| Hotline: 0983.970.780

Mì đổ ngã sau bão vẫn đắt hàng

Thứ Sáu 15/11/2019 , 08:49 (GMT+7)

Qua 2 cơn bão, nhiều diện tích mì (sắn) ở Bình Định bị đổ ngã, hiện nông dân đang hối hả thu hoạch để tránh thiệt hại. Tại thời điểm này thì giá mì đứng ở mức cao, các nhà máy trên địa bàn thu mua mạnh nên nông dân rất phấn khởi.

Mì lãi hơn keo

Trong những ngày này, trên tất cả các vùng nông thôn của huyện Vân Canh rầm rộ thu hoạch củ mì, trong đó có không ít diện tích bị 2 cơn bão số 5 và số 6 gây đổ ngã.

15-44-54_1
Nông dân hối hả thu hoạch mì sau 2 cơn bão số 5 và số 6.

Nhiều nông dân ở làng Hòn Mẻ, xã Canh Thuận (huyện Vân Canh), cho biết: Từ đầu tháng 11 đến nay, liên tiếp 2 cơn bão xảy ra làm mì bật gốc nhiều quá nên bà con lo thu hoạch sớm. Mì bán cho nhà máy mì giá 2,25 triệu đồng/tấn mì tươi. Suốt 2 năm nay giá mì ổn định ở mức cao, người trồng mì lãi khá, nên những diện tích mì vừa thu hoạch xong là bà con chuẩn bị làm đất để xuống giống vụ mới.

Nông dân Đoàn Văn Bảy ở làng Hòn Mẻ phấn khởi cho biết: “Năm nay gia đình tôi trồng được 1ha mì, vừa thu hoạch 35 tấn, với giá 2,25 triệu đồng/tấn mì tươi, sau khi trừ chi phí lãi ròng 35 triệu đồng”.

Anh Hùng, người làng Canh Lãnh, xã Canh Hòa, chia sẻ: “Sau 2 cơn bão, nhiều diện tích mì trốc gốc, ngã đổ, nhưng nhờ giá mì nguyên liệu đang ở mức cao nên nông dân không thất thu, ai nấy đều phấn khởi. Gia đình tôi cũng vừa thu hoạch 2ha mì được gần 70 tấn củ, cầm chắc lãi ròng 30 triệu đồng/ha”.

Với giá mì ổn định ở mức cao như 2 năm qua, người trồng mì ở Vân Canh cho rằng hiện trồng mì cho hiệu quả cao hơn trồng rừng. Nông dân tính toán: Trồng keo 5 - 6 năm, cho lãi bình quân 60 - 70 triệu đồng/ha; trong khi đó, trồng 1ha mì chỉ cần 1 năm là thu hoạch, năng suất khoảng 30 - 35 tấn/ha, với giá hiện nay 2,25 triệu đồng/tấn (mì 30 độ bột) thì người trồng mì có lãi ròng 30 triệu đồng/ha.

Công ty Nguyên Liêm đã xây dựng trên địa bàn huyện Vân Canh vùng nguyên liệu mì với diện tích hơn 300ha.

Theo ông Nguyễn Bá Đẩu, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Canh, vùng đất Vân Canh có nhiều lợi thế để phát triển vùng nguyên liệu mì theo hướng bền vững. Bởi, đất đai, khí hậu phù hợp với cây mì. Mì cũng là cây trồng truyền thống của nông dân, nên họ đã quen váp dụng quy trình đầu tư thâm canh vào sản xuất.

Hơn nữa, trên địa bàn huyện có nhà máy chế biến tinh bột mì của Cty TNHH MTV Nguyên Liêm xây dựng tại xã Canh Thuận, nên thuận lợi về đầu ra. Vì thế, huyện Vân Canh chọn mì làm cây trồng chính. “Toàn huyện hiện có 1.800ha mì, năng suất khoảng 24 tấn/ha. Huyện xác định mì là 1 trong những cây trồng chủ lực, phấn đấu nâng diện tích năm 2020 lên 2.000ha”, ông Đẩu nói.
 

Không lo đầu ra

Sau 2 cơn bão liên tiếp, nông dân huyện Vân Canh hối hả thu hoạch, mì nguyên liệu ào ạt chạy vào nhà máy chế biến tinh bột mì, việc tiêu thụ diễn ra rất thông suốt.

Ông Mai Đình Chương, Phó Giám đốc phụ trách vùng nguyên liệu của Công ty Nguyên Liêm, cho hay nhằm giải quyết hết lượng mì nguyên liệu trên địa bàn Bình Định sau bão, mỗi ngày nhà máy thu mua khoảng 600 tấn củ mì nguyên liệu. Trong đó, riêng của nông dân huyện Vân Canh, nhà máy thu mua mỗi ngày khoảng hơn 100 tấn.

15-44-54_2
Hiện mỗi ngày Công ty Nguyên Liêm thu mua khoảng 600 tấn mì nguyên liệu.

“Để giảm bớt thiệt hại cho nông dân, nhà máy ưu tiên mua mì của bà con ở vùng bị bão lũ gây thiệt hại; đồng thời cam kết không để mì của địa phương nào bị ứ đọng, phương thức thanh toán là trả tiền mặt sau khi đưa mì nhập vào bãi nguyên liệu của nhà máy”, ông Chương nói.

Cũng theo ông Chương, hiện mì nguyên liệu được nhà máy mua với giá 2,25 triệu đồng/tấn đối với mì có hàm lượng tinh bột 30%; 1,875 triệu đồng/tấn đối với mì có hàm lượng tinh bột 25%; 1,5 triệu đồng/tấn đối với mì có hàm lượng tinh bột 20%. Nông dân thu hoạch đến đâu nhà máy thu mua đến đó, không qua trung gian.

Hiện tại huyện Vân Canh, Công ty Nguyên Liêm đã xây dựng vùng nguyên liệu với diện tích hơn 300ha, tập trung tại các xã Canh Thuận, Canh Hòa, Canh Hiệp, Canh Hiển, Canh Liên. Năm nay, nhờ nông dân tập trung đầu tư chăm sóc, đưa các giống mì mới vào sản xuất nên năng suất đạt khá, bình quân 30 tấn/ha.

“Bên cạnh việc thu mua mì nguyên liệu, công ty còn hỗ trợ cho nông dân những giống mì mới, phân bón, tăng cường tập huấn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng thâm canh, rải vụ, nhằm nâng cao năng suất. Bên cạnh đó, công ty cũng cam kết đưa ra giá thu mua nguyên liệu hợp lý, đảm bảo cho người trồng mì có lãi ở mức từ 30% trở lên”, ông Mai Đình Chương, Phó Giám đốc phụ trách nguyên liệu của Cty TNHH MTV Nguyên Liêm.

Xem thêm
Ngành điều hoàn thành kế hoạch xuất khẩu năm 2024 chỉ trong 10 tháng

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành điều Việt Nam kỳ vọng sẽ tiếp tục tạo nên kỷ lục mới trong tháng cuối năm 2024.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Dừa hữu cơ Cocohihi - Tinh hoa xứ dừa Bến Tre vươn xa thế giới

Bến Tre không chỉ là xứ sở của dừa mà còn là nơi khởi nguồn của những sản phẩm hữu cơ, như dừa tươi Cocohihi, góp phần đưa nông sản Việt vươn ra thế giới.