| Hotline: 0983.970.780

Miền Bắc lại đối mặt hạn hán

Thứ Hai 25/10/2010 , 10:28 (GMT+7)

Trưởng phòng Quản lý Tưới tiêu - ông Đặng Duy Hiển - cho biết, hiện nay diễn biến thời tiết, nguồn nước ở nhiều khu vực không bình thường như những năm trước.

Trưởng phòng Quản lý Tưới tiêu (Cục Thủy lợi, Tổng cục Thủy lợi - Bộ NN-PTNT) - ông Đặng Duy Hiển

Trao đổi với NNVN, ông Đặng Duy Hiển, Trưởng phòng Quản lý Tưới tiêu (Cục Thủy lợi, Tổng cục Thủy lợi - Bộ NN-PTNT) cho biết, hiện nay diễn biến thời tiết, nguồn nước ở nhiều khu vực không bình thường như những năm trước.

Qua theo dõi tổng hợp tình hình mưa, lượng nước trữ trong các hồ thủy lợi, thủy điện, mực nước hạ du các sông lớn, diễn biến xâm nhập mặn cho thấy những tháng cuối năm có xu thế ảnh hưởng nặng nề đối với sản xuất vụ ĐX 2010-2011; đặc biệt là khu vực đồng bằng sông Hồng.

Cụ thể mực nước các hồ chứa lớn miền Bắc ra sao, thưa ông?

Hiện nay các hồ Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang mới tích được khoảng 5,5 tỷ/9,8 tỷ m3 nước hữu ích. Cả mùa mưa lũ các hồ thủy lợi mới chỉ chứa được khoảng 70-80% mức thiết kế và chưa có đợt xả đáy nào. Đặc biệt nhiều hồ đập ở Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Ninh Bình có mực nước rất thấp, từ 50- 60%. Trên các sông lớn không xuất hiện lũ, mực nước sông Hồng tại trạm đo Hà Nội cao nhất mới chỉ đạt 6,46m và từ đầu tháng 8 đến nay liên tục suy giảm và ở mức thấp hơn cùng kỳ những năm trước.

Vì sao ít nước vậy?

Do ít mưa, nguồn nước sông đổ ra cửa biển nhỏ nên xâm nhập mặn tại các cửa sông lấn sâu vào nội địa. Mặc dù hiện nay chưa có ảnh hưởng đến việc lấy nước ngọt tưới cho cây trồng nhưng nếu không có mưa, dòng chảy trong sông suy giảm thì mặn sẽ lấn sâu vào nội địa lấy nước sẽ càng khó khăn hơn.

Từ nay đến cuối năm mực nước các hồ đập có đủ phục vụ sản xuất vụ ĐX tới?

Hiện nay công trình thủy điện Sơn La mới tích được gần 3 tỷ m3 nước, nhưng trên thực tế chỉ sử dụng được hơn 2 tỷ, còn khoảng 500 triệu m3 nước là dung tích “sàn” trên cốt nước không ra được. Nếu trường hợp bất khả kháng, tức là thiếu nước đổ ải trầm trọng thì thủy điện Sơn La phải vận hành tổ máy phát điện số 1 xả xuống hồ Hòa Bình. Nếu những tháng cuối năm các hồ Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang tích được khoảng hơn 7 tỷ m3 cộng thêm 2 tỷ m3 nước từ thủy điện Sơn La thì mới tạm thời đảm bảo phát điện và phục vụ nước tưới cho vụ ĐX tới.

Theo Trung tâm Dự báo KTTVTƯ, dự báo vụ ĐX 2010-2011 dòng chảy đến hồ Tuyên Quang thiếu hụt 9-25%, Thác Bà thiếu hụt 40-6-%, hồ Hòa Bình và Sơn La thiếu hụt 16-42%. Dòng chảy toàn mùa hạ lưu sông Hồng và sông Thái Bình có khả năng thấp hơn mức TBNN khoảng 30-45%. Mực nước thấp nhất tại trạm thủy văn Hà Nội có khả năng lặp lại giá trị thấp nhất lịch sử đã xảy ra trong năm 2010 ở mức 0,1m vào tháng 2 đến tháng 3/2011.

Theo Tập đoàn Điện lực VN thì không chỉ phía VN mà ngay trên thượng nguồn sông Đà (phía Vân Nam, Trung Quốc) lượng nước về cũng kiệt hơn TBNN. Lưu lượng đỉnh lũ năm 2010 đạt khoảng 4.500m3/s là giá trị thấp nhất từ trước đến nay. Trong mùa lẽ chính vụ mực nước hồ cao nhất chỉ đạt cao trình 101,68m, hoàn toàn không phải thao tác cửa xả, cũng là điều hết sức đặc biệt không giống bất cứ một năm nào trong quá khứ.

Mới đây Bộ NN-PTNT, Tập đoàn Điện lực VN đã tổng hợp kế hoạch, thời vụ gieo cấy, diễn biến thủy triều, năng lực tưới của các công trình để xây dựng phương án xả nước phù hợp với điều kiện thực tế từng vùng.

Tổng cục Thủy lợi khuyến cáo địa phương những biện pháp gì để chủ động phòng chống hạn vụ ĐX?

Chúng tôi đề nghị Sở NN-PTNT chỉ đạo các Cty Khai thác Công trình thủy lợi theo dõi diễn biến thời tiết và chủ động tích nước vào hồ chứa, tiết kiệm nước cho cây vụ đông để dành nước cho vụ xuân bằng biện pháp tranh thủ nguồn nước dồi dào đầu vụ ở sông suối, kênh tiêu, nước mưa để tưới rau màu…

Đồng thời các địa phương phải xây dựng phương án chống hạn, tập trung huy động nhân lực, nguồn vốn để sửa chữa công trình, nạp vét kênh dẫn và nội đồng. Lắp đặt trạm bơm dã chiến để có thể lấy được nước tưới khi mực nước trong sông, kênh chính bị hạ thấp. Có kế hoạch chuyển đổi cây trồng phù hợp, không mở rộng diện tích trồng lúa ở những vùng có nguồn nước bấp bênh, không đảm bảo tưới suốt vụ. Có phương án cấp nước sinh hoạt cho nhân dân vùng sâu, ven biển; đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình phục vụ chống hạn…

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 1] 10 năm chinh phục chim yến

Hơn 10 năm dấn thân vào ngành yến, anh Trần Tuấn Anh đã xây dựng được công ty và thương hiệu yến quy mô tại Bình Phước.

Huấn luyện kỹ năng phòng, chống bệnh dại

CẦN THƠ Ngày 16/4, Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP. Cần Thơ phối hợp với Sở Y tế, Trường Nông nghiệp (Đại học Cần Thơ) tập huấn phòng, chống bệnh dại trên động vật.

1 ha hồi cho thu nhập 400 triệu đồng/năm

BẮC KẠN Giá bán khoảng 30.000đ/kg, có những năm đỉnh điểm lên tới 70.000đ/kg, cây hồi đem lại thu nhập cao, trở thành cây giảm nghèo, làm giàu của nhiều nông hộ ở tỉnh Bắc Kạn.

Tưới tiết kiệm: Khó khăn trước mắt, lợi ích dài lâu

Đầu tư cho hệ thống tưới tiết kiệm có thể tốn kém trước mắt cho nhà nông, song sẽ mang lại nhiều lợi ích dài lâu.