thôi. Nghề cháu chọn chỉ học 3 năm. Rồi cháu có việc làm. Coi như nghĩa vụ trách nhiệm của ba mẹ với cháu kết thúc, cháu muốn như vậy, vì dưới cháu là em trai còn đang học phổ thông ở trong nước.

Rồi cháu yêu, anh ấy người bản địa, còn một năm nữa mới xong đại học ngành của anh ấy. Chúng cháu đã đi thuê nhà sống và dưới áp lực của nhà cháu, nhà bên anh, chúng cháu đã cưới ở bên này.

Cưới rất gọn, chỉ 100 người, có bà con bên cháu đang định cư ở đây chứ ba cháu làm công việc không xuất ngoại được mà vì vậy, mẹ cháu cũng không muốn sang. Thôi thì khi nào về nước, các cháu sẽ lạy gia tiên và ra mắt mọi người.

Vấn đề là mẹ cháu cứ giục mua nhà và đẻ con. Giục hoài khiến cháu phát chán luôn, hết muốn về bên nhà thăm chơi luôn. Ba không nói gì nhưng mẹ cứ bứt rứt, mẹ có tiền mẹ có tiền, sao các con phải ở nhà thuê nhà mướn, tiền bạc để bên này để làm gì?

Cháu nói văn hóa bên này đời ai nấy lo, ba mẹ nhà giàu mới bao con mà bao thì chúng nó kém. Người tử tế người có danh dự bên này luôn tự lập, con trai không nhận tiền của bố mẹ để mua nhà đâu. Vả lại, chúng con chưa muốn đẻ, thậm chí không muốn đẻ nữa, đừng có ý kiến áp sát, áp đặt, thậm chí van nài cầm tiền đi con, tiền để làm gì, con nghe con phát hoảng luôn ấy.

Đúng là người Việt mình bao bọc mà tưởng ghê lắm. Tiền đâu có ế, ba mẹ khiến tiền đẻ ra tiền đi, cho mình, đi chơi tẹt ga đi, để dành dưỡng già, đổi chỗ ở cho sướng đi. Cứ không nghe cháu giải thích mà lại muốn chỉ đạo và nhận tiền, có khổ cho cháu không chứ.

----------------------

Cháu thân mến!

Người Việt mình kiên cố triết lý sống: con là của. Không phải tài sản là cơ ngơi, tiền và đất mà là con cái. Con để nối dõi, con để tự hào, con để nương tựa. Đó, đó, cái triết lý rất phương Đông ấy hàng ngàn năm, bây giờ kêu người ta thay đổi chắc người ta ném đá mình chết.

Những người không có của thì đau khổ, ấm ức suốt cả một đời không có gì để dành lại cho con. Hoặc có một ít thì nhịn ăn nhịn xài nhịn sống để dành cho con, con trai cưới vợ phải có nhà, còn con gái sao, con gái cũng phải có chút ít kẻo nó hờn, nó lận đận, nó tủi. Cả một đời chỉ nghĩ để dành lại, quần quật, ki cóp trong bối cảnh đất nước loạn lạc và gượng dậy, rồi lại loạn lạc và gượng dậy.

Bây giờ, sau mấy chục năm kinh tế mở cửa, những người giỏi giang đã trồi lên, có ăn có để. Thế là lo cho con cái, gọi là “tị nạn giáo dục”, một núi tiền cho nó. Lại không dám du lịch, sống sung sướng, không dám gì cả. Cứ thế, đứa đầu và đứa sau, hút cạn tiền bạc và sinh lực cha mẹ mà cha mẹ vẫn vui, vẫn thấy tự hào. Vì nghĩ đời mình vứt đi rồi, hy sinh đời bố củng cố đời con.

Cháu có chồng ở nước mà cháu du học và ở lại. Cháu không nói nước nào nhưng cô nghĩ, người văn minh, xứ văn minh họ có văn hóa khác. Văn hóa ấy cũng mấy trăm năm rồi, các thế hệ tự lo và đó là vẻ đẹp, làm nên nền tảng sức mạnh của họ.

Vì sao cô nói nền tảng? Là vì con người không ỷ lại thì sẽ có con người mạnh mẽ, là vì tiền của các thế hệ trước sẽ đưa vào làm ăn sinh lợi, là vì cứ thế, lớp này và lớp khác, kiêu hãnh, kiến tạo, làm nên những bậc thang tuyệt vời cho đất nước họ.

Cháu hãy sống như mình định. Còn người chồng bản địa của cháu nữa, cậu ấy không thích lấy tiền của bố mẹ vợ đâu. Hãy nói cho mẹ và ba cháu hiểu điều đó và chấm dứt câu chuyện van nài đi.

Và cháu sẽ đẻ con khi cháu muốn, hoặc không đẻ cũng không chết ai, cũng cần phải nói rốt ráo với mẹ. Nhưng không vì thế mà không về nước chơi, để mẹ héo hon vì nhớ nhung.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm