| Hotline: 0983.970.780

Miền Bắc trước nguy cơ khô hạn

Thứ Tư 18/03/2015 , 09:15 (GMT+7)

Trong 3 đợt lấy nước đổ ải phục vụ gieo cấy vụ đông xuân 2014 – 2015, ngành thủy lợi đã rút ngắn 3,5 ngày lấy nước, ước tính tiết kiệm được gần 1 tỷ m3 so với kế hoạch.

* Lúa có thể trỗ sớm, giảm năng suất

Tuy nhiên, mối lo thiếu hụt nguồn nước trong giai đoạn tưới dưỡng lại xuất hiện ở khu vực trung du và đồng bằng Bắc bộ. Trong điều kiện vụ xuân ấm kết hợp với khô hạn, lúa sẽ trỗ sớm gây nguy cơ giảm năng suất.

Tiết kiệm được 1 tỷ m3 nước

Tại Hội nghị tổng kết công tác lấy nước gieo cấy và biện pháp bảo đảm nước tưới dưỡng cho lúa vụ đông xuân 2014 – 2015 trong điều kiện thời tiết ấm, khu vực trung du và đồng bằng Bắc bộ, diễn ra vào sáng qua (17/3) tại Hà Nam, ông Nguyễn Mạnh Hùng, đại diện Vụ Khai thác công trình thủy lợi và An toàn đập (Tổng cục Thủy lợi – Bộ NN-PTNT) đã thông báo những số liệu mới nhất.

Tính đến hết đợt 3 lấy nước, diện tích đủ nước phục vụ gieo cấy toàn khu vực trung du và đồng bằng Bắc bộ đạt trên 600.000 ha, đạt gần 96% tổng diện tích gieo cấy theo kế hoạch. Hầu hết các tỉnh đã hoàn thành cấp nước cho toàn bộ diện tích.

Tuy nhiên, một số địa phương vẫn chưa đủ nước như Bắc Giang (12.000 ha của các huyện Sơn Động, Lục Ngạn), Hà Nội (7.000 ha của các huyện Thạch Thất, Quốc Oai, Đông Anh) và Hải Dương (2.000 ha của huyện Kinh Môn).

Đây đều là những diện tích gieo cấy muộn, trong kế hoạch dự kiến của các địa phương, được tưới bằng nguồn nước từ các hồ chứa thủy lợi. Dự kiến, trong 10 ngày tới các địa phương này sẽ hoàn thành kế hoạch cấp nước phục vụ gieo cấy.

Nhờ công tác chỉ đạo, phối hợp của Bộ NN-PTNT và các đơn vị liên quan trong các đợt lấy nước được thực hiện sâu sát, quyết liệt, tổng số ngày lấy nước rút ngắn được 3,5 ngày, ước tính tiết kiệm khoảng 1 tỷ m3 nước so với kế hoạch.

Theo ông Nguyễn Văn Tỉnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi: “Điều phấn khởi nhất là năm nay, các địa phương khó khăn về nguồn nước như Văn Lâm, Văn Giang (Hưng Yên); vùng Bắc Đuống, Nam Đuống (Bắc Ninh) cũng đã đạt cơ bản hoàn thành kế hoạch lấy nước, phục vụ đổ ải gieo cấy vụ đông xuân”.

Nguồn nước đang thiếu hụt

Theo nhận định của Tổng cục Thủy lợi, trong thời gian tới, dòng chảy hạ du sông Hồng, Thái Bình thấp hơn TBNN từ 10 – 40%, thời gian từ tháng 3-4/2015 sẽ thiếu hụt khoảng 15 – 30%. Thực tế, một số địa phương cũng đang kêu khó khi mực nước tại các hệ thống sông ở miền Bắc đang xuống mức thấp.

Theo phản ánh của ông Phi Quang Hùng, Chủ tịch kiêm Giám đốc Cty Khai thác công trình thủy lợi Phú Thọ, thời điểm này đoạn sông Chảy qua địa phận tỉnh Phú Thọ đang trơ đáy, đứng giữa lòng sông vẫn không ướt chân. Ngành thủy nông có lắp máy bơm dã chiến chống hạn cũng vô ích.

Do đó, đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam hết sức quan tâm để chỉ đạo duy trì dòng chảy của sông Chảy. Nếu không xả nước các hồ chứa thủy điện thường xuyên thì sông Chảy sẽ trở thành sông chết. Hiện nay, nguồn nước tưới dưỡng cho lúa đã rất căng thẳng và khoảng 200 ha lúa có nguy cơ khô hạn.

Giống như tình cảnh của Phú Thọ, ông Nguyễn Gia Quyền, Cty Khai thác công trình thủy lợi Liễn Sơn (Vĩnh Phúc) cũng lo lắng: Vĩnh Phúc có địa hình bán sơn địa, năng lực trữ nước của các hồ lại yếu. Trong khi đó, lượng nước cần dùng để tưới dưỡng lớn gấp 3 lần lượng nước phục vụ đổ ải.

Nếu hệ thống sông Hồng và sông Lô tiếp tục xuống thấp thì tình hình nguồn nước tưới dưỡng cho lúa trong tháng 3 và tháng 4 sẽ bị thiếu hụt. Việc lắp đặt máy bơm dã chiến để hút bơm nước cũng khó khăn, vì phải mất nhiều chặng mới dẫn được nước vào đồng.

Đến thời điểm này, các tỉnh, thành thuộc khu vực trung du và đồng bằng Bắc bộ vẫn chưa được cấp kinh phí chống hạn, vì thế nhiều ý kiến tại Hội nghị đề nghị Bộ NN-PTNT sớm cấp ngân sách để hỗ trợ chống hạn, đảm bảo cung cấp đủ nước dưỡng lúa trong vụ đông xuân.

Ông Nguyễn Quốc Đạt, Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nam, cho rằng: “Bộ NN-PTNT cần tăng nguồn kinh phí chống hạn trong Đề án tái cơ cấu nông nghiệp. Bởi, tăng kinh phí chống hạn không phải chỉ để nạo vét, cứng hóa kênh mương mà còn chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Ví dụ, chuyển đổi trồng lúa ở những vùng khó khăn về nguồn nước sang cây trồng rau; đầu tư ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ tưới tiết kiệm”.

Cũng xuất phát từ thực trạng khó khăn về nguồn nước trong vụ đông xuân, Hà Nam đã xây dựng một mô hình chuyển đổi đất lúa sang trồng rau màu chất lượng cao quy mô 30 ha, sử dụng công nghệ tưới của Israel mang lại giá trị gia tăng rất cao.

Sắp tới, tỉnh này sẽ tiếp tục triển khai thêm 15 mô hình tương tự. Vừa rồi có 8 doanh nghiệp Nhật Bản đã vào Hà Nam, tỉnh cam kết sẽ hỗ trợ cơ sở hạ tầng tốt để thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực nông nghiệp.

Thủy điện cũng than khó

Ông Đỗ Mậu Hùng, Trưởng ban Sản xuất – Tập đoàn Điện lực Việt Nam, chia sẻ qua 3 đợt xả nước đổ ải phục vụ gieo cấy vụ đông xuân, tổng lưu lượng nước tiêu tốn là 5,07 tỷ m3. Mực nước các hồ chứa thủy điện đã hạ xuống thấp.

 Cụ thể, hồ Hòa Bình giảm 8,97 m, hồ Thác Bà giảm 2,9 m và hồ Tuyên Quang giảm 9,37 m. Do đó, ảnh hưởng rất lớn đến việc cấp điện trong mùa khô. Bản thân Tập đoàn cũng phải giảm công suất của các tổ máy, vì thế sức ép lên ngành thủy lợi rất lớn.

Trước mắt, các địa phương phải chủ động tổ chức bơm vét nước ở các dòng sông chính, trữ nước hiệu quả trong ao hồ, kênh trục; lắp các trạm bơm dã chiến ra sông để bơm lên. Trong tình huống khẩn cấp, Tập đoàn sẽ phối hợp với Bộ NN-PTNT, Tổng cục Thủy lợi và các địa phương để đảm bảo vụ đông xuân thắng lợi.

12.000 ha lúa nguy cơ trỗ sớm, năng suất giảm

Ông Nguyễn Văn Vương, Phó Trưởng phòng Cây lương thực, cây thực phẩm (Cục Trồng trọt – Bộ NN-PTNT) nhận định: “Vụ đông xuân 2014 – 2015 đến thời điểm này có thể khẳng định là vụ đông xuân ấm, thậm chí tiệm cận ngưỡng “quá ấm” và hạn. Do vậy, khoảng 12.000 ha gieo cấy sớm trước ngày 4/2 có nguy cơ trỗ sớm và có thể gặp rét ở cuối vụ gây ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng lúa”.

Để tránh thiệt hại do thời tiết ấm gây ra, việc cấp đủ nước tưới dưỡng lúa là hết sức quan trọng, bởi nếu càng để ruộng khô hạn thì càng kích thích cây lúa trỗ nhanh, rút ngắn thời gian sinh trưởng dinh dưỡng, khả năng phân hóa sớm, trổ sớm lệch khỏi ngưỡng an toàn.

Xem thêm
Bổ sung 1 cặp hươu sao lên đảo Bạch Long Vỹ

HẢI PHÒNG Hơn 10 ngày sau khi phát hiện cá thể hươu sao trên đảo, huyện Bạch Long Vỹ được bổ sung thêm 1 cặp hươu khác, có cả đực và cái để phát triển đàn.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đào Bắc Hà mất mùa, giá cao

LÀO CAI Hiện đào Pháp ở Bắc Hà đã vào chính vụ thu hoạch. Năm nay cây đào không được mùa nên giá cao hơn mọi năm.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.