| Hotline: 0983.970.780

Miền Bắc được mùa

Thứ Năm 03/06/2010 , 10:11 (GMT+7)

Nhiều người đã tiên lượng tình huống xấu nhất- miền Bắc mất mùa. Nhưng kết quả hoàn toàn đảo ngược...

Có lẽ chưa vụ ĐX nào ở miền Bắc phải đối phó với cả núi khó khăn như vụ ĐX vừa qua: Nóng đổ mồ hôi ngay từ tết Nguyên đán, hạn kèm xâm nhập mặn diễn ra ở nhiều tỉnh, bệnh lùn sọc đen lan nhanh như vết dầu loang... Nhiều người đã tiên lượng tình huống xấu nhất- miền Bắc mất mùa. Nhưng kết quả hoàn toàn đảo ngược...

Tại cuộc họp sơ kết SX vụ đông xuân 2009-2010 và triển khai kế hoạch vụ hè thu, vụ mùa 2010 vùng ĐBSH và Bắc Trung bộ, Cục phó Cục Trồng trọt, ông Phạm Đồng Quảng nhận định bối cảnh khắc nghiệt hiếm thấy của vụ ĐX 2009-2010: nắng nóng hơn trung bình nhiều năm, hạn nặng không có nước gieo cấy ở hầu hết các tỉnh đến nỗi nhiều nơi phải bỏ lúa trồng màu, bệnh lùn sọc đen phát sinh trên diện rộng với những biểu hiện lạ lần đầu mới thấy...Tất cả đều bất thường và dự báo nhiều bất trắc đang trực chờ ở phía trước. Còn nhớ chỉ 2 ngày nữa là đến tết Nguyên đán , Bộ trưởng Cao Đức Phát vẫn quyết định "triệu" GĐ Sở NN- PTNT các tỉnh về Hà Nội họp gấp bàn biện pháp "cứu" vụ đông xuân.

Không khí buổi họp áp tết khá căng thẳng. Không có hơi hướng của bánh chưng, rượu mứt. Chỉ toàn những tranh luận khoa học. Nhiều chuyên gia hàng đầu về lúa, cả tại chức lẫn nghỉ hưu đều được Bộ mời đến "tham vấn". Có người ví đây như "hội nghị Diên Hồng ngành nông nghiệp". Nhưng chính những diễn biến phức tạp đó đã khiến Bộ NN- PTNT và các địa phương "bật" ra hàng loạt biện pháp chỉ đạo mang tính tình thế nhưng khá hiệu quả như xả nước các hồ thuỷ điện, kiên quyết huỷ mạ già, lùi thời vụ gieo cấy trước nguy cơ vụ xuân ấm, sớm công bố dịch lùn sọc đen từ Quảng Ngãi trở ra, thành lập Ban chỉ đạo chống dịch…

Nhờ đó, tổng diện tích lúa 2 vùng ĐBSH và Bắc Trung bộ đạt 890.000ha, nghĩa là tăng gần 9.000 ha so với kế hoạch. Dự kiến năng suất lúa trung bình vụ đông xuân vùng ĐBSH đạt 63,7 tạ/ha, sản lượng ước đạt 3,51 triệu tấn thóc, một số tỉnh đạt năng suất cao như Thái Bình 70,5 tạ/ha, Bắc Ninh 65,5 tạ/ha, Hà Nam 64 tạ/ha. Vùng Bắc Trung bộ đạt 57,7 tạ/ha, sản lượng ước đạt 1,96 triệu tấn. Đánh giá chung là vụ đông xuân được mùa khá dù gặp nhiều khó khă ngay từ đầu vụ. Một số kinh nghiệm được rút ra là trà lúa xuân muộn với những giống ngắn ngày tiếp tục khẳng định ưu thế, diện tích lúa lai tăng, lúa gieo thẳng đang được mở rộng vì giảm giá thành SX và công lao động…

Bàn về vụ mùa, các địa phương rất tâm tư. Nguyễn Hữu Rong- GĐ Sở NN- PTNT Thái Bình-đơn vị đạt năng suất dẫn đầu toàn vùng ĐBSH với trên 7 tấn/ha nói: “Ngay từ đầu vụ đông xuân chúng tôi đã xác định 3 nguy cơ là xuân ấm, hạn và lùn sọc đen và chỉ đạo đối phó thành công. Vụ mùa là thời điểm các địa phương đang chuẩn bị cho ĐH Đảng bộ cũng dễ sao nhãng chỉ đạo SX. Chúng tôi sẽ đẩy mạnh mùa sớm để tập trung làm vụ đông, tránh lùn sọc đen hại lúa. Thái Bình cũng hỗ trợ trên 4 tỉ để xử lý hạt giống, cung ứng 100% thuốc trừ rầy cho mạ, cho trừ rầy đợt một. Đề nghị Bộ chỉ đạo đồng bộ các địa phương trong việc khống chế bệnh lùn sọc đen chứ không để một vài địa phương làm đơn độc, hiệu quả không cao mà còn dễ lây từ nơi này sang nơi khác. Chính sách cho vụ đông Thái Bình đã công bố xong rồi nhưng điều tôi lo là bộ giống về đậu tương-cây trồng rất quan trọng trong cơ cấu vẫn nghèo nàn quá”.

Về vấn đề thời vụ, Thứ trưởng Bùi Bá Bổng đồng tình đẩy mạnh diện tích trà mùa sớm bởi theo ông: “Kinh nghiệm cho thấy trà mùa sớm làm tốt năng suất ngang với lúa xuân, đánh bật tư tưởng từ trước đến nay của nhiều người rằng lúa mùa không năng suất bằng lúa xuân”.

Ông Nguyễn Quang Đồng- PGĐ Sở NN- PTNT Hải Dương tiếp lời: “Chúng tôi đề nghị chủ trương chung cho các tỉnh trong việc hỗ trợ chứ không để mỗi địa phương một khác. Trong việc cứu úng cho lúa mùa sắp tới, chính việc phát triển các KCN làm cho tình trạng ngập úng nặng hơn nên các KCN phải có trách nhiệm hỗ trợ một phần thiệt hại”. Đại diện Sở NN- PTNT Nghệ An trình bày hai cái khó của tỉnh là hạn gay gắt và lùn sọc đen. Hiện đơn vị này đang trình phương án cho UBND tỉnh để đối phó trong vụ mùa. “Chúng tôi sẽ tổ chức theo dõi chặt chẽ cây lúa cho đến lúc qua 60 ngày. Đề nghị Chính phủ hỗ trợ tiền phòng trừ lùn sọc đen bởi đây là số tiền rất lớn đối với ngân sách tỉnh”.

Ông Nguyễn Xuân Sang- PGĐ Sở NN- PTNT Thanh Hoá lộ rõ vẻ lo lắng khi diện tích lúa lai của tỉnh mình rất lớn, tới 47-48.000ha mà vừa rồi nghe nói chuyện SX lúa lai của VN có vấn đề về chất lượng nên không yên tâm. Cán bộ cũng như nông dân không biết mua ở giống ở đâu, chất lượng, giá cả thế nào nên rất cần những thông tin sớm để có cách lựa chọn. Giải đáp lo lắng trên, ông Đỗ Bá Vọng- Phó TGĐ Cty Giống cây trồng Trung ương cho hay hiện các đơn vị đã cung ứng tương đối đầy đủ lượng lúa thuần: “Lúa lai NK vụ này giá cao, chất lượng không hơn gì giống NK vụ xuân. Tình hình SX lúa lai trong nước, loại 3 dòng năm nay ở Đak Lak tốt, loại 2 dòng ở Quảng Nam với diện tích rất lớn bị hỏng, không đủ tiêu chuẩn nên không đưa ra thị trường được”.

 

 

Bộ trưởng Cao Đức Phát: Phấn đấu năng suất vụ mùa cao hơn

Vụ đông xuân vừa qua rất khó khăn vì thời tiết, dịch bệnh, hạn hán, thị trường…nhưng chúng ta đã sâu sát, quyết liệt, kịp thời trong chỉ đạo. Sản lượng lúa đông xuân 2009-2010 tương đương vụ đông xuân 2008-2009, ước đạt gần 56,5 triệu tấn là một trong những vụ đông xuân có sản lượng cao nhất từ trước đến nay. Vụ mùa cần đẩy mạnh mùa sớm và dùng những giống kháng rầy. Trong điều kiện lúa lai gặp khó khăn về nguồn giống, thời tiết khô hạn các địa phương cần xem xét điều chỉnh cơ cấu cây trồng.

Về cây lúa, nghiên cứu khoa học mới đây cho thấy ở ĐBSH không chỉ có bệnh lùn sọc đen mà còn có vàng lùn xoắn lá, phải nghĩ cách đối phó ngay từ bây giờ chứ không để tình trạng lúng túng như năm ngoái. Phương châm phòng là chính và trong phòng thì phòng trừ rầy ngay từ khâu làm mạ trở đi chứ không phải đợi huỷ lúa. Chính sách cho khâu phòng dịch, tôi sẽ báo cáo với Thủ tướng nhưng trong khi chờ đợi, các tỉnh vẫn cần chủ động trong việc xuất tiền ra hỗ trợ.

Vụ mùa này chúng ta cũng cần chuẩn bị sẵn tinh thần để chống úng cứu lúa bởi dự báo thời tiết xác suất mưa lớn vào giữa và cuối vụ là nhiều. Trong mọi hoàn cảnh chúng ta phải phấn đấu không chỉ bảo vệ thành công mà còn phấn đấu đưa năng suất vụ mùa lên cao hơn nữa.

Vân Đình

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Lúa đông xuân sớm được mùa, nông dân lãi 20 triệu đồng/ha

QUẢNG BÌNH Các diện tích lúa đông xuân sớm tại Quảng Bình hiện đã thu hoạch, năng suất bình quân khoảng 65 tạ/ha, nông dân lãi hơn 20 triệu đồng/ha…

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm