U Minh (Cà Mau) là huyện có 4/6 xã, 38 ấp thuộc bãi ngang, ven biển và các ấp đặc biệt khó khăn. Những năm qua, nhờ thụ hưởng các nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, vốn 30a của Chính phủ, vốn Chương trình 135… nhiều hộ nghèo giảm bớt khó khăn, tăng thu nhập.
Đường về trung tâm xã được xây dựng từ nguồn vốn Chương trình 135 |
Phó Chủ tịch UBND huyện U Minh, Ngô Thanh Điền cho biết: Thực hiện chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng cho các xã, ấp đặc biệt khó khăn (giai đoạn 2016 – 2018), U Minh có 59 công trình đầu tư với tổng nguồn vốn ngân sách Trung ương và địa phương trên 26 tỉ đồng.
Theo đó, đã xây dựng và đưa vào sử dụng 44 công trình với chiều dài 36,3 km; 15 công trình đang thi công với chiều dài 17,5 km. Các công trình được đầu tư đã mang lại hiệu quả thiết thực, đảm bảo mục đích dân sinh. Diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, điều kiện sinh hoạt, giao lưu văn hóa cải thiện.
Bên cạnh đó, năm qua U Minh tạo điều kiện cho 329 hộ nghèo, 85 hộ cận nghèo và 1.101 hộ thoát nghèo vay vốn để phát triển kinh tế gia đình, với tổng số tiền hơn 32,5 tỉ đồng. Đặc biệt, huyện đã triển khai thực xây dựng 136 căn nhà cho hộ nghèo, 114 căn nhà theo Quyết định số 33 và 675 căn nhà theo Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ với tổng số tiền hơn 27,5 tỉ đồng.
Đồng thời, mua 86.717 BHYT, hỗ trợ tiền điện thắp sáng cho hơn 2.319 hộ nghèo và thực hiện tốt các chính sách cho người dân thuộc xã khó khăn, vùng bãi ngang ven biển với tổng trị giá các chương trình hơn 8,9 tỉ đồng...
“Nhờ thực hiện tốt các giải pháp trên mà đến cuối năm 2018 huyện U Minh chỉ còn 1.967 hộ nghèo, giảm 1.149 hộ so với đầu năm, tương đương giảm 4,29%, giảm 459 hộ cận nghèo, chiếm 1,06%. Điều đáng mừng là huyện không còn hộ gia đình chính sách nghèo” – ông Điền nói. |
Về xóm Khmer Lớn thuộc ấp 6, xã Khánh Hoà, hình ảnh đầu tiên ghi nhận được là đời sống của bà con ngày một thay da đổi thịt, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Ông Đào Thành, Trưởng ban trị sự Salatel ấp 6, xã Khánh Hòa cho biết: “Có đường làng sạch đẹp, việc đón lễ của bà con cũng vui vẻ hơn mọi năm, đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc được nâng lên đáng kể, bản sắc văn hóa dân tộc tiếp tục được phát huy, giữ gìn”.
Ông Đào Từ ở ấp 6, xã Khánh Hoà có 3 ha đất sản xuất lúa – tôm, trước đây, cuộc sống gia đình gặp khó khăn do thiếu vốn sản xuất. Được chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ vốn vay và hướng dẫn kỹ thuật sản xuất nuôi tôm, cá, sò huyết nên gia đình ông nhanh chóng thoát nghèo.
Khánh Tiến là xã bãi ngang ven biển, đời sống của một bộ phận người dân còn gặp nhiều khó khăn, từ đó ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình xây dựng nông thôn mới, nhất là tiêu chí hộ nghèo.
Việc giảm nghèo bền vững là bài toán khó. Nhưng với sự quan tâm giúp đỡ của các cấp, các ngành, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển các mô hình sản xuất hiệu quả như nuôi dê, nuôi tôm – cua kết hợp, nuôi tôm ít thay nước, nuôi rắn ri tượng, trồng màu… nhiều hộ mà đã có ý thức vươn lên thoát nghèo...
Mô hình nuôi tôm giúp người Khmer thoát nghèo bền vững |
Ông Đỗ Văn Quằng ở ấp 8, xã Khánh Tiến cho biết: “Nhờ được cấp trên quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ, hướng dẫn cách thức làm ăn, nhất là được tham gia các lớp tập huấn nên việc nuôi tôm đạt hiệu quả hơn trước. Giờ đây, cuộc sống đã ổn định nên tôi đăng ký thoát nghèo”.