| Hotline: 0983.970.780

Miếu tưởng niệm người chết đói: Đoàn quân ma đói

Thứ Ba 05/08/2014 , 08:59 (GMT+7)

Làng Hoành Nhị khi ấy là trung tâm của huyện Giao Thủy (Nam Định). Sân vận động Hoành Nhị hồi ấy chẳng biết ở đâu ra có đến mấy trăm người đói thường ra nằm vạ vật./ Đói, đói và đói!

Ăn sạch cả cỏ

Những nhân chứng mà chúng tôi gặp, kể lại: Quanh đi quẩn lại trong đầu cũng vẫn chỉ là làm sao kiếm cái gì bỏ bụng mà không chết ngay được. Vườn nhà ai có chuối là không còn thân, còn củ.

Củ chuối đào lên gọt đi, bổ ra bỏ vào nồi đun nhiều lần cho chất chát đi hết, khỏi cồn ruột. Thân chuối bóc qua loa một hai lớp vỏ rồi cứ thế thái ra mà ăn sống. Tất cả những cây sung trong vùng cũng không còn một lá. Lúc đầu người ta hái lá non, sau cả lá già cũng bị vặt trụi để giã ra nấu cháo cầm hơi.

Hết thân chuối, lá sung người ta quay sang tìm cách ăn cỏ. Trừ những loại cỏ lá sắc nhọn trâu bò ăn thì thôi chứ các loại như má, ngổ dại, sam… đều bị nhổ lên, ăn cả thân lẫn rễ.

Từng đám người đi đứng dật dờ như những bóng ma trên đê sông Hồng. Ai cũng gầy trơ xương, teo tóp chẳng rõ là nam hay nữ, chỉ phân biệt được người lớn với trẻ con qua chiều cao.

Đám người đói lội ào xuống mương, xuống sông lùng bắt cua, bắt tôm, bắt ốc. Bắt được con nào là họ liền bỏ vào miệng nhai. Sức đề kháng yếu cộng với kiểu ăn sống nuốt tươi như vậy khiến cho thỉnh thoảng lại có người gục xuống, không kêu ca gì, quằn quại một hồi rồi đi.

Hồi đó, Giao Thủy gần như chỉ thông thương với thế giới bên ngoài bằng đường thủy. Ngoài bến tàu Bạch Thái Tòng chở khách từ Cồn Tư lên Nam Định còn có đò bà Cai Dĩnh chở khách xuyên mạn Hà Nam.

Bến vạ vật toàn người đói. Họ tha phương cầu thực từ vùng biển các xã Giao An, Giao Lạc, Giao Xuân, Giao Thiện lên Hà Nam đi gặt đồng chiêm. Không ai thuê họ lại trở về, kiệt sức rồi nằm cạnh miếu Bách Linh. Đói từ một chạp năm cũ sang đến giêng hai, ba năm mới là đỉnh điểm.

Theo quy định nhà nào có người chết thì họ hàng phải đi chôn nhưng lắm nhà họ hàng chết hết, cánh ngụ cư, ngoại cư phải làm thay việc. Đa số chỉ kéo lê mà chôn, không một manh chiếu đắp. Thỉnh thoảng người ta lại chứng kiến đàn chó nhà địa chủ vùng xích trốn ra ngoài cắn xé, tranh giành nhau những mẩu thi thể người chết đói.

Làng Hoành Nhị khi ấy là trung tâm của huyện Giao Thủy (Nam Định). Sân vận động Hoành Nhị hồi ấy chẳng biết ở đâu ra có đến mấy trăm người đói thường ra nằm vạ vật. Ngày, họ hầm hè, xông vào nhau cướp giật những lá bánh tẻ ở chợ mà nhai, nuốt hết nước mới nhả bã ra, mong sao có chút hơi gạo.

Tối, họ đốt lên những đống rấm, đứng, ngồi, nằm co cụm. Số đuối sức lả trước, số khỏe hơn cũng dần chết theo. Ước không dưới hai ba trăm người mất mạng.

Một buổi người ta phát hiện ra trong bát tiết canh của quán bán hàng cạnh sân vận động có sót một mẩu trông như ngón tay người. Tin lộ ra. Lý trưởng Hoành Nhị khi ấy là ông Tô Quảng Giáp ra lệnh cho người tới khám quán thì thấy có hai chiếc đầu lâu vứt lăn lóc ở gần đó. Chẳng biết là thực hay hư nhưng chuyện người ăn thịt người khi ấy chỗ nào cũng thấy đồn chứ không chỉ ở riêng Hoành Nhị.

Đói, bố mẹ không còn nói chuyện với con cái, vợ chồng không còn muốn nói chuyện với nhau. Ai muốn đi đâu thì đi. Những bà mẹ có con nhỏ cỡ hai ba tuổi thường phải dẫn con đi bỏ chợ.

Lắm đứa trẻ đã nhơ nhỡ biết tìm đường bò từ chợ về nhà lại bị mẹ đem bỏ ở một cái chợ khác, xa hơn, khó nhớ đường hơn. Ở nhà cầm chắc nó sẽ chết đói còn bỏ chợ biết đâu sẽ có một cơ hội sống sót dù chỉ là mỏng manh.

Bà Trần Thị Rụt (xã Hồng Thuận, huyện Giao Thủy) nhớ lại cảnh bố mẹ mình chết cách nhau chỉ có hai ngày. Mẹ chết hôm rằm đến hôm mười bảy thì bố chết. Mấy người anh đi ở đợ nhà địa chủ hết, bà Rụt cùng với đứa em nhỏ sống vất vưởng.

15-43-08_dsc_7867
Bà Rụt có cả bố lẫn mẹ đều chết đói

Ngày ngày, họ đi mót hạt cỏ lồng vực trên đồng về rang lên, giã nhỏ ra như cám để ăn. Mỗi buổi cật lực cũng được một bụm trong tay. Chuyện sống sót là một điều chính bản thân họ cũng không ngờ tới.

Chết no

Cuối tháng 4/1945, lúa trên đồng mỗi bông đã có dăm bảy hột chắc, khoai dưới luống củ đã to bằng ngón tay, ngón chân. Người đói đi ăn trộm lúa non, đào khoai nhỏ về nấu ăn. Miếng cơm ngày đói, càng ăn càng ngọt lừ trong miệng. Ăn mãi, ăn mãi đến căng cả bụng.

Cái dạ dày bấy lâu co hẹp lại bởi ăn cỏ, ăn lá không quen có hơi gạo liền sinh ra đau bụng, đi ỉa mà chết, đó là chết bệnh. Số người chết no, chết vì bội thực lúc ấy cũng vô số, ông Phạm Dần nằm trong đám ấy.

Trong những hố chôn tập thể đào nông choèn, xác người được quẳng liên tiếp xuống. Có người rơi xuống hố rồi mới tỉnh lại, ngắc ngoải kêu rên: “Đừng chôn tôi, đợi tôi chết hẳn đã”. Ước tính cả miền Bắc khi đó chết đói cỡ 2 triệu người, chiếm gần 1/3 dân số.

Người chết được quy tập về đám đất hoang quanh miếu Bách Linh. Đến lúc sức lực chôn không xuể người ta đành kéo những thân dứa gai đắp lên trên thi thể cho quạ diều khỏi mổ. Phù sa sông Hồng mỗi năm lại bồi thêm một lớp để hình thành bãi chôn tập thể khổng lồ.

Chút gì để nhớ

Quãng năm 50 của thế kỷ trước, Pháp mở chiến dịch Gờ Ra Ta. Chúng đập dỡ ngôi miếu lấy gạch lấp lối cho xe cóc bánh xích càn vào đồng Thập Phiên. Bốn bức tường giơ cả xương cốt trên nền trời xiêu vẹo, miếu trơ lại mấy bát nhang lỏng chỏng. Ngoài cổng người ta vẫn còn trông rõ một đôi ngựa đắp nổi tự đời nảo đời nào.

Năm 1973, xí nghiệp gạch ngói Giao Thủy lấy một phần đất miếu để sản xuất. Bà Vũ Thị Hằng khi đó là công nhân được phân công cầm cuốc, cầm xẻng trực tiếp đi đào. Chỗ đào ở ngay vị trí miếu Bách Linh.

Nhóm của bà Hằng có nhiệm vụ đào mấy chục cái sân phơi gạch. Xung quanh sân, họ phải khơi những rãnh thoát nước cho gạch khỏi bị ướt.

Những xẻng đất đầu tiên được hất lên đã lộ ra vô số xương người. Cái bó chiếu, cái chôn không. Manh chiếu đã đen xì, mủn ra trong đất nhưng vẫn có thể nhìn rõ những sợi ngang, sợi dọc in hằn hệt như một đống rơm ngày mùa đốt đi vẫn còn để lại nguyên hình thù tàn tro.

Tổ của bà Hằng gồm 14 người được phân công đào đắp, còn một tổ 4 người nam giới lực lưỡng có nhiệm vụ khiêng hài cốt di rời ra một quãng đê gần đó. Suốt một tháng ròng họ bê đi ngót ba trăm bộ xương nhưng cứ như lời bà Hằng đó là chỉ mới đào sơ sơ chưa đầy phân nửa diện tích quanh miếu. Nếu đào hết phải có cỡ 500- 600 bộ xương.

Ngôi miếu xưa đầu năm nay đã được người làng quyết định khôi phục lại. Họ san lấp 7.000m3 đất đá tạo nền rồi xây lên một cái miếu mới, khang trang, đẹp đẽ.

Tôi đến đây một trưa hè bỏng rát. Gió sông Hồng thổi phe phẩy từng cơn. Mùi hương trầm thơm bảng lảng lưng chừng. Lặng ngắm bãi đất mà nhóm công nhân xí nghiệp xưa từng di dời hàng trăm hài cốt người chết đói giờ đã thành ao, thành vườn, thành nhà gần hết.

Ở đó, mỗi lần đào móng hay bới nền người ta vẫn thấy vô số đầu lâu, xương sọ như di chứng của một thời đau đớn chưa xa. (Hết)

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chìm tàu kéo sà lan, 3 người chết, 2 người mất tích

Quảng Ngãi Tàu kéo theo sà lan bất ngờ bị chìm trên vùng biển gần đảo Lý Sơn. Lực lượng chức năng đã vớt được 3 thi thể, 2 thuyền viên còn lại đang mất tích.