| Hotline: 0983.970.780

Miệt Thứ hết cảnh lụy phà

Thứ Ba 21/01/2014 , 09:57 (GMT+7)

Tết này, về Miệt Thứ không còn cảnh “qua sông phải lụy phà” như trước nữa khi hai chiếc cầu vượt sông Cái Bé và Cái Lớn chính thức được thông xe.

Tết này, về Miệt Thứ không còn cảnh “qua sông phải lụy phà” như trước nữa khi hai chiếc cầu vượt sông Cái Bé và Cái Lớn chính thức được thông xe. Cú hích NTM đã và đang từng ngày làm thay đổi vùng quê Miệt Thứ, đói nghèo được đẩy lùi, xóm làng ngày càng thêm khởi sắc.

Quê hương cách mạng

Miệt Thứ hiện nay trải dài trên địa bàn hai huyện An Biên và An Minh. Xưa kia, khi nói đến Miệt Thứ, người ta nghĩ ngay đến một vùng quê xa xôi, hẻo lánh, là nơi “muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lềnh tựa bánh canh”. Từ TP. Rạch Giá (Kiên Giang), muốn đi đến Miệt Thứ phải đi qua phà vượt hai con sông Cái Bé và Cái Lớn. Xuống phà bên bến Tắc Cậu (Châu Thành) - cặp bến Xẻo Rô (An Biên) là đến vùng quê Miệt Thứ.


Cầu Thứ Mười Một vượt sông xáng Xẻo Rô tạo sự giao thương với các xã

Theo các cụ cao niên ở đây giải thích: “Miệt” là để chỉ vùng đất xa xôi, hẻo lánh (miệt vườn, miệt đồng); còn “thứ” là vì vùng đất này có rất nhiều con rạch nằm song song nhau, người xưa theo mốc thứ tự của các con rạch để đặt tên địa danh: Thứ Hai, Thứ Ba... Sau này, người ta đào thêm các con kênh nhỏ chen vào nên có thêm Thứ Tám Rưỡi, Thứ Chín Rưỡi…

Miệt Thứ xưa kia được bao bọc bởi rừng tràm ngập nước U Minh Thượng. Trong những năm tháng chiến tranh, Miệt Thứ là vùng căn cứ cách mạng nên phải hứng chịu biết bao bom đạn của kẻ thù.

Không ít những cây dừa đứng dọc theo kênh xáng Xẻo Rô hiện nay vẫn mang trên mình những thương tích của chiến tranh. Miệt Thứ gắn liền với vùng đất U Minh Thượng anh hùng, là điểm son trong lịch sử của Đảng bộ, quân và dân Kiên Giang. Chính nơi rừng thiêng nước độc này, Chi bộ Đảng đầu tiên của Kiên Giang đã được thành lập.

Do phải gánh chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh nên cả chục năm sau ngày giải phóng, Miệt Thứ vẫn là một vùng quê nghèo khó. Giao thông cách trở, phương tiện đi lại phổ biến nhất vùng này vẫn là xuồng ba lá, vỏ lãi… Kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào lâm sản từ rừng tràm và lúa mùa năng suất thấp.

 Vì vậy, xưa kia đi xuyên các kênh, rạch vùng Miệt Thứ, người ta chỉ thấy nhà tạm bợ bằng cây lá, hiếm khi thấy được nhà tường.

Cú hích NTM

Mấy vậy mà, chỉ hơn chục năm chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, con tôm sú được đưa vào thả nuôi luôn canh trên đất lúa, kinh tế nơi đây đã có bước phát triển vượt bậc. Đặc biệt là từ khi phong trào xây dựng NTM được triển khai, Miệt Thứ đã thay da đổi thịt từng ngày.

Tuyến QL 63 chạy dọc theo kênh xáng Xẻo Rô đã được bê tông hóa phẳng lỳ và hiện nay đang được đầu tư mở rộng thêm, trở thành một phần của tuyến đường xuyên Á. Hàng chục cây cầu trên tuyến được xây dựng mới, trong đó có hai cây cầu đặc biệt lớn là Cái Bé và Cái Lớn sắp được hoàn thành và đưa vào phục vụ nhân dân ngay trong dịp Tết Nguyên đán năm nay.

Ông Nguyễn Văn Danh, một lão nông ở ấp Xẻo Rô, xã Hưng Yên, An Biên phấn khởi cho biết: “Cách đây 3 năm, khi công trình mới được khởi công, người dân ở đây ai cũng háo hức chờ đợi ngày được đặt chân lên chiếc cầu mới, chấm dứt cảnh mấy chục năm lụy phà. Bây giờ niềm mơ ước ấy đã thành hiện thực. Giao thông phát triển”.


Đường GTNT ở Miệt Thứ được nhựa hóa

Nhìn những chuyến phà cuối cùng đưa khách vượt sông, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Xí nghiệp phà Tắc Cậu - Xẻo Rô, nói: “Khi cầu Cái Bé và Cái Lớn chính thức được thông xe, xí nghiệp cũng sẽ giải thể, kết thúc sứ mệnh lịch sử kéo dài 30 năm (1984 - 2014) của bến phà này”.

Không chỉ tuyến QL được thông suốt mà các con đường rẽ vào các thứ giờ đây cũng đã được bêtông hóa, nhựa hóa theo chuẩn NTM, đường liên ấp 2,5 m, đường liên xã 3,5 m. Nhà tường kiên cố thi nhau mọc lên thay cho những căn nhà lá.

 Những tiến bộ khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi được chuyển giao cho nông dân áp dụng vào đồng ruộng, năng suất tôm lúa được nâng lên, không ít hộ đạt mức thu nhập 80-90 triệu đồng/ha/2 vụ tôm lúa/năm.

Ông Ngô Trấn Hỷ, Phó trưởng phòng NN-PTNT An Biên cho biết, toàn huyện có 8 xã, trong đó có 2 xã Đông Yên và Tây Yên A là xã điểm NTM của tỉnh. Những năm qua, Chương trình xây dựng NTM được đẩy mạnh đã tạo sự thay đổi lớn cho bộ mặt nông thôn. Giao thông, thủy lợi được đầu tư xây dựng, tạo thuận lợi cho người dân đi lại, giao thương hàng hóa, phát triển SX.

Trong đó, mô hình tôm lúa đang được địa phương quan tâm đặc biệt, đẩy mạnh đầu tư, vì đây là mô hình thích nghi với điều kiện biến đổi khí hậu, rất phù hợp với những địa phương ven biển như An Biên.

Tại An Minh, phong trào xây dựng NTM những năm qua cũng phát triển rất mạnh. Ông Mạc Văn Tiện, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Hòa, xã dẫn đầu về xây dựng NTM của huyện cho biết, hai lĩnh vực được xã quan tâm đẩy mạnh đầu tư thời gian qua chính là giao thông và thủy lợi.

Trong đó, lĩnh vực giao thông đang phát triển rất mạnh, dự kiến năm 2014 này xã sẽ hoàn thành chỉ tiêu này theo hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm. Trong đó, tuyến đường xuyên Á đi qua địa bàn xã được hoàn thành sẽ là động lực, thúc đẩy giao thông của địa phương phát triển theo, tạo sự kết nối đồng bộ với trục đường chính.

Hiện nay, về Miệt Thứ, nhiều cây cầu vượt kênh xáng Xẻo Rô, các tuyến đường, các khu chợ nông sản dọc từ Thứ Hai đến Thứ Mười Một đã được hình thành. Nhờ đó, đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, thúc đẩy phát triển SX. Giờ đây, khi đặt chân đến vùng Miệt Thứ, cảm giác về một vùng quê nghèo khó đã không nữa mà thay vào đó là sự nhộn nhịp, sung túc của đời sống nông thôn mới đang ngày được hình thành.

THÔNG XE CẦU CÁI BÈ VÀ CÁI LỚN

Ông Nguyễn Minh Viễn, TGĐ TCty Cửu Long (thuộc Bộ GT-VT), đơn vị chủ đầu tư Dự án đường hành lang ven biển phía Nam cho biết, các đơn vị thi công đang gấp rút hoàn thành những công việc còn lại của phần đường dẫn hai bên để kịp thông xe cầu Cái Bé và Cái Lớn (ngày 22/1) nhằm phục vụ nhân dân đi lại thuận tiện trong dịp Tết Nguyên đán 2014.

Dự án đường hành lang ven biển phía Nam đoạn đi qua địa bàn tỉnh Kiên Giang có 2 hợp phần quan trọng là tuyến tránh TP. Rạch Giá và tuyến Minh Lương - Thứ Bảy. Tuyến Minh Lương - Thứ Bảy có tổng chiều dài 22,8 km, trên toàn tuyến có 12 cây cầu, gồm xây dựng mới 4 cầu, trong đó có 2 cầu đặc biệt lớn vượt sông Cái Bé và Cái Lớn, còn lại là nâng cấp mở rộng.

Tổng mức đầu tư của hợp phần này khoảng 60 triệu USD, riêng phần giá trị hợp đồng xây lắp là 43,38 triệu USD, do liên doanh Hàn Quốc là Cty Tư vấn DASAN-DOHWA làm tư vấn và Cty KUKDONG thi công. Việc thông xe cầu Cái Bé và Cái Lớn vào thời điểm này có ý nghĩa rất quan trọng, giúp nhân dân đi lại thuận tiện trong dịp Tết, tránh phải xếp hàng chờ nhiều giờ để qua phà.

Dự án đường hành lang ven biển phía Nam có điểm đầu từ Bangkok (Thái Lan) qua Campuchia và kết thúc tại TP. Cà Mau (Việt Nam), với tổng chiều dài 950 km. Đoạn đi qua Việt Nam dài 217 km, điểm đầu tại Cửa khẩu Quốc tế Xà Xía, TX. Hà Tiên, Kiên Giang và kết thúc tại tỉnh Cà Mau.

Dự án chia làm hai giai đoạn đầu tư xây dựng. Giai đoạn một có chiều dài 108,8 km, với tổng mức đầu tư 398 triệu USD, gồm nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ Hàn Quốc, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Úc và vốn đối ứng của Chính phủ VN.

Xem thêm
Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư 2 dự án dân cư nông thôn

Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư Dự án Khu dân cư nông thôn số 1 xã Ký Phú và Dự án Điểm dân cư nông thôn số 1 xã Bình Thuận (huyện Đại Từ).

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Trưng bày các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc

Quảng Bình mở một gian trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc 2024.

Bình luận mới nhất