| Hotline: 0983.970.780

Miền Trung: Cây mì lại tung hoành

Thứ Sáu 20/08/2010 , 08:41 (GMT+7)

Đến cả người trồng mì (sắn) ở các tỉnh miền Trung cũng không ngờ có lúc giá của nó không ngừng tăng và đạt “đỉnh” như bây giờ.

Đến cả người trồng mì (sắn) ở các tỉnh miền Trung cũng không ngờ có lúc giá của nó không ngừng tăng và đạt “đỉnh” như bây giờ. Từ 300-400đ/kg (đầu năm 2009) tăng 1.300đ/kg (đầu năm 2010) và bây giờ “vọt” lên 1.850-1.950đ/kg. “Sốt” giá, người trồng mì vui như Tết. Còn các cơ quan quản lý thì đang ngay ngáy lo trong thời gian tới, cây mì sẽ lại ồ ạt “lấn” rừng, “lấn” các loại cây trồng khác.

Vì sao giá mì nguyên liệu tăng?

Ông Đoàn Văn Ba, nông dân ở thôn Canh Thành, xã Canh Hòa (Vân Canh-Bình Định), người có gần 4 ha mì nhớ lại: “Năm 2008 là năm “thê thảm” của cây mì. Giá thu mua củ tươi chỉ 300-400đ/kg, sau đó nhích dần lên 500-600đ/kg. Với giá này bán sản phẩm không đủ chi phí nhân công. Hồi đó người trồng mì chẳng buồn thu hoạch, nhiều chủ ruộng “biếu” hẳn ruộng mì cho những hộ chăn nuôi nhổ về cho heo ăn. Năm nay, người trồng mì bước vào vụ thu hoạch rất phấn khởi với cái giá thu mua cao...chưa từng thấy”

Khởi động niên vụ SX mới, các NM chế biến tinh bột mì ở Quảng Ngãi, Bình Định đã thông báo giá thu mua khiến nông dân cứ muốn ôm cây mì mà...hôn. NM mì Sơn Hà bắt đầu khởi động thì ông Lê Tuấn Toàn-Phó TGĐ Cty CP Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi cho biết: “So với đầu năm nay, giá mì tươi thu mua tại nhà máy tăng hơn 650đ/kg, từ 1.200đ tăng lên 1.850đ/kg mì tươi đạt hàm lượng tinh bột 30%. Hiện Cty có đến 5 NM chế biến tinh bột mì, 2 ở Quảng Ngãi, 1 ở Phú Yên, 1 ở Đăktô và 1 ở Tây Ninh. Mỗi năm Cty có nhu cầu thu mua đến gần 500.000 tấn mì tươi mới đủ nguyên liệu cho các NMSX 110.000 tấn tinh bột/năm”.

Giá thu mua mì nguyên liệu ở Bình Định còn “khủng” hơn. Ông Đặng Văn Lý- PGĐ Cty CP Chế biến tinh bột sắn XK Bình Định, cho biết: “ Ngày 18/8 là chúng tôi bắt đầu thu mua mì nguyên liệu khởi động vụ SX mới. Hiện chúng tôi thu mua mì tươi tại NM với giá 1.950đ/kg (mì đạt hàm lượng tinh bột 30%). Ngoài ra, chúng tôi còn áp dụng chính sách trợ cước vận chuyển cho những vùng nguyên liệu xa NM. Với giá thu mua này, chắc chắn trong thời gian ngắn chúng tôi sẽ thu mua hết vùng nguyên liệu là 4.500ha, sau đó sẽ mở rộng thu mua nguyên liệu của những hộ dân trồng tự phát trong tỉnh và các tỉnh trong khu vực miền Trung-Tây Nguyên để đáp ứng công suất 60 tấn nguyên liệu/ngày”.

Theo chúng tôi được biết, giá thu mua tinh bột sắn tại Đài Loan, Trung Quốc hiện trên 500 USD/tấn, tăng mạnh so với năm 2008. Ông Đặng Văn Lý thông tin thêm: “Giá mì tăng cao đột biến có nhiều nguyên nhân, ngoài nhu cầu nguyên liệu của các NM chế biến tinh bột trong nước tăng mạnh còn do các nước như Nga, Trung Quốc đang bị khủng hoảng thiếu nguyên liệu mì”.

Nông dân vui, cơ quan quản lý đau đầu

Còn nhớ cách đây chưa lâu, vào những năm từ 2004 đến 2007, ở Quảng Ngãi, cây mì đã “xâm lấn” hàng trăm ha rừng phòng hộ đầu nguồn thuộc huyện Sơn Hà và đánh bật cả cây mía. Do trồng mì đầu tư ít, thu hoạch đơn giản, lợi nhuận cao nên ai nấy cũng đổ xô trồng mì trên mọi loại đất: đất rừng, đất rẫy, đất cát pha, đất thịt, bên bờ ao, cồn bãi...diện tích cây mì ở tỉnh này nhanh chóng tăng đến khoảng 15.000ha tập trung tại các huyện Sơn Hà, Trà Bồng, Bình Sơn, Sơn Tịnh và Tây huyện Tư Nghĩa. Đến năm 2008-2009, do giá mì nguyên liệu tụt thấp, lại thêm bệnh chổi rồng gây hại nên nhiều hộ nông dân từ bỏ cây mì, diện tích giảm nhanh xuống còn chừng 12.000ha. Nhưng bây giờ sự việc đã diễn ra ngược lại, đi đâu cũng nghe nông dân râm ran chuyện trồng lại cây mì.

Ông Đoàn Văn Ba ở Canh Thành, Canh Hòa (Vân Canh) tính toán: “Thâm canh các giống mì cao sản, năng suất cho bình quân 20 tấn/ha/vụ. Với giá bán 1.950đ hiện nay, mỗi ha mì chúng tôi thu được 39 triệu đồng. Ai đầu tư cao lắm cũng chỉ khoảng 10 triệu đồng/ha, còn lãi được 29 triệu đồng/ha, con số mà người trồng mì chúng tôi trước đây dù có nằm mơ cũng không dám nghĩ đến”.
Lê Tuấn Toàn- Phó TGĐ Cty CP Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi cho biết: “Năm nay, nhờ thay đổi giống nên cây mì ở Quảng Ngãi không còn bị bệnh Phytoplasma (bệnh chổi rồng) gây hại, năng suất tăng 5 tấn/ha so với những vụ trước, độ tinh bột cũng cao hơn nhờ chất lượng củ được nâng lên, giá lại cao ngất nên người trồng mì lãi to. Tính vội, hiện bán 1 tấn mì nguyên liệu nông dân cũng cầm trong tay được 1 triệu đồng tiền lãi”. Còn ở Bình Định, nhờ trong những năm qua, cơ quan khuyến nông xây dựng nhiều mô hình SX và chuyển giao các giống mì cao sản có năng suất cao nên khi giá mì tăng nông dân càng trúng đậm.

Theo nhận định của ông Toàn, trong xu hướng cung không thể vượt cầu như hiện nay thì trong thời gian tới, giá mì nguyên liệu sẽ vẫn ổn định ở mức cao. Theo ghi nhận của chúng tôi, ở Quảng Ngãi nửa tháng vừa qua, do giá tăng cao nên nhiều hộ nông dân đã vội vã nhổ mì chưa đúng tuổi thu hoạch bán “sô” cho tư thương. Còn ở Bình Định, dù mới chỉ bắt đầu vụ thu hoạch mà ở các huyện miền núi đã xuất hiện nhiều “lái mì rong” vào tận các làng đồng bào dân tộc mua mì non tại ruộng với giá rẻ. Giá mì thăng hoa trở lại, lợi nhuận của người trồng mì tăng gấp nhiều lần so trước đây thì chuyện cây mì sẽ lại “lấn” rừng, “lấn” các loại cây trồng khác là điều khó tránh khỏi.

Trước thực trạng này, lãnh đạo ngành nông nghiệp các tỉnh có nhiều diện tích trồng mì kiên quyết: “Chúng tôi đã có quy hoạch cụ thể vùng nguyên liệu mì và sẽ kiểm soát chặt chẽ không để dân tự phát trồng mì tràn lan, nhất là nạn lấn đất rừng để trồng như trước đây”.

Xem thêm
Giá heo tăng nhờ tăng cường ngăn chặn nhập lậu

Việc các địa phương ở phía Nam tăng cường ngăn chặn heo nhập lậu đang góp phần giúp cho giá heo hơi tăng lên ở Đông Nam bộ và trên cả nước.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Hưng Yên làm sống lại các lớp học IPM

Thời gian qua, trong khi ở một số tỉnh việc quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) bị lơ là thì Hưng Yên đã tìm cách vực dậy.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất