| Hotline: 0983.970.780

Mía xứ Tuyên lao đao

Thứ Năm 05/03/2020 , 13:15 (GMT+7)

Liên tiếp những vụ mía thua lỗ khiến ngành mía đường tỉnh Tuyên Quang gặp khó khăn. Dự báo tỉnh này có thể đóng cửa 1 nhà máy bởi vùng nguyên liệu bị thu hẹp.

Hiệu quả kinh tế thấp khiến diện tích mía tại nhiều địa phương của tỉnh Tuyên Quang giảm mạnh. Ảnh: Đào Thanh.

Hiệu quả kinh tế thấp khiến diện tích mía tại nhiều địa phương của tỉnh Tuyên Quang giảm mạnh. Ảnh: Đào Thanh.

Tụt dốc

Những năm đỉnh cao của cây mía, diện tích vùng nguyên liệu lên tới hơn 11.000 ha. Khi ấy nhà nhà trồng mía, cây mía khiến nhiều vùng quê có cuộc sống khấm khá, giải quyết việc làm cho cả chục nghìn lao động.

Cũng bởi vậy, Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020 cũng xác định cây mía là 1 trong 5 cây trồng chủ lực của nhiệm kỳ.

Tuy nhiên, hiện nay năng suất thấp, giá thu mua nguyên liệu giảm, đường kính tiêu thụ lại khó khăn đã khiến nhiều hộ nông dân bỏ mía, chuyển sang các loại cây trồng khác, dẫn đến nguy cơ phá vỡ vùng nguyên liệu cho ngành mía đường.

Nhìn nhận từ thực tiễn, đặc biệt là vụ ép 2018-2019, ngành mía đường của tỉnh Tuyên Quang đã vấp phải nhiều khó khăn. Mía không được thu mua kịp thời, nợ tồn đọng trong dân lớn, người dân ồ ạt bỏ mía... Có thời điểm lượng đường tồn kho lớn, Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương thua trên dưới 70 tỷ đồng.

Cũng chính vì vậy, vụ ép năm 2019-2020, tỉnh này chỉ duy trì được hơn 4.500 ha mía, đạt 49% kế hoạch năm. Nhiều địa phương có vùng mía nguyên liệu lâu đời, có nhiều làng quê khấm khá từ cây mía cũng giảm mạnh. Như huyện Sơn Dương nay chỉ còn 2.100 ha; huyện Chiêm Hóa còn hơn 1.300 ha; huyện Yên Sơn trên 330 ha.

Theo báo cáo của UBND các huyện, thành phố tính đến nay toàn tỉnh Tuyên Quang đã thu hoạch được hơn 4.100 ha, đạt 91% kế hoạch.

So với vụ trước, vụ mía này thu hoạch đến đâu được công ty thanh toán tiền hết tiền mía nguyên liệu cho dân đến đấy. Tuy nhiên, do giá thu mua chỉ còn 800 đồng/kg, việc trồng mía cho lãi thấp nên nhiều hộ vẫn không mặn mà với cây mía.

Dù Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương kịp thời thanh toán tình mía cho người dân nhưng việc duy trì vùng nguyên liệu ở Tuyên Quang vẫn gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Đào Thanh.

Dù Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương kịp thời thanh toán tình mía cho người dân nhưng việc duy trì vùng nguyên liệu ở Tuyên Quang vẫn gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Đào Thanh.

Ông Cao Văn Thơm, thôn Thanh Sơn, xã Hợp Hòa cho biết, vụ trước gia đình anh trồng gần 1 ha mía. Nhưng do hiệu quả kinh tế không cao nên vụ này gia đình không trồng mía mà bỏ sang trồng rừng. Bởi cây rừng chỉ cần chăm sóc giai đoạn 1 năm tuổi, còn những năm sau gần như không phải chăm sóc. Vì vậy gia đình có thể đi làm thêm những việc khác. Sau 7 năm rừng cho thu hoạch sẽ có 1 khoản khá.

Hiệu quả kinh tế chênh lệch giữa cây mía với cây rừng, cây ăn quả… đã khiến diện tích mía nguyên liệu tại tỉnh Tuyên Quang “tụt dốc không phanh.”

Một nhà máy có thể đóng cửa

Hiện Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương có 2 nhà máy gồm: Nhà máy mía đường Sơn Dương và Nhà máy mía đường Bình Xa. Theo dự báo vụ ép 2020-2021, vùng nguyên liệu mía của tỉnh Tuyên Quang chỉ còn khoảng 3.700 ha. Nếu như vậy, rất có thể 1 nhà máy sẽ đóng phải đóng cửa vì thiếu nguyên liệu.

Ông Nguyễn Hồng Minh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương cho biết, so với vụ trước, vụ mía năm nay đã có tín hiệu khởi sắc. Bởi lượng đường tồn kho hiện chỉ còn khoảng 7.000 - 8.000 tấn, trong khi cùng thời điểm này năm ngoái là 30.000 tấn. Nợ ngân hàng năm nay công ty đã bước đầu trả bớt.

Tuy nhiên điều không khả quan nhất là do ảnh hưởng từ vụ trước nên vùng nguyên liệu giảm mạnh. Cùng với đó, việc không đầu tư vào chăm sóc khiến năng suất, sản lượng cũng giảm theo. Như vụ năm nay, năng suất mía trung bình chỉ đạt 53 - 54 tấn/ha, giảm gần 10 tấn/ha so với năm ngoái. Tổng sản lượng chỉ đạt 220.000 tấn, trong khi đó vụ trước sản lượng đạt 460.000 tấn.

Nếu diện tích vùng nguyên liệu tiếp tục giảm, thì chỉ đáp ứng đủ nguyên liệu cho 1 nhà máy chế biến tại tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: Đào Thanh.

Nếu diện tích vùng nguyên liệu tiếp tục giảm, thì chỉ đáp ứng đủ nguyên liệu cho 1 nhà máy chế biến tại tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: Đào Thanh.

Dự báo năm 2020-2021, diện tích vùng nguyên liệu sẽ tiếp tục giảm 500 ha. Như vậy công ty sẽ sản xuất tại 1 nhà máy, còn 1 nhà máy sẽ đóng cửa bởi không đủ nguyên liệu. Nếu như vậy, thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người lao động. Bởi hiện tại công ty đang có 460 lao động tại 2 nhà máy.

Để giải bài toán này, Tổng Giám đốc Lê Hồng Minh cho biết, giải pháp được công ty đặt ra là sẽ phối hợp với các địa phương cải tạo cơ cấu giống mía, nâng cao năng suất, chất lượng.

Trong đó, công ty đã xây dựng hơn 40 mô hình thâm canh tăng năng suất mía tại các xã vùng nguyên liệu, với tổng diện tích gần 80 ha, sử dụng cơ giới hóa đồng bộ, các loại giống mới, kỹ thuật chăm sóc tiên tiến; năng suất bình quân đạt từ 90 - 95 tấn/ha.

Công ty cũng nhận định, nếu giá đường kính ổn định và cao trên 13.000 đồng/kg, thì công ty cân nhắc sẽ tăng thêm việc mua mía nguyên liệu cho người dân. Như vậy mới hi vọng diện tích vùng nguyên liệu sẽ ổn định.

Bên cạnh đó, để đảm bảo thu nhập và ổn định đời sống của cán bộ công nhân viên, công ty đưa ra giải pháp tăng cường việc thu mua vỏ cây và các nguyên liệu khác làm nhiên liệu cho sản xuất điện tại Nhà máy điện sinh khối Tuyên Quang.

Đến cuối tháng 3, vụ ép mía 2019-2020 sẽ kết thúc. Theo tính toán của Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương, nếu giá đường đạt 13.000 đồng/kg, đơn vị sẽ lỗ khoảng 20 tỷ đồng. Dù việc lỗ đã giảm so với vụ trước, song ngành mía đường của tỉnh này vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức

Xem thêm
Giá heo tăng nhờ tăng cường ngăn chặn nhập lậu

Việc các địa phương ở phía Nam tăng cường ngăn chặn heo nhập lậu đang góp phần giúp cho giá heo hơi tăng lên ở Đông Nam bộ và trên cả nước.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất