| Hotline: 0983.970.780

Miền Trung khẩn trương phòng chống bão Haiyan

Thứ Sáu 08/11/2013 , 23:41 (GMT+7)

Theo dự báo đến ngày 10/11 cơn bão Yaiyan sẽ đổ bộ vào khu vực miền Trung nhưng thời điểm này các địa phương khẩn trương phòng chống.

Theo dự báo đến ngày 10/11 cơn bão Yaiyan sẽ đổ bộ vào khu vực miền Trung nhưng thời điểm này các địa phương khẩn trương phòng chống.

Đêm nay bão vào biển Đông

Theo báo cáo từ Trung tâm PCLB khu vực miền Trung – Tây Nguyên, các tỉnh, thành phố Đà Nẵng đến Ninh Thuận đã nhận và triển khai nghiêm túc các Công điện số 87/CĐ-TW, 88/CĐ-TW ngày 07/11/2013, Công điện số 1816/CĐ-TTg ngày 07/11; các tỉnh Tây Nguyên đã nhận và triển khai Công điện 88/CĐ-TW ngày 07/11/2013.

Hiện các tỉnh ven biển đã chuẩn bị phương án sơ tán, di dời dân khi có bão, mưa lớn, lũ. Riêng Quảng Ngãi sẵn sàng triển khai phương án di dời, sơ tán cho 54.050 hộ/216.000 khẩu theo kế hoạch khi có bão ảnh hưởng trực tiếp hoặc gây mưa, lũ lớn. Tỉnh Quảng Ngãi duy trì lệnh cấm tất cả các loại tàu, thuyền ra biển hoạt động.

Hiện từ Đà Nẵng đến Ninh Thuận đã hướng dẫn tổng số 38.756 tàu/166.697 lao động biết vị trí, hướng di chuyển để chủ động trú tránh. Cụ thể, tổng số tàu ở khu vực từ Vĩ tuyến 8-16 và đông Kinh tuyến 112: 298 tàu/4.053 lao động.

* Đà Nẵng, Quảng Nam chủ động, không chủ quan

Trong chiều 8/11, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng thời tiết nắng đẹp, tuy nhiên không thể chủ quan với cơn bão Yaiyan người dân đã chủ động chèn chống nhà cửa.

Theo Bộ Đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam cho biết đã liên lạc và theo dõi kỹ hành trình chạy tránh bão của 23 tàu cá xa bờ với 673 lao động hoạt động trên biển đang chạy tránh bão Haiyan. Các tàu này được “phân vùng” để hướng dẫn thoát ra khỏi vùng nguy hiểm nhằm vào bờ trú ẩn hoặc chạy sâu xuống phía Nam tránh bão.

Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Nam đã họp khẩn triển khai công tác phòng chống bão, huy động 100% lực lượng ứng trực cùng 4 ô tô, 6 ca nô sẵn sàng cơ động đi làm nhiệm vụ. Các đồn biên phòng được giao nhiệm vụ tham gia giúp nhân dân chằng chống nhà cửa, neo đậu tàu thuyền. Tại các khu vực trọng yếu như Cửa Đại, Cù Lao Chàm (TP.Hội An), cửa biển An Hòa (H.Núi Thành), hiện có 4 tàu chuyên dụng được điều động ứng trực.

Sáng 8/11, Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam cũng gửi công văn khẩn đến lãnh đạo các sở ban ngành, địa phương… yêu cầu theo dõi chặt chẽ diễn biến cơn bão Haiyan để kịp thời chỉ đạo phòng chống, kiên quyết không để thiệt hại về người và hạn chế thấp nhất thiệt hại tài sản.

Tại Đà Nẵng, có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp tới. Đà Nẵng đã có công điện khẩn trong đó yêu cầu các quận huyện, sở ban ngành triển khai ngay công tác phòng chống bão lũ; thông báo cho người dân biết để chủ động phòng chống, yêu cầu người dân không có trách nhiệm không ra đường khi bão đổ bộ vào đất liền.

Ngày 8/11, TP Đà Nẵng vừa có quyết định sẽ hoàn thành sơ tán 19.388 hộ với hơn 73.384 người trước 19 giờ ngày 9/11, theo phương châm sơ tán tại chỗ, kêu gọi người dân có nhà kiên cố an toàn tại địa phương cho người dân cùng tránh trú bão.

Hiện nay, tàu thuyền của TP Đà Nẵng đang tổ chức eo đậu an toàn cho 1.830 tàu thuyền tại khu trú bão Thọ Quang và vịnh Mân Quang và đang đưa hơn 140 tàu thuyền trên sông Hàn về nơi neo đậu an toàn, không có tàu nào ở khu vực nguy hiểm.

Ngoài ra, Quân khu 5 sẽ thành lập ngay Sở Chỉ huy tại Đà Nẵng và hai Sở Chỉ huy cơ động tại Sư đoàn 315 (huyện Núi Thành, Quảng Nam); Sở Chỉ huy cơ động tại Bình Định. Quân khu 5 đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị có kế hoạch di chuyển các phương tiện xe máy ra khỏi nhà xe. Đề phòng sự cố sập đổ nhà xe; đưa các loại thuốc men, đạn dược, lương thực thực phẩm cho vào bao gói cẩn thận và có kế hoạch sơ tán.

Sở Xây dựng TP Đà Nẵng đã đề nghị các chủ đầu tư, chủ quản lý sử dụng cẩu tháp xây dựng phải tuân thủ việc hạ cần trục và neo giằng khi có gió bão, đảm bảo theo nguyên tắc hạ cần trục tháp xuống sát mặt sàn trên cùng.


Người dân Đà Nẵng chèn chống nhà cửa.

Tuyến đê đê biển Cửa Đại, TP Hội An đang thi công được đắp bao cát chống sạt lở.

Người dân neo đậu tàu thuyền cẩn thận tại âu thuyền Thọ Quang, Đà Nẵng.

* Quảng Ngãi: Di dời khẩn cấp hơn 5.000 hộ dân

Theo dự báo, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, từ chiều tối ngày 8.11, vùng biển phía Đông biển Đông gió mạnh dần lên cấp 9, cấp 10, sau tăng lên cấp 12, cấp 13. Khả năngbão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định, trong đó Quảng Ngãi có nguy cơ ảnh hưởng rất cao, nhất là các huyện phía Bắc của tỉnh này.

Theo nhận định, siêu bão Haiyan khi đổ bộ vào đất liền sẽ có sức tàn phá lớn, chính vì vậy công tác di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm, nhất là vùng sạt lở núi, ven sông, ven suối và những vùng hạ lưu dưới các hồ đập cũng được Quảng Ngãi đặt lên hàng đầu. Theo Ban Chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh này, hiện số hộ dân của các huyện nằm trong kế hoạch sơ tán khi bão đổ bộ vào là 54.050 hộ, với 216.000 nhân khẩu.

Trong đó, đặc biệt có 5.189 hộ, với 21.370 khẩu có mức rủi ro cao trước ảnh hưởng của gió bão, mưa lớn, ngập lụt, sạt lở đất; hạ du công trình thủy điện ở các huyện thuộc khu vực phía Bắc tỉnh gồm: Bình Sơn, Sơn Tịnh, Trà Bồng, Tây Trà, Sơn Hà, Lý Sơn cần phải di dời khẩn cấp.

Một vấn đề nữa cũng đang là mối quan ngại lớn của Quảng Ngãi hiện tại là khi siêu bão Haiyan đổ bộ vào, đó là an toàn cho các hồ chứa nước, công trình thủy điện trên địa bàn tỉnh. Theo thống kê thì hiện trên địa bàn tỉnh này có 117 hồ chứa nước lớn nhỏ. Trong đó có 15 hồ chứa nước có dung tích trên 3 triệu m3, còn lại là dưới 3 triệu m3. Tuy nhiên có 98 hồ được xây dựng trước năm 1989, nhiều công trình đang xuống cấp.

Ông Nguyễn Nhung- Giám đốc Công ty khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi, cho biết: Hiện các công trình do công ty quản lý đã có phương án đối phó khi mưa bão. Trong các hồ chứa nước thì hồ  Đá Bàn là hồ có nguy cơ nhất, bởi mực nước của hồ này  hiện nay đã vượt tràn. Nếu trong những ngày tới có mưa lớn thì nguy cơ mất an toàn là rất lớn. Hiện Công ty đã có kế hoạch di dời hơn 50 hộ dân sống ở vùng hạ lưu hồ Đá Bàn.

Trước những diễn biến phức tạp của siêu bão Haiyan có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh Quảng Ngãi. Tại cuộc họp khẩn vào ngày 8/11, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ đã một lần nữa khẳng định rằng, siêu bão Haiyan là cơn bão đáng lo ngại nhất từ trước đến nay, bởi phạm vi rộng cũng như tốc độ của nó. Chính vì vậy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ yêu cầu các địa phương, đơn vị chủ động phương tiện, bố trí lực lượng sẵn sàng ứng phó, không chủ quan lơ là dù chỉ một phút.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ yêu cầu các địa phương khẩn trương rà soát số hộ dân ở những vùng trọng yếu, dễ xảy ra sạt lở như ven biển, sông, suối, núi để có phương án sơ tán, di dời; huy động mọi phương tiện, nguồn lực hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa, di dời tài sản đến nơi an toàn. Việc di dời dân phải hoàn thành vùng hạ du. Đồng thời thông báo, vận động nhân dân dự trữ lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm cần thiết đề phòng mưa lũ chia cắt.

Các lực lượng biên phòng, quân đội, công an cần sẵn sàng về phương tiện, con người để giúp dân di dời nhà cửa cũng như giúp dân khắc trước 17 giờ ngày 9/11.

Bộ đội biên phòng, các huyện ven biển, hải đảo cần khẩn trương hướng dẫn sắp xếp khu neo đậu tàu thuyền và các loại phương tiện vận tải thủy; kiên quyết kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động ở khu vực nguy hiểm vào bờ hoặc tìm nơi trú ẩn an toàn. Tuyệt đối không cho tàu thuyền nào ra khơi trong thời gian cấm biển bắt đầu từ chiều ngày 8/11.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ cũng chỉ đạo các đơn vị, cần theo dõi sát diễn biến mực nước các hồ chứa thủy lợi, thuỷ điện, nhất là 32 hồ chứa xuống cấp cần triển khai ngay phương án đối phó, xác định địa điểm di dời dân ở phục hậu quả bão lũ. Thành viên Ban chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh cần phối hợp với các địa phương phân công, tổ chức kiểm tra phương án sẵn sàng đối phó với siêu bão Haiyan. Đẩy mạnh tuyên truyền, thông báo cho nhân dân diễn biến của bão Haiyan trên các phương tiện thông tin.

* Bình Định: Chủ động đối phó siêu bão Haiyan

Để chủ động đối phó, sáng 8/11, UBND tỉnh Bình Định đã khẩn cấp tổ chức họp trực tuyến để triển khai các giải pháp phòng chống siêu bão Haiyan.

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT Bình Định, trong những ngày qua, trên địa bàn tỉnh này có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to kèm dông.

Tổng số tàu thuyền của ngư dân Bình Định đang di chuyển, đánh bắt trên các ngư trường là 7.345 tàu/42.268 lao động.

Trong đó neo đậu, hoạt động ven bờ trong tỉnh là 4.679 tàu/21.107 lao động; khu vực phía Bắc từ Quảng Ngãi đến Quảng Ninh 183 tàu/1.273 lao động; khu vực phía Nam từ Phú Yên đến Kiên Giang 1.986 tàu/14.376 lao động; khu vực quần đảo Hoàng Sa 35 tàu/262 lao động; khu vực giữa Hoàng Sa và Trường Sa 60 tàu/450 lao động; khu vực quần đảo Trường Sa 129 tàu/903 lao động; vùng biển phía Nam quần Trường Sa 273 tàu/3.897 lao động.

Đặc biệt, hiện đang có 224 tàu/1.615 lao động nằm trong khu vực nguy hiểm của siêu bão Haiyan. Trong đó, khu vực quần đảo Hoàng Sa có 35 tàu/262 lao động, hiện các tàu này vừa đánh bắt vừa di chuyển về bờ để tránh bão; khu vực quần đảo Trường Sa 129 tàu/903 lao động hiện đã neo đậu tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa; khu vực giữa quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa 60 tàu/450 lao động đang di chuyển về bờ, chủ tàu đã nhận được thông tin về bão Haiyan, Bộ đội Biên Phòng và Chi cục KT-BVNLTS Bình Định đang tiếp tục theo dõi và giữ liên lạc với các tàu nói trên.

Nhóm 273 tàu/3.879 lao động đang ở phía Nam quần đảo Trường Sa đang ở khu vực an toàn; trong đó có 189 tàu/2.029 lao động đã có đơn của gia đình chủ tàu xin vào trú tại vùng biển Malaysia. Khu vực phía Nam từ Phú Yên đến Kiên Giang có 1.986 tàu/14.376 lao động làm nghề câu mực đã neo đậu tại khu vực an toàn. Khai thác ven bờ có 4.679/tàu 21.107 lao động đã về nơi neo đậu an toàn.

Đến thời điểm này, tại Bình Định còn 4.843 ha lúa chưa thu hoạch, trong đó Phù Mỹ 2.595 ha, Hoài Nhơn 1.257 ha, Phù Cát 596 ha, Vĩnh Thạnh 120 ha, Vân Canh 275 ha. Về nuôi trồng thủy sản hiện có 81 ha nuôi tôm chưa thu hoạch; 700 lồng nuôi cá biển, 701 lồng nuôi tôm hùm cần có biện pháp bảo vệ an toàn trong siêu bão Haiyan. Bình Định đang khẩn cấp kêu gọi 83 hộ nuôi hải sản lồng bè ở TP Quy Nhơn và 34 hộ nuôi cá lồng nước ngọt ở Vĩnh Thạnh rời lồng bè để bảo đảm an toàn trong bão.

Ông Phạm Trương, Phó chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn, cho biết: Với đặc thù là huyện có nhiều địa phương ven biển, do đó, để đối phó với siêu bão Haiyan, huyện này sẽ thành lập Trung tâm chỉ huy phòng chống bão tại thị trấn Tam Quan để trực tiếp theo dõi 6 xã ven biển, nhằm kịp thời di dời người dân trong vùng nguy hiểm khi có bão xảy ra. Huyện này đề nghị tỉnh có giải pháp tiếp ứng lực lượng nếu công tác di dời được thực hiện, vì với số dân cần di dời là có đến 8.900 người; ngoài ra tỉnh cần hỗ trợ ngay 50.000 bao cát để chằn chống tránh sạt lở đê sông và đê biển. Đặc biệt, Hoài Nhơn đang bố trí lực lượng trực 24/24 tại 5 hồ chứa đã xuống cấp nặng có khả năng mất an toàn.

Huyện Phù Cát cũng đang đặt nặng công tác di dời dân vì huyện này cũng có rất nhiều xã ven biển như: Cát Chánh, Cát Tiến, Cát Hải, Cát Minh…Từ chiều ngày 8.11, UBND huyện này sẽ phân công cán bộ xuống từng xã để bám sát tình hình để kịp thời chỉ đạo công tác phòng chống siêu bão Haiyan, đến hết bão mới về. Đồng thời, tổ chức trực 100% tại các xã Cát Hải, Cát Tiến, Cát Chánh để sẵn sàng công tác di dời, cứu hộ trên các sông. Công tác di dời dân khỏi vùng nguy hiểm cũng đang là mối lo lớn của huyện miền núi An Lão với 1.000 hộ dân. Huyện này đang tập trung mọi nguồn lực, chuẩn bị các phương tiện tại chỗ để phục vụ công tác di dời, nhất là tại các xã vùng cao nằm ở đầu nguồn.

Theo bà Trần Thị Thu Hà, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, công tác di dời dân khỏi vùng nguy hiểm phải hoàn thành trước chiều ngày 9/11. Đồng thời, những hộ dân hiện đang ở trong những ngôi nhà lợp tôn cũng phải được sơ tán đến những ngôi nhà an toàn. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, ông Hồ Quốc Dũng lưu ý, trong khi sơ tán dân,  các địa phương phải đặc biệt lưu ý đến sức khỏe của người dân và các ngành chức năng cùng accs địa phương phải sẵn sàng đầy đủ cơ số thuốc men, lương thực, thực phẩm để giúp dân sơ tán vượt qua cơn bão.

Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Định, ông Nguyễn Văn Thiện đề nghị các sở, ban, ngành liên quan và chính quyền các địa phương khẩn trương triển khai công tác phòng, tránh siêu bão Haiyan. Trong đó, phải đặc biệt quan tâm đến công tác di dời, tuyệt đối không để người dân nào thiệt mạng do siêu bão Haiyan gây ra. Tất cả các cơ quan phải làm việc cả ngày thứ Bảy và Chủ nhật để cùng các địa phương bám sát diễn biến bão, từng cơ quan phải phân công công tác cụ thể ho từng cán bộ trực bão. Các lực lượng quân đội, công an phải chuẩn bị sẵn sàng lực lượng để kịp thời ứng phó khi có yêu cầu. Ngoài ra, công tác khắc phục thiệt hại do bão gây ra cũng phải được chuẩn bị ngay từ bây giờ.

* Hà Tĩnh: Hoãn tất cả các cuộc họp để triển khai công tác ứng phó với siêu bão Haiyan

Ban Chỉ huy PCLB và TKCN Hà Tĩnh đã ban hành Công điện số 27/CĐ-PCLB,  chỉ đạo các địa phương và các ngành liên quan chủ động đối phó với bão.

Hiện toàn bộ số tàu cá của Hà Tĩnh 3.904 tàu với 14.175 lao động đã nắm được thông tin về bão HaiYan. Trong đó, có 103 tàu với 654 lao động đang hoạt động ở ngư trường Thanh Hoá, Hải Phòng và Quảng Ninh, Đà Nẵng và Bình Thuận đã vào bờ; số còn tàu thuyền còn lại đang được các cơ quan chức năng kêu gọi về nơi trú ẩn và tổ chức sắp xếp neo đậu đảm bảo an toàn.

Ông Lê Đình Sơn - Phó Chủ tịch UBND Tỉnh cho biết: Hà Tĩnh đang khẩn trương kêu gọi tàu thuyền vào nơi trú ẩn an toàn; họp bàn thống nhất vận hành hồ đập lớn; kiểm tra các hồ đập nhỏ và có phương án chủ động xử lý kịp thời; chuẩn bị phương án di dời dân và đảm bảo thông suốt các tuyền đường giao thông trọng điểm.

Bắt đầu từ ngày 9/11, hoãn tất cả các cuộc họp để chỉ đạo công tác triển khai công tác phòng chống bão.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Giông lốc gây thiệt hại tài sản, hoa màu của người dân Si Ma Cai

Lào Cai Giông lốc, mưa lớn gây ảnh hưởng đến mùa màng của người dân trên địa bàn huyện Si Ma Cai và huyện Mường Khương.

Bình luận mới nhất