| Hotline: 0983.970.780

Miếu Trò và tục thờ “cái ấy”

Thứ Năm 16/12/2010 , 15:21 (GMT+7)

Màn độc đáo nhất tạo nên sức hấp dẫn cho lễ hội Linh tinh tình phộc của làng Trám là Lễ Mật. Đây là màn lễ quan trọng nhất chốt lại một đêm vui tươi của lễ hội.

Ông Nguyễn Thành Ngữ, thủ từ miếu Trò làng Trám, xã Tứ Xá (Lâm Thao, Phú Thọ) hồ hởi tự hào khoe, vào giữa thời khắc giờ tý, ngày 11 tháng Giêng hàng năm, ông trang trọng xướng lên câu thần chú quen thuộc “linh tinh tình phộc”. Ngay lúc đó, chàng trai tay cầm bộ phận sinh dục nam (nõ) tiến thẳng về phía cô gái đang cầm bộ phận sinh dục nữ (nường) đâm liên tiếp ba lần vào nhau. Nếu âm thanh phộc… phộc… phộc… vang lên càng mạnh mẽ, dứt khoát thì năm đó dân làng được mưa thuận gió hòa mùa màng tốt tươi.

Truyền thuyết kể lại, làng Trám được khai sinh từ thời các vua Hùng. Người có công đầu tiên trong việc mở mang ra mảnh đất linh thiêng này là bà thủy tổ Ngô Thị Thanh, con gái cả của ông Ngô Quang Điện. Sau khi bà Thanh mất, để tưởng nhớ công ơn bà đã dạy người dân biết cách trồng trọt, chăn nuôi, múa hát và tổ chức các lễ hội, dân làng đã lập miếu thờ bà tại làng Trám. Chính vì vậy, miếu Trò còn có tên gọi khác là miếu Trám, hay miếu Đụ Đị nhằm nhắc nhở thế hệ mai sau về mảnh đất và sự tích người khai sinh ra nó.

Thủ từ Nguyễn Thành Ngữ cho hay, Lễ hội Linh tinh tình phộc được tổ chức thường niên vào ngày 11 tháng Giêng hàng năm với đầy đủ các phần lễ rước, hội và trò chơi như: Đi cấy, đi cày, đánh lờ, câu cá, cung bông, dệt lụa, mua xuân, bán xuân, dạy học… được thể hiện qua những điệu múa, màn biểu diễn, câu ca vui nhộn, độc đáo đặc sắc của mảnh đất Tổ. Lễ hội phản ánh sự gắn kết con người với cuộc sống lao động, ca ngợi tình yêu hạnh phúc lứa đôi.

Để cho chúng tôi dễ hình dung hơn và có dịp thưởng thức, ông Chử Đức Bách, Hội Cựu chiến binh xã Tứ Xã, đang ngồi cạnh ông Ngữ dùng tay múa những điệu uyển chuyển, nhịp nhàng rồi cất lên câu ca dao đã trở nên quen thuộc trong mỗi dịp lễ hội Linh tinh tình phộc ở làng Trám: Ước gì em hoá ra trâu/Anh hoá ra chạc xỏ nhau cả ngày/Ước gì em hoá lưỡi cày/Anh hoá thành bắp lắp ngay bây giờ. Câu ca kết thúc ông Bách lại tiếp tục xướng lên câu thứ hai: Người thời đi cấy lấy công/Tôi đây đi cấy lấy ông chủ nhà/Đi cấy thì gốc chổng lên/Ngọn thời cắm xuống mới nên mùa màng…

Tuy nhiên, theo ông Ngữ thì màn độc đáo nhất tạo nên sức hấp dẫn cho lễ hội Linh tinh tình phộc của làng Trám là Lễ Mật. Đây là màn lễ quan trọng nhất chốt lại một đêm vui tươi của lễ hội. Theo đó, vào đúng thời khắc giờ tý (từ 23 giờ hôm trước tới 1h sáng ngày hôm sau) các cụ bô lão trong làng sẽ mở màn bằng thủ tục cầu khấn tổ tiên thần linh cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, con cháu đầy nhà. Sau đó tất cả mọi ngọn nến, ánh đèn đều được thổi tắt. Một đôi trai tài gái sắc, khỏe mạnh được dân làng chọn từ trước sẽ bắt đầu buỗi lễ giao hoan.

Chàng trai đóng khố, cởi trần, đầu chít khăn đỏ tay cầm “nõ”, cô gái mặc yếm, váy ngắn thâm, đầu vấn khăn mỏ quạ cầm tay cầm “nường”. Sau khi làm lễ khấn thần miếu xong, cụ từ hô ba lần khẩu lệnh “Linh tinh tình phộc”, đôi nam nữ chạm mạnh “nõ” – “nường” vào nhau tạo nên những âm thanh phộc… phộc… phộc… Quan niệm của người xưa, khi hai vật này chạm đúng vào nhau thì năm đó dân làng sẽ có nhiều may mắn, sản xuất, chăn nuôi gặp nhiều thắng lợi.

Cụ ông Dương Văn Thâm (98 tuổi) người làng Trám nhớ lại rằng, thời cụ còn thanh niên trai tráng, sau màn Lễ Mật, cụ thủ từ sẽ hô to “Tháo khoán”. Đây là thời khắc mà thanh niên nam nữ trong làng yêu nhau mong chờ nhất vì khi đó những cặp uyên ương ấy có thể thoải mái rủ nhau ra rừng trám sau miếu Trò để “mây mưa trăng gió” một cách thoái mái mà không sợ bị dân làng lên án (ngày thường cấm kỵ không được bén mảng tới). Nếu đôi nào có tin vui sau ngày hôm đó sẽ được dân làng trọng vọng và thưởng rất nhiều đồ vật. Nhưng cụ Thâm cũng cho biết, do lối sống văn minh thay đổi nên giờ phong tục đó đã được lược bớt và thay vào đó là các hoạt động múa hát, thể thao.

Ngỏ ý muốn xem “linh vật” của miếu Trò, ông Ngữ nở một nụ cười xua tay nguây nguẩy: “Không được đâu anh ạ! Tục lệ của làng xưa nay bất biến là chỉ vào dịp 11 tháng Giêng hàng năm mới được mở hòm lấy hai vật đó ra, xong việc lại phải cất giữ cẩn thận vào luôn. Nếu anh muốn chiêm ngưỡng “cái ấy” thì chỉ còn cách đêm 11 tháng Giêng mời anh về tham dự Lễ hội Linh tinh tình phộc của làng tôi”. Dùng mọi cách nhằm thuyết phục ông thủ từ mở ba cái khóa để chúng tôi có dịp được chụp ảnh hai “cái ấy” nhưng bất thành, cuối cùng chúng tôi đành phải chụp lại cái ảnh mà ông thủ từ đưa cho.

Nhắc đến Lễ hội Linh tinh tình phộc, ông Hoàng Minh Tiến, cán bộ văn hóa xã Tứ Xá, phân bua: Trước đây, nhiều người hiểu lầm Lễ hội Linh tinh tình phộc là bậy bạ, dung tục nên có một thời gian dài miếu Trò bị xuống cấp nghiêm trọng, tưởng chừng bị lãng quên. Nhưng nhận thấy giá trị nhân văn cao cả của văn hóa phồn thực và tục thờ sinh khí thực có từ ngàn đời của cha ông ta nên vừa qua, Sở VH- TT & DL tỉnh Phú Thọ đã công nhận miếu Trò là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Và từ đây, những âm thanh linh tinh tình phộc sẽ còn vang vọng tới con cháu đời sau.

Xem thêm
Chương trình hành động của Chính phủ chống khai thác IUU

Mục đích của Chương trình hành động là xác định chống khai thác IUU là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa lâu dài đối với phát triển bền vững ngành thủy sản.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).