| Hotline: 0983.970.780

Mía đường cần bộ giống nội địa

Thứ Năm 30/10/2014 , 10:14 (GMT+7)

Đến nay, ngành mía đường đã hoàn thành nhiều chỉ tiêu mà nhà nước đề ra. Tuy nhiên có 2 chỉ tiêu vẫn chưa thể đạt được, đó là năng suất mía và chữ đường. 

Ngày 29/10, tại TP.HCM, Viện KHNN Việt Nam đã phối hợp với Hiệp hội Mía đường Việt Nam, Viện KHKTNN Miền Nam và Viện Nghiên cứu Mía đường, tổ chức hội thảo “Định hướng nghiên cứu phát triển mía đường bền vững ở Việt Nam”.

Theo TS Nguyễn Như Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ NN-PTNT), đến nay, ngành mía đường đã hoàn thành nhiều chỉ tiêu mà nhà nước đề ra. Tuy nhiên có 2 chỉ tiêu vẫn chưa thể đạt được, đó là năng suất mía và chữ đường.

PGS.TS Trịnh Khắc Quang, Quyền GĐ Viện KHNN Việt Nam, cho biết, Việt Nam hiện đứng trong nhóm 10 nước có diện tích trồng mía lớn nhất thế giới. Nhưng trong tốp 10 này, năng suất mía của Việt Nam (64,7 tấn/ha) chỉ cao hơn năng suất của Pakistan và Indonesia. Năng suất mía nước ta đang thấp hơn nhiều so với nhiều nước khác như Mỹ (75,41 tấn/ha), Brazil (74,3 tấn/ha), Thái Lan (74,23 tấn/ha)…

Do năng suất mía và chữ đường thấp nên năng suất đường của Việt Nam cũng thấp hơn khá nhiều so với các nước trong khu vực. Trong niên vụ 2013/2014, năng suất đường của Việt Nam là 5,47 tấn/ha; của Philippines là 5,77 tấn/ha; Trung Quốc 7,62 tấn/ha; Thái Lan 8,07 tấn/ha; Úc 11,8 tấn/ha…

Bởi vậy, không còn ai thấy lạ khi giá thành đường của Việt Nam luôn đứng vào hàng cao nhất thế giới. Theo TS Nguyễn Đức Quang, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường, trong niên vụ 2013/2014, giá thành đường Việt Nam là 11.000-13.000 đ/kg trong khi giá thành thế giới 9.800-10.200 đ/kg…

Chính vì thế, tăng năng suất mía và chữ đường đang là yêu cầu bức thiết đối với ngành mía đường hiện nay. Trong đó, tăng chữ đường là quan trọng nhất. Bởi nếu như mô hình CLB 200 (gồm những nông dân đạt năng suất mía từ 200 tấn/ha trở lên) của Cty CP Đường Cần Thơ, trước đây vốn được hoan nghênh, thì nay lại được cho rằng như vậy chưa hẳn đã là tốt.

Bởi nếu như năng suất quá cao mà chữ đường vẫn thấp, thì sẽ làm tăng thêm nhiều chi phí cho thu hoạch, vận chuyển mía về nhà máy… Thay vào đó, nếu năng suất chỉ chừng trên dưới 100 tấn/ha, mà chữ đường đạt tới 14 CCS, hiệu quả sản xuất sẽ cao hơn nhiều.

Ông Đỗ Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Mía đường, cho hay, năng suất sinh khối của cây mía thường đi ngược với năng suất đường. Vì thế, yêu cầu về giống mía cho ngành mía đường Việt Nam là năng suất bình quân vào khoảng 80-85 tấn/ha, nhưng chữ đường phải đạt 12-14 CCS. Cũng theo ông Liêm, một ruộng mía trồng giống mới thường thu hoạch 5-6 vụ mới thay cây giống.

Do đó, giống mía được chọn cần phải có khả năng tái sinh gốc tốt để nông dân không tốn chi phí trồng mới ở những vụ sau.

Bên cạnh đó, cần có những giống mía tốt khi đứng chân trên vùng đất bằng vốn dễ ngập nước và nhiều phèn (cây mía Việt Nam cũng đang nằm trong xu hướng chung của cây mía trên thế giới là di chuyển từ vùng đất cao xuống vùng đất thấp) và cây mía có khả năng chống chịu biên độ biến đổi thời tiết quá lớn…

Để có được những giống mía tốt, thực sự thích hợp với điều kiện trồng mía tại các vùng sinh thái của Việt Nam, yêu cầu hàng đầu là phải có bộ giống mía nội địa. Đáng tiếc là hiện nay, các giống mía do nước ta lai tạo chỉ đang chiếm 1,8-2% diện tích trồng mía.

Tuyệt đại đa số diện tích mía đang sử dụng các giống có nguồn gốc từ nước ngoài. Còn theo TS Cao Anh Đương (Viện Nghiên cứu Mía đường), nông dân vẫn đang lấy mía thịt, mía không rõ nguồn gốc làm giống. Riêng ở Đông Nam bộ, tỷ lệ này là trên 90%.

Nguyên nhân chính của thực trạng nói trên là đầu tư cho nghiên cứu giống mía còn quá thấp. Ông Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch Ủy ban Mía đường của Thành Thành Công Group, nêu ra một dẫn chứng cụ thể: phương tiện phục vụ cho lai tạo giống mía ở Viện Nghiên cứu Mía đường còn quá nghèo nàn so với các nước khác.

Nếu muốn có bộ giống mía nội địa phù hợp cho sản xuất mía ở Việt Nam sau 10 năm nữa, nhà nước cần sớm đầu tư các phương tiện nghiên cứu, lai tạo tương đối hiện đại. Ở Thái Lan, nhà nước đầu tư toàn bộ cho việc nghiên cứu giống mía.

Từ góc độ quản lý nhà nước, TS Nguyễn Như Cường thừa nhận rằng ngành mía đường chưa được quan tâm, đầu tư nghiên cứu đúng mức. Các kết quả nghiên cứu chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất. Công tác chuyển giao tiến bộ KH-KT mía đường còn hạn chế. Các nghiên cứu về chế độ dinh dưỡng, nước tưới… cho cây mía còn chưa có hoặc chưa đầy đủ. Ngoài ra, nếu không cơ giới hóa được thì cũng sẽ không gia tăng được hiệu quả cho sản xuất mía đường …

Từ những hạn chế nói trên, PGS.TS Trịnh Khắc Quang cho rằng cần phải tăng cường lai tạo giống mía trong nước theo hướng ưu tiên năng suất đường chứ không phải năng suất mía. Đẩy mạnh áp dụng công nghệ sinh học để có những giống mía chống chịu tốt hạn, phèn…

Phải hình thành hệ thống nhân giống qua sự liên kết chặt chẽ giữa các viện với các nhà máy. Bên cạnh đó, phải có các gói kỹ thuật canh tác cho từng vùng sinh thái, nghiên cứu quy trình tưới tiết kiệm cho cây mía, đẩy mạnh cơ giới hóa và đầu tư cơ sở hạ tầng cho những vùng sản xuất mía…

Tạo điều kiện để DN đầu tư nghiên cứu khoa học

Tại buổi Hội thảo, PGS.ST Trịnh Khắc Quang đã kêu gọi các công ty mạnh dạn đặt hàng các viện, cơ quan nghiên cứu khoa học về giống, quy trình canh tác, quy trình tưới tiêu, thu hoạch… 

Đáp lại, ông Đỗ Thanh Liêm cho rằng cần phải có những chính sách tốt để khuyến khích các công ty đầu tư vào nghiên cứu khoa học cho cây mía. 

Bởi nếu các công ty đặt hàng cho các Viện, cơ quan khoa học, chắc chắn sẽ thiết thực hơn là Bộ NN-PTNT đặt hàng. 

Do đó, cần có chính sách cho phép các công ty mía đường được tính chi phí đầu tư nghiên cứu khoa học, phát triển vùng nguyên liệu vào giá thành.

 

Xem thêm
Chuẩn hóa quy trình nuôi chồn hương

Dù chồn hương là vật nuôi có giá trị kinh tế cao, nhưng thành phố Hà Tĩnh không vội vàng mở rộng mà tập trung chuẩn hóa quy trình nuôi.

Cục Thú y ban hành hướng dẫn phòng, chống bệnh cúm gia cầm

Cục Thú y khuyến cáo, khi phát hiện gia cầm chết hàng loạt không được giấu dịch, cần thông báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan thú y.

'Cải lão hoàn đồng' cho cây bưởi ra quả ngon, sai lúc lỉu

HƯNG YÊN Bằng kỹ thuật cắt tỉa và ghép đoạn cành, ông Tuấn đã 'cải lão hoàn đồng' thành công hàng trăm cây bưởi già cỗi thành những cây quả sai lúc lỉu, chất lượng thơm ngon.

Bình luận mới nhất