| Hotline: 0983.970.780

Mía đường trước thách thức chưa từng có

Thứ Ba 14/10/2014 , 13:24 (GMT+7)

Các nhà máy đường ở khu vực ĐBSCL đang đứng trước thách thức chưa từng có. Mới vào vụ, đường SX ra đã khó bán. Mía rớt giá, nông dân nản lòng, còn trên thị trường đường nội, đường ngoại cạnh tranh chẳng khác gì cuộc chiến.

Không còn đường lùi

Hơn 15 năm qua, từ khi 10 NM đường ở ĐBSCL hình thành đi vào hoạt động đến nay, hầu như năm nào vào đầu vụ thu hoạch mía ở Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, cũng xảy ra tình trạng tranh nhau mua mía nguyên liệu.

Còn năm nay thật lạ, hoàn toàn không có chuyện tranh mua mía. Cớ sự chính là đường giá thấp, khó bán, tồn kho…, NM vào vụ ép mía sớm chỉ mang thêm gánh nặng lỗ lã.

Hằng năm đến giữa tháng 9, mùa nước lên, vùng trồng mía ở huyện Phụng Hiệp vào vụ thu hoạch mía sớm nhất trong vùng để chạy lũ. Lúc đó các NM đường đồng loạt hoạt động trở lại, ghe chở mía xuôi ngược dập dìu trên dòng kênh Ngã Bảy.

Năm nay nước lớn trễ, dù ruộng mía chưa bị ngập nhưng đã đến kỳ phải thu hoạch. Tuy nhiên, trong tháng 9/2014 vừa qua chỉ có 2 NM đường Phụng Hiệp và Vị Thanh (Hậu Giang) của Cty CP Mía đường Cần Thơ (CASUCO) “nổ máy” vào vụ sớm.

Tiếp theo đến đầu tháng 10/2014, các NM đường Bến Tre, Trà Vinh, Tây Nam (Cà Mau) hoạt động trở lại và từ giữa tháng 10 trở lên tất cả NM đường còn lại trong vùng mới đồng loạt vào vụ.

Theo khảo sát của các Cty mía đường, vùng mía nguyên liệu ở ĐBSCL đã có sự chuyển biến mạnh trong việc nâng cao chất lượng. Đa số nông dân thay đổi giống mía mới nên năng suất và chữ đường đều đạt cao hơn mấy năm trước.

Song điều làm cho giám đốc các NM đường thở dài lo lắng chính là tình hình SX mía đường hiện tại không hiệu quả, mới vào vụ đã thấy từ hòa đến lỗ.

Rõ ràng trong “cuộc chiến” cạnh tranh về giá giữa đường nội và đường ngoại đang có sự chênh nhau. Đường nội đang bị dồn ép không còn đường lùi.

Ông Phạm Quang Vinh, Phó Tổng Giám đốc CASUCO kiêm Giám đốc NM đường Phụng Hiệp (Hậu Giang) cho biết: Mấy năm trước thường khi NM sắp vào vụ thu mua mía là đường trong kho sắp cạn. Năm nay khi NM vào vụ, lượng đường cũ vẫn còn tồn kho 5.000 tấn. Từ giữa tháng 9 đến 2/10, sau hơn 2 tuần hai NM SX ra thêm 6.000 tấn. Trong khi phải cạnh tranh với đường nhập lậu qua biên giới, NM hạ giá bán sỉ nhưng chỉ bán ra được 2.000 tấn.

Cạnh tranh bằng cách nào?

Ông Vinh dự đoán sắp tới giá đường khó tăng, do “cung vượt cầu”. Tình hình sản xuất đường cả nước trong niên vụ 2013-2014 vừa qua đạt trên 1,7 triệu tấn, nhưng tiêu thụ khoảng 1,5 triệu tấn.

Đó là chưa tính tới lượng đường nhập lậu qua biên giới từ Campuchia và Lào. Trong khi đó hiện thời giá đường thế giới chỉ ở mức 420 USD/tấn. Đường dồi dào nên giá rẻ. Hơn nữa, theo lộ trình hội nhập AFTA đến năm 2015 thuế suất ngành đường trong khối ASEAN sẽ không còn, đường bán vào nước ta không thể xem là đường nhập lậu.

Tình thế này, CASUCO cũng như các NM đường trong nước đều biết rằng ngành mía đường Việt Nam khó có thể cạnh tranh trên thị trường thế giới cũng như khu vực vì giá thành SX cao. Do vậy không còn cách nào khác là tìm giải pháp hạ giá thành.

Trước tiên làm thế nào hạ giá thành SX mía. Hiện nay giá thành SX mía trên thế giới thấp. Đơn cử như các NM đường ở Thái Lan thu mua (tính theo VNĐ) khoảng 600 đồng/kg SX vẫn có lãi. Trong khi ở nước ta các NM mua mía 880 đồng/kg, cao hơn Thái Lan 280 đồng/kg, tính ra giá thành đường khoảng 12.200 đồng/kg.

Trong nhiều năm qua tỉnh Hậu Giang có mô hình CLB 200, với 120 nông dân là thành viên SX mía giỏi đạt năng suất trên 200 tấn/ha. Đây được xem là mô hình SX mía đạt hiệu quả cao, những năm mía có giá cao lợi nhuận đạt trên 100 triệu đồng/ha.

Còn đường Thái vận chuyển bán qua biên giới Tây Nam giá cũng chỉ 11.600 đồng/kg, suy ra giá gốc tại NM của họ còn rẻ nữa.

Hiện nay các NM đường nước ta mua nguyên liệu mía cao hơn các nước trong khu vực khoảng 30%. Như vậy bài toán làm thế nào hạ giá thành để nông dân trồng mía giữ ổn định vùng nguyên liệu?

Ông Vinh cho rằng: Chỉ còn cách chuyển đổi nâng cao chất lượng giống mía và từng bước cơ giới hóa các khâu SX mía. Trong đó năng suất mía là lợi thế ở ĐBSCL. Nếu như các tỉnh miền Trung, miền Bắc năng suất mía khoảng 50-60 tấn/ha, thì tại ĐBSCL đạt 90 tấn/ha và ở huyện Phụng Hiệp đã đạt trên 100 tấn/ha.

Bên cạnh đó, các NM đường đang tính toán chiến lược đầu tư nồi hơi tuốc-bin thế hệ mới để SX bán điện. NM mua mía chế biến sẽ không đặt nặng lợi nhuận trên sản phẩm đường mà chủ đích kiếm lãi từ điện. Muốn chuyển theo hướng này đòi hỏi NM phải nâng công suất ép mía trên 5.000 tấn mía/ngày để có thể đủ nguyên liệu SX điện sinh khối.

Theo ông Vinh, vừa qua Chính phủ có Quyết định số 24/2014/QĐ-TTg (ngày 24/3/2014) về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện sinh khối tại Việt Nam.

Với giá bán điện 1.220 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, tương đương 5,8 UScents/kWh) và giá bán điện được điều chỉnh theo biến động của tỷ giá đồng/USD, các NM đường hy vọng đây là cuộc trải nghiệm mới, có thể chấp nhận khai tử hoặc sắp xếp lại một số NM năng lực kém để có thể đương đầu trong cuộc cạnh tranh.

Xem thêm
Thái Lan dự kiến xuất khẩu 1 triệu tấn sầu riêng trong năm 2024

Thái Lan đặt mục tiêu xuất khẩu khoảng 1 triệu tấn sầu riêng, trị giá khoảng 130 tỷ baht, chủ yếu sang thị trường Trung Quốc.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Kem Thủy Tạ ra mắt 2 vị kem mới tại Lễ hội 2024

Ngày 20/4, Công ty CP Thực phẩm Thủy Tạ tổ chức 'Lễ hội Kem Thủy Tạ 2024' tại Nhà hàng Thủy Tạ Legend, số 1 Lê Thái Tổ, phường Hàng Trống, Hoàn Kiếm, Hà Nội.