| Hotline: 0983.970.780

Mía tím Hòa Bình

Thứ Hai 09/01/2012 , 10:11 (GMT+7)

Nhằm giúp tỉnh xây dựng thương hiệu, Trung tâm NC- PT hệ thống nông nghiệp đã thực hiện đề tài xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “mía tím Hòa Bình”.

Trung tâm Nghiên cứu - Phát triển hệ thống Nông nghiệp (Viện Khoa học Nông nghiệp VN) phối hợp UBND huyện Cao Phong (Hòa Bình) tổ chức hội nghị đánh giá chất lượng cảm quan và lựa chọn mẫu logo mía tím Hòa Bình.

Cao Phong là  một trong 7 huyện trồng mía tím trong tỉnh được chọn triển khai hội nghị, nhằm xây dựng thương hiệu mía tím Hòa Bình. Theo số liệu thống kê của Sở NN-PTNT Hòa Bình, năm 2011 toàn tỉnh có hơn 9.300 ha mía, trong đó có hơn 4.000 ha mía tím, riêng huyện Cao Phong chiếm hơn 50% diện tích. Giá trị kinh tế của mía đạt bình quân 140 triệu đồng/ha/năm.

Ông Vũ Đình Việt, Chủ tịch UBND huyện Cao Phong cho biết, Cao Phong là huyện miền núi nằm thoai thoải trên những vạt đồi, nhiều đất feralit đỏ vàng màu mỡ, rất thuận lợi phát triển cây ăn quả, cây công nghiệp và chăn nuôi. Hiện nay trọng tâm phát triển nông nghiệp là ưu tiên trồng loại cây có giá trị kinh tế cao như cam và mía.

Theo ông Việt, để cây mía Cao Phong ngày một phát triển hơn nữa cần phải làm tốt một số khâu như chọn giống, quy hoạch vùng. Nhất là việc đăng ký nhãn hiệu, lô gô để quảng bá sâu rộng hơn nữa cho cây mía.

Nhằm giúp tỉnh xây dựng thương hiệu, Trung tâm NC- PT hệ thống nông nghiệp đã thực hiện đề tài xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “mía tím Hòa Bình”. Đề tài đã chọn ra 7 mẫu mía tím đại diện cho 7 huyện của Hòa Bình gồm Cao Phong, Lạc Sơn, Tân Lạc, Yên Thủy, Kim Bôi, Đà Bắc, Lương Sơn để đánh giá chất lượng cảm quan của từng loại.

Tại hội nghị, các đại biểu tiến hành đo các chỉ tiêu cơ lý như màu sắc cây, chiều cao, mùi thơm, độ xốp, độ ngọt, mềm, dáng cây và vết đốm thịt cây. Về logo, nhãn mác các đại biểu đều có ý kiến phải làm sao cho phù hợp với điều kiện địa lý của tỉnh. Dãy núi trên hình logo phải là màu xanh, có một bụi mía trên đồi, nhất là chữ “mía tím” phải được in màu tím, chữ “Hòa Bình” in màu xanh để thể hiện màu xanh hòa bình.

Ông Bùi Văn Thắng, PGĐ Sở KH-CN Hòa Bình cho biết, hiện nay mía tím không chỉ được trồng ở Hòa Bình mà Thanh Hóa, Nghệ An cũng thâm canh… Việc chọn logo, nhãn mác riêng là điều mà bà con nông dân cũng như chính quyền địa phương mong muốn lâu nay.

Tuy nhiên, ông Thắng cho rằng sau khi đã có nhãn mác, logo thì người dân phải làm theo đúng các quy trình, chứ không phải mạnh ai nấy làm theo kiểu tự phát, tránh để sau này mất đi thương hiệu mà chính mình đã gây dựng. Còn đối với các cơ quan chức năng, sau khi đã được cấp nhãn mác thì phải quản lý chặt chẽ.

Ông Vũ Hữu Cường, Phó trưởng Bộ môn hệ thống SXNN (Trung tâm NC- PT hệ thống nông nghiệp) cho biết, logo và nhãn mác được nhóm tác giả thiết kế dựa trên tiêu chí dễ nhớ, đơn giản, gần gũi; đặc biệt dựa vào ý nghĩa văn hóa đặc thù của tỉnh.

Một số góp ý bổ sung của đại biểu cho mẫu logo và nhãn sản phẩm mía tím sẽ được nhóm tiếp thu, chỉnh sửa. Hội nghị là một trong những tiền đề quan trọng giúp đẩy nhanh tiến độ xây dựng thương hiệu mía tím Hòa Bình.

Xem thêm
Trại cầy vòi mốc lớn nhất miền Bắc thu hàng chục tỷ mỗi năm

Gần 20 năm gắn bó với cầy vòi mốc, anh Phạm Văn Hùng ở huyện Lục Nam, Bắc Giang đang thu được hàng chục tỷ đồng mỗi năm nhờ tâm huyết với loài vật này.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Hưng Yên làm sống lại các lớp học IPM

Thời gian qua, trong khi ở một số tỉnh việc quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) bị lơ là thì Hưng Yên đã tìm cách vực dậy.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất