| Hotline: 0983.970.780

Miên man rừng Nà Hẩu

Thứ Tư 04/01/2012 , 09:48 (GMT+7)

Khu Bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu được thành lập tháng 10/2006, với tổng diện tích quy hoạch là 43.848 ha rừng và đất rừng...

Khu Bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu được thành lập tháng 10/2006, với tổng diện tích quy hoạch là 43.848 ha rừng và đất rừng. Một vùng rừng nguyên sinh giàu tài nguyên bậc nhất còn sót lại ở Yên Bái mà trong lòng nó chứa bao nhiêu điều kỳ lạ về những con người nơi đây, mặc dù cuộc sống của họ còn nghèo nàn, nhưng với một tấm lòng yêu rừng thì không nơi nào sánh nổi.

1. Nà Hẩu chỉ được người ta nhắc đến sau chiến tranh biên giới tháng 2/1979, khi một bộ phận đồng bào người Mông ở Bắc Hà, Mường Khương, Si Ma Cai chạy giặc về đây. Một vùng rừng nguyên sinh được vây bọc bởi những dãy núi dựng đứng vô cùng hiểm trở thưa vắng dấu chân người, phía Tây là Sùng Đô (Văn Chấn), cao hơn 1.700m. Còn từ Sùng Đô lên tới Giàng Pằng phải mất 8 giờ leo núi, nơi tiếp giáp với rừng Nà Hẩu. Phía Nam Nà Hẩu chắn bởi dãy núi Khe Vàng heo hút, phía Đông là dốc Ba Khuy cheo leo.

Rừng nguyên sinh Nà Hẩu

Người ta kể lại rằng: Thuở xưa có một bản người Thái không biết từ đâu lưu lạc tới Nà Hẩu khai khẩn đất hoang, ruộng ở đây tốt lắm, chỉ cần cắm cây mạ xuống chả cần chăm sóc chờ đến mùa là được thu hoạch, bông lúa to như đuôi ngựa, con gà trống không tha nổi một bông, làm một vụ đủ lúa gạo ăn quanh năm. Nhưng ông trời cũng đã thả xuống đầu họ một căn bệnh quái ác làm cho những đốt chân, đốt tay của những người dân tứa máu, họ rịt đủ loại thuốc bằng lá cây rừng nhưng vẫn không khỏi mà cứ rụng dần.

 Người lớn, trẻ con theo nhau chết trong nỗi đau đớn và tuyệt vọng giữa chốn rừng già hoang lạnh. Không ai hiểu nổi đó là căn bệnh gì, số người còn lại sợ quá bồng bế nhau đi biệt tăm. Mãi sau này người ta mới biết đó là bệnh hủi, Nà Hui nghĩa là ruộng hủi, từ đó mà thành tên. Nà Hẩu đọc chệch ra từ Nà Hui, trở thành hoang đảo giữa bốn bề núi rừng cùng những câu chuyện kinh hãi truyền lại từ nhiều thế kỷ trước.

Phó Bí thư Đảng bộ xã Nà Hẩu Giàng A Sinh, người dân tộc Mông, kể rằng: Gia đình tôi trước ở Sùng Đô, cha mẹ tôi thấy vùng đất này tốt đã tới đây khai phá làm ruộng nương. Những đám ruộng người Thái bỏ lại cây rừng đã mọc to mấy người ôm, không ai nghĩ đó là ruộng, sau mới nghe người Thái đã từng sống ở đây. Có lẽ họ đã bỏ đi lâu lắm rồi, chả còn dấu tích gì về vùng đất từng có người ở, trừ những đám đất khá bằng phẳng ven suối cây cối mọc xanh tốt. Bố tôi là người đầu tiên đến đây, sau có thêm một số hộ từ Sùng Đô xuống, cũng chỉ làm ruộng nương thôi, còn nhà chính vẫn ở Sùng Đô, Tết thì lại về trên đó ăn Tết. Gia đình tôi có hơn hai héc ta ruộng nước, sau khi người Mông di cư từ các huyện biên giới về, họ đi theo dòng suối từ xã Mỏ Vàng lên, năm 1986 xã Nà Hẩu mới được thành lập, gia đình tôi mới chuyển hẳn về đây sinh sống…

Ngồi trong ngôi nhà sàn sinh hoạt cộng đồng mà Trạm Kiểm lâm Nà Hẩu đặt làm trụ sở nằm cạnh bìa rừng, chủ tịch xã Giàng Chẩn Phử nhìn ra cánh rừng xanh đen trước mặt bảo tôi: Gia đình tôi chạy giặc từ biên giới xuống, nơi đầu tiên đến là xã Mỏ Vàng, sau mới lên đây. Ngày ấy dân ở đây chẳng biết mình ở xã nào, người từ Sùng Đô đến thì nhận mình ở xã Sùng Đô, người từ Mỏ Vàng lên thì nhận mình là người xã Mỏ Vàng… không ai quản lý hộ khẩu. Hồi ấy tôi còn nhỏ, buổi chiều trên những bãi cỏ ven bờ suối nhìn thấy hươu, nai, lợn rừng ra ăn từng đàn, nai nhiều như người dân thả bò, đỏ rực các bãi cỏ gặp người đi qua chúng cũng chẳng sợ. Sau vì người đến đông, săn bắn nhiều quá nên bây giờ không còn nhìn thấy chúng ra ăn nữa. Hươu thì còn, nai chắc đã hết, lâu lắm tôi không còn được nghe thấy tiếng nai giác…

Tôi hỏi anh: Đã khi nào anh nhìn thấy loài vượn đen trong rừng Nà Hẩu chưa? Im lặng một lát Phử mới gật đầu trả lời: Có đấy, hồi nhỏ khi trời sắp tối tôi thường nghe thấy tiếng vượn hú gọi bầy như tiếng người hú. Mới đầu nghe rợn lắm, nhất là mùa đông hay những ngày mưa phùn gió rét, tiếng hú của vượn nghe thảm thiết não nề lắm. Chúng hú ngay trên cánh rừng sau nhà tôi. Đêm xuống lũ trẻ chúng tôi không đứa nào dám bước chân ra khỏi nhà. Các cụ bảo: Không có gì phải sợ, mình có súng, thú rừng sợ người chứ đâu người sợ thú rừng…

Đối chiếu diện tích rừng giữa thực địa với bản đồ

Nói rồi anh ngửa cổ bắt chước tiếng hú của loài vượn: Hu…u…ú…ú…Tôi chưa bao giờ nhìn thấy vượn, những người đi săn ở đây thì đã nhìn thấy, con non lông màu vàng như lông gà con mới nở, con già lông màu đen. Vượn là loài thú tinh khôn, các tay súng săn ở đây không ai bắn được chúng. Có lẽ vì săn bắn các loài thú khác, tiếng súng vang động khiến lũ vượn bỏ rừng Nà Hẩu đi lâu rồi… Nói tới đây nhìn gương mặt Giàng Chẩn Phử vô cùng nuối tiếc.

2. Sau khi người dân tứ xứ kéo về Nà Hẩu sinh sống đông dần lên, tháng 11/1986 xã Nà Hẩu mới chính thức được thành lập, khi ấy xã chỉ có 63 hộ người Mông ở 3 thôn: Bản Tác, Khe Cạn, Làng Thượng, đến nay thêm 2 thôn nữa: Ba Khuy và Khe Tác với 336 hộ, 1.914 khẩu. Ban đầu cả xã chỉ có 49 ha ruộng nước nằm dọc con suối chảy trước mặt trụ sở UBND. Hộ đến trước thì có đất làm ruộng, hộ đến sau thì phá rừng làm nương. Rừng Nà Hẩu nhiều vô kể, cứ rừng nguyên sinh mà phát, đất mùn dày cả mét, chỗ nào có nhiều cây gỗ to không đổ được thì họ đốt dưới gốc, sau vài vụ nương thì cây chết.

Để chấm dứt tệ phá rừng làm nương cứu lấy cánh rừng nguyên sinh đa dạng sinh học, năm 1999 huyện Văn Yên thực hiện sắp xếp lại dân cư, điều hoà ruộng đất. Huyện xuất ngân sách mua lại những hộ có nhiều ruộng giao cho những hộ ít ruộng, để mọi gia đình đều có ruộng. Rồi vận động người dân khai hoang ruộng nước, từ chỗ cả xã chỉ có 49 ha đến nay Nà Hẩu đã có 67 ha ruộng, trong đó có 55 ha cấy được hai vụ. 

Một buổi tuyên truyền Luật Bảo vệ & Phát triển rừng tới người dân

Toàn xã chỉ có ngần ấy ruộng thiếu ăn là điều dễ hiểu, bởi thế Nà Hẩu hiện còn 233 hộ nghèo. Giàng Chẩn Phử bảo tôi: Trước đây Nà Hẩu không làm vụ xuân nên đói lắm, xã chỉ có hơn trăm hộ khá, cũng chỉ tạm đủ ăn thôi, mùa giáp hạt mọi người túa lên rừng tìm cái ăn. Gần chục năm nay do làm thêm vụ xuân nên không còn đói như mọi năm nữa. Dẫu cuộc sống của bà con ở đây còn rất nhiều khó khăn, nhưng chúng tôi quyết tâm bảo vệ rừng…

Khi được tin người Sùng Đô vào hang Can Chua Lãng (hang đá vàng) săn thú, Giàng Chẩn Phử ra lệnh cho nhóm bảo vệ rừng lên đường truy quét. Tới 12 giờ trưa thì họ tóm được một thợ săn tên là Vàng A Lềnh, người Mông thôn Giàng Pằng xã Sùng Đô, tang vật là hai khẩu súng kíp và một con sóc. Lềnh cho biết nhóm thợ săn của anh có 4 người, khi anh bị bắt thì 3 người kia bỏ chạy.

Rồi anh kể: Năm 2004 kiểm lâm phát động bà con giao nộp vũ khí tự tạo săn bắt thú rừng, sau một tuần bà con đã tự nguyện giao nộp 214 khẩu súng kíp, 72 bẫy thú. Đầu năm 2005 một con hươu con bị chó sói cắn bị thương chạy xuống ruộng nhà Bí thư Giàng A Châu, anh mang con hươu về nhà băng bó và đắp thuốc cho lành vết thương rồi mang thả vào rừng. Người dân học tập Bí thư Châu không ai phá rừng làm nương rẫy, không săn bắn, ăn thịt thú rừng, khi phát hiện người nơi khác tới săn bắn, họ lập tức báo cho các tổ bảo vệ rừng.

3. Tôi theo Đỗ Văn Hùng, Hạt phó Hạt Kiểm lâm Văn Yên và Nguyễn Xuân Quyến, cán bộ kiểm lâm, lên khu vườn thực nghiệm đặt dưới tán rừng già, bên cạnh là một gốc cây ba người ôm mới kín gốc. Tại đây họ đang gieo ươm một loài sâm quý vừa di thực từ núi Ngọc Linh (Kon Tum) về. Đây là loài cây chỉ mọc dưới tán rừng ở độ cao từ 1.000m trở lên. Loài sâm này đang xuất khẩu sang các nước: Nhật, Mỹ, Hàn Quốc…với giá 60 triệu đồng một cân. Hỏi ra mới hay người đã bỏ tiền túi của riêng mình gần 20 triệu để mua giống sâm quý này là Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm Yên Bái Nguyễn Quang Vinh.  

Kiểm tra sinh trưởng của loài sâm quí trong vườn thực nghiệm giữa rừng Nà Hẩu

Có lần anh nói với tôi: Phải giúp người dân sống bằng nghề rừng, giàu có bằng nghề rừng thì họ mới bảo vệ được rừng. Còn khi cuộc sống của người dân khó khăn thì việc giữ được rừng khó lắm… Có lẽ vì nỗi trăn trở ấy, năm 2009 anh cùng một số người gom tiền nuôi hai ao cá hồi dưới khu rừng phía trên ngôi nhà cộng đồng Trạm Kiểm lâm Nà Hẩu đang ở. Thật rủi cho họ, đàn cá đang lớn thì mắc bệnh nấm trắng, sau ba ngày mấy ngàn con cá hồi đã to bằng cổ tay người lớn chết trắng mặt ao. Gần trăm triệu đi tong, tiếc ngẩn ngơ.

Còn bây giờ Nguyễn Quang Vinh lại tiếp tục thử nghiệm đưa loài sâm mới lên đất rừng Nà Hẩu, mong giúp người dân ở đây một nghề mới, không biết điều ấy có thành công? Nguyễn Xuân Quyến khẽ cạy lớp đất mỏng, anh bảo: Cây đang mọc mầm, ra giêng ấm áp sẽ di thực lên độ cao một ngàn mét…

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Dông lốc ở Lào Cai gây thiệt hại gần 3 tỷ đồng

Các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng gây thiệt hại lớn tài sản người dân trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm