| Hotline: 0983.970.780

Mệt mỏi vì con trai

Thứ Tư 19/02/2014 , 11:36 (GMT+7)

Từ khi con trai của cháu vào lớp 6, cháu thấy con có nhiều biểu hiện rất bất thường. Từ chỗ rất chăm con, chồng cháu bắt đầu chán ngán, cục cằn, rất tiêu cực với nó.

Cô kính mến!

Vợ chồng cháu cưới nhau đã 14 năm, có nhà cửa ổn định và có công việc viên chức có thể hài lòng được. Chúng cháu cũng đã có 2 con, con trai đầu đã 12 tuổi và con gái nhỏ 5 tuổi.

Từ khi con trai của cháu vào lớp 6, cháu thấy con có nhiều biểu hiện rất bất thường. Cháu cũng xin nói rõ là nó dậy thì từ năm lớp 5, bể tiếng, cao lên nhanh và tắm rất lâu sau cánh cửa chốt chặt.

Cháu cũng biết trẻ con bây giờ dậy thì sớm, có những đứa con gái của bạn bè cháu lớp 4 mà đã dậy thì. Việc đó cũng gây trở ngại, đúng không cô? Vì xác thì lớn mà tính tình và nhận thức của chúng còn quá trẻ con.

Chúng cháu canh giữ con trai rất nghiêm ngặt. Sáng chồng cháu đưa nó đi học, trưa đón nó về rồi đưa đi học thêm, có khi buổi tối cũng phải đưa đi học những môn nó yếu như Anh văn, Tiếng Việt…Không lúc nào anh ấy lơ là, nếu anh đi công tác thì cháu và các em của cháu cáng đáng việc đó.

Vậy mà cô ơi, không biết từ đâu nó bắt đầu yêu sách và quậy quạng chúng cháu. Nó đòi mua laptop, mua iPhone 5, mua điện thoại. Nếu cháu không đáp ứng thì nó đập đầu vào tường, rồi mấy lần chửi cha mắng mẹ vì không đáp ứng yêu cầu của nó.

Cháu không biết nó bất mãn việc gì, đua đòi do đâu, ở chỗ lớp học chính hay ở chỗ học thêm. Làm sao một đứa trẻ mới lớp 6 mà cần những thứ tiện nghi tốn kém và độc hại đó?

Từ chỗ rất chăm con, chồng cháu bắt đầu chán ngán, cục cằn, rất tiêu cực với nó. Vậy là cháu lãnh đủ, cha quát mắng tát tai nó thì nó nhảy dựng lên la hét làm cho hàng xóm nghe thấy. Nó quay ra tấn công cháu, phang ngang, bất hợp tác, có lúc còn hung hăng với cháu.

Cháu không biết đó là diễn biến bất thường của tuổi dậy thì, hay là chúng cháu có điều gì khinh suất? Cháu cũng nghĩ hay là thời buổi bây giờ nhà nào cũng bị thách thức như vậy trong việc quản lý và giáo dục con cái?

Cháu không thấy ở con mình tương lai tươi sáng. Cháu cũng mỏi mệt vì ngoài áp lực công việc, không khí gia đình đi xuống, tỷ lệ nghịch với cảnh đứa con lớn lên mỗi ngày.

Mong cô cho cháu những lời khuyên sáng suốt.

Cô giấu email cho cháu nhá.

Cháu thân mến!

Có quá ít thông tin từ lá thư của cháu. Cô muốn biết cuộc sống yêu thương hay âm ỉ mâu thuẫn của vợ chồng cháu. Cô cũng muốn biết tâm tính của chồng cháu bởi vì nó ảnh hưởng đến con trai bởi gen, bởi văn hóa, hành vi của người cha. Cô cũng muốn biết sự học của nó, trước kia có suôn sẻ không và từ khi lên cấp II nó học có tốt hơn hay tụt xuống.

Một đứa trẻ trai bây giờ có rất nhiều bối cảnh để nó trở nên khó dạy.

Thứ nhất, tình trạng dậy thì sớm và đúng như cháu nói, xác to nhưng óc nhỏ, trí óc phát triển chưa cân với cơ thể lớn vụt lên.

Thứ hai, học sinh là nạn nhân trực tiếp của nền giáo dục giáo điều, chạy theo thành tích trong tình trạng thầy cô không còn giữ được nhân cách (cũng do xã hội đảo điên, giá trị con người không bằng giá trị đồng tiền).

Thứ ba, cha mẹ chúng thường quá bận với mưu sinh, không bon chen thì cũng cắm mặt kiếm sống mà như đã nói, nền giáo dục của nhà trường không đáng tin cậy chút nào.

Thứ tư, các phương tiện điện tử làm cho cuộc sống tinh thần của chúng bị đầu độc, chúng choáng ngợp, ham thích và đua đòi.

Có lẽ đơn cử bao nhiêu cũng không đủ.

Chiều trước, cô đi bộ xuống đường mua thuốc. Cô gặp một toán học sinh cấp II tan trường và đi ra bằng xe đạp. Chúng kẹp hai kẹp ba lạng lách và chửi thề, kinh khiếp. Hỏi cháu mình, nó nói số đông bạn bè nó hay chửi thể như vậy mà giám thị, giáo viên không ý kiến gì!

Dạy bảo một đứa trẻ, nhất là trẻ trai bây giờ quá kỳ công, quá khó nhọc. Nghèo quá cũng ít khả năng con đi đến nơi đến chốn, trung lưu thì thảnh thơi hơn nhưng mọi sự cũng phải phó thác cho học đường, hè phố và môi trường, còn giàu sụ thì hoặc là con được vào những trường cực tốn kém hoặc là con sẽ hư nặng.

Cháu cần xem xét lại bên trong ngôi nhà của mình và bên trong bộ gen của đứa con. Không khí gia đình cháu thế nào, đời sống văn hóa nhà mình ra sao, con nó dễ bị kích động là do có gen hung hãn từ phía nhà cha hay nhà mẹ?

Cô cũng lấy làm lạ sao đứa bé mới 12 tuổi mà hành hạ mình và hành hạ cha mẹ một cách dữ dằn với những yêu cầu “khủng” như vậy. Rất nên đi từ vi mô trong cuộc sống gia đình cháu, rồi hãy cẩn trọng với vĩ mô.

 Phải làm rất nhiều cho nó, phải để tâm rất nhiều trong giai đoạn cấp II này. Như tạo cho con thói quen đọc sách, nghe nhạc. Tạo cho nó kỹ năng sống tự lập trong ăn ngủ, sắp soạn giường tủ, bàn học, ba lô…

Có gia đình còn tạo cho nó làm giúp cha mẹ việc nhà như lau nhà, rửa chén, giữ em, chơi với em…Nói chung là luôn có thời gian để mọi thành viên bận rộn bên nhau để gắn bó, hài hòa, thương yêu nhau. Đã đến lúc mẹ tâm sự với con việc dậy thì và chú ý đến sở thích ẩm thực cùng những yêu cầu không quá đáng của nó.

Tóm lại, việc công sở hãy để lại công sở, sau khi ra về thì hai vợ chồng chỉ việc lo toan vun vén cho gia đình nhỏ của mình, hãy tạo ra ở đó một ốc đảo xanh tươi, ấm cúng. Đừng quá chán nản, bạo hành với con càng không nên.

Người cha sẽ xa con trai hơn khi nó lớn nhưng người mẹ phải làm mọi cách để kéo con mình vào vòng tay của mình.

Hy vọng cô không bày chỉ những điều quá khó thực hiện.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất