"Cháy lao động" hái tiêu
Hiện nay, Đắk Lắk có hàng chục nghìn ha tiêu đang bước vào thời điểm thu hoạch tiêu kéo dài hơn 2 tháng cùng với hàng trăm nghìn ha cà phê đến thời điểm tưới để cây ra hoa. Với diện tích lớn như vậy, Đắk Lắk cần số lượng lớn nhân công và mức lương người lao động liên tục tăng qua từng vụ.
Ông Nguyễn Văn Thu (ngụ huyện Ea H’leo) có hơn 2ha tiêu đang bước vào thời điểm thu hoạch. Do tiêu chín rộ nên ông cần gần 10 người để thu hái để tránh tiêu rụng. Theo ông Thu, năm ngoái, giá thuê nhân công 200.000 đồng/người/ngày, còn năm nay công hái tiêu đã tăng lên 250.000 đồng/người/ngày.
“Mấy năm nay, nhân công thu hoạch vào mùa vụ thường khan hiếm nên tôi phải tìm lao động từ tỉnh ngoài lên hái. Để giữ chân người lao động, ngoài việc bố trí chỗ ngủ, lo ăn uống thì nhóm nhân công thu hái trong ngày được chủ nhà lo bữa ăn phụ, nước giải khát, thi thoảng lại hỗ trợ thêm tiền công theo năng suất lao động. Vườn tiêu của tôi mới hái được 3 ngày, dự kiến phải đến hơn 15 ngày mới xong nhưng các chủ vườn lân cận đã tìm tới, đặt cọc nhóm nhân công đến hái thuê cho họ sau khi hoàn thành việc thu hái ở vườn tôi", anh Thu nói.
Theo các chủ vườn tiêu tại Đắk Lắk, không như thu hoạch những loại nông sản khác, việc thu hái tiêu khá “kén” người. Ngoài biết kỹ thuật thu hái, đòi hỏi tính cẩn thận để bảo đảm an toàn trong lúc thu hái vì phải leo lên cao, có những ngọn tiêu cao đến 4 mét.
Chị H’Ri Kbuôr (nhân công hái tiêu ở xã Ea M’nang, huyện Cư M'gar) cho hay, năm nay nhiều người thuê hái nhưng vợ chồng chị ưu tiên nhận lời chỗ quen trước. Nghề này tuy vất vả, có phần nguy hiểm nhưng bù lại cho thu nhập khá. Mùa thu hoạch hồ tiêu thường kéo dài hơn 1,5 tháng, vợ chồng chị hầu như không rảnh ngày nào. Sau mỗi vụ thu hoạch tiêu, vợ chồng chị có khoảng 20 triệu đồng để trang trải cuộc sống.
Theo tính toán của nông dân, bình quân 1ha hồ tiêu trồng xen trong vườn cà phê cần từ 100 - 120 công hái. Vì vậy, nhu cầu thuê nhân công thu hái vào vụ là rất lớn.
Ra mức lương cao để "giữ chân" lao động
Gia Lai đang bước vào thời kỳ chăm sóc cũng như thu hoạch một số loại cây trồng nên nhu cầu về nhân công làm thuê tương đối lớn trong những tháng đầu năm.
Tại vườn cà phê thuộc Công ty TNHH Một thành viên Cà phê Ia Châm (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai), chị Nguyễn Thị Minh đang thoăn thoắt kéo ống nước tưới cho cà phê. Công việc này đã trở nên quen thuộc khi chị Minh đã có nhiều năm kinh nghiệm.
Chị Minh cho biết, so với đi làm công nhân, công việc tưới cà phê vất vả hơn và cũng không ổn định nhưng bù lại cho thu nhập khá. Nếu chịu khó đi làm thuê chăm sóc cho các vườn cà phê, tiêu… cũng đủ giúp gia đình trang trải cuộc sống.
Hiện Công ty TNHH Một thành viên Cà phê Ia Châm đang bước vào đợt tưới thứ 2 cho vụ cà phê 2023 và gặp không ít khó khăn trong việc thuê nhân công dù mức lương đưa ra khá cao.
Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Cà phê Ia Châm cho biết, với hàng trăm ha cà phê, ngoài việc khoán cho các hộ gia đình chăm sóc, Công ty vẫn phải thuê số lượng lớn nhân công tưới nước thời vụ. Theo đó, trung bình 1 nhân công tưới cà phê 10 tiếng sẽ được nhận 300.000 đồng.
Trung bình 1ha thuê nhân công hết 1.200.000 đồng, cùng với tiền dầu, khấu hao máy khiến chi phí tăng lên khá cao. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng thuê được nhân công, nhất là vào thời điểm những tháng đầu năm công việc ở những ngành nghề khác cũng đang rất cần người lao động.
Tại huyện Krông Pa, “thủ phủ” cây thuốc lá cũng đang bước vào giai đoạn chăm sóc rất quan trọng. Anh Rơ Chăm Hợp cùng với 4 - 5 công nhân khác đang miệt mài nhặt cỏ trên từng luống cây thuốc lá.
“Những công nhân ở đây được thuê với giá 150.000 đồng/ngày và bao ăn. Đây là mức giá chung cho các công nhân làm thuê trong lĩnh vực trồng trọt. Dù giá làm thuê không cao nhưng được bao ăn và đặc biệt có công việc làm quanh năm nên không sợ thất nghiệp”, anh Hợp nói và cho biết, sau đợt chăm sóc thuốc lá lại đến vụ thu hoạch khoai mì (sắn) nên công nhân không sợ hết việc.
Anh Kpa Séo, Giám đốc HTX Thanh Niên (xã Đất Bằng, huyện Krông Pa) cho biết, hiện đơn vị đang trồng hơn 30ha cây thuốc lá, đến thời điểm chăm sóc cần trung bình 4 nhân công/ha. Điều này đã phần nào giải quyết công ăn việc làm cho nhiều người lao động, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Với mức lương trung bình 150.000 đồng/ngày, cộng với tiền ăn đã phần nào giúp người lao động ổn định cuộc sống.
“Khát” lao động phổ thông, thừa lao động có bằng cấp
Bà Phạm Thị Mai Anh, Trưởng phòng Thông tin thị trường lao động (Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Lâm Đồng) cho biết, hiện nay, các doanh nghiệp, HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp ở tỉnh Lâm Đồng có nhu cầu lao động rất cao. Trong đó, địa bàn TP Đà Lạt khan hiếm về lao động phổ thông phục vụ trong các khâu sản xuất, thu hoạch rau hoa và các huyện lân cận hiện có nhu cầu lớn về lao động có bằng cấp, trình độ cao đẳng, đại học.
“Trong tháng 2/2023, các doanh nghiệp, HTX gửi thông báo đến Trung tâm và đang có nhu cầu tuyển tổng cộng 1.000 vị trí việc làm cho các nhóm lĩnh vực như nông nghiệp nông thôn, kinh doanh, dịch vụ du lịch. Trong đó, yêu cầu về lao động phổ thông chiếm đến 50%", bà Phạm Thị Mai Anh nói.
Cũng theo bà Mai Anh, sau Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp, HTX ít tuyển lao động thời vụ. Thay vào đó, các đơn vị hướng đến tuyển dụng lao động gắn bó thời gian dài. Tuy nhiên, nguồn cung chưa đáp ứng được nhu cầu. Trong bối cảnh khan hiếm lao động phổ thông, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Lâm Đồng đã khuyến khích doanh nghiệp, HTX đưa ra các ưu đãi về tiền lương, hỗ trợ thêm chi phí sinh hoạt, ăn ở để thu hút lao động. Cùng với đó, Trung tâm cũng thường xuyên cập nhật, gửi thông báo tuyển dụng lao động đến các địa phương, đăng thông tin lên website, các trang mạng xã hội… để tìm lao động.
Ông Hoàng Trọng Vinh, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Lâm Đồng cho biết, từ sau Tết Nguyên đán đến nay, một số lĩnh vực ở địa phương luôn ở trạng thái thiếu lao động. Riêng lĩnh vực nông nghiệp, số việc làm cung ứng cho thị trường lao động chỉ đáp ứng chưa đến 50% so với nhu cầu.
“Nói chung, địa bàn tỉnh thiếu hụt lao động. Nhiều doanh nghiệp đăng ký tại Trung tâm nhưng nhiều tháng chúng tôi không cung ứng đủ”, ông Hoàng Trọng Vinh nói và cho biết thêm, hiện nay, Trung tâm đang thực hiện các hình thức như gửi thông tin cho trên 120 cộng tác viên tại các xã trên địa bàn tỉnh để huy động lực lượng tìm kiếm lao động hỗ trợ doanh nghiệp. Cùng với đó, tổ chức các phiên giao dịch việc làm online, thông tin tư vấn trực tiếp cho lao động làm bảo hiểm thất nghiệp.
Cũng theo ông Hoàng Trọng Vinh, hiện nay, tại TP Đà Lạt đang xảy ra tình trạng thiếu lao động phổ thông và thừa lao động có bằng cấp, trình độ chuyên môn. Trong khi đó, các huyện khác trong tỉnh thiếu lao động có bằng cấp, trình độ nhưng khi Trung tâm giới thiệu đến làm việc thì người lao động từ chối.
“Một lượng lớn lao động có trình độ chỉ muốn sinh sống và làm việc tại Đà Lạt. Do vậy nhiều doanh nghiệp ở huyện, thậm chí các huyện gần Đà Lạt như Lâm Hà, huyện Lạc Dương, Đức Trọng… thiếu nhưng không tuyển được người”, ông Hoàng Trọng Vinh chia sẻ.
Điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp năm 2023
Để được hưởng trợ cấp thất nghiệp năm 2023, người lao động cần đáp ứng tất cả các điều kiện sau:
(1) Người lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp khi làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc sau: Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn; hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc xác định thời hạn; hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng.
(2) Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp sau đây: Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật; hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng.
(3) Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 43 Luật Việc làm 2013; đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 Luật Việc làm 2013.
(4) Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định tại khoản 1 Điều 46 Luật Việc làm 2013.
(5) Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ các trường hợp sau đây: Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên; chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù; ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng; chết. (Điều 49 Luật Việc làm 2013).